MỤC LỤC BÀI VIẾT
So sánh liên hệ tình huống truyện Chiếc thuyền ngoài xa và Chữ người tử tù
Đề ra: Phân tích tình huống truyện Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu. Liên hệ tình huống truyện “Chữ người tử tù” (Nguyễn Tuân)
HƯỚNG DẪN
I. MỞ BÀI
Nguyễn Minh Châu khi bàn về tình huống truyện đã từng phát biểu: “…những người cầm bút có cái biệt tài có thể chọn ra trong cái dòng đời xuôi chảy một khoảnh khắc thời gian mà ở đó cuộc sống đậm đặc nhất, chứa đựng nhiều ý nghĩa nhất, một khoảnh khắc cuộc sống…nhưng bắt buộc con người ở vào một tình thế phải bộc lộ ra cái phần tâm can nhất, cái phần ẩn náu sâu kín nhất, thậm chí có khi là khoảnh khắc chứa đựng cả một đời người, một đời nhân loại”. Với ý nghĩa đó, truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” quả thật là một “khoảnh khắc chứa đựng cả một đời người” khi xây dựng thành công tình huống truyện độc đáo mang tính nhận thức, khám phá phát hiện đời sống.
II. THÂN BÀI
1. Khái quát
– Nhà văn Nguyễn Minh Châu là nhà văn giàu tâm huyết, luôn trăn trở về một nền văn học xứng đáng với tầm vóc dân tộc và với sự kì vọng của nhân dân. Nguyên Ngọc gọi ông là: “người mở đường tinh anh và tài năng”.
– Trước 1975, sáng tác của Nguyễn Minh Châu mang cảm hứng sử thi lãng mạn, huyền ảo tạo nên vẻ đẹp rực rỡ của các tác phẩm thời chiến. Sau 1975, cảm hứng của ông dần dần chuyển sang tính chất triết luận về những giá trị nhân bản đời thường, khám phá ý nghĩa bản chất con người trong cuộc mưu sinh, trong hành trình nhọc nhằn kiếm tìm hạnh phúc và hoàn thiện nhân cách.
– “Chiếc thuyền ngoài xa” được in lần đầu tiên trong tập “Bến quê”, sau được tác giả lấy làm tên chung cho cả tuyển tập truyện ngắn của mình, in năm 1987. Trong thiên truyện ngắn này, Nguyễn Minh Châu đã tạo dựng được một tình hưống truyện vô cùng đặc sắc.
HÃY ĐĂNG KÝ KÊNH YOUTUBE CỦA THẦY ĐỂ NHẬN BÀI GIẢNG. BẤM VÀO
2. Nội dung
2.1. Tình huống truyện là gì?
– Là hoàn cảnh riêng được tạo nên bởi một sự kiện đặc biệt khiến cho tại đó, cuộc sống hiện lên đậm đặc nhất và ý đồ tư tưởng của tác giả cũng được bộc lộ sắc nét nhất. Theo Nguyễn Minh Châu, “tình huống truyện là lát cắt của đời sống mà qua đó ta thấy được cả trăm năm của loài thảo mộc”.
– Tóm tắt tình huống truyện: Đó là tình huống nhận thức trước một hiện tượng đầy nghịch lí của cuộc sống. Nghệ sĩ Phùng đến vùng biển miền Trung chụp ảnh làm lịch và tiếp cận được cảnh chiếc thuyền ngoài xa trong sương sớm hết sức thơ mộng. Ngay sau đó, tại bãi biển, anh chứng kiến nghịch cảnh của cuộc sống – đó là cảnh bạo hành trong gia đình hàng chài sống trên chính chiếc thuyền kia. Ths Phan Danh Hiếu
2.2. Tình huống truyện trong “Chiếc thuyền ngoài xa” được xây dựng qua việc phát hiện ra những nghịch lí của Phùng, một nghệ sĩ nhiếp ảnh săn tìm cái đẹp ở ngoài bãi biển và ở toà án huyện:
a. Ở ngoài bãi biển, nghệ sĩ Phùng đã phát hiện ra một cảnh đẹp trời cho mà cả đời bấm máy anh chỉ có diễm phúc bắt gặp được một lần: Anh đã “phục kích”mất mấy buổi sáng và cả tuần lễ suy nghĩ và tìm kiếm. Và cuối cùng anh mới tìm được một cảnh ưng ý. Đó là tấm ảnh nghệ thuật có một không hai trong sự nghiệp cầm máy của Phùng. Bức ảnh hiện lên trong tầm ngắm thật tuyệt diệu: “Mũi thuyền in một nét mơ hồ loè nhoè vào bầu sương mù trắng như sữa có pha đôi chút màu hồng hồng của ánh sương mai chiếu vào”. Không gian là mặt biển sương mù; thời gian là lúc sáng sớm, đêm chưa tan hẳn, ngày thì cũng chỉ mới bắt đầu. Sắc màu có sự trộn lẫn của màu trắng đục và màu hồng hồng. Trong cảnh tinh mơ và chớm bình minh ấy, chiếc thuyền ngoài xa hiện lên “loè nhoè”, mơ hồ như thực, như ảo. Đó quả thật là một khoảnh khắc, một “cảnh đắt trời cho” như chính Phùng thú nhận. Bố cục tấm ảnh cũng được Phùng chọn điểm rất phù hợp: “Tất cả khung cảnh ấy nhìn qua những cái mắt lưới và tấm lưới nằm giữa hai chiếc gọng vó hiện ra dưới một hình thù y hệt cánh một con dơi”. Cảnh cũng có sự hài hoà giữa thiên nhiên và con người. Mui thuyền thì được miêu tả “khum khum”, có bóng người lớn lẫn trẻ con đang ngồi im phăng phắc.
Xem ngay: so sánh liên hệ người đàn ông hàng chài và Tràng
Cảnh đẹp, lãng mạn, hài hoà từ đường nét đến màu sắc, ánh sáng. Phùng nhận định rằng: “toàn bộ khung cảnh từ đường nét đến ánh sáng đều hài hòa và đẹp, một vẻ đẹp thực đơn giản và toàn bích”. Ths Phan Danh Hiếu Chính vẻ đẹp đẽ ấy của ngoại cảnh mang lại đã góp phần làm thăng hoa trái tim người nghệ sĩ. Một khoảnh khắc khám phá phát hiện ra cái đẹp của thiên nhiên tạo vật – con người. Phùng xúc động, ngỡ ngàng trước vẻ đẹp tinh khôi của chiếc thuyền lúc bình minh. Phùng trở nên “bối rối, trong trái tim như có cái gì bóp thắt vào”. Tâm hồn anh bỗng thấy trong ngần. Phùng như đang bay lên, đang thăng hoa cùng cái đẹp. Cái đẹp đã thanh lọc tâm hồn con người, khiến con người trở nên thánh thiện, cao thượng. Phùng vui sướng khi khám phá ra chân lý của sự toàn thiện: bản thân cái đẹp chính là đạo đức. Thế là nhịp tay liền với nhịp tim, Phùng đã chụp liền hết ¼ cuộn phim để thu hết cái khoảnh khắc tuyệt diệu, trong ngần ấy. Tấm ảnh này, sau đó đã trở thành kiệt tác nghệ thuật của Phùng.
b. Nhưng ngay sau đó, người nghệ sĩ lại phát hiện ra một sự thực trớ trêu và đầy nghịch lí như trò đùa quái ác của cuộc sống. Cảnh thiên nhiên toàn bích nhưng cảnh đời thì đen tối. Anh đã chứng kiến từ chiếc thuyền ngư phủ đẹp như trong mơ ấy bước ra một người đàn bà xấu xí mệt mỏi và cam chịu, một lão đàn ông thô kệch dữ dằn độc ác, coi việc đánh vợ như một phương cách giải toả những khổ đau của cuộc đời. Phùng cay đắng nhận thấy: hoá ra đằng sau cái vẻ đẹp thơ mộng của “chiếc thuyền ngoài xa” trên biển sớm mờ sương lại là một sự thực tàn nhẫn của bi kịch gia đình. Đằng sau cái vẻ đẹp ấy mới là sự thực của cuộc đời. Cái vẻ đẹp bên ngoài ấy nhiều khi thường đánh lừa ta như vậy. Ths Phan Danh Hiếu
c. Tại toà án huyện, Phùng lại tiếp tục phát hiện ra những nghịch lý:
Người đàn bà chịu nhiều thua thiệt, mang số phận éo le, cuộc đời chất chồng những cay đắng khổ đau: vất vả trong công cuộc mưu sinh, thường xuyên bị hành hạ về thân xác, đau khổ dằn vặt về tinh thần. Nhưng chị dứt khoát van xin toà “đừng bắt con bỏ nó”.
Nghịch lý: người có thiện chí giúp đỡ nạn nhân lại bị nạn nhân từ chối quyết liệt…
Ở chị vẫn ngời lên chất ngọc lấm láp từ cuộc sống còn nhiều vất vả đắng cay: nhẫn nhịn, chịu đựng hi sinh vì con, là người đàn bà từng trải sâu sắc, thấu hiểu mọi lẽ đời, vị tha, nhân hậu, bao dung, biết chắt chiu từng niềm vui nho nhỏ để làm nên ý nghĩa cuộc đời.
Nghịch lý: Người vợ tốt lại bị chồng ngược đãi; vợ bị bạo hành nhưng vẫn cam chịu, quyết không bỏ chồng, lại còn bênh vực kẻ vũ phu đó…
2.3. Ý nghĩa tình huống truyện:
a. Giúp nhà văn gửi gắm những thông điệp tư tưởng và nghệ thuật:
* Thông điệp về cách nhìn cuộc sống:
Cái đẹp ngoại cảnh có khi che khuất cái xấu của đời sống (ban đầu Phùng ngây ngất trước cái đẹp bề ngoài của hình ảnh con thuyền, về sau anh nhận ra vẻ đẹp ngoại cảnh đó đã che lấp cuộc sống nhức nhối bên trong con thuyền). Cái xấu cũng có thể làm cái đẹp bị khuất lấp (tìm hiểu sâu gia đình hàng chài, Phùng lại thấy cuộc sống nhức nhối ấy làm khuất lấp nhiều nét đẹp của không ít thành viên trong gia đình). Ths Phan Danh Hiếu
Về phía nhân vật Đẩu, anh nhận ra: Đằng sau cái vô lí là cái có lí (việc người đàn bà bị hành hạ là vô lí, nhưng người đàn bà ấy không muốn rời bỏ chồng lại có lí riêng); đằng sau cái tưởng chừng đơn giản lại chứa chất nhiều phức tạp (ban đầu, Đẩu tưởng li hôn là cách giải quyết dứt điểm được sự việc, sau anh nhận ra quan hệ của họ có nhiều ràng buộc phức tạp hơn nhiều). Muốn giải quyết những vấn đề của cuộc sống, không chỉ dựa vào thiện chí, pháp luật hoặc lí thuyết sách vở, mà phải thấu hiểu cuộc sống và cần có giải pháp thiết thực. Ths Phan Danh Hiếu
Từ sự phức tạp ấy, Nguyễn Minh Châu đã để Phùng nhận ra rằng: để hiểu được sự thật đời sống không thể nhìn đơn giản, người nghệ sĩ phải có cái nhìn đa chiều và sâu sắc hơn. Bởi cái bên ngoài chưa hẳn là bản chất thật bên trong, nhiều khi còn đối lập với phẩm chất bên trong, không phải bao giờ cái Đẹp cũng thống nhất với cái Thiện, vì thế, cần phải có cái nhìn đa chiều sâu sắc, cảm thông với cuộc sống và con người.
* Thông điệp nghệ thuật: Thể hiện tuyên ngôn nghệ thuật về trách nhiệm người nghệ sĩ: Không nên tách rời nghệ thuật với cuộc đời, cần phải rút ngắn khoảng cách giữa cuộc đời và nghệ thuật; nghệ sĩ không được nhìn cuộc đời bằng con mắt đơn giản, dễ dãi, phải có tấm lòng, có can đảm, và biết trăn trở về con người.
b. Tình huống truyện góp phần làm nên giá trị hiện thực và nhân đạo của tác phẩm:
– Giá trị hiện thực: Cuộc sống đói nghèo lạc hậu tăm tối là nguyên nhân dẫn tới nạn bạo hành gia đình. Cuộc chiến đấu bảo vệ quyền sống của cả dân tộc trải qua bao hi sinh gian khổ nhưng cuộc đấu tranh bảo vệ quyền sống của từng con người còn đầy cam go, lâu dài, cần có sự quan tâm của cách mạng, của cộng đồng. Ths Phan Danh Hiếu
– Giá trị nhân đạo: Sự chia sẻ cảm thông của tác giả với những số phận đau khổ tủi nhục của những người lao động vô danh đông đảo trong xã hội. Lên án, đấu tranh với cái xấu, cái ác vẫn còn tồn tại trong từng gia đình. Phát hiện, ngợi ca những phẩm chất tốt đẹp của người lao động.
2.4. Nghệ thuật:
+ Trần thuật khách quan, hấp dẫn.
+ Xây dựng tình huống truyện mang tính nhận thức, khám phá.
+ Miêu tả tâm lý nhân vật thông qua hành động.
+ Ngôn ngữ chọn lọc, tinh tế.
3. Liên hệ tình huống truyện “Chữ người tử tù” (Nguyễn Tuân)
a. Giới thiệu ngắn gọn về Nguyễn Tuân và “Chữ người tử tù”:
– Nguyễn Tuân là “người nghệ sĩ suốt đời đi tìm và phụng sự cái Đẹp” và cũng là cây bút rất mực tài hoa, uyên bác. Nhà văn thường quan sát, miêu tả thế giới ở phương diện thẩm mĩ và đánh giá con người dưới góc độ tài hoa, nghệ sĩ.
– Truyện ngắn “Chữ người tử tù” trích trong tập “Vang bóng một thời” (1940) là tác phẩm tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân trước Cách mạng. Tác phẩm được đánh giá là “gần đạt đến sự hoàn mĩ”. Ths Phan Danh Hiếu
b. Điểm giống:
– Đều là những tình huống tạo sự bất ngờ, kịch tính, tạo nên sức hấp dẫn cho tác phẩm.
– Cả hai tình huống đều mang tính khám phá, ngợi ca cái đẹp; cái tài của người nghệ sĩ…
c. Điểm khác:
– Tình huống truyện “Chiếc thuyền ngoài xa” là tình huống mang nhận thức mang tính khám phá, phát hiện đời sống; truyện ngắn “Chữ người tử tù” là tình huống hành động.
* Tình huống truyện độc đáo của truyện ngắn “Chữ người tử tù”:
– Đó là cuộc gặp gỡ kì lạ đầy éo le, trớ trêu giữa Huấn Cao và viên quản ngục. Trớ trêu thay trên bình diện xã hội, Huấn Cao và quản ngục là những kẻ đối địch nhau, là kẻ thù của nhau. Trên phương diện tài hoa, nghệ sĩ, họ lại là những người bạn tri âm, tri kỉ của nhau. Một người là nghệ sĩ, sáng tạo cái đẹp; một người biết thưởng thức và trân trọng cái đẹp. Một người khí phách hiên ngang, cứng cỏi đỉnh thiên lập địa; một người ngưỡng mộ khí phách, biết “biệt nhỡn liên tài”. Ths Phan Danh Hiếu
– Đó là một cuộc gặp gỡ kì lạ: không gian diễn ra cuộc gặp gỡ là chốn ngục tù, ẩm thấp, bẩn thỉu. Thời gian diễn ra cuộc gặp gỡ cũng rất ấn tượng: đó là những ngày cuối cùng của người tử tù trước khi bị giải về kinh chịu án chém.
* Ý nghĩa của tình huống truyện:
Góp phần làm tăng kịch tính của tác phẩm: cuộc gặp gỡ éo le tưởng chừng như đối lập nhưng được mở nút bằng cảnh cho chữ – “một cảnh tượng xưa nay chưa từng có”. Đó là một cảnh tượng thiêng liêng bi tráng: người tù viết chữ trong tư thế: “cổ đeo gông chân vướng xiềng”; không gian nhà tù ẩm thấp, bẩn thỉu lại là nơi cái đẹp thăng hoa, cái tâm và cái tài lên ngôi; Huấn Cao lồng lộng uy nghi toả sáng bao nhiêu, bóng dáng của quản ngục, thơ lại càng bé nhỏ bấy nhiêu. Ths Phan Danh Hiếu
Góp phần thể hiện tư tưởng, chủ đề tác phẩm: khẳng định sự bất tử của cái đẹp, sự tất thắng của cái chân, cái thiện, cái mĩ trong cuộc đối đầu với những gì xấu xa, tăm tối, độc ác. Thông điệp nghệ thuật mà nhà văn gửi gắm qua tình huống truyện là thông điệp về sức mạnh cảm hóa kì diệu của nghệ thuật, của cái đẹp “Cái đẹp cứu rỗi nhân loại”
Góp phần bộc lộ tính cách nhân vật: nhân vật Huấn Cao vừa hiên ngang, dũng liệt vừa tài hoa nghệ sĩ lại giữ được thiên lương trong sáng, lành vững. Quản ngục cũng hiện lên là một người có khí phách, biết “biệt nhỡn liên tài”, trân trọng tài năng và khí phách. Thấp thoáng đâu đó trong bóng dáng của Quản ngục có bóng dáng của nhân vật Tống Giang trong Thuỷ Hử của Thi Nại Am, trọng nghĩa khí, mến tài hoa.
Thể hiện rõ nét phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân: một người nghệ sĩ tài hoa, đầy cá tính, luôn tìm tòi, khám phá cái đẹp, cái đẹp độc đáo, phi thường nhưng vẫn mang giá trị nhân văn sâu sắc. Ths Phan Danh Hiếu
Đánh giá: Cả hai tình huống truyện tuy khác nhau về cách xây dựng nhưng đều thể hiện những điểm nhìn nghệ thuật về con người và cái tâm, cái tài của người nghệ sĩ. Qua đó cho thấy tài năng bậc thầy truyện ngắn của hai nhà văn Nguyễn Tuân và Nguyễn Minh Châu.