Tài Liệu Ôn Thi Ngữ Văn THPT

Cách khắc phục lỗi: viết văn sa vào kể chuyện

CÁCH KHẮC PHỤC LỖI VIẾT VĂN SA VÀO KỂ CHUYỆN

Thầy Phan Danh Hiếu

Thường khi phân tích tác phẩm văn học, học sinh thường sa vào diễn xuôi (đối với thơ) và kể chuyện (đối với văn xuôi). Đi chấm thi, giáo viên rất không thích những bài làm ngớ ngẩn này nên điểm thi của bạn dưới TB là cái chắc. Những hướng dẫn nhỏ bé sau của thầy hi vọng sẽ giúp đỡ em trong cách hành văn. Ở đây thầy hướng dẫn văn xuôi trước nhé (Hướng dẫn khắc phục lỗi diễn xuôi thơ sẽ nằm sau sêri bài này)

  1. Phải đọc kỹ tác phẩm để nắm được dẫn chứng nhất là những chi tiết nhỏ nhưng lại có ý nghĩa lớn đối với tác phẩm. Ngoài ra cũng phải nắm được hoàn cảnh ra đời cũng như xuất xứ, đồng thời phải thuộc lòng phong cách tác giả.
  2.  Tiếp theo là phải xác lập được luận điểm trong bài làm (Luận điểm nên viết một cách khái quát và cô đúc nếu viết tốt thì phải thêm thắt thế nào đó để thật sắc sảo – cái này thầy nói sau). Sau luận điểm này là lúc chúng ta cảm nhận, phân tích… Từ chỗ này trở đi lỗi của em bắt đầu xuất hiện. Thầy lấy ví dụ phân tích nhân vật Tràng chẳng hạn. Ví dụ luận điểm đưa ra là: Tràng là người dân ngụ cư nghèo khổ, có phẩm chất hiền lành, tốt bụng; sẵn lòng cưu mang người đồng cảnh ngộ trong nạn đói khủng khiếp. 

          + Ngoại hình: đầu nhẵn thín, mắt nhỏ tý gà gà, quai hàm bạnh, lưng to như lưng gấu.

          + Tính cách: ngộc nghệch, chỉ chơi với trẻ con (cái này có cũng được, không có không sao nhé)

          + Tình huống truyện: câu hò và sự xuất hiện của thị; lần thứ hai gặp lại, Tràng cho thị ăn bốn bát bánh đúc.

          + Câu nói đùa của Tràng : “có muốn theo tớ thì ra ….”

          + Hành động: Ai ngờ thì về thật; Tràng chợn nghĩ….

                                           …..vân ….vân….

                    Kim Lân có một cách xây dựng motip nhân vật rất đặc biệt: hồn hậu, chân chất thật thà, sự nghèo  khổ luôn đi đôi với sự trong sạch và nghĩa tình. Với motip thường gặp ấy thì nhân vật Tràng trong “Vợ nhặt” là một điển hình. Trong tác phẩm, Tràng hiện lên là một người dân ngụ cư nghèo khổ, có phẩm chất hiền lành, tốt bụng rất tiêu biểu cho phong cách ấy của Kim Lân. Dưới ngòi bút tài hoa ấy, Tràng được đặt trong sự tương phản giữa ngoại hình và tâm hồn. Kim Lân không có ý định biếm hoạ hoá nhân vật của mình nhưng Tràng lại hiện lên như một trò đùa của tạo hoá. Tả khuôn mặt, Kim Lân điểm lên đấy hai nét vẽ nguệch ngoạc “mắt nhỏ tí gà gà”, “quai hàm bạnh” lại thêm cái “đầu nhẵn thín”, cái lưng “to bè như lưng gấu” khiến Tràng vốn đã thô kệch lại càng trở nên thô kệch hơn. Cái nghèo lại đeo bám Tràng như một định mệnh, nạn đói đã thổi Tràng và người mẹ già tội nghiệp phiêu dạt đến mảnh đất này để rồi phải tha phương cầu thực qua ngày…. (còn nữa…Kiểu kiểu như vậy nhé – thầy không viết dài)

         Trong nghệ thuật viết truyện ngắn, tình huống truyện được xem như một nguyên tắc cần phải có của quá trình  sáng tạo. Nhà văn tôn trọng nguyên tắc ấy thì tác phẩm mới thật sự có giá trị. Là nhà văn bậc thầy về truyện ngắn chắc chắn Kim Lân không bỏ sót yếu tố cần thiết này. Có phải vì vậy mà trong truyện ngắn này nhà văn đã tạo ra tình huống truyện độc đáo, bất ngờ khiến bạn đọc phải thán phục. Cái anh Tràng xấu xí, nghèo khổ ấy hoá ra không ngốc nghếch như chúng ta tưởng. Câu hò của anh đang kích thích cả những cái dạ dày rỗng của mấy cô gái đang ngồi “vêu mặt” kia. “Cơm trắng” rồi lại “mấy giò” cùng với “nì” như kéo dài ra mời gọi để rồi người đàn bà ấy xuất hiện trong cuộc đời anh như một định mệnh […..] (Thầy chỉ dẫn đến đó thôi nhé). Lại tiếp chỗ khác nào: 

          Cô gái ấy xuất hiện trước mặt Tràng mà mãi đến vài giây sau Tràng mới nhận ra. Cái đói đã làm thị trở nên nhếch nhác, khổ sở. Thị tiều tuỵ đến thảm hại: bộ “quần áo rách như tổ đỉa” tương hợp với “khuôn mặt lưỡi cày xám xịt chỉ còn thấy hai con mắt”. Trong hình dung ấy thị giống như một con ma đói hay bóng dáng của những “xác sống” mà có lần nhà thơ Bàng Bá Lân trong bài thơ “Đói” nổi tiếng của mình đã viết:

Năm Ất Dậu tháng ba còn nhớ mãi

Giống Lạc Hồng cực trải những đau thương

Những thây ma thất thểu đầy đường

Rồi ngã gục không đứng lên vì đói

     Có lẽ vì đói chăng mà thị bỗng trở nên chua ngoa, đanh đá, chao chát, chỏng lỏn. Thị nanh nọc, sỗ sàng, trơ trẽn để có miếng ăn, thị cùng đường rồi! Phút chốc ngỡ ngàng rồi cũng đến lúc Tràng nhận ra, cái người đàn bà tội nghiệp đang đứng trước mặt mình đang đối diện với đói khát, đối diện với cái chết. Tràng đã cảm nhận nỗi khổ đau ấy ở thị bằng chính nỗi khổ đau của chính mình vì bản thân Tràng cũng đồng cảnh ngộ. Không do dự, Tràng hào phóng, hào hiệp khoản đãi thị bốn bát bánh đúc mà không hề toan tính thiệt hơn. Cái hành động vỗ tay vào túi “rích bố cu” đến cái ban ơn cho một người đói khát khiến ta cảm động biết bao trước tấm lòng nhân hậu, tốt bụng ấy ở Tràng. “Một miếng khi đói bằng một gói khi no” – đó là truyền thống nhân văn của dân tộc. Và hôm nay đây có ai ngờ lại hiện lên rất rõ ràng ở con người ấy – con người mà ta tưởng chừng như thất học, ngộc ngệch lại thấm đẫm chất nhân văn con người Việt. […]

Exit mobile version