Bàn về văn hóa đọc

0
11458

Bàn về văn hóa đọc

Đề ra: Bàn về  “VĂN HÓA ĐỌC” hiện nay qua ý kiến của giáo sư Chu Hảo – Giám đốc NXB Tri Thức: “Nói văn hóa đọc lâm nguy cũng hơi quá, nhưng đáng báo động”

 BÀI LÀM

Ở các quốc gia tiên tiến trên thế giới, văn hóa đọc sách rất được coi trọng và chú ý phát triển. Chính văn hóa này đã giúp họ nâng cao dân trí và góp phần tạo nên sự phồn vinh trong xã hội. Còn ở Việt Nam, mặc dù trong những năm gần đây số lượng nhà xuất bản, số đầu sách được đưa ra thị trường tăng rất nhanh và nước ta cũng đã cơ bản hoàn thành công tác xóa mù chữ nhưng văn hóa đọc sách ở nước ta vẫn chưa phát triển tương xứng. Điều đáng lo ngại là lượng độc giả, đặc biệt là độc giả trẻ, lại có chiều hướng giảm. Bàn về vấn đề đọc sách của thanh niên hiện nay, giáo sư Chu Hảo – Giám đốc NXB Tri Thức đưa ra nhận xét: “Nói văn hóa đọc lâm nguy cũng hơi quá, nhưng đáng báo động”

Trước khi đi vào thực trạng văn hóa đọc của thanh niên nước ta, chúng ta cần phải trả lời được câu hỏi : văn hóa đọc là gì? Văn hóa đọc bắt nguồn từ việc đọc sách nhưng không đơn thuần là việc đọc sách. Thật vậy, từ việc đọc sách thường xuyên, ta có được thói quen đọc sách và thói quen có ích này dần nhân rộng trong xã hội, trở thành một nét đẹp. Trong quá trình hình thành và phát triển nét đẹp ấy, ta dần luyện tập được thêm ứng xử đọc, giá trị đọc và chuẩn mực đọc. Với ứng xử đọc là cách ta nhìn nhận tri thức từ sách vở. Giá trị đọc là khả năng ta đãi được những hạt vàng trong các trang sách. Chuẩn mực đọc là cái thước đo để xác định một cuốn sách, một tài liệu là đáng để chúng ta bỏ thời gian đọc hay không. Tất cả các nhân tố ấy hợp lại tạo nên một văn hóa mà ta gọi là văn hóa đọc.

Ở đâu có văn hóa đọc thì ở đó có một xã hội văn minh. Với mục tiêu xây dựng một xã hội như thế, đáng lẽ ra Việt Nam phải có một nền văn hóa đọc phát triển. Nhưng thực tế cho thấy văn hóa đọc của giới trẻ tại Việt Nam lại đang đi theo một xu hướng đáng lo ngại. Cụ thể, ngày nay giới trẻ có quá nhiều phương tiện truyền thông – giải trí như mạng xã hội, ti vi, phim ảnh, trò chơi điện tử, … Những thú vui vô bổ này chiếm phần lớn thời gian của những người trẻ đồng thời khiến họ không mấy mặn mà với việc cầm trên tay những cuốn sách chi chít toàn chữ với chữ để đọc. Một số thanh niên khác cũng có đọc sách nhưng chủ yếu lại chìm đắm trong truyện tranh hoặc những câu chuyện diễm tình sướt mướt không đem lại bất kì lợi ích giáo dục nào. Số này đọc sách vì mục đích giải trí là nhiều chứ ít quan tâm đến việc bổ sung, cập nhật tri thức qua sách. Dầu vậy, ta cũng không nên vì những “con sâu” ấy mà đánh giá cả một thế hệ theo kiểu “vơ đũa cả nắm” bởi hiện nay cũng có một bộ phận không nhỏ các thanh niên đam mê đọc sách và tâm huyết xây dựng nhiều dự án nhằm phổ biến văn hóa đọc sách trong cộng đồng. Tiêu biểu là Book Box, một mô hình “trạm chờ” cho sách với tinh thần “take a book, leave a book” (hãy lấy một quyển sách và để lại một quyển khác), hay Bookaholic (người nghiện sách), một dự án phát triển một trang web cho phép người yêu sách đọc, đăng những bài phê bình, bài giới thiệu sách cho mọi người.

            Dù không đến mức “lâm nguy” nhưng hiện trạng của văn hóa đọc sách cũng đã ở mức “báo động”. Do đó ta cần phải đào sâu hơn nữa vào vấn đề này để tìm ra nguyên nhân, từ đó mới có biện pháp khắc phục đúng đắn. Nguyên nhân đầu tiên chính là nhận thức kém về tầm quan trọng của văn hóa đọc sách. Thể hiện ở việc nhiều bậc phụ huynh khi thấy con mình cầm sách để đọc thì lập tức nạt và bắt chúng dành thời gian ấy để làm “học” mà không nhận ra rằng đọc sách là một trong những cách học hiệu quả nhất. Thứ hai, tình trạng văn hóa đọc trở nên đáng lo ngại như hiện nay là vì giáo dục chưa hiệu quả. Nhà trường tập trung quá nhiều vào việc nhồi nhét kiến thức cho học sinh một cách thụ động, khuôn mẫu và việc đề cao điểm số đã khiến các em không mấy thiết tha với sách bởi dù đọc nhiều cuốn sách bổ ích hay không đọc cuốn nào thì cũng chẳng có ai ghi nhận. Chịu trách nhiệm to lớn hơn hết là việc giáo dục trong gia đình còn quá yếu kém bắt nguồn từ sự thiếu nhận thức và tâm lý thực dụng của các bậc làm cha làm mẹ. Họ cho con cái tiếp xúc với các sản phẩm công nghệ từ quá sớm thay vì cho các em tiếp cận với sách – vốn kiến thức vô tận của con người. Mà một khi hạt giống của văn hóa không được gieo, không được ươm mầm thì sẽ khó có thể nào đơm hoa kết trái được. Cuối cùng là nguyên nhân thứ ba: sự hạn chế về thời gian của giới trẻ. Hiện nay, thanh niên, đặc biệt là học sinh đã trở thành một cái “máy học”. Các em học từ sáng tới chiều ở trường, rồi tối đến lại phải tất bật ‘chạy sô’ đi học thêm cô này thầy nọ, chưa kể một lượng thời gian không nhỏ để các em hoàn thành núi bài tập về nhà. Với thời khóa biểu như thế này thì du gia đình, nhà trường và xã hội có hô hào cỡ nào thì cũng chẳng mấy em có đủ sức lực và thời gian mà dành ra cho đọc sách.

Hiểu được những nguyên nhân trên, ta có thể đưa ra ba biện pháp để khắc phục vấn. Trước hết ta cần giúp mọi người nhận thức được vai trò quan trọng của văn hóa đọc. Đó là văn hóa đọc chính là cầu nối để chúng ta đến với kho tàng tri thức của nhân loại. Qua đó, mỗi chúng ta tự gíúp mình hoàn thiên bản thân hơn cả về trí tuệ lẫn đạo đức. Kế đến, cần phải xây dựng văn hóa đọc bắt đầu từ mỗi gia đình. Các bậc phụ huynh nên khuyến khích con em mình đọc sách bằng việc tham gia đọc sách, tranh luận về sách cùng các em, đưa các em đến các thư viện và hưởng ứng các phong trào nhân rộng văn hóa đọc. Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng: gia đình, nhà trường và xã hội cần cổ vũ giới trẻ sáng tạo và hưởng ứng các dự án sách, thư viện cộng đồng để chúng ta có nhiều hơn nữa những Book Box hay Bookaholic. Đồng thời, giúp các em học sinh, sinh viên giảm bớt gánh nặng bài vở, điểm số để các em có thời gian dành cho đọc sách. Có như vậy thì văn hóa đọc ở nước ta mới thêm phát triển và văn minh.

Gia đình và các bậc chức trách có nhiệm vụ lớn lao trong việc thay đổi hiện trạng văn hóa đọc ở nước ta là vậy. Tuy nhiên, là thanh niên, học sinh chúng ta cũng có thể góp phần quan trọng không kém trong công cuộc đó bằng nhiều hình thức. Chúng ta có thể tham gia lập ra các nhóm, câu lạc bộ sách để có nơi chia sẻ những nhận xét, ý kiến cũng như hỏi đáp những thắc mắc khi đọc sách. Đó cũng có thể là việc ủng hộ sách vở cho các tủ sách thiếu nhi hoặc những bạn có hoàn cảnh khó khăn hơn, chăm chỉ đến đọc sách ở các thư viện hay đơn giản là đọc sách cho em trai, em gái của mình trước khi đi ngủ. Chỉ những việc làm tưởng chừng như vô cùng nhỏ bé thế thôi nhưng lại rất đáng quý và cần thiết.

Việt Nam đang trong quá trình phấn đấu để vươn lên thành một quốc gia giàu mạnh, dân trí tiến bộ. Mà một đất nước chỉ thực sự đạt đến trình độ đó khi văn hóa đọc của họ phát triển. Vì vậy, mỗi người trong chúng ta, đặc biệt là thế hệ thanh niên hiện nay, hãy chung tay hành động. Những hành động dù là nhỏ bé nhất cũng sẽ tạo ra những thay đổi lớn, không chỉ ảnh hưởng đến bản thân mỗi người chúng ta mà còn tác động đến xu hướng của một nét văn hóa đẹp: văn hóa đọc.

Phạm Lâm Ngọc Bích

Cựu Hs trường chuyên Lương Thế Vinh, Biên Hòa, Đồng Nai

 

Phản hồi của bạn

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây