Tài Liệu Ôn Thi Ngữ Văn THPT

Lập kế hoạch ôn thi Đại Học

Lập kế hoạch ôn thi cho năm học mới

Bạn muốn đỗ ĐH? Bạn muốn có một kết quả thật mĩ mãn cho năm học này? Tất cả sẽ có trong câu trả lời sau đây. Hãy luôn nhớ rằng, làm việc gì dù lớn hay nhỏ đều phải có ý tưởng, mục tiêu, kế hoạch. Tất cả những điều đó vây quanh chúng ta như chiếc nan hoa quay quanh trục bánh xe. Để vận hành suôn sẻ, đều đặn, mỗi bộ phận của chiếc xe phải kết hợp với nhau đồng bộ và chặt chẽ. Cũng như vậy, để thành công trong công việc cũng như trong cuộc sống, mỗi chúng ta cần phải biết kết hợp cả ba yếu tố: suy nghĩ, lập kế hoạch và hành động.

1. Chọn khối thi, tổ hợp thi

– Chọn khối thi, tổ hợp thi vô cùng quan trọng vì nó giúp định hướng cho các em ngay từ đầu năm học để mình tập trung ôn tập chuyên sâu.

– Thông thường theo các khối ngành kinh tế thì chọn A, A1, D1. Theo các ngành liên quan đến các hoạt động xã hội thì chọn C, D1, D14, D66… Tương ứng với các khối thi đó thì sẽ chọn luôn tổ hợp thi của mình.

2. Chọn sách ôn tập

– Tham khảo các anh/chị khóa trước về các sách ôn thi liên quan. Theo kinh nghiệm thì nên chọn sách của các nhà xuất bản uy tín như NXB ĐH Quốc Gia Hà Nội, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh.

– Nếu eo hẹp về kinh tế thì các em có thể tham khảo nguồn tài liệu miễn phí trên mạng. Mạng Internet cũng là một kho sách vô tận, chỉ cần biết chọn lọc thì em cũng có thể có nguồn tham khảo tốt nhất.

3. Chọn thầy cô để học thêm

– Dù bạn học giỏi đến mức độ nào thì kiến thức cơ bản của SGK cũng không thể giúp bạn đạt được điểm số cao vào cuối kỳ và thi ĐH. Với cách ra đề như hiện nay thì việc chọn thầy cô học thêm là điều quan trọng. Học thêm ở đây là tự nguyện, tự chọn giáo viên để học. Nên chọn giáo viên học phù hợp với trình độ của bản thân và chọn học những giáo viên uy tín.

4. Đặt mục tiêu của mình

– Chọn ngành mình thích, chọn trường mình thích. Xem điểm số năm vừa rồi là bao nhiêu. Nhắm mỗi môn thi của mình nhắm sẽ đạt bao nhiêu điểm. Đặt mục tiêu tổng điểm phải đạt là bao nhiêu. 

5. Lập thời gian biểu để học cho hiệu quả

– Có thời gian biểu học tập rõ ràng cho ba môn thi. Mỗi tuần ngoài việc học trên trường, đi học thêm thì phải dành thời gian để làm thêm bài tập, giải đề thi thử. Đặt mục tiêu mỗi tuần giải bao nhiêu đề? 

– Học thì nên ngủ trước 12h. Không học quá 12h00, và cũng không nên dậy quá sớm (Dậy quá sớm cũng chỉ để ngủ gật mà thôi). Nên phải sắp xếp thời gian hợp lý nhé.

– Hiện nay rất nhiều trang web phục vụ cho việc học, nhất là những trang chuyên sưu tầm các đề thi thử của các Sở GD-ĐT khắp cả nước…Các đề thi thử đều có đáp án. Các em giải đề xong thì tự dò lại xem thử mình làm đúng được bao nhiêu câu. Làm nhiều sẽ thành kỹ năng, sẽ quen nhiều dạng câu hỏi, điều này sẽ giúp các em tự tin giải quyết tất cả mọi đề thi. 

– Nếu học Văn thì nên bắt đầu bằng việc nghiên cứu đáp án của Bộ hằng năm để biết được cách triển khai vấn đề, cách ăn điểm. Tìm thầy cô để học hoặc tự nghiên cứu qua các trang mạng, tập giải đề, tập viết và gửi thầy chấm (Thầy Phan Danh Hiếu) hoặc nhờ giáo viên tại lớp chấm và sửa bài. Văn thì viết nhiều sẽ lên tay, sẽ tạo thành thói quen, thành kỹ năng. Đọc thêm tài liệu để học cách sử dụng ngôn từ, cách trình bày…

– Sắp xếp việc học và giải trí thế nào cho hợp lý để tránh việc học nhồi nhét.

6. Cuối cùng là… 

Luôn nỗ lực, cố gắng, phấn đấu không ngừng nghỉ. Luôn nhớ, thành công chỉ thực sự gõ cửa khi chúng ta đã nỗ lực và phấn đấu hết mình.

Chúc các em thành công!

 

Exit mobile version