Tài Liệu Ôn Thi Ngữ Văn THPT

Phân tích bản Tuyên ngôn độc lập – Hồ Chí Minh

Phân tích bản Tuyên ngôn độc lập – Hồ Chí Minh

Đề 1:  Kết thúc bản “Tuyên ngôn Độc lập”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng tuyên bố rằng: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Dựa vào những hiểu biết về tác phẩm “Tuyên ngôn Độc lập” anh (chị) hãy phân tích đoạn văn trên để làm sáng tỏ những tư tưởng lớn của Người.

HƯỚNG DẪN CHI TIẾT

I. MỞ BÀI

Tuyên ngôn độc lập” của Chủ tịch Hồ Chí Minh là áng văn chính luận mẫu mực, là bản khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, mở ra một kỉ nguyên độc lập, tự do của dân tộc. Kết thúc bản “Tuyên ngôn Độc lập“, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng tuyên bố: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Đây là một lời tuyên bố đanh thép và hùng hồn, đã kết tinh một cách sáng ngời những tư tưởng nhân văn và khát vọng độc lập tự do của dân tộc.

II. THÂN BÀI

1. Khái quát:Tuyên ngôn độc lập” là một văn kiện lịch sử có ý nghĩa trọng đại, là bản khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Là kết tinh của chủ nghĩa yêu nước của khát vọng tự do, hòa bình và tự chủ. Ngày 2.9.1945, Hồ Chí Minh đã đọc bản tuyên ngôn này trước hàng vạn đồng bào Thủ đô, mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc.

2. Nội dung phân tích:

2.1. Trước hết, Hồ Chủ tịch khẳng định: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập”. Khẳng định như vậy vì đó là điều phù hợp với đạo lí và pháp lí. Bởi vì đất nước và con người Việt Nam cũng như tất cả mọi quốc gia, mọi dân tộc và mọi người “đều sinh ra có quyền bình đẳng, tạo hóa đã cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong đó có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” (“Tuyên ngôn Độc lập” năm 1776 của nước Mỹ). Mặt khác “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập” bởi lẽ “người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi” (Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791). Cách lập luận mở đầu của Bác bằng cách lấy hai bản tuyên ngôn của Pháp và Mỹ đã tạo ra tiền đề để khẳng định độc lập tự do của Việt Nam là hoàn toàn phù hợp với quyền bình đẳng quốc tế.

Nhưng cái hay của Người là từ nhân quyền được đặt ra trong bản tuyên ngôn của Pháp và Mỹ, Hồ Chủ tịch đã “suy rộng ra”, nói đến quyền tự quyết mọi dân tộc: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Lẽ phải ấy “không ai chối cãi được”, và vô cùng thiêng liêng. Có thể nói, sau hơn 80 năm bị thực dân Pháp thống trị, lời tuyên bố “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập” biểu lộ niềm tự hào dân tộc và khát vọng độc lập, tự do của đất nước và con người Việt Nam.

2.2. Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời “và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập”. Đó là một sự thật lịch sử không ai chối cãi được. Trước khi nói về thắng lợi của Cách mạng tháng Tám, Người đã nói lên những khổ đau mất mát của dân tộc ta bằng dẫn chứng đanh thép, lí lẽ sắc bén, hùng hồn, Hồ Chủ tịch đã vạch trần những tội ác dã man về chính trị, về kinh tế của thực dân Pháp đối với dân tộc ta trong suốt 80 năm trời. Chúng áp bức, bóc lột dân ta đến tận xương tuỷ, “khiến cho dân ta nghèo nàn, thiếu thốn, nước ta xơ xác, tiêu điều”. Thực dân Pháp đã tước đoạt tự do, dìm nhân dân ta vào máu và nước mắt trong đêm trường nô lệ: “Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta. Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu”… Chúng thủ tiêu mọi quyền lợi kinh tế của dân tộc “cướp không hầm mỏ, nguyên liệu; độc quyền in giấy bạc; bóc lột công nhân ta tàn nhẫn”. Mang tiếng là bảo hộ ta nhưng thực tế “trong vòng 5 năm (1940 – 1945), chúng đã bán nước ta hai lần cho Nhật”. Pháp và Nhật đã gây ra nạn đói năm Ất Dậu (1945) làm cho “hơn hai triệu đồng bào ta bị chết đói”. Khi Nhật đảo chính Pháp, trước khi thua chạy, bọn thực dân Pháp “còn nhẫn tâm giết nốt số đông tù chính trị ở Yên Bái và Cao Bằng”.

Tiếp đó, Người nói lên niềm tự hào mãnh liệt về sự thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám long trời lở đất đã làm nên lịch sử nước nhà. Cách mạng tháng Tám bùng nổ và thắng lợi, “dân ta đã lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật, chứ không phải từ tay Pháp”. Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời khi ba kẻ thù bị lật đổ, bị thất bại: “Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị”. Chỉ một câu thôi mà Người đã tổng kết được cả một quá trình vươn lên kỳ vĩ của dân tộc Việt Nam: Ta đã đánh bại chủ nghĩa thực dân “Pháp chạy”. Ta đã đập tan xiềng xích của Nhật “Nhật hàng”. Ta đã làm sụp đổ chế độ Phong kiến tồn tại hàng ngàn đời nay “Vua Bảo Đại thoái vị”. Đó là lẽ phải, là sự thật lịch sử không ai chối cãi được. Như vậy, Độc Lập và Tự Do là thành quả đấu tranh cách mạng bền bỉ, gan góc, lâu dài của dân tộc ta: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn  80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!”. Cách lập luận ấy đã làm “đẹp mặt, đẹp lòng” với các nước Đồng minh đồng thời cách lập luận đó đã cho thấy thái độ nhục nhã của thực dân Pháp khi “phản bội lại Đồng minh” bán nước ta hai lần cho Nhật.

Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời là một sự thật lịch sử, nên Hồ Chủ tịch mới tuyên bố một cách đanh thép, hùng hồn: “Tuyên bố thoát li hẳn quan hệ thực dân với Pháp, xóa bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã kí về nước Việt Nam, xóa bỏ tất cả mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam”. Cách nói “xóa bỏ hết”, “xóa bỏ tất cả” là cách nói thể hiện sự dứt khoát chối bỏ sự có mặt của người Pháp trên đất nước ta. Từ nay, nước ta là nước độc lập.

2.3. Độc lập tự do là khát vọng, là ý chí của đất nước và con người Việt Nam, của dân tộc Việt Nam. Lời tuyên bố vang lên như một lời thề thiêng liêng làm chấn động lòng người: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Lời tuyên bố hùng hồn, chắc nịch như một lời thề vang vọng khắp núi sông. Cụm từ “Toàn thể dân tộc Việt Nam” đã nói lên sức mạnh đại đoàn kết, triệu triệu con người Việt Nam kết thành một khối mà không một kẻ thù  tàn bạo nào có thể khuất phục được. Các yếu tố như “tinh thần”, “lực lượng”, “tính mạng”, “của cải” đã được tập trung trong một câu kết xiết bao niềm tự hào làm người đọc rưng rưng xúc động.

     Lời tuyên bố ấy của Hồ Chủ tịch cũng là lời cảnh cáo nghiêm khắc đối với thực dân Pháp đang âm mưu tái chiếm Việt Nam một lần nữa, đồng thời kêu gọi toàn thể dân tộc Việt Nam sẵn sàng chiến đấu hi sinh cho độc lập, tự do của Tổ quốc. Ba mươi năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của nhân dân ta đã thể hiện một cách hùng hồn lời tuyên bố mạnh mẽ ấy. Đó là khát vọng, là ý chí sắt đá về độc lập tự do của dân tộc ta, của nhân dân ta. Một lần nữa, Người lại Tuyên bố: “Chúng ta thà hi sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ!” (“Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến” – 19.12.1946).

Hơn nửa thế kỉ đã trôi qua, kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc “Tuyên ngôn Độc lập“. Những chặng đường lịch sử vẻ vang của dân tộc ta đã trải qua rất đáng tự hào: Cách mạng tháng Tám – chiến thắng Điện Biên oai hùng – Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng – Non sông liền một dải, Bắc Nam sum họp một nhà… Đó là chiến thắng tất yếu của cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của một dân tộc Việt Nam bé nhỏ nhưng có sức vươn lên kỳ vĩ:

Ta như thuở xưa thần Phù Đổng

Vụt lớn lên đánh đuổi giặc Ân

Sức nhân dân khỏe như ngựa sắt

Chí căm hờn ta rèn thép thành roi

Lửa chiến đấu ta phun vào mặt

Lũ sát nhân cướp nước hại nòi

3. Nghệ thuật: Tuyên ngôn Độc lập” có nghệ thuật lập luận chặt chẽ, lí lẽ đanh thép, bằng chứng xác thực, giàu sức thuyết phục. Ngôn ngữ vừa chính xác vừa gợi cảm. Giọng văn linh hoạt. “Tuyên ngôn Độc lập” của Bác đã trở thành một áng văn chính luận mẫu mực nổi tiếng. Đằng sau đó là một tầm tư tưởng văn hóa của Hồ Chí Minh, Người đã tổng kết được một cách giản dị mà súc tích những kinh nghiệm đấu tranh của nhiều thế kỷ giành độc lập dân tộc, dân quyền, nhân quyền của dân tộc ta và nhân loại.

III. KẾT BÀI

Tuyên ngôn Độc lập” xứng đáng là một áng “thiên cổ hùng văn”. Nó đã kế tục truyền thống vinh quang của “Nam quốc sơn hà” và “Bình Ngô đại cáo“. Nó là lời nước non cao cả và thiêng liêng, thể hiện sâu sắc tư tưởng vĩ đại: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Đọc đoạn văn cuối bản “Tuyên ngôn Độc lập“, chúng ta càng thấm thía tự hào về độc lập, tự do mà dân tộc ta đã giành được bằng xương máu của bao thế hệ, của bao anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống cho chúng ta được tự do như ngày hôm nay.

 

 

Exit mobile version