Tài Liệu Ôn Thi Ngữ Văn THPT

Bài làm của học sinh giỏi Văn

Đề bài

Nhà thơ Xéc-gây Êxênin từng viết:

“Thà tôi cháy vèo trong gió

Còn hơn thối rữa trên cành”

Câu thơ trên khiến anh (chị) suy nghĩ gì về lối sống cần có của mỗi người.

***

Bài làm

Trải qua hàng triệu năm tiến hóa cùng vô vàn thách thức của tạo hóa, con người xuất hiện trong vũ trụ bao la. Từ khi xuất hiện, con người đã ý thức được sự kì diệu của sự sống và luôn mong muốn sống tốt đẹp, sống có ý nghĩa. Để làm được điều đó, chúng ta cần sống hết mình cho hiện tại. Đó cũng là điều mà nhà thơ Xéc-gây Êxênin tâm niệm:

“Thà tôi cháy vèo trong gió

Còn hơn thối rữa trên cành”

Hai câu thơ của Xéc-gây Êxênin cô đọng, hàm súc mà hàm chứa đầy đủ thông điệp về lối sống mà con người cần có. Nhà thơ dùng hình ảnh “cháy vèo trong gió” thật gợi tả để thể hiện mong ước được sống hết mình, cống hiến tất cả những gì mình có cho cuộc đời. Còn hình ảnh “thối rữa trên cành” là cách nói nhấn mạnh về sự vô ích, tầm thường, lụi tàn, héo hon. Đặc biệt Xéc-gây Êxênin còn khéo léo sử dụng cặp quan hệ từ “thà… còn hơn” để gây ấn tượng mạnh và làm nổi bật khao khát mãnh liệt được sống hết khả năng của mình dù phải chịu đau đớn mất mát còn hơn sống thụ động “thối rữa trên cành”. Từ đó, câu thơ gieo vào lòng người đọc những suy nghĩ về lối sống đẹp: hãy dũng cảm sống hết mình, cháy lên những hoài bão chứ đừng sống hoài, sống phí.

Sống hết mình là lối sống thể hiện sự dũng cảm, cống hiến trí tụê, sức lực vào những việc có ý nghĩa. Sống hết mình trong hiện tại, “cháy vèo trong gió” giúp bản thân mỗi người phát hiện và phát huy được năng lực tiềm ẩn, thỏa sức sáng tạo, cảm nhận được bao điều kì diệu của cuộc sống. Con người với hoài bão, ý chí không ngại khó khăn, sẵn sàng theo đuổi ước mơ của mình sẽ đạt được thành công. Đặc biệt, những người sống hết khả năng luôn được mọi người yêu mến bởi họ đã gieo vào chúng ta ánh sáng hi vọng, tiếp thêm cho chúng ta động lực vững vàng để đối diện với nghịch cảnh trong đời. Chắc hẳn, mỗi chúng ta đã hơn một lần thán phục chàng trai Nick Vujicic – biểu tượng của sức sống mãnh liệt. Nick sinh ra không may mắn bị khuyết tứ chi, song không vì thế mà anh tuyệt vọng “thối rữa trên cành”. Với lòng dũng cảm, tài năng, nghị lực phi thường, anh đã trở thành nhà diễn thuyết truyền động lực sống cho mọi người. Nick từng nói: “Tôi là một điều kì diệu. Bạn cũng là một điều kì diệu”. Thật đáng buồn, trong xã hội hiện nay có nhiều người đang sống tầm thường, vô ích “thối rữa trên cành”, luôn bị động, lười nhắc, sợ sệt thế giới xung quanh. Họ ỷ lại vào người khác, sống không mơ ước, không hoài bão, chán nản, tuyệt vọng.

Mỗi người cần sống hết mình, “cháy vèo trong gió” bởi bạn có biết mỗi chúng ta sinh ra đã là một tuyệt tác của tạo hóa. Cơ thể chúng ta tuy nhỏ bé nhưng có sức mạnh kì lạ. Mỗi ngày, ta thở khoảng 23000 lần, nói khoảng 48000 từ và đặc biệt trái tim nhỏ bé của ta mỗi ngày đập 100000 lần, và có thể tạo ra áp suất đẩy máu đi xa tới 9 mét. Nếu không “cháy vèo trong gió” mà “thối rữa trên cành” chẳng phải đáng tiếc hay sao? Tôi từng nghe một câu chuyện về hai hạt giống. Chúng đã đến ngày nảy mầm, hạt giống thứ nhất vui vẻ cắm rễ sâu xuống đất. Còn hạt giống thứ hai lại sợ sệt và khuyên hạt giống thứ nhất dừng nảy mầm bởi trên mặt đất có biết sâu bọ phá hoại cậy, nếu nảy mầm sẽ phải chịu đau đớn. Hạt giống thứ nhất nghe vậy nhưng vẫn vươn mình lên cao đón nắng, bỏ mặc hạt giống thứ hai lười biếng. Cuối cùng, có một con gà đi qua đã ăn mất hạt giống lười biếng kia, còn hạt giống dũng cảm – hạt giống dám chịu đựng mọi đau đớn để vươn lên đang vui vẻ nô đùa cùng gió. Thật vậy, trong cuộc sống nếu không cố gắng sống hết mình không những chẳng thể đạt được thành công mà còn gặp phải nguy hiểm.

Song, con người sống hết mình chứ đừng nên mù quáng, không biết quý trọng bản thân. Mỗi người “sinh ra không phải để tan biến đi như hạt cát vô danh mà để in dấu trên mặt đất, in dấu trong tim người khác”. Bởi vậy, chẳng phải chúng ta nên học tập, rèn luyện không ngừng, nuôi dưỡng lòng dũng cảm, niềm tin, ý chí để sống hết mình hay sao?

Trong cuốn “Tiếng chim hót trong bụi mận gai”, tác giả có viết lời đề tựa: “Truyền thuyết kể về một con chim chỉ hót một lần nhưng hót hay nhất thế gian. Có lần nó rời tổ bay đi tìm bụi mận gai và tìm cho bằng được mới thôi. Giữa đám cành gai góc, nó cất tiếng hót bài ca của mình và lao ngược vào chiếc gai dài nhất, nhọn nhất. Vượt lên trên nỗi đau khôn tả, nó vừa hót vừa lịm dần đi. Tiếng ca hân hoan ấy khiến cho cả thế gian phải lắng nghe, cả Thượng Đế trên cao cũng mỉm cười. Bởi vì tất cả những gì tốt đẹp nhất chỉ có thể có được khi ta chịu trả giá bằng nỗi đau khổ vĩ đại”. Mỗi lần đọc, tôi đều tự nhủ: Con người chỉ sống có một lần, có một thời tuổi trẻ, nếu không “cháy” hết mình thì đáng tiếc biết bao!

Trần Thị Thu Thảo

(Lớp 11 Văn, Trường THPT Chuyên Hạ Long, TP. Hạ Long, Quảng Ninh, 2016)

Exit mobile version