Tài Liệu Ôn Thi Ngữ Văn THPT

Bài tập thực hành Đọc Hiểu

Bài tập thực hành Đọc Hiểu

Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:

Tử tế chính là sức mạnh của cuộc sống, là niềm tin và mạch sống của cuộc đời. Tử tế chính là sự tốt bụng, là một phẩm chất vô cùng cao quý và vô cùng đáng trân trọng của con người. Người tử tế là người sống lương thiện, không bao giờ nghĩ xấu về ai và cũng không bao giờ làm hại ai, hơn hết người tử tế còn là người luôn sử dụng lòng tốt của mình để giúp đỡ người khác, chia sẻ với những người có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội.

[…]

Người tử tế có sự nhiệt huyết với con người, với cuộc đời một cách đáng kinh ngạc, sự nhiệt huyết chính là sức mạnh để họ giải quyết mọi công việc, biến những việc lớn thành việc nhỏ, biến những việc khó giải quyết thành những chuyện dễ giải quyết vô cùng. Người tử tế là người luôn có tấm lòng bao dung, độ lượng, không quan tâm đến địa vị, danh vọng, không quá chú trọng vào cái tôi mà luôn luôn nghĩ cho người khác; luôn đặt lợi ích cộng đồng lên trên hết. Người tử tế luôn có những hành động xuất phát từ động cơ trong sáng, mọi suy nghĩ đều hướng đến sự lương thiện, vì cuộc sống chung, thậm chí còn biết hy sinh những quyền lợi cá nhân để hướng tới những điều tốt đẹp trọn vẹn cho cộng đồng. 

[…]

Đối với người tử tế, sự tốt bụng không chỉ dừng lại ở mức suy nghĩ, mà hầu hết đều được thể hiện qua hành động, họ biết thấu cảm với những nỗi đau của người khác, giúp đỡ người khác không chút tính toán. Biết cho đi chính là làm cho chính bản thân mình trở nên cao thượng, cho đi ân đức cũng chính là góp nhặt phước đức cho bản thân. Có những hành động, việc làm tốt đẹp cũng chính là đang làm cho cuộc sống của bản thân trở nên ý nghĩa hơn.

Hãy sống một cuộc đời với nhiều sự tử tế thay vì một cuộc đời của con người vô cảm. Chính sự vô cảm đã khiến cho con người với con người dần dần và ngày càng xa nhau hơn, chỉ biết sống cho mình để rồi khi hoạn nạn không có người giúp đỡ, khi cần có người bên cạnh lúc gặp chuyện buồn cũng chẳng có ai. Tuy nhiên, muốn có được sư giúp đỡ thì cũng phải biết sống có tấm lòng thiện chí thực sự, biết yêu thương và tôn trọng mọi người. Có một cộng đồng với nhiều người tử tế thì cuốc sống đó thật tuyệt vời biết bao. 

[…]

Sự tử tế là nguồn cội cho những điều tốt đẹp, hãy trân trọng và phát huy nó. “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng – để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi, để gió cuốn đi”(Trịnh Công Sơn). Đó chính là lời hát gợi mở về sự tử tế, những tấm lòng tử tế trên đời.

                        Nguyễn Lưu

  1. Phong cách ngôn ngữ ? Phương thức biểu đạt chính.
  2. Theo tác giả “Tử tế” có nghĩa là gì?
  3. Thái độ của tác giả thể hiện như thế nào trong văn bản trên?
  4. Giải thích ý nghĩa câu : “Biết cho đi chính là làm cho chính bản thân mình trở nên cao thượng”
  5. Anh/chị có đồng tình với ý kiến: Sự tử tế là nguồn cội cho những điều tốt đẹp, hãy trân trọng và phát huy nó. Giải thích?

ĐÁP ÁN

  1. Phong cách ngôn ngữ: Chính luận. Phương thức biểu đạt chính: nghị luận
  2. Theo tác giả “Tử tế” có nghĩa là: Tử tế chính là sức mạnh của cuộc sống, là niềm tin và mạch sống của cuộc đời. Tử tế chính là sự tốt bụng, là một phẩm chất vô cùng cao quý và vô cùng đáng trân trọng của con người.
  3. Thái độ của tác giả: trân trọng, ngợi ca sự tử tế và lên án những kẻ thiếu tử tế.
  4. Giải thích ý nghĩa câu : “Biết cho đi chính là làm cho chính bản thân mình trở nên cao thượng”

– Khi chúng ta “cho đi” là lúc chúng ta chia sẻ, đồng cảm và cũng là lúc chúng ta loại bỏ được thói ích kỷ ra khỏi bản thân để sống vì mọi người, vì cộng đồng.

– “Cho đi” là lối sống đẹp, sống có ích, sống cao thượng. Sự chia sẻ của chúng ta sẽ làm cho xã hội bớt đi những gánh nặng, nỗi buồn sẽ giảm đi, niềm vui được nhân đôi.

– “Cho đi” sẽ tạo nên một xã hội văn minh, tiến bộ. Còn bản thân chúng ta sẽ trở nên cao thượng, cao đẹp.

  1. Anh/chị có đồng tình với ý kiến: Sự tử tế là nguồn cội cho những điều tốt đẹp, hãy trân trọng và phát huy nó. Giải thích?

– Em đồng tình.

– Vì: Sự tử tế bao giờ cũng mang lại những điều tốt đẹp trong cuộc đời. Có sự tử tế thì mới tạo ra một cuộc sống, một xã hội văn minh, tốt đẹp. Có tử tế thì con người mới đối xử với nhau văn minh, lịch sự. Tử tế khiến mọi giao tiếp và mọi mối quan hệ xã hội trở nên bình đẳng, tôn trọng.

Thầy Phan Danh Hiếu

Exit mobile version