Tài Liệu Ôn Thi Ngữ Văn THPT

Cảm nhận vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ qua khổ 7-8-9 của bài thơ Sóng

Cảm nhận vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ qua khổ 7-8-9 của bài thơ Sóng

Đề ra: Cảm nhận vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ qua đoạn thơ sau đây trong bài Sóng của Xuân Quỳnh:

 

Ở ngoài kia đại dương

Trăm ngàn con sóng đó

Con nào chẳng tới bờ

Dù muôn vời cách trở

 

Cuộc đời tuy dài thế

Năm tháng vẫn đi qua

Như biển kia dẫu rộng

Mây vẫn bay về xa

 

Làm sao được tan ra

Thành trăm con sóng nhỏ

Giữa biển lớn tình yêu

Để ngàn năm còn vỗ.

Tóm tắt bài làm

Xem đủ bài làm này : Tại đây

1. Khổ thơ thứ nhất, nhà thơ thể hiện niềm tin của mình vào tình yêu đích thực:

Ở ngoài kia đại dương

Trăm ngàn con sóng đó

Con nào chẳng tới bờ

Dù muôn vời cách trở

– Nhà thơ nhìn những con sóng ngoài đại dương và thấy được hàng trăm, hàng ngàn, hàng triệu con sóng biển. Và những con sóng đó đang hướng vào bờ dù gặp bao nhiêu khó khăn trắc trở. Đó cũng là ẩn dụ nghệ thuật để chỉ  tình yêu mãnh liệt của người con gái. Sóng xa vời cách trở vẫn tìm được tới bờ như tìm về nguồn cội yêu thương “con nào chẳng tới bờ”, cũng như anh và em sẽ vượt qua mọi khó khăn để đến với nhau, để sống trong hạnh phúc trọn vẹn của lứa đôi “dù muôn vời cách trở”. Bởi như ông bà ta từng nói:

Yêu nhau mấy núi cũng qua

Mấy sông cũng lội mấy đèo cùng qua

– Và gian nan thử thách là những điều không thể thiếu trong tình yêu lứa đôi. Nhưng qua thử thách tình yêu mới thực sự vững bền. Xuân Quỳnh cũng đã từng viết:

Tình ta như hàng cây

Đã qua mùa bão gió

Tình ta như dòng sông

Đã yên ngày thác lũ

(Thơ tình cuối mùa thu)

2. Nếu như những khổ thơ trước nhà thơ nói về niềm vui sướng dào dạt, những nhung nhớ giận hờn thì đoạn thơ này nhà thơ lại thể hiện những băn khoăn, lo lắng. Đó cũng là trực cảm của tình yêu:

Cuộc đời tuy dài thế

Năm tháng vẫn đi qua

Như biển kia dẫu rộng

Mây vẫn bay về xa

Nhà phê bình Chu Văn Sơn đã có một nhận xét rất hay về thơ Xuân Quỳnh như sau: “Thơ Xuân Quỳnh là thơ của một cánh chuồn chuồn bay tìm chỗ nương thân trong nắng nôi dông bão của cuộc đời … Thế giới thơ ca Xuân Quỳnh là sự tương tranh không ngừng giữa khắc nghiệt và yên lành với những biểu hiện sống động và biến hóa khôn cùng của chúng”. Có lẽ cũng là vì Xuân Quỳnh là người phụ nữ đa cảm luôn luôn dự cảm những giông bão cuộc đời dù lòng chị vẫn tin yêu. Trong tình yêu, Xuân Quỳnh cũng gặp nhiều trắc trở, những khổ đau, cay đắng. Bởi vậy, tình yêu với chị đôi khi chỉ là khoảnh khắc:

Em đâu dám nghĩ là vĩnh viễn

Hôm nay yêu mai có thể xa rồi

(Nói cùng anh)

Phan Danh Hiếu – GV chuyên luyện thi QG Ngữ văn – đã xuất bản nhiều sách tham khảo.

– Tác giả sử dụng phép so sánh: lấy cái không gian để nói cái thời gian. Xuân Quỳnh qua khổ thơ trên đã phần nào cho người đọc nhận thức rõ về những dự cảm và nỗi băn khoăn của chị. Những từ “tuy dài thế – vẫn đi qua – dẫu rộng” như chứa đựng ở trong nó ít nhiều nỗi âu lo và những ngậm ngùi. Cuộc đời tuy dài nhưng tuổi trẻ của mỗi con người là hữu hạn. Cho nên không thể ngăn nổi “năm tháng vẫn đi qua”. Giống như biển khơi kia “dẫu rộng” vẫn nào ngăn được một đám mây bay về cuối chân trời. Nhạy cảm với sự chảy trôi của thời gian nên Xuân Quỳnh tiếc cho sự hữu hạn của đời người. Ở điểm này, Xuân Diệu cũng rất đồng cảm với Xuân Quỳnh:

Lòng tôi rộng nhưng lượng trời cứ chật

Không cho dài thời trẻ của nhân gian

Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn

Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại

Còn trời đất nhưng chẳng còn tôi mãi

Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời

– Tuy thế nhà thơ vẫn tin tưởng, tin tưởng ở tấm lòng nhân hậu và tình yêu chân thành của mình sẽ vượt qua tất cả. Có thể nói Xuân Quỳnh yêu thương tha thiết, mãnh liệt nhưng cũng tỉnh táo nhận thức dự cảm những trắc trở, thử thách trong tình yêu đồng thời cũng tin tưởng vào sức mạnh tình yêu sẽ giúp người phụ nữ vượt qua thử thách đến với bến bờ hạnh phúc. Cho nên, sóng sẽ đến bờ, năm tháng sẽ đi qua thời gian dài đằng đẵng và mây nhỏ bé sẽ vượt qua biển rộng để bay về xa. Một loạt hình ảnh thơ ẩn dụ được bố trí thành một hệ thống tương phản, đối lập để nói lên dự cảm tỉnh táo, đúng đắn và niềm tin mãnh liệt của nhà thơ vào sức mạnh của tình yêu. Trong bài thơ “Thơ tình cuối mùa thu” chị cũng đã từng viết:

“Thời gian như là gió

Mùa đi theo tháng năm

Tuổi theo mùa đi mãi

Chỉ còn anh và em

Chỉ còn anh và em

Cùng tình yêu ở lại”

Chị thường đặt tình yêu giữa không gian bao la (biển khơi, đất trời, mây gió…) và thời gian bất tận (mùa thu đi, ký ức, “thời gian trắng”, “thời gian ơi sao không đổi sắc màu”…) để đi đến tận cùng xứ sở, đến tận cùng khổ đau của cuộc đời chị đã nếm trải. Cho nên, thật dễ hiểu cái khát vọng ngày càng dâng lên mãnh liệt khôn cùng trong trái tim người nữ thi sĩ của tình yêu và hạnh phúc đời thường. Phân tích khổ cuối ta sẽ thấy rõ điều đó. Phan Danh Hiếu – GV chuyên luyện thi QG Ngữ văn – đã xuất bản nhiều sách tham khảo.

3. Khổ thơ cuối, nhân vật trữ tình khao khát hòa tình yêu con sóng nhỏ của mình vào biển lớn tình yêu bao la, rộng lớn – để sống hết mình trong tình yêu, để tình yêu riêng hoá thân vĩnh viễn thành tình yêu muôn thuở:

Làm sao được tan ra

Thành trăm con sóng nhỏ

Giữa biển lớn tình yêu

Để ngàn năm còn vỗ.

Bốn câu thơ khép lại bài thơ “Sóng” là khát vọng mãnh liệt của nhà thơ Xuân Quỳnh. Đó là khao khát muốn mình “được tan ra” thành “trăm con sóng nhỏ”. Sóng chỉ thực sự là sóng khi nó hòa chung vào muôn điệu của đại dương bao la. Tình yêu của con người cũng vậy, nếu chỉ biết giữ cho riêng mình thì sẽ tàn phai theo năm tháng. Và tình yêu sẽ chỉ bất tử khi tình yêu đó hòa vào biển lớn của tình yêu nhân loại. Nhà thơ đã thể hiện một khát vọng mãnh liệt muốn làm trăm con sóng để hòa mình vào đại dương bao la, hòa mình vào biển lớn tình yêu để một đời vỗ muôn điệu yêu thương “Để ngàn năm còn vỗ”. Phải chăng đó là khát vọng muốn bất tử hóa tình yêu của nữ sĩ Xuân Quỳnh? Vâng! Đây chính là khát vọng mãnh liệt, tha thiết của người phụ nữ với trái tim hồn hậu, chân thành, giàu trực cảm.

Xuân Quỳnh viết bài thơ này vào những năm 1967, khi cuộc kháng chiến của nhân dân miền Nam ở vào giai đoạn ác liệt, khi thanh niên trai gái ào ào ra trận “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, khi sân ga, bến nước, gốc đa, sân trường diễn ra những “Cuộc chia ly màu đỏ”. Cho nên có đặt bài thơ vào trong hoàn cảnh ấy ta mới càng thấy rõ nỗi khát khao của người con gái trong tình yêu.

 4. Nghệ thuật: thành công của đoạn thơ là nhờ vào một số thủ pháp nghệ thuật: Ẩn dụ, nhân hóa, đối lập… kết hợp với thể thơ năm chữ đã làm nên những con sóng nhiều trạng thái tình cảm. Âm điệu, nhịp điệu như nhịp sóng thể hiện nhịp tâm hồn, nhịp tình cảm trong tâm hồn người phụ nữ; hình tượng sóng, hình tượng trung tâm, xuyên suốt bài thơ với đủ mọi sắc thái, cung bậc như tâm hồn người phụ nữ đang yêu. Cách xây dựng hai hình tượng song hành: sóng và em độc đáo.

Thầy giáo Phan Danh Hiếu

Xem bài làm đầy đủ đề thi này: Ở đây

Exit mobile version