Rừng xà nu thiên sử thi vọng về từ đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ
(Về truyện ngắn “Rừng xà nu” của nhà văn Nguyễn Trung Thành, SGK 12, tập 2)
Trung thành với bút pháp lí tưởng hóa, từ rất lâu, Nguyễn Trung Thành đã lặn lội tới khắp mọi miền Tổ quốc và cả mảnh đất xứ Quảng quê hương ông để tìm kiếm một hình mẫu người anh hùng cho riêng mình. Nhưng có lẽ, hiếm có vùng đất nào để lại cho ông nhiều ấn tượng như mảnh đất Tây Nguyên. Nếu cuộc đời và tài năng thiên bẩm cho Nguyễn Trung Thành cái nghiệp cầm bút thì có lẽ mảnh đất Tây Nguyên lại là nơi đưa lại cho ông cái duyên gắn bó với nơi này. Ở đây, ông đã tìm thấy một “Đất nước đứng lên” của riêng mình với hình tượng anh hùng Núp tạc vào sử sách hào hùng của một thời đánh Pháp. Bước vào cuộc kháng chiến chống Mĩ, cái duyên lại đưa Nguyễn Trung Thành trở lại với mảnh đất của những dãy đại ngàn hùng vĩ, của những cao nguyên mênh mông, bát ngát với những con người sống tự nhiên, hồn nhiên như cây cỏ mà kiên cường, bất khuất trong đấu tranh chống kẻ thù xâm lược. Bằng bút pháp lãng mạn, lí tưởng hóa, tình cảm sâu nặng với mảnh đất Tây Nguyên cùng tài năng thiên bẩm, Nguyễn Trung Thành đã tạo nên khúc tráng ca bất tử của đất và người Tây Nguyên thời đánh Mĩ – truyện ngắn “Rừng xà nu”. Đó thực sự là một thiên sử thi vọng về từ dãy đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ của một thời chiến đấu oanh liệt, hào hùng đã qua!
1) “Rừng xà nu” là câu chuyện kể về một thời, một đời và được kể trong một đêm:
Không gian, bối cảnh của “Rừng xà nu” chỉ gói gọn ở một buôn làng Xô Man nhỏ bé giữa dãy đại ngàn Trường Sơn; thời gian cũng chỉ là một đêm ngắn ngủi bên bếp lửa nhà ưng và câu chuyện cũng chỉ xoay quanh một nhân vật – Tnú – người con ưu tú của bản làng Xô Man. Ấy vậy mà người đọc lại cảm nhận được một không khí hào hùng, sục sôi của cả miền Nam thời đánh Mĩ. Ở đó có những con người sắt son một niềm tin vào Đảng. Niềm tin ấy xuất phát từ một chân lí hết sức giản dị: Cán bộ là Đảng. Đảng còn, núi nước này còn. Sự sống còn của Đảng là sự sống còn của buôn làng, của nhân dân. Bởi vậy, năm năm qua, dân làng Xô Man vẫn tự hào, chưa có người cán bộ nào bị giặc bắt và giết trong khu rừng của làng này. Bất chấp sự tàn bạo của kẻ thù, người dân nơi đây vẫn sắt son một lòng đi theo Đảng. Cái chết đầy đau thương của những anh Xút, bà Nhan cũng không làm cho họ mất niềm tin. Họ vẫn bảo vệ Đảng, bảo vệ cán bộ bằng chính sinh mạng và máu của mình. Hằng đêm, những con người nơi đây vẫn bí mật chuẩn bị vũ khí, đợi chờ lệnh cho đánh của Đảng để vùng lên tiêu diệt kẻ thù. Không khí của làng Xô Man cũng chính là không khí của cả miền Nam thời đánh Mĩ. Đó là không khí căng thẳng, sôi sục, dường như đang sắp vỡ tung ra thành ngọn lửa, thành làn sóng của sức mạnh căm thù, quật khởi để đốt cháy, cuốn phăng đi tất cả bè lũ xâm lược. Cái không khí đợi chờ lệnh cho đánh của Đảng ở làng Xô Man cũng giống như sự im lặng đáng sợ của không gian trước khi bầu trời nổi lên phong ba, bão tố. Sự kiện mẹ con Mai bị tra tấn tàn bạo đến chết, Tnú bị giặc bắt, đốt mười đầu ngón tay nhằm uy hiếp, khủng bố tinh thần người dân Xô Man đã bất chợt trở thành ngọn lửa châm ngòi cho cái kho thuốc nổ của lòng căm thù vốn lâu nay đã bừng bừng uất hận. Tiếng “giết”, “chém”, “chém hết” là âm thanh của lòng căm thù, là tiếng súng nổ rền vang báo hiệu cho một thời kì mới của cách mạng miền Nam đang sắp sửa bắt đầu. Xác mười tên lính giặc nằm ngổn ngang quanh nhà ưng báo hiệu cho một cuộc đụng độ quyết liệt, một mất một còn giữa nhân dân miền Nam, dân tộc Việt Nam với đế quốc Mĩ xâm lược và bè lũ tay sai của chúng. Trong cái đêm dữ dội ấy, cụ Mết, người lưu giữ truyền thống của làng Xô Man đã ra lời kêu gọi như một lời hiệu triệu, một lời hịch ngắn gọn, dứt khoát mà đanh thép, hùng hồn: Bắt đầu rồi! Mỗi người hãy tìm cho mình một cây mác, một cây dụ, một cây rựa. Ai không có thì vót chông. Năm trăm cây chông. Đốt lửa lên! Đêm hôm ấy, cả khu rừng làng Xô Man ầm ào, náo động. Đó cũng là cái không khí sục sôi của cả miền Nam trong phong trào Đồng khởi 1960, phá tan sự kìm kẹp của chế độ Mĩ – Diệm, mở ra một thời kì mới cho cách mạng Việt Nam và công cuộc thống nhất nước nhà. Trong những ngày sôi sục, dữ dội, quyết liệt, hào hùng năm 1965, khi nhân dân miền Nam và cả dân tộc Việt Nam đang bước vào cuộc đụng độ lịch sử với đế quốc Mĩ hùng mạnh thì lời khẳng định của cụ Mết: Chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo đã trở thành một bài học lịch sử thiêng liêng: Phải cầm vũ khí đứng lên tiêu diệt kẻ thù, bảo vệ buôn làng và đất nước, quê hương. Mượn lời nói của cụ Mết, Nguyễn Trung Thành muốn gửi gắm một thông điệp: Trong cuộc chạm trán với đế quốc Mĩ và bè lũ tay sai, muốn giải phóng, thống nhất đất nước; muốn thoát khỏi thân phận nô lệ thì không có cách nào khác là phải dùng bạo lực cách mạng để đập tan bạo lực phản cách mạng. Con đường giải phóng cho nhân dân miền Nam, dân tộc Việt Nam lúc bấy giờ không có con đường nào ngoài con đường đấu tranh vũ trang. Bởi vậy, tuy viết về cuộc nổi dậy của một buôn làng Xô Man nhỏ bé dưới dãy đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ trong những năm Đồng khởi 1960, nhưng “Rừng xà nu” của nhà văn Nguyễn Trung Thành đã trở thành gương mặt soi bóng cho cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam suốt một thời đánh Mĩ vinh quang và rất đỗi hào hùng!
2) “Rừng xà nu” là câu chuyện kể về những người anh hùng của núi rừng Tây Nguyên thời đánh Mĩ!
Có một sự tiếp nối liên tục, liền mạch giữa những con người làng Xô Man trong cuộc kháng chiến chống Mĩ trường kì và anh dũng. Giống như những cánh rừng xà nu trải dài trong màu xanh bất tận, “cạnh một cây xà nu mới ngã gục đã có bốn năm cây con mọc lên, ngọn xanh rờn hình nhọn mũi tên lao thẳng lên bầu trời”, những con người như cụ Mết, Tnú, Mai, Dít và cả cậu bé Heng đều là những dòng chảy liên tục, không ngừng nghỉ. Ở họ, ta cảm nhận được tất cả sự yêu thương, niềm tin, vẻ đẹp, lòng anh dũng và quả cảm mà những người dân làng Xô Man đã gửi gắm. Nói cách khác, những con người ấy là những khuôn mặt đại diện cho phẩm chất chung của cả cộng đồng, là tấm gương soi chiếu cho khát vọng, ý chí và phẩm chất của cộng đồng ấy. Cụ Mết là biểu tượng của truyền thống anh dũng, bất khuất của dân làng Xô Man. Ông đóng vai trò là người lưu giữ và truyền lại cho những thế hệ đi sau sức mạnh quật cường của biết bao thế hệ đi trước với lời nhắn nhủ hùng hồn, tha thiết: “Nhớ lấy, ghi lấy. Sau này tau chết rồi, bay còn sống phải nói lại cho con cháu: Chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo!” Bởi thế, khi cụ Mết cất tiếng nói, mọi người đều im lặng, trang nghiêm lắng nghe bởi họ cảm nhận được sự thiêng liêng trong từng lời nói, từng câu chuyện mà ông cụ kể. Trong ý thức của mình, tập thể dân làng Xô Man đã gửi gắm ở cụ Mết niềm tin về vai trò của một người giữ lửa, một người lưu giữ truyền thống của cộng đồng, dân tộc. Như một cuộc chạy tiếp sức giữa các thế hệ, ngọn lửa của lòng căm thù và truyền thống quật cường, bất khuất lại được các thế hệ đi trước truyền lại cho thế hệ đi sau. Ý thức rất rõ vai trò và trách nhiệm mà cộng đồng đã gửi gắm ở bản thân, những con người như Tnú, Dít tiếp tục gánh vác niềm tin mà cả cộng đồng làng Xô Man đã gửi gắm nơi họ. Sự gan góc, kiên cường từ thuở nhỏ của Dít đã góp phần hình thành nên bản lĩnh vững vàng ở người con gái này. Trong bão táp chiến tranh, Dít nhanh chóng trưởng thành. Người con gái trẻ tuổi ấy giờ đây đã là một cô chính trị viên xã đội đường hoàng, chững chạc, chịu trách nhiệm lãnh đạo phong trào đấu tranh của buôn làng Xô Man. Dù vậy, dẫu rất nhớ và mong được gặp lại Tnú, Dít vẫn luôn ý thức được vai trò của mình trước tập thể. Trong phút đầu gặp gỡ, cô giữ thái độ nghiêm khắc và lạnh lùng khi hỏi giấy cấp trên cho Tnú về nghỉ phép. Nếu Tnú không có thì với cô, cách xử lí cũng rất đơn giản: ủy ban phải bắt thôi! Nghĩa là ở Dít, cô phân biệt rất rõ ràng, rạch ròi giữa tình cảm riêng tư và trách nhiệm trước tập thể, giữa tình cảm gia đình với quyền lợi của cộng đồng, dân tộc. Còn Tnú, ngay từ nhỏ, khi xung phong vào rừng nuôi cán bộ, cậu bé ấy đã ý thức rất rõ vai trò của mình sau này lớn lên sẽ thay anh Quyết lãnh đạo phong trào cách mạng của làng Xô Man. Cái hành động chỉ tay vào bụng mình khi bị giặc bắt để dõng dạc bảo: Cộng sản ở đây! thể hiện cho sự tự giác cao độ trong ý thức cách mạng, trong niềm tin tuyệt đối vào Đảng. Và sau này, khi đã trở thành một anh bộ đội giải phóng, lên đường chiến đấu, Tnú vẫn luôn hiểu rằng, dân làng Xô Man đang ngày đêm dõi theo và tin tưởng ở anh. Bởi vậy, dù rất nhớ và mong được về thăm làng, nhưng Tnú cũng chỉ trở về khi được cấp trên cho phép và cũng chỉ về trong một đêm. Dù ở đâu, làm gì, anh đều luôn cố gắng sống và chiến đấu làm sao cho xứng đáng với niềm tin yêu của dân làng, xứng đáng là người con ưu tú, là tấm gương để hằng đêm bên bếp lửa nhà ưng, cụ Mết giáo dục truyền thống cho lớp lớp cháu con. Những con người như cụ Mết, Tnú, Dít thực sự là những dòng sông âm thầm bồi đắp truyền thống cho những thế hệ kế tiếp. Họ đích thực là những khuôn mặt soi bóng, đại diện cho những phẩm chất ưu tú của cả cộng đồng, là sự kết tinh cho những vẻ đẹp của cả cộng đồng ấy trong cuộc kháng chiến chống Mĩ anh dũng và hào hùng của dân tộc Việt Nam!
3) “Rừng xà nu” là khúc tráng ca vọng về từ dãy đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ!
Âm hưởng bao trùm truyện ngắn “Rừng xà nu” của nhà văn Nguyễn Trung Thành là âm hưởng ngợi ca hào hùng về sức sống bất diệt của thiên nhiên và con người Tây Nguyên thời đánh Mĩ. Bằng những câu văn giàu chất tạo hình với thủ pháp nhân hóa, liên tưởng, so sánh bất ngờ, độc đáo, hình ảnh khu rừng xà nu kiên cường giữa đạn đại bác quân thù mãi mãi chạm khắc vào tâm trí độc giả ấn tượng về sức sống trường tồn, bất diệt của dân tộc Việt Nam trong một thời máu lửa: “Trong rừng ít có loại cây sinh sôi nảy nở khỏe như vậy. Cạnh một cây xà nu mới ngã gục, đã có bốn năm cây con mọc lên, ngọn xanh rờn, hình nhọn mũi tên lao thẳng lên bầu trời. Cũng có ít loại cây ham ánh sáng mặt trời đến thế. Nó phóng lên rất nhanh để tiếp lấy ánh nắng, thứ ánh nắng trong rừng rọi từ trên cao xuống từng luồng lớn thẳng tắp, lóng lánh vô số hạt bụi vàng từ nhựa cây bay ra, thơm mỡ màng”. Dẫu có mất mát, đau thương, song ấn tượng đọng lại ở người đọc vẫn là màu xanh ngút ngàn kéo dài mãi tới tận chân trời của những cánh rừng xà nu bất tận. Vang vọng mãi đâu đây là lời thách thức đầy ngạo nghễ của cụ Mết: “Không gì mạnh bằng cây xà nu đất ta. Cây mẹ ngã, cây con mọc lên. Đố chúng nó giết hết cánh rừng xà nu này”. Đó là âm hưởng về sự trường tồn, bất diệt vọng về từ dãy đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ. Những con người ở làng Xô Man này cũng chính là một cánh rừng xà nu kéo dài mãi tới tận chân trời. Viết về họ, Nguyễn Trung Thành muốn ngợi ca sự kiên cường, anh dũng của cả Tây Nguyên, của miền Nam và của cả dân tộc Việt Nam trong cuộc chiến đấu một mất một còn với đế quốc Mĩ và bè lũ tay sai để giữ gìn màu xanh hòa bình của đất nước. Dẫu còn đó những mất mát, đau thương: những con người như anh Xút, bà Nhan, như mẹ con Mai có thể bị giết hại nhưng ngọn lửa của lòng yêu nước vẫn mãi mãi cháy sáng như bếp lửa trên nhà ưng. Tnú có thể bị giặc bắt, bị đốt mười đầu ngón tay, song kẻ thù không thể nào dập tắt nổi lòng yêu nước của những con người nơi đây. Lời hiệu triệu thiêng liêng của cụ Mết: “Chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo” và khung cảnh làng Xô Man ầm ào, náo động trong đêm chuẩn bị khởi nghĩa đã trở thành âm hưởng hào hùng bao trùm thiên hùng ca “Rừng xà nu” của nhà văn Nguyễn Trung Thành. Hằng đêm, bên bếp lửa, cụ Mết vẫn kể lại cho lớp lớp cháu con truyền thống của làng Xô Man, có đau thương, mất mát nhưng rất đỗi anh dũng và tự hào. Nó nhắc nhở cho những thế hệ kế tiếp ý thức được trách nhiệm phải viết tiếp trang sử vẻ vang của cả cộng đồng. Đồng thời, gieo lại cho tất cả chúng ta niềm tin về sức sống bất diệt của Tây Nguyên, của miền Nam trong cuộc đương đầu với đế quốc Mĩ. Dẫu kẻ thù có tàn bạo bao nhiêu đi chăng nữa, qua “Rừng xà nu”, Nguyễn Trung Thành dường như đang muốn nhắn nhủ tới tất cả chúng ta một thông điệp: Dân tộc Việt Nam vẫn quyết không khuất phục, vẫn đủ sức đương đầu để chiến đấu và chiến thắng!
Xem thêm: Bức tranh Rừng xà nu
Bánh xe của lịch sử lại tiếp tục những vòng quay bình thản, an nhiên như chính sự lạnh lùng của thời gian vốn dĩ vẫn vậy. Trên thân thể đất nước, màu xanh cây cối đang phủ lấp dần “những cánh đồng quê chảy máu”; vết thương trên thân thể rồi cũng dần dần lành sẹo theo thời gian, nhưng những mất mát, đau thương mà dân tộc ta phải gánh chịu trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước thì vẫn mãi còn đó như một di chứng nặng nề, đau đớn và ám ảnh: những hàng mộ liệt sĩ chưa biết tên xếp trắng trời những nghĩa trang, những bà mẹ đang đêm đêm dõi theo bóng con về, những đứa trẻ nhiễm chất độc da cam ngơ ngác, ngây ngô đến tội nghiệp và đau đớn … Tất cả như đang nhắc nhở chúng ta đừng “như một cánh rừng cỏ lau đầy sức sống, rất chóng lãng quên những con người đã ngã xuống”. Thiên hùng ca “Rừng xà nu” của nhà văn Nguyễn Trung Thành nhắn nhủ mỗi người trong chúng ta không được phép lãng quên quá khứ, một quá khứ đau thương mà hào hùng của dân tộc, một thời kì mà nói như lời của cố Tổng bí thư Lê Duẩn đã từng khẳng định: “Chúng ta chịu đựng được không phải chúng ta là sắt thép. Vì sắt thép cũng tan chảy dưới bom đạn của bọn chúng. Chúng ta chịu đựng được, đơn giản, bởi chúng ta là những con người, những con người chân chính, những con người Việt Nam”!
Thái Văn Phú
GV trường THPT Quỳnh Lưu 2
Xã Quỳnh Văn – huyện Quỳnh Lưu – tỉnh Nghệ An