Tư tưởng Đất Nước của nhân dân trong bài thơ Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm

0
38024
logo A

MỤC LỤC BÀI VIẾT

Tư tưởng Đất Nước của nhân dân trong bài thơ Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm

Tư tưởng “Đất nước của nhân dân”  trong đoạn trích của Trường ca  “Mặt đường khát vọng”.

Gợi ý bài làm

I. MỞ BÀI

     Mở bài 1: “ Đất nước” là một đề tài cao đẹp nhất của văn học kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Với vốn hiểu biết sâu sắc về lịch sử và văn hóa dân tộc, Nguyễn Khoa Điềm trong trường ca “Mặt đường khát vọng” – 1974 đã có một khám phá thật mới mẻ và độc đáo về đất nước. Đó là đất nước của nhân dân, của ca dao thần thoại.

     Mở bài 2: Trong bản hợp xướng của thơ ca chống Mỹ, nổi lên những âm vang trầm hùng, sâu lắng thiết tha về đất nước. Đất nước hiện lên qua màu xanh “Tre Việt Nam” của Nguyễn Duy, trong dòng người cuồn cuộn trên “Đường tới thành phố” của Hữu Thỉnh, “Những người đi tới biển“ của Thanh Thảo. Đất nước đó cũng rung lên mạnh mẽ khi “Tuổi trẻ không yên”, những tà “áo trắng” đã “xuống đường” trong “Mặt đường khát vọng” (1974) của Nguyễn Khoa Điềm. Trong bản Trường ca chín chương sôi sục nhiệt huyết của tuổi trẻ trước vận mệnh của dân tộc, ông đã giành hẳn một chương (V) để nói về đất nước:

“ Để đất nước này là đất nước nhân dân

Đất nước của nhân dân, Đất nước của ca dao thần thoại”

     II. THÂN BÀI

1.Giới thiệu tác giả và tác phẩm.

2. Nội dung

2.1. Tư tưởng Đất nước của nhân dân đã xâu chuỗi mọi cảm xúc, chi tiết, hình ảnh thơ)

     Tư tưởng Đất nước của nhân dân đã thấm nhuần trong cả chương thơ về “Đất nước”.

Điều mà chúng ta dễ nhận ra trước tiên là tác giả đã sử dụng rộng rãi các chất liệu văn hóa dân gian. Nghĩa là văn hóa của nhân dân từ ca dao tục ngữ đến truyền thuyết, cổ tích, từ phong tục tập quán đến cuộc sống dân dã hàng ngày: miếng trầu, hạt gạo, hòn than, cái kèo, cái cột. Các chất liệu ấy đã tạo ra được một thế giới nghệ thuật hết sức quen thuộc gần gũi mà sâu xa, bay bổng của văn hóa dân gian Việt Nam bền vững và độc đáo. Đây không chỉ là sự vận dụng sáng tạo truyền thống văn hóa dân gian, mà chính là thấm nhuần quan niệm về đất nước của nhân dân, là sự thể hiện sâu sắc tư tưởng cốt lõi ấy trong cảm hứng và sáng tạo hình ảnh thơ của tác giả.

                            “ Khi ta lớn lên Đất nước đã có rồi

                            Đất nước có trong những cái ngày xửa ngày xưa mẹ thường hay kể

     Bằng giọng tâm tình như lời kể chuyện cổ tích, Nguyễn Khoa Điềm đã thể hiện những cảm xúc và suy tưởng của mình về đất nước. Cảm hứng có vẻ phóng túng, tự do như một thứ tùy bút bằng thơ, nhưng thực ra nó vẫn có một hệ thống lập luận khá chặt chẽ rõ ràng. Tác giả đã tập trung thể hiện đất nước trên các bình diện chủ yếu sau đây: Trong chiều dài thời gian lịch sử (quá khứ xa xưa cho đến hiện tại tương lai); trong chiều rộng không gian lãnh thổ, địa lý. Và cuối cùng là trong bề dày văn hóa, tâm hồn cốt cách. Ba phương diện ấy được thể hiện trong việc gắn bó thống nhất. Nhiều khi một chi tiết đưa ra cùng nói về cả mấy phương diện ấy của đất nước. Nhưng ở bất cứ phương diện nào, thì quan niệm “Đất nước của nhân dân” cũng là tư tưởng cốt lõi, là sợi chỉ đỏ xâu chuỗi mọi cảm xúc và suy tưởng cụ thể. Chính nhờ đó mà tác giả đã có những phát hiện mới mẻ, có chiều sâu nhiều khi ở chính những hình ảnh chất liệu quen thuộc.

2.2.Tư tưởng Đất Nước của nhân dân hiện lên trong chiều dài thời gian lịch sử.

     Nói về lịch sử mấy ngàn năm của đất nước, Nguyễn Khoa Điềm không dùng những sử liệu như nhiều nhà thơ khác. Ông dùng lối kể đậm đà của dân gian:

                    “ Đất nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn

                      Đất nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc”

     Hình ảnh thơ phải chăng đã gợi cho ta về sự tích trầu cau từ đời Hùng Vương dựng nước xa xưa, về truyền thuyết Thánh Gióng nhổ tre đánh đuổi giặc Ân đã đi vào lịch sử? Nghĩa là lịch sử đất nước được đọng lại trong từng câu chuyện kể, hiện hình trongmiếng trầu bà ăn”, trong “ cây tre đánh giặc”. Hay nói cách khác, đất nước đã nằm sâu trong tiềm thức mỗi người dân, trường tồn trong đời sống tâm hồn nhân dân qua bao thế hệ. Đó cũng chính là “Đất nước của nhân dân”.

     Vì vậy, khi nghĩ về mấy ngàn năm lịch sử của đất nước, tác giả không điểm lại các triều đại “từ Triệu, Đinh, Lý, Trần gây nền độc lập” ( Nguyễn Trãi);

                       “ Nước Việt nghìn năm Đinh, Lý, Trần, Lê

                          Thành nước Việt nhân dân trong mát suối

     Không nhắc lại tên tuổi những anh hùng lừng danh trong sử sách như Bà Trưng, bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung:

                        “ Hỡi Sông Hồng tiếng hát bốn nghìn năm;

                           Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?

Chưa đâu! Và ngay cả những ngày đẹp nhất

Khi Nguyễn Trãi làm thơ và đánh giặc

Nguyễn Du viết Kiều, đất nước hóa thành văn

Khi Nguyễn Huệ cưỡi voi vào cửa Bắc,

Hưng Đạo diệt quân Nguyên trên sóng Bạch Đằng”

mà Nguyễn Khoa Điềm đã nhấn mạnh đến muôn ngàn những con người bình dị vô danh:

                           “ Có biết bao người con gái, con trai

                            Trong bốn nghìn lớp người giống ta lứa tuổi

                            Họ sống và chết

                            Giản dị và bình tâm

                            Không ai nhớ mặt đặt tên

                            Nhưng họ đã làm ra đất nước”

     Những con người vô danh ấy chính là nhân dân vô tận đã tạo dựng và gìn giữ đát nước trải qua mọi thời đại. Họ không chỉ đánh giặc ngoại xâm, mà còn là người sáng tạo và truyền lại mọi giá trị vật chất và tinh thần cho mọi thế hệ nối tiếp nhau:

                             Họ giữ và truyền cho ta hạt lúa ta trồng

                             Họ truyền lửa qua mỗi nhà từ hòn than qua con cúi

                             Họ truyền giọng điệu mình cho con tập nói

                             Họ gánh tên làng tên xã trong mỗi chuyến di dân”

2.3. Tư tưởng Đất Nước của nhân dân hiện lên trong không gian cụ thể, nơi sinh tồn của cộng đồng.

Cùng với “thời gian đằng đẵng” là “không gian mênh mông” được tạo lập từ thuở sơ khai với truyền thuyết Lạc Long Quân – Âu Cơ “Đất là nơi chim về. Nước là nơi rồng ở”- Một đất nước đẹp đẽ và thiêng liêng biết bao!

     Nhưng đất nước cũng là cái không gian rất gần gũi với cuộc sống hàng ngày của mỗi người dân “Đất là nơi anh đến trường. Nước là  nơi em tắm” và đất nước ấy đã chứng kiến những mối tình đầu của biết bao lứa đôi:

                    Đất nước là nơi ta hò hẹn

                    Đất nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm”

     Từ quan niệm “ Đất nước của nhân dân”, tác giả đã có những phát hiện sâu sắc và mới mẻ về vẻ đẹp thiên nhiên đất nước gắn liền với con người, mà trước hết là những con người bình thường. Và chính những con người bình thường ấy đã làm nên vẻ đẹp muôn đời của thiên nhiên đất nước, một vẻ đẹp không chỉ mang màu sắc gấm vóc của non sông, mà còn là kết tinh vẻ đẹp tâm hồn, truyền thống dân tộc:

                   Những người vợ nhớ chồng còn góp cho đất nước núi Vọng Phu

                   Cặp vợ chồng yêu nhau góp nên hòn Trống Mái

                   Gót ngựa Thánh Gióng đi qua còn trăm ao đầm để lại”

rồi “người học trò nghèo góp cho đất nước mình núi Bút, non Nghiên”, cho đến những địa danh thật nôm na bình dị. “Những người dân nào đã góp tên ông Đốc, ông Trang, bà Đen, bà Điềm”. Từ đó, tác giả đã đi tới một nhận thức khái quát sâu xa:

Ôi đất nước sau bốn nghìn năm đi đâu ta cũng thấy

Những cuộc đời đã hóa núi sông ta”

2.4. Tư tưởng “Đất nước của nhân dân” hiện lên trong bề dày văn hóa

     Đất nước ấy còn có một bề dày văn hóa, tâm hồn cốt cách Việt nam. Cũng như hai phương diện trên, bề dày văn hóa không được nói đến qua các danh nhân văn hóa như Nguyễn trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Ngô Thì Nhậm… mà được thể hiện trong nguồn mạch phong phú của văn hóa dân gian để nêu lên truyền thông tinh thần và vẻ đẹp tâm hồn của nhân dân thấm nhuần sâu sắc tư tưởng “Đất nước của nhân dân, của ca dao thần thoại”. Trong các kho tàng văn hóa phong phú ấy, tác giả tìm thấy những vẻ đẹp nổi bật của tâm hồn tính cách Việt Nam. Đó là thật say đắm và thủy chung trong tình yêu: “ Yêu nhau từ thuở trong nôi”; “ Cha mẹ yêu nhau bằng gừng cay muối mặn”; Biết quý trọng tình nghĩa: “Biết quý công cầm vàng những ngày lặn lội”. Nhưng cũng thật quyết liệt với kẻ thù: “Biết trồng tre đợi ngày thành gậy. Đi trả thù không sợ dài lâu”. Ba phương diện quan trọng nhất của truyền thống nhân dân, dân tộc đã được ông nói lên sâu sắc, thấm thía từ những câu ca dao đẹp- những tiếng lòng của nhân dân trải qua từng thời kỳ lịch sử.

     III. KẾT BÀI

Tóm lại “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm là Đất nước của nhân dân, của ca dao thần thoại. Những thi liệu dân gian đậm đà chất thơ, được kết hợp với những suy nghĩ giàu chất trí tuệ đã tạo nên nét đặc sắc cho bài thơ. Đó là một đóng góp quan trọng của Nguyễn Khoa Điềm làm sâu thêm cho ý niệm về Đất nước của thơ ca chống Mỹ.

Và cứ thế nhân dân thường ít nói

Như mẹ tôi lặng lẽ suốt đời

Và cứ thế nhân dân cao vòi vọi

Hơn cả những ngôi sao cô độc giữa trời

                                                ( Những người đi tới biển- Thanh Thảo)

Giáo viên: Nguyễn Quang Ninh

Xem thêm: Tư tưởng Đất nước của nhân dân qua đoạn thơ : “Những người vợ…hoá núi sông ta”

logo A