KINH NGHIỆM ÔN THI PHẦN THƠ

0
11413
logo A

KINH NGHIỆM ÔN THI PHẦN THƠ

— Thầy Phan Danh Hiếu—-

1. Học thuộc lòng cả bài thơ. Thuộc lòng thơ vừa tạo cảm hứng khi viết bài vừa có lợi vô cùng khi làm bài dạng đề thi Nghị luận về một ý kiến bàn về văn học. Nếu ra dạng này người ta sẽ không trích thơ cho mình. Vậy không thuộc thơ lấy dẫn chứng đâu mà viết?
– Trong khi thuộc lòng tác phẩm, các em cũng nên tìm thêm một số câu thơ trong các bài khác để làm dẫn chứng. Ví dụ khi nói về hai câu thơ của Quang Dũng: Áo bào thay chiếu anh về đất – Sông Mã gầm lên khúc độc hành. Chúng ta không thể không liên tưởng đến những vần thơ : “Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất – Những buổi ngày xưa vọng nói về” (Nguyễn Đình Thi). Hoặc :
“Ở đây không gỗ ván
Vùi anh trong tấm chăn
Của đồng bào cửa ngăn
Tặng anh ngày sơ tán”
(Viếng bạn – Hoàng Lộc)
Tại sao thầy lại nói thế. Vì chắc chắn khi làm bài muốn viết cho hay phải mở rộng dẫn chứng, phải liên kết nội văn bản (trong bài) và ngoại văn bản (ngoài bài) như vậy mới có thể viết hay, sáng tạo, có cảm xúc.
– Thầy bình hai câu đó một đoạn như sau:
“Hai câu thơ nói về sự hi sinh bi tráng của người lính thật cảm động. Vần thơ viết về đau thương mất mát nhưng lại không gợi lên nét bi luỵ mà ngược lại càng ngời sáng vẻ đẹp bất tử. Quang Dũng đã dùng hai chữ “áo bào” để sang trọng hoá cuộc tiễn đưa. Thực tế người lính ngã xuống đến manh vải liệm thân cũng không có nói chi đến áo bào. Trong bài thơ Viếng Bạn, nhà thơ Hoàng Lộc cũng nhắc đến hiện thực đau lòng ấy:
“Ở đây không gỗ ván
Vùi anh trong tấm chăn
Của đồng bào cửa ngăn
Tặng anh ngày sơ tán”
Ở đây, với Tây Tiến “áo bào là cách nói sang trọng để an ủi những người đã ngã xuống” (Quang Dũng). Đọc đến đây lòng ta rưng rưng xúc động và càng không thể quên những năm tháng gian khổ mà hào hùng ấy. Và anh đã “về đất”, về với tổ quốc về với tổ tiên để hoà vào cội nguồn cha ông, để vẫn “đêm đêm rì rầm trong tiếng đất – Những buổi ngày xưa vọng nói về”(……..)

2. Tác phẩm thơ cũng như văn xuôi sẽ gắn liền với hoàn cảnh, thời đại sống và phong cách tác giả. Vì vậy cần nắm được xuất xứ, hoàn cảnh ra đời tác phẩm.

3. Tiếp cận kiến thức nội dung tác phẩm bằng cách:
+ Chia tác phẩm thơ thành từng đoạn nhỏ hoặc là các khổ thơ đã chia sẵn. Nắm được nội dung từng phần ấy.
+ Mỗi đoạn thơ nhỏ đặt cho một luận điểm lớn có sức khái quát bao trùm cả đoạn thơ. Trong ý lớn ấy chia thành các ý nhỏ để học.
Ví dụ chia Tây Tiến thành 4 đoạn nhỏ:
++ 14 câu đầu là nỗi nhớ con đường hành quân gian khổ.
++ 8 câu tiếp là nhớ những kỷ niệm
++ 8 câu tiếp theo là nhớ hình ảnh những người chiến binh Tây Tiến
++ 4 câu cuối là lời thề là khúc vĩ thanh của một thời đại anh hùng.

+ Khi học từng phần nội dung thì nên nhớ tập phân tích từng câu thơ. Chú ý phân tích các từ khoá; phân tích nghệ thuật đến nội dung.
+ Tập thói quen nhớ ý chính và tự phân tích, cảm nhận. Đừng học thuộc lòng hoặc diễn xuôi…
+ Chia nhóm thơ có cùng chủ đề, nội dung để dễ ôn tập: Nhóm thơ về tình yêu có Sóng – Xuân Quỳnh, Vội Vàng – Xuân Diệu, Đây thôn Vĩ Dạ – Hàn Mặc Tử; Nhóm thơ về tình yêu đất nước: Việt Bắc – Tố Hữu, Đất Nước – Nguyễn Khoa Điềm, Tràng Giang – Huy Cận. Nhóm hình tượng lý tưởng: Tây Tiến – Quang Dũng, Từ ấy – Tố Hữu….

4. Nhìn chung ôn tập trung vào 4 bài cốt lõi của lớp 12:
+ Sóng
+ Đất Nước
+ Tây Tiến
+ Việt Bắc

Thân mến!

logo A