Tài Liệu Ôn Thi Ngữ Văn THPT

Phân tích khổ thơ 5 và 6 trong bài thơ Sóng – Xuân Quỳnh

MỤC LỤC BÀI VIẾT

Phân tích khổ thơ 5 và 6 trong bài thơ Sóng – Xuân Quỳnh

Con sóng dưới lòng sâu,
Con sóng trên mặt nước,
Ôi con sóng nhớ bờ,
Ngày đêm không ngủ được,
Lòng em nhớ đến anh,
Cả trong mơ còn thức.

Dẫu xuôi về phương bắc,
Dẫu ngược về phương nam
Nơi nào em cũng nghĩ,
Hướng về anh – một phương.

GỢI Ý PHÂN TÍCH

1. Khổ thơ thứ nhất bằng thủ pháp nhân hóa và ẩn dụ, nhà thơ mang đến cho nguời đọc nỗi nhớ của sóng về bờ đồng thời cũng là nỗi nhớ của em về anh.

         * Nỗi nhớ vốn là sự sống của tình yêu, là chất men say đánh thức trái tim của tuổi trẻ. Vì vậy, đây là một khổ thơ đặc biệt nhất trong bài thơ “Sóng” vì chỉ nó có sáu câu. Phải chăng nỗi nhớ quá lớn lao không thể chứa đựng nổi trong bốn câu chật hẹp thông thường nên Xuân Quỳnh đã kéo dài thêm để có đủ ngôn ngữ để diễn tả lòng mình.

         – Bốn câu đầu là nỗi nhớ của sóng về bờ. Nỗi nhớ của sóng tràn ngập khắp mọi không gian, thời gian.

Con sóng dưới lòng sâu

Con sóng trên mặt nước

Ôi con sóng nhớ bờ

Ngày đêm không ngủ được

+ Hai câu thơ đầu với hình thức lặp cấu trúc quyện hòa cùng nghệ thuật đối “dưới lòng sâu” – “trên mặt nước” tạo nên sự điệp trùng của những con sóng với nhiều dạng thức khác nhau.

         ++ Điệp ngữ “con sóng” rồi lại “con sóng” làm nhịp thơ trở nên hối hả, gấp gáp. Sóng biển như đang dồn dập, trào dâng, miên man vỗ bờ.

         ++ Sóng không chỉ “dữ dội – dịu êm”; “ồn ào – lặng lẽ” mà sóng còn hiện diện “dưới lòng sâu” (sóng ngầm – không gian chiều sâu), “trên mặt nước” (sóng nổi – không gian chiều rộng). Có con sóng nhớ nhung dữ dội tung bọt trắng xóa trên mặt biển ngày đêm gào thét cùng đại dương; nhưng cũng có con sóng ngầm dưới lòng sâu cồn cào da diết. Đó cũng là nỗi nhớ của sóng, của em vừa có chiều sâu vừa có chiều rộng.

         + Nỗi nhớ của sóng không chỉ tràn ngập khắp không gian mà còn tràn ngập khắp thời gian “ngày – đêm”:

Ôi con sóng nhớ bờ

Ngày đêm không ngủ được

         ++ Từ “ôi” như tiếng thốt ngỡ ngàng khi bắt gặp sự tương đồng kỳ diệu giữa một bên là hiện tượng tự nhiên kỳ thú và một bên là trái tim người phụ nữ đang rạo rực yêu thương, nhung nhớ.

         ++ Phép nhân hoá “Ôi con sóng nhớ bờ” – gợi lên thật sinh động hình ảnh những con sóng biển ngày đêm cuống quýt xô nhau vào bờ như nỗi nhớ bao la từ khơi xa tìm về bến đợi.

         ++ Sóng nhớ bờ đến độ “ngày đêm không ngủ được”. Không ngủ được là vì sóng không biết ngủ, vì nếu ngủ sóng sẽ không còn là nó nữa. Và cũng bởi, không ngủ được là vì thao thức, vì khao khát được gặp bờ.

         – Hai câu thơ cuối là lúc mà hình tượng “em” hiện ra với nỗi lòng nồng nàn, băn khoăn, bồn chồn, thao thức, nhớ nhung:

Lòng em nhớ đến anh

Cả trong mơ còn thức

         + Chữ “Lòng” là từ ngữ bộc lộ sự chân thành, là tiếng nói sâu thẳm của tâm hồn. “Lòng” là chốn sâu kín nhất của tâm hồn con người nhất lại là tâm hồn người phụ nữ. Lòng là kết tinh của tình cảm được chưng cất trong một thời gian dài, đã được thử thách qua năm tháng. Vì vậy tấm lòng ấy không chút hời hợt mà đã là gan, là ruột của người phụ nữ rồi. Cho nên khi nói “Lòng em nhớ đến anh” dường như Xuân Quỳnh đã dốc hết cả nỗi lòng mình để nghiêng hết về phương anh.

         + Nếu sóng nhớ bờ thì em nhớ anh. Nỗi nhớ vốn là quy luật của tình yêu muôn thuở. Nỗi nhớ không chỉ có mặt trong thời gian được ý thức (khi chưa ngủ) mà còn gắn với tiềm thức – thời gian trong mơ (thao thức cả trong mơ). Như vậy có thể nói đây là một nỗi nhớ thường trực trong trái tim của người phụ nữ khi yêu. Hình tượng thơ cho thấy những khát khao mãnh liệt của người phụ nữ: sóng khao khát được có bờ – em khao khát được có anh.

2. Khổ thơ thứ hai là tiếng nói thể hiện sự thủy chung của người con gái trong tình yêu:

Nơi nào em cũng nghĩ

Hướng về anh một phương

                 – Hai câu đầu với cặp từ “dẫu” kết hợp phép điệp cấu trúc đã tạo nên một điều kiện thử thách – thử thách lòng dũng cảm, thử thách sự thủy chung:

Dẫu xuôi về phương Bắc

Dẫu ngược về phương Nam

            + Cặp động từ “xuôi”, “ngược” nếu tách ra thì nó chỉ là những động từ chỉ hoạt động thông thường. Nhưng nếu ghép lại ta sẽ được những từ ngữ như: “xuôi ngược”, “ngược xuôi”, hay “xuôi nam”, “ngược bắc”. Lúc ấy những động từ ấy sẽ phát huy ý nghĩa chỉ sự vất vả, truân chuyên, khó nhọc, gian nan của con người trong hành trình nhọc nhằn của đời mình.

Xem thêm: 

Nhận định về Sóng rất hay

Các đoạn thơ dễ ra nhất trong Việt Bắc

            + Nam – Bắc là khoảng cách địa lý xa xôi, cách trở, vốn là khó khăn, trở ngại lớn nhất trong tình yêu. Ở đây, Xuân Quỳnh viết ngược lại cách hiểu thông thường ở cụm từ “xuôi bắc” – “ngược nam” phải chăng qua đó nhà thơ đã hé lộ những trắc trở éo le, những khó khăn, thử thách của mình. Ý thơ qua đó đã gợi một quyết tâm lớn của người phụ nữ: với em, khó khăn, thử thách càng lớn thì sự thủy chung và tình yêu em dành cho anh lại càng cao.

– Hai câu sau như một sự khẳng định, một lời thề thủy chung:

“Nơi nào em cũng nghĩ

Hướng về anh – một phương”

            + Hai chữ “nơi nào” gợi lên không gian vô cùng. Nỗi nhớ, tình yêu em dành cho anh hiện diện ở mọi không gian, mọi lúc, mọi nơi. “Nghĩ” là trạng thái lý trí gợi sự day dứt, ám ảnh thường trực. Nếu “nhớ” chỉ là bất chợt, thì “nghĩ” là tình cảm trăn trở, suy tư sâu sắc, chín chắn. “Nghĩ” không chỉ là nhớ mà còn là âu lo, lo lắng, khắc khoải vì người mình yêu.

            + “Hướng về anh” là đã toàn tâm, toàn ý; còn “một phương” thì nơi em hướng về là bất di bất dịch. Đất trời có bốn phương tám hướng nhưng trong vũ trụ tình yêu thì em chỉ có một phương duy nhất để quay về – đó chính là phương anh – bến bờ hạnh phúc của em.

3. Nghệ thuật 

         Thành công của đoạn thơ là nhờ vào một số thủ pháp nghệ thuật: Thể thơ năm chữ giàu nhịp điệu rất phù hợp để diễn tả nhịp sóng và nhịp lòng. Sử dụng nhiều biện pháp tu từ: Ẩn dụ, nhân hóa, đối lập, lặp cấu trúc… Ngôn ngữ thơ mộc mạc, giản dị, nhưng cũng không kém phần tinh tế. Cách xây dựng hai hình tượng song hành: sóng và em độc đáo. Sóng vừa là sóng biển vừa là sóng lòng của người phụ nữ đang yêu. Giọng thơ khi dạt dào sôi nổi, khi đằm thắm dịu dàng, trẻ trung.

Thầy Phan Danh Hiếu

Exit mobile version