Chuyên đề bồi dưỡng học sinh giỏi môn Văn – bài văn số 01

0
73012
logo A

Chuyên đề bồi dưỡng học sinh giỏi môn Văn – bài văn số 01

Đề 1. Lời Tựa tập thơ Trung Hoa Cổ kim hoàn ca tập viết: Thơ ca bắt rễ từ lòng người, nở hoa nơi từ ngữ. Anh (chị) nghĩ thế nào về ý kiến này.

Chuyên đề bồi dưỡng học sinh giỏi môn Văn được phát triển bởi thầy Phan Danh Hiếu. Chúc các em học sinh và quý thầy cô ôn tập tốt, đạt kết quả cao nhất.

BÀI LÀM

Xem thêm: Chuyên đề bồi dưỡng Học Sinh Giỏi môn Ngữ văn

Chenier đã từng nói: “Nghệ thuật chỉ làm nên những câu thơ, trái tim mới là thi sĩ”. Một bài thơ có giá trị, ấy là khi nó bao quát và thể hiện được tư tưởng cảm xúc của người nghệ sĩ, ấy là khi nó viết lên bằng những dòng thơ, những câu thơ chân thành, sâu lắng, tất cả đều bắt nguồn từ thẳm sâu trái tim người viết. Trong bài tựa của tập thơ cổ Trung Hoa Cổ kim hoàn ca tập ta như hiểu thêm giá trị của thơ ca Thơ ca bắt rễ từ lòng người, nở hoa nơi từ ngữ.

     Như khúc hát của cảm xúc cất lên từ sâu thẳm trái tim người nghệ sĩ, thơ ca làm cho những gì tốt đẹp nhất trên đời trở nên bất tử. Thơ là biểu hiện của những tình cảm sâu sắc, là ước mơ cao đẹp mà con người luôn muốn vươn tới, là nghệ thuật bên trong của tâm hồn, là sự bùng cháy của cảm xúc trong khoảnh khắc, là sự bột phát của những tình cảm mãnh liệt. Ta tìm đến một bài thơ có khi vì ta yêu lối thể hiện của người nghệ sĩ, và có khi ta cũng đồng cảm với họ trong giây phút lắng lòng ẩn sâu trong từng lời thơ con chữ. “Thơ ca bắt rễ từ lòng người, nở hoa nơi từ ngữ”. Là một thể loại nằm trong phương thức trữ tình, thơ tác động đến người đọc bằng khả năng, sức gợi sâu xa, bằng cảm xúc mãnh liệt, bằng sự rung động của hình thức, từ ngữ.  Sức sống của thơ là ở giá trị tư tưởng, cũng như gốc rễ sâu xa của thể loại này là ở lòng người. Giá trị ấy quy định nội dung, sức sống của thơ, tạo ra sự đồng điệu giữa tâm hồn người viết và tâm hồn bạn đọc. Như một cây cổ thụ có sức sống lâu bền và gắn bó mật thiết với cuộc sống con người, thơ ca “nở hoa nơi từ ngữ.” Là kết tinh của những gì đẹp đẽ nhất, tinh tuý nhất, cảm xúc tư tưởng của người nghệ sĩ đã thăng hoa thành những vần thơ, lời thơ có giá trị. Rõ ràng, trong khi nội dung tư tưởng cũng như tâm hồn của thơ ca nghệ thuật được ví như rễ cây hút dinh dưỡng nơi lòng đất, là bộ phận quan trọng nhất nhưng lại ẩn mình kín đáo nhất, khó nhìn thấy và nắm bắt thì yếu tố từ ngữ hình thức lại được xem là kết tinh đẹp đẽ nhất, là thành quả của quá trình lao động sáng tạo không ngừng, là yếu tố quan trọng để ta cảm nhận vẻ đẹp của bài thơ. Khẳng định giá trị của thơ ca, nói lên đặc điểm của thể loại này cũng là khi người viết muốn đề cao giá trị nội dung và hình thức trong văn chương nghệ thuật.

     “Thơ ca bắt rễ từ lòng người, nở hoa nơi từ ngữ”. Trở về với những trang thơ trong phong trào thơ mới, ta không quên một tiếng thơ “rạo rực băn khoăn” – Xuân Diệu. Là người chịu ảnh hưởng rõ rệt của văn hoá phương Tây, Xuân Diệu đã đem vào làng thơ Việt Nam bấy giờ một hình thức một giọng điệu mới mẻ, với cách thể hiện hình ảnh rất Tây, nhưng ẩn chứa đằng sau đó vẫn là một tâm hồn thơ, cảm xúc thơ chân thành da diết.

Ta muốn ôm

Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn

Ta muốn riết mây đưa và gió lượn

Ta muốn say cánh bướm với tình yêu

Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều

Và non nước, và cây, và cỏ rạng

Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng

Cho no nê thanh sắc của thời tươi

Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!

Người đọc như bị hút hồn, lôi cuốn bởi lối thơ dồn dập của Xuân Diệu, như được thả lòng mình đắm say chốn “thiên đường” nơi mặt đất, như cảm phục một lối thơ rất riêng của thi sĩ, với những sự vật, hình ảnh lãng mạn, tràn trề nhựa sống như được phơi bày lên trang thơ. Rõ ràng, hình thức thơ là sự kết tinh đẹp đẽ nhất, là thành quả lao động nghệ thuật không ngừng nghỉ của thi sĩ. Thế nhưng, xuất phát điểm sâu xa, điều làm nên giá trị, sức sống cho tác phẩm thơ Xuân Diệu lại khởi phát “từ lòng người” từ tâm hồn, từ tư tưởng của người viết. Thời gian trôi qua, Xuân Diệu với các tác phẩm của mình đã chứng tỏ được sức sống lâu bền trong lòng bạn đọc. Điều gì đã làm nên giá trị của thơ ca, nếu không phải là tư tưởng cảm xúc, ý nghĩa sâu xa trong từng tác phẩm. Điều gì đã làm nên sức sống mãnh liệt ấy nếu không phải là một niềm khát khao sống, khát khao tình yêu, hạnh phúc đến vồ vập, đến mạnh mẽ.

Hãy sát đôi đầu hãy kề đôi ngực

Hãy trộn vào nhau đôi mái tóc ngắn dài

Những cánh tay! Hãy quấn riết đôi vai

Hãy dâng cả tình yêu lên sóng mắt.

Và ta khẳng định rằng Xuân Diệu làm thơ cũng là bộc lộ chính nỗi lòng mình, cảm xúc của mình, mạnh mẽ mà thật chân thành sâu sắc.

     Lecmotôp đã từng tâm sự: “Có những đêm rất khổ, không ngủ được, mắt rực cháy và thổn thức, khi đó tôi viết”. Bởi “thơ ca luôn khởi phát từ lòng người”. Tiếp nhận tác phẩm ta tìm đến với vẻ đẹp hình thức, ngôn từ nhưng để thấu hiểu, đồng cảm với cảm xúc thơ, nỗi niềm thơ, câu chữ và ta đã tìm thấy tâm trạng thơ qua từng tác phẩm. Vẫn còn đó con người thơ Hàn Mặc Tử trong Đây thôn Vĩ Dạ.

Gió theo lối gió mây đường mây

Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay

Thuyền ai đậu bến sông trăng đó

Có chở trăng về kịp tối nay?

     Rõ ràng, khi viết những dòng thơ này, Hàn Mặc Tử đang phải sống trong sự đau đớn, dằn vặt cả về thể xác lẫn tâm hồn. Mòn mỏi ngóng trông một không gian, một bóng hình chỉ kịp hiện về trong hồi ức, ấy cũng là khi mặc cảm chia lìa đang trào dâng trong tâm hồn thi sĩ. Mượn hình thức thơ để biểu đạt nội dung thơ để nói lên tâm trạng nỗi lòng mình, đằng sau những câu thơ trong Đây thôn Vĩ Dạ, ta nhận ra cả một cảm xúc thơ đang đau đớn, xót xa đến tủi phận. “Thơ ca bắt rễ từ lòng người, nở hoa nơi từ ngữ”, thơ ca là tiếng lòng của người nghệ sĩ và được thể hiện thông qua hình thức thơ đặc biệt ấn tượng. Chính hình thức đã biểu hiện nội dung thơ. Từ ngữ là kết tinh đẹp đẽ nhất, tinh tuý nhất trong quá trình lao động nghệ thuật để làm ra tác phẩm của người nghệ sĩ. Cả Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử đều đã tạo cho mình một lối thơ riêng biệt, với hình ảnh, từ ngữ ấn tượng, có sức gợi sâu xa. Nhưng xuất phát điểm trong tác phẩm của từng thi sĩ vẫn là cảm xúc nỗi niềm thơ chỉ có thể bộc lộ qua trang viết

“Thơ ca bắt rễ từ lòng người, nở hoa nơi từ ngữ”, khẳng định giá trị của thơ ca cũng như mối quan hệ giữa nội dung và hình thức, một lần nữa ta hiểu thêm đặc trưng của thể loại trữ tình này, đúng như một nhà văn đã khẳng định: “Những tác phẩm lớn đều xuất phát từ trái tim”.

Nguồn: Những bài văn mẫu 12 – biên soạn Lưu Đức Hạnh

Các bạn có thể mua cuốn sách này tại khắp nhà sách.

logo A