Nghị luận Sống trong đời sống cần có một tấm lòng

0
72758
logo A

Nghị luận Sống trong đời sống cần có một tấm lòng 

Đề : Viết bài văn ngắn (Khoảng 600 từ) bàn về câu hát: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng. Để làm gì, em biết không ? Để gió cuốn đi”. (Trịnh Công Sơn)

HƯỚNG DẪN

I. MỞ BÀI : Xã hội hiện đại ta ngày nay đang đứng trước nguy cơ bị căn bệnh vô cảm xâm thực vào đời sống. Và cách duy nhất để chống lại loài virut này có lẽ là tấm lòng yêu thương, đồng cảm sẻ chia của mọi người. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có lẽ đã rất chân thành khi viết nên những ca từ “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng. Để làm gì, em biết không ? Để gió cuốn đi”

II. THÂN BÀI

1.Trước hết ta cần hiểu câu hát ấy có ý nghĩa gì ? Trước hết, nhạc sĩ khẳng định “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng”. “Tấm lòng” đó là những tình cảm tốt đẹp, đáng trân trọng ở con người. Nhạc sĩ đặt câu hỏi “Để làm gì, em biết không ?” rồi trả lời “Để gió cuốn đi”. Cách diễn đạt hình ảnh này nhằm để nói đến một lối sống đẹp: khi ta làm điều gì đó cao đẹp, gió sẽ mang những điều cao đẹp ấy bay đến muôn nơi.

Trịnh Công Sơn muốn khẳng định: sống trong đời sống , mỗi người cần phải có một tấm lòng không phải để mong được người khác ghi nhận, không phải để mong được trả ơn và cũng không phải để phô trương hay trang sức cho bản thân mình…mà để “gió cuốn đi”. Cuộc sống như vậy mới thanh thản và bình yên.

2. Bàn luận về tấm lòng của con người trong cuộc sống.

2.1.Từ cách giải thích ở trên ta thấy câu hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mang đến cho ta bao điều hay, ý đẹp:

“Tấm lòng” trong cuộc sống để biết cảm thông và chia sẻ : trong cuộc sống, khi một niềm vui được cho đi là chúng ta đang nhân đôi niềm vui ấy, khi ta chia sớt một nỗi buồn, nỗi buồn ấy sẽ vơi đi. Khi con người ta biết quan tâm đến nhau thì thế giới này không còn khổ đau và bất hạnh.

– “Tấm lòng” trong cuộc sống để tha thứ và khoan dung : Đây chính là thái độ sống rộng lượng với người khác (nhất là với những người gây ra đau khổ cho mình) đối lập với lòng đố kị, định kiến, thành kiến. Chúng ta nên hướng đến một cuộc sống mà không có sự ích kỉ, hận thù, chiến tranh. Chúng ta cần chung sức vì một nền hoà bình từ chính mỗi người.

 – “Tấm lòng” của con người chính là sự dũng cảm cũng chính là đức hi sinh của con người. Đó chính là sức chịu đựng, chấp nhận những thiệt thòi về mình: Dũng cảm là dám xả thân vì lí tưởng cao đẹp, dám đương đầu với thử thách, dám đối diện. Cội nguồn của lòng dũng cảm chính là dám tin vào những điều tốt đẹp. Dám tin vào những điều tốt đẹp khiến con người có thể làm được nhiều điều.

2.2.Từ việc phân tích ở trên ta cần phê phán những kẻ sống thiếu “tấm lòng”:

– Sống ích kỷ, nhỏ nhen, chỉ biết lo vun vén cho bản thân.

– Đó là lối sống  biểu hiện sự nghèo nàn của tâm hồn.

3. Qua đây, mỗi chúng ta cần rút ra cho mình bài học nhận thức và hành động:

Về nhận thức ta thấy: đây là ca từ thể hiện một lối sống đẹp, là điều cần có ở mỗi con người trong cuộc sống.

Về hành động ta cần: Không ngừng rèn luyện phẩm chất đạo đức tốt đẹp, rèn luyện “tấm lòng” mình cho ý nghĩa; phê phán sự thờ ơ, vô tâm, vô cảm trong xã hội. Làm việc tốt mỗi ngày.

III. KẾT BÀI

Tóm lại, những ca từ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã giúp ta hiểu sâu sắc hơn về giá trị của “tấm lòng” trong cuộc đời. Mỗi con người sống trong xã hội, trong một cộng đồng chúng ta cần kết nối những tấm lòng ấy lại với nhau. Có như vậy xã hội mới thoát ra khỏi căn bệnh vô cảm.

Thầy Phan Danh Hiếu

logo A