Tài Liệu Ôn Thi Ngữ Văn THPT

Cảm nhận hình tượng người đàn bà hàng chài qua đoạn trích

MỤC LỤC BÀI VIẾT

Cảm nhận hình tượng người đàn bà hàng chài qua đoạn trích 

“Người đàn bà bỗng chép miệng, con mắt như đang nhìn suốt cả đời mình:

– Giá như tôi đẻ ít đi hoặc chúng tôi sắm được một chiếc thuyền rộng hơn, từ ngày cách mạng về đã đỡ đói khổ chứ trước kia vào các vụ bắc , ông trời làm động biển suốt hàng tháng, cả nhà vợ chồng con cái toàn ăn cây xương rồng luộc chấm muối…

-Lão ta trước hồi bảy nhăm cỏ đi lính ngụy không?-Tôi bỗng hỏi một câu như lạc đề.

-Không chú à cũng nghèo khổ, túng quẫn đi vì trốn lính – bỗng mụ đỏ mặt – nhưng cái lỗi chính là đám đàn bà ở thuyền đẻ nhiều quá, mà thuyền lại chật.

– Vậy sao không lên bờ mà ở – Đẩu hỏi.

– Làm nhà trên đất ở một chỗ đâu có thể làm được cái nghề thuyền lưới vó? Từ ngày cách mạng về, cách mạng đã cấp đất cho nhưng chẳng ai ở, vì không bỏ nghề được!

– Ở trên thuyền có bao giờ lão ta đánh chị không? – Tôi hỏi.

– Bất kể lúc nào thấy khổ quá là lão xách tôi ra đánh, cũng như đàn ông thuyền khác uống rượu… Giá mà lão uống rượu… thì tôi còn đỡ khổ… Sau này con cái lớn lên, tôi mới xin được với lão… đưa tôi lên bờ mà đánh…

– Không thể nào hiểu được, không thể nào hiểu được! – Đẩu và tôi cùng một lúc thốt lên.

– Là bởi vì các chú không phải là đàn bà, chưa bao giờ các chú biết như thế nào là nỗi vất vả của người đàn bà trên một chiếc thuyền không có đàn ông…

– Phải, phải, bây giờ tôi đã hiểu, – bất ngờ Đẩu trút một tiếng thở dài đầy chua chát, – trên thuyền phải có một người đàn ông… dù hắn man rợ, tàn bạo?

– Phải – Người đàn bà đáp – Cũng có khi biển động sóng gió chứ chú?

Lát lâu sau mụ lại mới nói tiếp:

– Mong các chú cách mạng thông cảm cho, đám đàn bà hàng chài ở thuyền chúng tôi cần phải có người đàn ông để chèo chống phong ba, để cùng làm ăn nuôi nấng đặng một sắp con, nhà nào cũng trên dưới chục đứa. Ông trời sinh ra người đàn bà là để đẻ con, rồi nuôi con cho đến khi khôn lớn cho nên phải gánh lấy cái khổ. Đàn bà ở thuyền chúng tôi phải sống cho con chứ không thể sống cho mình như ở trên đất được! Mong các chú lượng tình cho cái sự lạc hậu. Các chú đừng bắt tôi bỏ nó! – Lần đầu tiên trên khuôn mặt xấu xí của mụ chợt ửng sáng lên như một nụ cười – vả lại, ở trên chiếc thuyền cũng có lúc vợ chồng con cái chúng tôi sống hòa thuận, vui vẻ.

– Cả đời chị có một lúc nào thật vui không? -Đột nhiên tôi hỏi.

– Có chứ, chú! Vui nhất là lúc ngồi nhìn đàn con tôi chúng nó được ăn no…”

( Trích Chiếc thuyền ngoãi xa- Nguyễn Minh Châu , Ngữ Văn 12 , Tập 2, NXB Giáo dục Việt Nam , 2015, tr.75-76 )

Cảm nhận của anh chị về nhân vật người đàn bà hàng chài trong đoạn trích trên. Từ đó, bình luận ngắn gọn về cách bình luận cuộc sống và con người của nhà văn Nguyên Minh Châu trong tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa.

Thầy Phan Danh Hiếu

DÀN Ý

I. MỞ BÀI

II. THÂN BÀI

1. Khái quát

– Tác giả Nguyễn Minh Châu

– Xuất xứ tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa

– Tóm tắt ngắn gọn hình tượng người đàn bà hàng chài: Sau phát hiện về cái đẹp tuyệt đỉnh của ngoại cảnh mang lại từ chiếc thuyền ngoài xa, Phùng đã kinh ngạc, chết lặng trước cảnh bạo lực gia đình mà những nhân vật chính ấy lại chính là những con người sống trong chiếc thuyền đẹp đẽ kia. Sau đó Phùng trở thành nhân chứng bất đắc dĩ tại tòa án huyện. Tại đây anh đã chứng kiến câu chuyện của người đàn bà hàng chài. Câu chuyện của chị giúp anh ngộ ra rất nhiều điều.

2. Nội dung: Cảm nhận về nhân vật người đàn bà hàng chài qua đoạn trích

2.1. Trong tác phẩm và đoạn trích, người đàn bà hàng chài hiện lên là hình ảnh của con người vô danh với số phận bất hạnh:

– Nỗi khổ vô hạn vì nghèo túng – đông con – thuyền chật:ông trời làm động biển suốt hàng tháng, cả nhà vợ chồng con cái toàn ăn cây xương rồng luộc chấm muối…” (Phân tích mở rộng ngoài đoạn trích: cuộc sống lam lũ, khó nhọc, vất vả hằn in lên vóc dáng của người đàn bà: khuôn mặt mệt mỏi sau một đêm thức trắng để kéo lưới, tái ngắt và dường như đang buồn ngủ; lưng áo bạc phếch và rách rưới, nửa thân dưới ướt sũng)

– Bị cái xấu đeo đuổi: từ nhỏ tôi đã là một đứa con gái xấu; cao lớn với những đường nét thô kệch. Mụ rỗ mặt…

– Nỗi khổ cùng cực vì bị chồng hành hạ thường xuyên, là nạn nhân của bạo lực gia đình. Nhưng đớn đau thay – kẻ gây ra bạo lực lại chính là người chồng mà chị yêu thương: Bất kể lúc nào thấy khổ quá là lão xách tôi ra đánh, cũng như đàn ông thuyền khác uống rượu…”; “ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng”.

* Chuyển đoạn: Vượt lên trên số phận bi kịch, người phụ nữ vô danh ấy vẫn tỏa sáng cho đời bao vẻ đẹp lấp lánh. Bên ngoài chị giống như viên ngọc thô lấm láp nhưng trong chiều sâu nhân bản lại là viên ngọc quý ánh lên một tâm hồn cao thượng, đẹp đẽ.

2.2. Vẻ đẹp tâm hồn của người đàn bà hàng chài trước hết là vẻ đẹp của người vợ hiền thảo, nhân hậu, bao dung, vị tha độ lượng.

            – Người vợ ấy nhận hết mọi thiệt thòi về mình: nhận mình xấu, trót có mang; nhận mình khổ là do “cái lỗi chính là đám đàn bà ở thuyền đẻ nhiều quá, mà thuyền lại chật”. Vì thế nên gánh lấy cái khổ, chịu khổ như một thói quen, một định mệnh mà mình phải gánh lấy. Thầy Phan Danh Hiếu

            – Dù được Đẩu gợi ý ly hôn để thoát cảnh bạo hành nhưng người đàn bà một mực không đồng ý: Trước đó khi mới tới tòa án huyện, chị tha thiết van xin: “Quý tòa bắt tội con cũng được, phạt tù con cũng được, đừng bắt con bỏ nó”. Trong đoạn trích này chị lại thêm một lần tha thiết: “Các chú đừng bắt tôi bỏ nó”.

            – Sâu xa của lý do không bỏ chồng chính là sự nhân hậu, độ lượng, bao dung của chị.

            + Chị thấu hiểu bản chất của chồng: “lão chồng tôi khi ấy là một anh con trai cục tính nhưng hiền lành lắm, không bao giờ đánh đập tôi”. Hắn đã từng chấp nhận cảnh “nghèo khổ, túng quẫn” vì trốn đi lính cho ngụy. Sống nghèo khổ, túng quẫn chứ không bao giờ chấp nhận cầm súng để bắn vào đồng bào mình. Vậy, bản chất người chống ấy là tốt.

            + Chị nhìn chồng mình không phải là phạm nhân mà là nạn nhân. Chính sự thất học, đói nghèo, lam lũ đã tạo ra người đàn ông độc ác ấy. Hắn là nạn nhân của cuộc sống đói nghèo, cơ cực do hậu quả của chiến tranh để lại.

Đọc thêm:

Đoạn văn 200 chữ bàn về trải nghiệm

Phân tích bài thơ Từ ấy – Tố Hữu

10 câu lý luận hay nhức nhối

2.3. Phía sau sự thất học, lam lũ là người phụ nữ thâm trầm, sâu sắc, thấu hiểu lẽ đời.

           Sau khi lấy lại được sự bình tĩnh, người đàn bà đột ngột thay đổi cách xưng hô: chị và các chú. Sự thay đổi này thể hiện tâm thế chủ động ở chị, sự bản lĩnh, sự từng trải.

            + Chị lên án sự ngây thơ của Đẩu và Phùng trong cách nhìn nhận vấn đề: “Là bởi vì các chú không phải là đàn bà, chưa bao giờ các chú biết như thế nào là nỗi vất vả của người đàn bà trên một chiếc thuyền không có đàn ông…”. Muốn hiểu được người khác, đầu tiên phải từ bỏ cách nhìn phiến diện, một chiều, phải đặt mình vào hoàn cảnh người khác.

            + Lý giải việc không bỏ chồng, chị đã thổ lộ: “đàn bà hàng chài ở thuyền chúng tôi cần phải có người đàn ông để chèo chống phong ba, để cùng làm ăn nuôi nấng đặng một sắp con, nhà nào cũng trên dưới chục đứa.”. Cần người đàn ông, vì đàn ông là trụ cột, họ làm ăn và nuôi con; họ chèo chống gia đình. Bởi vậy, dù hắn man rợ, độc ác vẫn phải chịu. Cái lý do tưởng như ngớ ngẩn nhưng sâu xa trong đó là cả biết bao nhiêu điều khiến ta phải suy ngẫm.

2.4. Vượt lên trên tất cả, người đàn bà hàng chài là người mẹ giàu đức hi sinh, giàu tình mẫu tử tha thiết, thiêng liêng, cảm động.

            –  Chị ý thức sâu sắc thiên chức làm mẹ mà ông trời đã ban cho sứ mệnh: đẻ con và nuôi con; sống vì con: Ông trời sinh ra người đàn bà là để đẻ con, rồi nuôi con cho đến khi khôn lớn cho nên phải gánh lấy cái khổ. Đàn bà ở thuyền chúng tôi phải sống cho con chứ không thể sống cho mình như ở trên đất được!”. Đó là tấm lòng hi sinh vì con.

            – Thương con, sợ con bị tổn thương tinh thần, chị đã xin lão chồng “có đánh thì đưa tôi lên bờ mà đánh”. Chị dứt ruột gửi thằng Phác – đứa con mà chị yêu thương nhất lên rừng ở với ông ngoại nó. Bởi chị sợ thằng Phác lớn lên ở đây nhân cách nó sẽ phát triển lệch lạc vì nhiễm thói bạo lực từ người cha của nó. Tình thương con ở chị gắn liền với lý trí.

            – Chị lấy con làm niềm vui, lấy gia đình làm điểm tựa để vượt lên số phận nghiệt ngã của chính mình: “Lần đầu tiên trên khuôn mặt xấu xí của mụ chợt ửng sáng lên như một nụ cười – vả lại, ở trên chiếc thuyền cũng có lúc vợ chồng con cái chúng tôi sống hòa thuận, vui vẻ.” Chị góp nhặt niềm vui dù là bé nhỏ để bù đắp lên những cơ cực cuộc đời: “Vui nhất là lúc ngồi nhìn đàn con tôi chúng nó được ăn no…”

2.5. Cách nhìn nhận cuộc sống và con người của nhà văn

– Nhìn con người, cuộc sống ở góc nhìn đa chiều, quan tâm đến số phận cá nhân con người – nhất là con người lao động vất vả, lam lũ sau chiến tranh.

– Sau chiến tranh, cuộc sống con người vẫn còn nhiều những khó khăn, gian khổ: cái nghèo, cái đói chi phối cuộc sống của con người. Bởi vậy vấn đề cần thiết đặt ra là phải làm sao cho cuộc sống ấy ngày càng tốt đẹp hơn.

3. Nghệ thuật

            – Trần thuật hấp dẫn, khách quan. Tình huống truyện độc đáo, bất ngờ. Tâm lý nhân vật được miêu tả tinh tế, chân thực. Ngôn ngữ mộc mạc, gian dị, chắt lọc.

III. KẾT BÀI

Khẳng định: Người đàn bà hàng chài chính là “Cái hạt ngọc” ẩn giấu nơi bề sâu tâm hồn con người.

===Các trang khác đăng tải lại vui lòng thêm chữ: Nguồn từ thầy Phan Danh Hiếu ===

Thầy Phan Danh Hiếu

Giáo viên trường THPT Trấn Biên, Biên Hòa, Đồng Nai.

 

Exit mobile version