Chuyên đề bồi dưỡng học sinh giỏi văn – Lý luận văn học

0
52568
logo A

MỤC LỤC BÀI VIẾT

Chuyên đề bồi dưỡng học sinh giỏi văn – Lý luận văn học

Tác phẩm tự sự không chỉ phản ánh cái phần tồn tại vật chất với các việc làm, hành động của con người. Nó cũng phản ánh thế giới bên trong bao gồm tâm trạng, cảm xúc, ý nghĩ của con người nữa”

(Theo Lí luận văn học – Phương Lựu (chủ biên) NXB GD năm 2000)

Em hiểu ý kiến trên như thế nào?

BÀI HS PHAN THU HIỀN – Huế

Mỗi thể loại văn học có một đặc trưng riêng của nó. Mặc dù cùng biểu hiện tư tưởng, tình cảm, nhưng tác phẩm trữ tình lại khác với tác phẩm tự sự. Nếu ở tác phẩm trữ tình, thế giới chủ quan của con người, tâm trạng, cảm xúc, ý nghĩa được trình bày trực tiếp và làm thành nội dung chủ yếu thì tác phẩm tự sự phản ánh đời sống con người qua tính khách quan của nó thông qua nhân vật cụ thể được miêu tả cả bên trong lẫn bên ngoài. Vì vậy, có thể nhận xét một điều là: “tác phẩm tự sự không chỉ phản ánh cái phần tồn tại vật chất với các việc làm, hành động của con người. Nó cũng phản ánh thế giới bên trong bao gồm tam trạng, cảm xúc, ý nghĩ của con người nữa”.

Xem thêm:

Tác phẩm văn học nói chung là một loại hình nghệ thuật lấy ngôn từ làm chất liệu sáng tác, là một phương thức để con người nhận thức, khám phá thế giới, trong đó nó đặc biệt quan tâm tới thế giới của con người với tất cả sự phong phú, tinh vi, đa dạng không bao giờ khám phá hết được. Văn học tồn tại dưới hình thức những tác phẩm cụ thể, tùy thuộc vào tính chất và phương thức biểu hiện mà người ta phân chia tác phẩm văn học ra những thể loại riêng, trong đó có tác phẩm tự sự. Tác phẩm tự sự được xây dựng nên từ nhiều yếu tố, mà nhân vật là yếu tố trung tâm của thể loại này. Xây dựng nhân vật là công  việc quan trọng hàng đầu của nhà văn. Tên tuổi của nhà văn thường được gắn liền với tên tuổi  của những nhân vật điển hình trong tác phẩm của họ. Nói đến Vũ Trọng Phụng là ta nhớ đến Xuân tóc đỏ, nói đến Nam Cao, ta lập tức liên tưởng đến Chí Phèo, bá Kiến, Lão hạc… Những nhân vật như thế đã gây cho người đọc cảm tưởng đó là những con người thật, thậm chí còn thật hơn cả những con người thật đang có mặt ngoài đời. Chúng không còn là những nhân vật trong sách mà chính là những con người bằng xươngbawngf thịt từ tác phẩm bước ra ngoài đời, sống như những con người đang sống xung quanh ta. Người đọc sau khi gấp sách lại vẫn còn thấy nhân vật đsng có mặt đâu đó, tiếp tục cuộc sống ngoài đời của chúng. Nhân vật văn học là sản phẩm của trí tưởng tượng , sáng tạo của nhà văn. Người đọc sở dĩ nhận ra được nhân vật là do nhân vật thường có tên, lai lịch, ngoại hình, hành động, ngôn ngữ, ý chí, cảm xúc… Các yếu tố này được thể hiện bằng nhiều chi tiết cụ thể, sinh động, gợi cảm. Do đó, nhà văn khi xây dựng nhân vật tập trung vào 2 phần chính, đó là “cái phần tồn tại vật chất với các việc làm, hành động” và “thế giới bên trong bao gồm tâm trạng, cảm xúc, ý nghĩ của con người”. Cái phần tồn tại vật chất bên ngoài ấy có thể hiểu là những thứ được biểu hiện ra bên ngoài nhân vật, mà trong đó, hành động là yếu tố rõ nét hơn cả. Hành động của nhân vật là những việc làm bộc lộ tính cách hay đánh dấu sự thay đổi về tính cách của nhân vật. Đối với Chí Phèo, đó là hành động chửi bới, đập đầu, rạch mặt ăn vạ, đó là những biểu hiện bên ngoài của một kẻ tha hóa về đạo đức, đang rơi vào tình thế bi kịch không lối thoát. Đó còn là hành động ngăn cản mối tình chớm nở của người bà cô Thị Nở. Thông qua đó, nhà văn giúp người đọc hiểu rõ hơn về hình ảnh của một bà cô già góa chồng với đầu óc, tư tưởng mê muội, cổ hủ, với những lễ giáo phong kiến ngặt nghèo. Hay để nói cô Tấm hiền lành, chăm chỉ, người ta kể cô chăm bắt tép trong khi Cám vẫn mải bắt bướm, hái hoa… Từ những hành động, những việc làm cụ thể đó, người đọc phần nào đã hình dung được bản chất, tính cách nhân vật mà nhà văn đã xây dựng trong tác phẩm của mình.

Nhân vật tự sự được khắc họa một cách khá đầy đặn, nhiều mặt và toàn diện hơn các nhân vật trữ tình và kịch là do tác phẩm tự sự không bị hạn chế về không gian và thời gian, nó có thể kể về những miền đất khác nhau, có thể lùi về dĩ vãng, kể lại những sự kiện đã xảy ra hàng bao thế hệ, hàng chục, hàng trăm năm trôi qua. Do vậy, nhân vật tự sự được miêu tả một cách toàn diện, không chỉ phần bên ngoài mà còn cả những điều không thể nói ra, những ý nghĩ, tình cảm, cảm xúc thầm kín, mong manh nhất. Nội tâm nhân vật cũng là một thế giới sinh động và phong phú hơn cả. Đó là thế giới riêng của tâm trạng, cảm xúc, ý nghĩ, đặc biệt là những thay đổi trong ý thức, thái độ sống và tâm lí nhân vật qua các giai đoạn. Thông qua những cảm xúc mong manh đó, nhà văn bộc lộ quan điểm cuộc sống và quan điểm nghệ thuật của bản thân. Đó có thể là tâm trạng háo hức đời đoàn tàu đêm từ Hà Nội đi qua cảu hai chị em Liên và An trong truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam. Thông qua đó, nhà văn thể hiện niềm xót thương vô hạn đối với những kiếp người nhỏ bé, vô danh không bao giờ biết được ánh sáng và hạnh phúc. Qua đó, tác giả đồng thời cũng muốn thức tỉnh tâm hồn uể oải đang lụi tắt ngọn lửa lòng khao khát được sống một cuộc sống có ý nghĩa hơn, khao khát được thoát khỏi cuộc đời tăm tối đang chôn vùi họ. Hay đó cũng có thể là tâm trạng của Chí Phèo vào buổi sáng hôm sau khi đã tỉnh rượu, hắn bắt đầu có những cảm xúc của một con người, lần đầu tiên sau khi ra tù, Chí biết xúc động trước những âm thanh bình dị của đời thường.

Chí nhớ về quá khứ, liên tưởng đến hiện tại và lo cho tương lai sau này. Chính những cảm xúc, những suy nghĩ đó đã cho thấy Chí Phèo đã được thức tỉnh và mong muốn được sống của một con người bình thường. Từ đây, nhà văn Nam Cao muốn khẳng định phẩm chất tốt đẹp và bản chất lương thiện của con người ngay cả khi họ đã bị vùi dập, mất đi cả nhân hình lẫn nhân tính.

Nhà văn khi xây dựng nhân vật nhằm mục đích thể hiện sâu sắc chủ đề của tác phẩm cũng như thể hiện tư tưởng, tình cảm của mình. Bên cạnh việc tạo dựng hình tượng nhân vật thông qua các hành động, việc làm cụ thể hay thế giới nội tâm tinh thần phong phú, nhà văn còn miêu tả, xây dựng thêm nhiều yếu tố khác như ngoại hình, ngôn ngữ, mối quan hệ của nhân vật để làm cho các hình tượng trong tác phẩm thêm màu sắc và sinh động hơn. Ngoại hình là dáng vẻ bên ngoài của nhân vật được nhà văn miêu tả trực tiếp trong tác phẩm, nhằm biểu hiện một phần tính cách, tâm hồn và số phận của nhân vật. Một Chí Phèo với cái đầu thì trọc lốc, cái răng cạo trắng hớn, cái mặt đen lại rất cơng cơng, hai mắt gờm gờm, cái ngực phanh ra đầy những nét chạm trổ rồng phượng với một ông tướng cầm chùy… Thoạt nhìn vẻ bề ngoài đó, người đọc đích thị sẽ nhận xét đó là một kẻ côn đồ hung hãn chỉ biết gây gỗ, đâm chém, là con quỷ dữ của làng Vũ Đại. Hay là hình ảnh một người đàn bà hàng chài xấu xí đã ngoài bốn mươi, “người cao lớn với những đường nét thô kệch”, “ khuôn mặt mệt mỏi sau một đêm thức trắng kéo lưới, tái ngắt và dường như đang buồn ngủ”. Đó là diện mạo của một người phụ nữ lam lũ, nhọc nhằn vì phải mưu sinh trên biển cả, sống nghèo đói trên chiếc thuyền với đàn con đông đúc và một ông chồng cục tính, thường xuyên đánh đạp vợ con. Chỉ với một số những đường nét phác họa bên ngoài mà đã làm cho hình tượng nhân vật dần rõ ràng và nổi bật hơn trong con mắt của bạn đọc.

Trong số những yếu tố tạo nên một tác phẩm tự sự, thì ngôn ngữ là một yếu tố quyết định đến sự thành công của tác phẩm, nhất là thể loại truyện. Nó là phương thức cơ bản để nhà văn bộc lộ chủ đề, tư tưởng tác phẩm, để nổi bật lên tính cách của nhân vật và thuyết phục người đọc đồng tình với mình về cách đánh giá đối với những hiện tượng và con người được miêu tả. Như Go-rơ-ki đã từng nói: “Ngôn ngữ là yếu tố thứ nhất của văn học”. Nam Cao khi mở đầu truyện ngắn “Chí Phèo” đã đưa vào tiếng chửi đời, chửi trời và chửi người của nhân vật Chí Phèo để giúp người đọc tiếp xúc trực tiếp với nhân vật. Thông qua tiếng chửi ấy, chân dung của Chí Pheif được hiện lên một cách chân thực, là một kẻ có tâm hồn dị hợm, méo mó, một nạn nhân đau khổ mang trong mình nỗi cô đơn, trống rỗng, tuyệt vọng, bị cự tuyệt quyền làm người. Sức nặng của ngôn ngữ là yếu tố chính để tạo nên sức ám ảnh của nhân vật trong lòng người đọc.

Nhà văn xây dựng nhân vật của mình trong các mối quan hệ của nó, mối quan hẹ giữa nhân vật với nhân vật như của Chí Phèo với Bá Kiến, của chị Dậu và cụ Nghị hay của 2 chị em Liên và An với mẹ con chị Tý… Bên cạnh đó, còn có mối quan hệ giữa nhân vật với hoàn cảnh sống, như Chí Phèo, thị Nở với hoàn cảnh xã hội của làng Vũ Đại, một xã hội thực dân nửa phong kiến với những lễ giáo phong kiến lạc hậu, một xã hội đã đẩy con người vào tình trạng túng quẫn, bần cùng và lưu manh hóa. Đặt nhân vật trong các mối quan hệ của nó, nhà văn muốn thông qua đó để tô đậm hơn bức chân dung của nhân vật và làm sáng rõ chủ đề của tác phẩm.

Nhân vật là yếu tố trung tâm trong tác phẩm tự sự, thể hiện cá tính sáng tạo của nhà văn. Để làm cho hình tượng nhân vật nổi bật và sống động, nhà văn luôn có sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố bên ngoài với nội tâm bên trong của nhân vật. Đây là hai nhân tố có tính chất thống nhất hữu cơ chặt chẽ với nhau, bổ sung cho nhau đê góp phần hoàn thiện nhân vật và thể hiện nội dung của tác phẩm. Bằng chứng là khi xây dựng hình tượng nhân vật Huấn Cao, nhà văn Nguyễn Tuân không chỉ miêu tả vẻ hiên ngang, khí phách bên ngoài nhân vật mà còn giới thiệu đó là một con người tài hoa, viết chữ đẹp, có cái tâm cao cả, một thiên lương trong sáng. Chính sự kết hợp giữa hành động, dáng vẻ bề ngoài với cốt cách tâm hồn cao đẹp bên trong đã đưa Huấn Cao trở thành một nhân vật lí tưởng, tỏa sáng xuyên suốt toàn bộ tác phẩm. Tuy nhiên, mỗi nhà văn lại có một cá tính sáng tạo khác nhau. Họ không bao giờ lặp lại chính mình hay lặp lại người khác. Tùy vào từng tác phẩm cụ thể, vào dụng ý nghệ thuật mà nhà văn có những cách kết hợp giữa yếu tố bên ngoài và bên trong khác nhau. Nếu trong “Hai đứa trẻ”, nhà văn Thạch Lam nghiêng về yếu tố nội tâm của hai nhân vật Liên và An để phát hiện và nâng niu những ước mơ đổi thay cuộc sống, thì trong tiểu thuyết “Số đỏ”, nhà văn Vũ Trọng Phụng chủ yếu xây dựng hình ảnh Xuân tóc đỏ thông qua dáng vẻ bề ngoài của một tên ma cà bông đầu đường xợ chợ lố lăng, dị hợm, chuyên gia dối trá, bịp bợm. Từ đó để nhà văn mở rộng ra bản chất của xã hội cũ – một xã hội “chó đểu”, Tây Tàu nhố nhăng, trắng đen lẫn lộn…

Tác phẩm văn học là đứa con tinh thần mà mỗi nhà văn đã cất công ấp ủ, thai nghén bao ngày để cho ra đời, là hình thức phản ánh con người và hiện thực đời sống xuất phát từ cảm xúc huyết mạch và lí tưởng của tác giả. Thông qua nhân vật trong tác phẩm, nhà văn gửi gắm vào trong đó tư tưởng, tình cảm cũng như quan niệm của mình về con người, cuộc sống và xã hội. Chẳng hạn Chí Phèo là hiện thân cho một kiếp người lương thiện bị chà đạp, làm biến dạng cả về nhân hình lẫn nhân tính. Số phận bi kịch của Chí là lời tố cáo, lên án xã hội áp bức, phi nhân tính đã chà đạp lên con người, đẩy con người vào bước đường cùng, đồng thời thể hiện lòng yêu thương của nhà văn đối với những nạn nhân trong xã hội đó. Đây chính là nội dung tư tưởng mà Nam Cao có dụng ý gửi gắm vào khi xây dựng nên hình ảnh nhân vật Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên của mình.

Tác phẩm tự sự là một chỉnh thể thống nhất giữa hai mặt nội dung và hình thức, mà trong đó nhân vật là yếu tố trung tâm và quan trong hàng đầu. Để khắc họa thành công một nhân vật tự sự, nhà văn luôn phải có sự kết hợp hài hòa, thống nhất giữa yếu tố vật chất tồn tại bên ngoài và thế giới nội tâm, tinh thần phong phú bên trong của nhân vật. Nhờ sự hớp kệp khéo léo và tài tình đó mà yếu tố nhân vật trong tác phẩm tự sự luôn được nổi bật, tỏa sáng và ghi dấu sâu sắc trong lòng người đọc.

logo A
Các bài khácNghị luận về câu chuyện Vết nứt và con kiến
Bài tiếp theoCho và Nhận
Phan Danh Hiếu
"Kiến thức nhờ nhận nhiều mà có, trái tim nhờ cho đi mà giàu". Chúng ta không thể sống chỉ biết nhận mà không biết cho. Vậy nên chia sẻ kiến thức văn chương ở đây cũng chính là cho đi. Và cho đi là còn mãi. Mỗi ngày tôi không ngừng lên mạng để đọc và viết. Đam mê gắn liền với tình yêu thương khiến bản thân luôn thấy cuộc sống này thật đẹp....