Tài Liệu Ôn Thi Ngữ Văn THPT

Bài tập đọc hiểu

BÀI TẬP ĐỌC HIỂU

GV PHAN DANH HIẾU

BÀI TẬP 1

 Đọc đoạn trích sau đây và trả lời các câu hỏi từ Câu 1 đến Câu 4:

 “… (1) Thật vậy, Nguyễn Du, đại thi hào của dân tộc từng viết: “Sách vở đầy bốn vách/ Có mấy cũng không vừa”. Đáng tiếc, cuộc sống hiện nay dường như “cái đạo” đọc sách cũng dần phôi pha. Sách in nhiều nơi không bán được, nhiều nhà xuất bản đóng cửa vì thua lỗ, đặc biệt sách bị cạnh tranh khốc liệt bởi những phương tiện nghe nhìn như ti vi, Ipad, điện thoại Smart, và hệ thống sách báo điện tử trên Internet. Nhiều gia đình giàu có thay tủ sách bằng tủ … rượu các loại. Các thư viện lớn của các thành phố hay của tỉnh cũng chỉ hoạt động cầm chừng, cố duy trì sự tồn tại.

…(2) Bỗng chợt nhớ khi xưa còn bé, với những quyển sách giấu trong áo, tôi có thể đọc sách khi chờ mẹ về, lúc nấu nồi cơm, lúc tha thẩn trong vườn, vắt vẻo trên cây, lúc chăn trâu, lúc chờ xe bus… Hay hình ảnh những công dân nước Nhật mỗi người một quyển sách trên tay lúc ngồi chờ tàu xe, xem hát, v.v… càng khiến chúng ta thêm yêu mến và khâm phục. Ngày nay, hình ảnh ấy đã bớt đi nhiều, thay vào đó là cái máy tính hay cái điện thoại di động. Song sách vẫn luôn cần thiết, không thể thiếu trong cuộc sống phẳng hiện nay…”

(Trích “Suy nghĩ về đọc sách” – Trần Hoàng Vy, Báo Giáo dục & Thời đại, Thứ hai ngày 13.4.2015)

Câu 1. Hãy xác định các phép liên kết câu trong văn bản trên.

Câu 2. Xác định hình thức lập luận của đoạn (1)

Câu 3. Hãy giải thích vì sao tác giả lại cho rằng: “cuộc sống hiện nay dường như “cái đạo” đọc sách cũng dần phôi pha”?

Câu 4. Anh/chị hãy thử đề xuất một vài biện pháp để giới trẻ quay lại với văn hóa đọc.

BÀI TẬP 2

Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi

Tết này nhà lại vắng cha

Thuốc không thơm nữa ấm trà hết ngon

Cha đi về phía vuông tròn

Trần gian lấm láp mãi còn nắng mưa

 

Đời người mới đấy thành xưa

Nhìn lên nhân ảnh ảo mờ khói hương

Con không tin có thiên đường

Nhưng tin có thật nỗi buồn, cha ơi!

 

Con tìm đâu những chơi vơi

Cha đi về phía xanh lời cỏ hoa

Cách người thước đất mà xa

Rót mời cha một chén trà hư không

 

Rưng rưng tàn thuốc quặn vòng

Thương cha khói cũng nặng lòng không bay.

(Dâng cha – Trương Nam Hương)

Câu 1. Xác định thể thơ.

Câu 2. Phương thức biểu đạt chính.

Câu 3. Cảm xúc của tác giả trong bài thơ trên.

Câu 4. Giải thích ý nghĩa hai câu thơ:

Tết này nhà lại vắng cha

Thuốc không thơm nữa ấm trà hết ngon

  

BÀI TẬP 3

Ghita

bắt đầu khóc.

Vỡ ra

ly của bình minh.

Ghita

bắt đầu khóc.

Ai bắt được nó ngừng.

ai bắt được nó

lặng im.

Tiếng khóc cô đơn

như nước khóc trên sông

như gió gào

trên tuyết

Ai bắt được

nó ngừng.

Như hoàng hôn

khóc buổi bình minh

như mũi tên

lao vào thinh không

như cát nóng miền Nam

khóc cho trà mi trắng

như chim non trên cành

lìa cuộc sống.

Ôi đàn!

con tim bị thương

bởi năm thanh kiếm sắc

(Đàn Ghita –  Federico García Lorca)

Câu 1. Chỉ ra các phương thức biểu đạt.

Câu 2. Chỉ ra và nêu tác dụng nghệ thuật của 02 biện pháp tu từ trong bài thơ trên.

Câu 3. Bài thơ được viết theo thể thơ nào?

Câu 4. Bài thơ này gợi cho anh chị nhớ tới đoạn thơ nào trong bài thơ Đàn ghita của Lorca (Thanh Thảo)

Câu 5. Tiếng ghita được miêu tả qua những từ ngữ, hình ảnh, câu thơ nào ?

BÀI TẬP 4

Có một cách mà từ xưa người ta đã dùng đến “mệt mỏi” trong những trường hợp thế này là : lấy tên các tác phẩm của người ấy hay lời văn trong đó đem ghép lại với nhau cho chúng tạo ra một nội dung nào đó. Thanh Thảo chọn cách khác. Thi liệu anh viết về Lorca toàn là những thi ảnh rất ám  trong thế giới nghệ thuật của chính Lorca mà sau những lãng quên chúng vẫn không thôi đeo bám Thanh Thảo: đàn ghi-ta, bài ca mộng du, con ngựa đen vầng trăng đỏ , chàng kị  sĩ đơn độc, áo choàng đấu sĩ, sắc máu đấu trường, cô gái Di gan, lá bùa hộ mệnh, hoa tử đinh hương… Và tất nhiên làm sao có thể thiếu được dòng sông cùng với cỏ mọc hoang vốn là những hình ảnh – biểu tượng từ lâu vẫn miên man với ngòi thơ Thanh Thảo ! Cảm hứng vụt dậy thì liền gọi luôn những đạo quân ấy về cho cùng đầu quân (đầu thai thì đúng hơn) vào thi phẩm này. Nhờ đó hình tượng Lorca và suy cảm Thanh Thảo đã nói chung một thứ tiếng là dòng thi liệu đã trộn vào nhau đó. Thì tương giao tâm giao cũng còn là thế chứ sao ? (Chu Văn Sơn)

Câu 1. Chỉ ra 01 biện pháp tu từ trong văn bản trên và nêu hiệu quả.

Câu 2. Phương thức biểu đạt chính của văn bản trên.

Câu 3. Chỉ ra các phép liên kết trong văn bản trên.

Câu 4. Chỉ ra thao tác lập luận chính trong văn bản trên.

Thầy Phan Danh Hiếu

Exit mobile version