Bồi dưỡng học sinh giỏi Văn 12 – Phần Lý luận văn học

0
39724

Bồi dưỡng học sinh giỏi Văn 12 – Phần Lý luận văn học

Chuyên đề Lý luận văn học thuộc chuyên đề Bồi dưỡng học sinh giỏi Văn là một chuyên đề rất quan trọng. Trong thang điểm 20 thì Lý luận văn học chiếm 12 điểm. Vì vậy khi ôn tập quý thầy cô và học sinh nên tập trung và chú ý đến phần này nhiều hơn.

ĐềNói về thơ Nguyễn Trãi, nhà thơ Xuân Diệu cho rằng: “Trán thi sĩ chạm mây nhưng trong ruột thơ vẫn cháy lên ngọn lửa đời rất ấm”. Anh/chị hiểu ý kiến trên như thế nào? Bằng những hiểu biết về thơ Nguyễn Trãi hãy làm sáng tỏ.  

BÀI LÀM

Cứ như là biển rì rầm, là gió mênh mang, cứ như chiều về đong đầy trong đôi mắt ưu tư của bao người một niềm xúc cảm, có phải văn học là chốn tìm về của những trái tim rung động, là thứ ánh sáng diệu kì rọi vào sâu thẳm cõi lòng người? Lang thang trong những nẻo đường văn học,  ta bắt gặp cái nhẹ nhàng, giản dị mà thanh cao toát ra từ hồn thơ Nguyễn Trãi – một nhà thơ lớn của dân tộc. Những tác phẩm ông để lại cho đời tựa như đang cựa mình thức giấc, hướng tới chỗ sâu kín, thiết tha và cao đẹp nhất trong tâm hồn người, làm khơi dậy bao nhiêu tình cảm đẹp. Nó xứng đáng là những vì sao rực rỡ nhất trong bầu trời lấp lánh bao vì tinh tú của thi ca dân tộc. Nhận xét về thơ Nguyễn Trãi, Xuân Diệu viết: “Trán thi sĩ chạm mây nhưng trong ruột thơ vẫn cháy lên ngọn lửa đời rất ấm”.

 Cho dù dòng thời gian chảy trôi theo qui luật nghiệt ngã của nó có thể khiến nhiều thứ chìm vào lãng quên. Nhưng những vần thơ thấm đẫm tình đời, tình người của Nguyễn Trãi  thì  sẽ sống mãi trong trái tim của bao người. Sự nghiệp văn chương của ông góp vào dàn đồng ca văn học những tiếng đàn tuyệt diệu mãi ám ảnh, lưu luyến, vấn vương trong tâm hồn của bao người. Hình ảnh “Trán thi sĩ chạm mây” chỉ tư tưởng thanh cao, thoát tục, không màng danh lợi, phú quí. Ông luôn muốn từ bỏ chốn đua chen, thị phi để trở về thiên nhiên, với cỏ cây hoa lá để tìm sự thanh sạch cho tâm hồn. Nhưng trở về với thiên nhiên không có nghĩa là ông quay lưng với cuộc đời, rũ bỏ tất cả mọi thứ mà trái lại, thơ Nguyễn Trãi lúc nào cũng “cháy lên ngọn lửa đời rất ấm”. Trong sâu thẳm cõi lòng, ông luôn đau đáu hướng về cuộc đời, hướng về dân, về nước bằng một tình yêu tha thiết.

Dù cuộc đời bị bọn gian thần ghen ghét, ganh đua nhưng Nguyễn Trãi vẫn như đóa sen thanh cao, trong sạch nở giữa chốn bùn lầy. Nhà thơ như con ong cần mẫn bay lượn trong khu rừng để hút mật ngọt từ cảnh sắc thiên nhiên, cuộc đời để làm no nê cho thơ. Từng câu, từng chữ ngân vang, xuyên thấm vào tâm hồn người những cảm xúc dạt dào chảy mãi không thôi. Bằng những vần thơ sâu lắng, thi sĩ đã dẫn ta vào thế giới của cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp. Nơi bình yên, thanh tĩnh, nơi những tư tưởng thanh cao, thoát tục thăng hoa.

Tâm hồn Nguyễn Trãi chợt xao xuyến bởi những lời gọi thiết tha, giuc giã của thiên nhiên Côn Sơn: “Côn Sơn suối chảy rì rầm/ Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai/ Côn Sơn có đá rêu phơi/ Ta ngồi trên đá như ngồi đệm êm/ Trong rừng thông mọc như nêm/  Tìm nơi bóng mát ta lên ta nằm/ Trong rừng có bóng trúc râm/ Dưới màu xanh mát ta ngâm thơ nhàn”. Trong cảm nhận của nhà thơ,  cảnh vật hiện ra thật thơ mộng, trữ tình, thanh bình, yên ả.  Với Ức Trai, suối là đàn, rêu là chiếu, bóng râm làm giường, bóng trúc là nơi ngâm thơ. Ông thả hồn vào thiên nhiên như người bạn tâm tình.

Trong những trang thơ, Nguyễn Trãi hiện lên với một phong thái  ung dung, nhàn tản, vui với cảnh sống đơn sơ và mộc mạc, giản dị ở chốn thôn quê: “ Ao cạn vớt bèo cấy muống/ Đìa thanh phát cỏ ươm sen”. Hiện ra trước mắt ta không phải là một công thần khanh tướng mà là một lão nông tri điền sớm chiều vác cuốc ra vườn để mà “cấy muống”, “ươm sen”. Hai câu thơ  gợi ta liên tưởng đến lối sống nhàn dật của Nguyễn Bỉnh Khiêm “Một mai, một cuốc, một cần câu/ Thơ thẩn dù ai vui thú nào” hay lối sống giản dị, thanh cao của chủ tịch Hồ Chí Minh trong những năm tháng kháng chiến gian khổ: “Sáng ra bờ suối, tối vào hang/ Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng”.

Nguyễn Trãi đã để trái tim mình hòa vào thiên nhiên, vui thú với cảnh sắc dân dã mà  không vướn bận chuyện đời. Nguyễn Mộng Tuân từng viết về Nguyễn Trãi “Gió tây hây hẩy gác vàng…người như một ông tiên ngồi trong tòa ngọc. Cái tài làm hay làm đẹp cho đất nước từ xưa chưa có bao giờ”. Thật vậy, Nguyễn Trãi như ông tiên ngồi trong lầu ngọc, thả hồn mình vào thiên nhiên, đón nhận thiên nhiên bằng tất cả tâm hồn. Ức Trai yêu thiên nhiên đến độ sợ làm bị thương cảnh vật. Ông nâng niu đến từng mảnh trăng muộn, từng cánh hoa tàn “Viện có hoa tàn chăng quét đất/ Nước còn nguyệt hiện sá thôi chèo”.

 Về với ruộng vườn, với sông nước khói mây, thả mình vào thiên nhiên tạo vật nhưng Nguyễn Trãi không bao giờ quay lưng vơi cuộc sống. Thơ ông vẫn luôn bừng cháy một  “ngọn lửa đời rất ấm”, luôn thường trực một tấm lòng âu lo cho dân, cho nước, cháy bỏng một khát khao làm cho đất nước thanh binh, cuộc sống của nhân dân giàu đủ. Ông mơ ước có cây Ngu cầm gảy lên khúc Nam phong cho cuộc sống của nhân dân được vui vầy, hạnh phúc  “Dẽ có ngu cầm đàn một tiếng/ Dân giàu đủ khắp đòi phương”.  Trong khoảnh khắc ấy, Nguyễn Trãi bỗng hòa thành cây đàn họ Ngu, chỉ cần ngân lên là phép lạ sẽ rưới xuống muôn dân một trời mưa hạnh phúc. Đó là khát khao sâu kín và cháy bỏng suốt một đời của Nguyễn Trãi. Tấm lòng Nguyễn Trãi lúc nào cũng đau đáu hướng về đất nước, về nhân dân. Ông gọi đó là lòng ưu ái, lòng trung hiếu không lúc nào phôi phai được “Bui một tấc lòng ưu ái cũ/ Đêm ngày cuồn cuồn nước triều đông”

Cõi thơ Ức Trai luôn dào dạt một tấm lòng yêu đời tha thiết. Dù ở trong bất kì hoàn cảnh nào, ông vẫn tha thiết hướng đến cuộc đời, vẫn khát khao hòa nhập với cuộc sống.  Ông viết trong bài thơ “ Cảnh ngày hè” những vần thơ dạt dào sức sống “Lao xao chợ cá làng ngư phủ/ Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương”. Tiếng “lao xao” chợ cá là âm thanh bình thường và gần gũi biết bao, nó gợi vẻ nhộn nhịp, náo nức của cuộc sống thường nhật. Nguyễn Trãi đang lắng nghe những âm thanh bình dị từ cuộc sống  đủ thấy tâm hồn ông gần gũi, gắn bó với nhân dân biết chừng nào. Cái buồn bã thường thấy của lầu tịch dương như bị xua tan bởi cái réo rắc của tiếng cầm ve. Câu thơ gợi nhắc đến những vần  thơ Tố Hữu: “Ve kêu rừng phách đổ vang/ Nhớ cô em gái hái măng một mình”. Với những âm thanh ấy, bức tranh chiều hè hiện lên tươi vui, rộn rã thể hiện tấm lòng yêu đời thiết tha của nhà thơ.

 Nhắc đến Nguyễn Trãi là nhắc đến một trái tim suốt đời âu lo cho dân cho nước; nhắc đến tư tưởng nhân nghĩa với chiều sâu và tầm cao giá trị xuyên suốt mấy trăm năm; nhắc đến tình đời, tình người thiết tha, sâu nặng như Tố Hữu từng viết “Nghe hồn Nguyễn Trãi phiêu diêu/ Tiếng gươm khua tiếng thơ kêu xé lòng”. Oan án Lệ Chi Viên đã giết chết một thiên tài nhưng những gì ông để lại cho dân cho nước thì muôn đời bất tử. Con người ấy, hồn thơ ấy mãi mãi là cây đại thụ tỏa bóng mát cho ngàn sau. Nguyễn Trãi sẽ sống mãi trong lòng bạn đọc cũng như ngọn lửa đời mãi cháy trong thơ ông.

Trần Thị Đinh Huệ

Học sinh chuyên Văn trường THPT chuyên Lương Văn Chánh, Phú Yên.

 

Phản hồi của bạn

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây