Kỹ năng làm bài đọc hiểu đạt 3/3 điểm

3
12723
logo A

Kỹ năng làm bài đọc hiểu đạt 3/3 điểm

A. LÝ THUYẾT

Câu hỏi đọc hiểu được chia theo thứ tự như sau:

  • Câu 1. Nhận biết (0.5 điểm)
  • Câu 2. Thông hiểu (0.5 điểm)
  • Câu 3. Vận dụng cao (1.0 điểm)
  • Câu 4. Vận dụng cao (1.0 điểm)

CỦNG CỐ KIẾN THỨC ĐỌC HIỂU

 I. PHONG CÁCH NGÔN NGỮ CHỨC NĂNG

  1. Yêu cầu

– Nắm được có bao nhiêu phong cách ngôn ngữ (6).

– Nắm được:

+ Khái niệm.

+ Đặc trưng của từng phong cách ngôn ngữ.

  1. Các loại phong cách ngôn ngữ

2.1. Phong cách ngôn ngữ sinh hoạt

Khái niệm: Phong cách ngôn ngữ sinh hoạt là phong cách được dùng trong giao tiếp sinh hoạt hằng ngày, thuộc hoàn cảnh giao tiếp không mang tính nghi thức, dùng để thông tin, trao đổi ý nghĩ, tình cảm… đáp ứng những nhu cầu trong cuộc sống.

Đặc trưng:

+ Giao tiếp mang tư cách cá nhân.

+ Nhằm trao đổi tư tưởng, tình cảm của mình với người thân, bạn bè, đồng nghiệp.

Nhận biết:

+ Gồm các dạng: Chuyện trò (đối thoại, độc thoại), nhật kí, thư từ…

+ Ngôn ngữ: Khẩu ngữ, bình dị, suồng sã, địa phương.

2.2. Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật

–  Khái niệm:

+ Là loại phong cách ngôn ngữ được dùng trong các văn bản thuộc lĩnh vực văn chương (Văn xuôi nghệ thuật, thơ, kịch).

 Đặc trưng:

+ Tính hình tượng

+ Tính truyền cảm

+ Tính cá thể: Thể hiện dấu ấn riêng của tác giả.

 Nhận biết:

+ Là văn bản trích từ tác phẩm văn học: tự sự (truyện ngắn, tiểu thuyết, phê bình, hồi kí), trữ tình (thơ, ca dao), sân khấu (kịch, chèo, tuồng)

+ Có thể tồn tại trong văn bản chính luận, báo chí

2.3. Phong cách ngôn ngữ báo chí

Khái niệm: Ngôn ngữ báo chí là ngôn ngữ dùng để thông báo tin tức thời sự trong nước và quốc tế, phản ánh chính kiến của tờ báo và dư luận quần chúng, nhằm thúc đẩy sự tiến bộ xã hội.

 Đặc trưng:

Là phong cách được dùng trong lĩnh vực thông tin của xã hội về tất cả những vấn đề thời sự: (thông tấn có nghĩa là thu thập và biên tập tin tức để cung cấp cho các nơi).

– Nhận biết: Được trích từ một tờ báo hoặc website (Tuy nhiên lưu ý thêm rằng không cái gì trích từ báo chí cũng là PCNN báo chí. Ví dụ một bài thơ trích từ báo thì không thể là PCNN báo chí mà là PCNN nghệ thuật)

Cách nhận biết khác nữa là căn cứ trên một số thể loại văn bản báo chí:

+ Bản tin: Cung cấp tin tức cho người đọc theo một khuôn mẫu: Nguồn tin – Thời gian – Địa điểm – Sự kiện – Diễn biến – Kết quả.

+ Phóng sự: Cung cấp tin tức nhưng mở rộng phần tường thuật chi tiết sự kiện, miêu tả bằng hình ảnh, giúp người đọc có một cái nhìn đầy đủ, sinh động, hấp dẫn.

+ Tiểu phẩm: Giọng văn thân mật, dân dã, thường mang sắc thái mỉa mai, châm biếm nhưng hàm chứa một chính kiến về thời cuộc.

+ Quảng cáo: một đoạn thông tin về sản phẩm và mời chào của nhà sản xuất, đại lý phân phối.

2.4. Phong cách ngôn ngữ khoa học

–   Khái niệm: Là phong cách được dùng trong giao tiếp thuộc lĩnh vực nghiên cứu, học tập và phổ biến khoa học.

+ Là phong cách ngôn ngữ đặc trưng cho các mục đích diễn đạt chuyên môn sâu.

Đặc trưng:

+ Chỉ tồn tại chủ yếu ở môi trường của những người làm khoa học.

+ Gồm các dạng: khoa học chuyên sâu; Khoa học giáo khoa; Khoa học phổ cập.

+ Có 3 đặc trưng cơ bản: (Thể hiện ở các phương tiện ngôn ngữ như từ ngữ, câu, đoạn văn, văn bản)

  1. Tính khái quát, trừu tượng.
  2. Tính lí trí, lô gíc.
  3. Tính khách quan, phi cá thể.

– Nhận biết:

+ Bài học từ Sách giáo khoa

+ Bài viết phổ biến kiến thức khoa học

+ Công trình nghiên cứu khoa học chuyên sâu.

2.5. Phong cách ngôn ngữ chính luận

Khái niệm: Là phong cách ngôn ngữ được dùng trong những văn bản trực tiếp bày tỏ tư tưởng, lập trường, thái độ với những vấn đề thiết thực, nóng bỏng của đời sống đặc biệt trong lĩnh vực chính trị, xã hội.

– Đặc trưng (Dựa trên các đặc trưng này để nhận biết)

+ Tính công khai về quan điểm chính trị:  Ngôn ngữ chính luận không chỉ thông tin một cách khách quan mà phải thể hiện đường lối, quan điểm, thái độ chính trị của người viết (người nói) một cách công khai dứt khoát, không che dấu, úp mở. Từ ngữ phải được cân nhắc kĩ càng, đặc biệt những từ thể hiện lập trường, quan điểm chính trị.

+ Tính chặt chẽ trong biểu đạt và suy luận: Luận điểm, luận cứ, ý lớn, ý nhỏ, câu đoạn phải rõ ràng, rành mạch. Hệ thống luận điểm chặt chẽ, từng ý, từng câu, từng đoạn được phối hợp với nhau một cách hài hoà, mạch lạc.

+ Tính truyền cảm, thuyết phục: Ngôn từ lôi cuốn để thuyết phục; giọng điệu hùng hồn, tha thiết, thể hiện nhiệt tình và sáng tạo của người viết.

2.6. Phong cách ngôn ngữ hành chính

Khái niệm: Là phong cách được dùng trong giao tiếp thuộc lĩnh vực hành chính.

Đặc trưng:

* Tính khuôn mẫu:

– Tính khuôn mẫu thể hiện ở kết cấu văn bản thống nhất, thường gồm ba phần:

+ Phần đầu: Quốc hiệu và tiêu ngữ. Tên cơ quan ban hành văn bản. Địa điểm, thời gian ban hành văn bản.

+ Phần chính: Nội dung chính của văn bản.

+ Phần cuối: Chức vụ, chữ kí và họ tên của người kí văn bản, dấu của cơ quan. Nơi nhận.

– Văn bản hành chính có rất nhiều loại nên cách trình bày cũng có thể có những điểm khác biệt nhất định.

* Tính minh xác:

– Mỗi từ một nghĩa, mỗi câu một ý.

– Không dùng các biện pháp tu từ.

* Tính công vụ:

– Tính chất công vụ là tính chất công việc chung của cả cộng đồng, do đó hạn chế những biểu đạt tình cảm của cá nhân.

III. PHƯƠNG THỨC BIỂU ĐẠT

  1. Yêu cầu:

– Nắm được có bao nhiêu phương thức biểu đạt (6).

– Nắm được:

+ Khái niệm.

+ Đặc trưng của từng phương thức biểu đạt.

  1. Các phương thức biểu đạt:

2.1. Tự sự (kể chuyện, tường thuật):

Khái niệm: Tự sự là kể lại, thuật lại sự việc, là phương thức trình bày một chuỗi các sự việc, sự việc này dẫn đến sự việc kia, cuối cùng kết thúc thể hiện một ý nghĩa.

Đặc trưng:

+ Có cốt truyện.

+ Có nhân vật tự sự, sự việc.

+ Rõ tư tưởng, chủ đề.

+ Có ngôi kể thích hợp.

2.2. Miêu tả

– Miêu tả là làm cho người đọc, người nghe, người xem có thể thấy sự vật, hiện tượng, con người (Đặc biệt là thế giới nội tâm) như đang hiện ra trước mắt qua ngôn ngữ miêu tả.

2.3. Biểu cảm

– Là bộc lộ tình cảm, cảm xúc của mình về thế giới xung quanh.

2.4. Nghị luận

Là phương thức chủ yếu được dùng để bàn bạc phải, trái, đúng sai nhằm bộc lộ rõ chủ kiến, thái độ của người nói, người viết.

2.5. Thuyết minh

Được sử dụng khi cần cung cấp, giới thiệu, giảng giải những tri thức về một sự vật, hiện tượng nào đó cho người đọc, người nghe.

Đặc trưng:

+ Các luận điểm đưa đúng đắn, rõ ràng, phù hợp với đề tài bàn luận.

+ Lý lẽ và dẫn chứng thuyết phục, chính xác, làm sáng tỏ luận điểm.

Các phương pháp thuyết minh :

+ Phương pháp nêu định nghĩa, giải thích.

+ Phương pháp liệt kê.

+ Phương pháp nêu ví dụ , dùng con số.

+ Phương pháp so sánh.

+ Phương pháp phân loại, phân tích.

2.6. Hành chính – công vụ

– Văn bản thuộc phong cách hành chính công vụ là văn bản điều hành xã hội, có chức năng xã hội. Xã hội được điều hành bằng luật pháp, văn bản hành chính.

– Văn bản này qui định, ràng buộc mối quan hệ giữa các tổ chức nhà nước với nhau, giữa các cá nhân với nhau trong khuôn khổ hiến pháp và các bộ luật văn bản phái lý dưới luật từ trung ương tới địa phương.

 IV. CÁC BIỆN PHÁP TU TỪ

* Luôn nhớ: Các biện pháp tu từ thì có 3 phương diện

– Tu từ về ngữ âm: điệp âm, điệp vần, điệp thanh,… (tạo âm hưởng và nhịp điệu cho câu)

– Tu từ về từ: so sánh, nhân hóa, ẩn dụ, hoán dụ, tương phản, chơi chữ, nói giảm, nói tránh, thậm xưng,…

– Tu từ  về cú pháp: Lặp cú pháp, liệt kê, chêm xen, câu hỏi tu từ, đảo ngữ, đối…

 

* Với dạng câu hỏi này học sinh cần: Ôn lại kiến thức về các biện pháp tu từ từ vựng và các biện pháp nghệ thuật khác.

  1. So sánh

– Khái niệm: So sánh là đối chiếu sự vật này với sự vật khác có nét tương đồng nhằm tăng sức gợi hình biểu cảm.

  1. Ẩn dụ

– Khái niệm: Gọi tên sự vật, hiện tượng này bằng tên sự vật, hiện tượng khác có nét tương đồng nhằm tăng sức gợi hình gợi cảm…

  1. Nhân hóa

– Khái niệm: là cách gọi tả vật, đồ vật v.v…bằng những từ ngữ vốn dùng cho con người làm cho thế giới vật, đồ vật … trở nên gần gũi biểu thị được những suy nghĩ tình cảm của con người.

  1. Hoán dụ

– Khái niệm: là cách gọi tên sự vật hiện tượng khái niệm khác có quan hệ gần gũi với nó.

– Ví dụ: Áo chàm đưa buổi phân li (Việt Bắc – Tố Hữu)

  1. Nói quá, phóng đại, thậm xưng:

Biện pháp tu từ phóng đại mức độ qui mô tính chất của sự vật hiện tượng được miêu tả để nhấn mạnh, gây ấn tượng, tăng tính biểu cảm.

  1. Nói giảm nói tránh

– Khái niệm: dùng cách diễn đạt tế nhị uyển chuyển tránh gây cảm giác phản cảm và tránh thô tục thiếu lịch sự.

  1. Điệp từ, điệp ngữ

– Khái niệm: lặp lại từ hoặc cụm từ để làm nổi bật ý, gây cảm xúc mạnh.

  1. Tương phản đối lập

– Khái niệm: Dùng những từ ngữ hoặc hình ảnh có tính chất tương phản để nhấn mạnh làm nổi bật một ý nghĩa nào đó.

  1. Phép liệt kê

– Khái niệm: tức là đưa ra hàng loạt những sự vật, sự việc, hiện tượng tạo nên sự phong phú đa dạng, làm nổi bật….

  1. Phép điệp cấu trúc

– Khái niệm: Điệp cấu trúc cú pháp là biện pháp dùng cặp câu hoặc nhiều câu có cấu trúc giống nhau nhằm khẳng định và nhấn mạnh một điều gì đó có ý nghĩa lớn.

  1. Câu hỏi tu từ

– Khái niệm: Là đặt ra câu hỏi nhưng không đòi hỏi câu trả lời mà nhằm nhấn mạnh một ý nghĩa khác.

12. Đối

13. Đảo ngữ

[….]

 V. CÁC THAO TÁC LẬP LUẬN

1. Thao tác lập luận giải thích

– Là cắt nghĩa một sự vật, hiện tượng, khái niệm để người khác hiểu rõ, hiểu đúng vấn đề.

– Cách giải thích: Tìm đủ lí lẽ để giảng giải, cắt nghĩa vấn đề đó. Đặt ra hệ thống câu hỏi để trả lời.

  1. Thao tác lập luận phân tích

– Là cách chia nhỏ đối tượng thành nhiều yếu tố bộ phận để đi sâu xem xét một cách toàn diện về nội dung, hình thức của đối tượng.

– Cách phân tích: Chia tách đối tượng thành nhiều yếu tố bộ phận theo những tiêu chí, quan hệ nhất định.

  1. Thao tác lập luận chứng minh

– Dùng những bằng chứng chân thực, đã được thừa nhận để chứng tỏ đối tượng.

– Cách chứng minh: Xác định vấn đề chứng minh để tìm nguồn dẫn chứng phù hợp. Dẫn chứng phải phong phú, tiêu biểu, toàn diện sát hợp với vấn đề cần chứng minh, sắp xếp dẫn chứng phải lô gic, chặt chẽ và hợp lí.

  1. Thao tác lập luận so sánh

– Làm sáng tỏ đối tượng đang nghiên cứu trong mối tương quan với đối tượng khác.

Cách so sánh: Đặt đối tượng vào cùng một bình diện, đánh giá trên cùng một tiêu chí, nêu rõ quan điểm, ý kiến của người viết.

  1. Thao tác lập luận bình luận

– Bình luận là bàn bạc, nhận xét, đánh giá về một vấn đề .

Cách bình luận: Trình bày rõ ràng, trung thực vấn đề được bình luận, đề xuất và chứng tỏ được ý kiến nhận định, đánh giá là xác đáng. Thể hiện rõ chủ kiến của mình.

  1. Thao tác lập luận bác bỏ

– Là cách trao đổi, tranh luận để bác bỏ ý kiến được cho là sai .

– Cách bác bỏ: Nêu ý kiến sai trái, sau đó phân tích, bác bỏ, khẳng định ý kiến đúng; nêu từng phần ý kiến sai rồi bác bỏ theo cách cuốn chiếu từng phần.

VI. CÁC HÌNH THỨC LẬP LUẬN CỦA ĐOẠN VĂN

  1. Diễn dịch (câu chủ đề nằm ở đầu đoạn văn):
  2. Quy nạp (câu chủ đề nằm ở cuối đoạn văn):
  3. Song hành (câu chủ đề ẩn)
  4. Tổng – Phân – Hợp
  5. Móc xích

VII. LIÊN KẾT CÂU, LIÊN KẾT ĐOẠN

  1. Khái niệm

          – Liên kết là sự nối kết giữa câu với câu, giữa đoạn với đoạn bằng các từ ngữ có tác dụng liên kết.

          – Sử dụng từ ngữ cụ thế vào việc liên kết gọi là phép liên kết.

          – Các câu trong văn bản cũng như các đoạn trong văn bản phải liên kết chặt chẽ với nhau cả về nội dung lẫn hình thức.

2.Liên kết nội dung: hai phương diện

2.1. Liên kết chủ đề

          – Là các câu trong đoạn, các đoạn trong văn bản phải phục vụ chủ đề chung.

2.2. Liên kết logic

          – Là các câu trong đoạn, các đoạn trong văn bản phải được sắp xếp theo trình tự hợp lí (không gian – thời gian; cụ thể – khái quát hoặc khái quát – cụ thể).

3.Liên kết hình thức

          Các câu, các đoạn có thể liên kết với nhau bằng những biện pháp sau:

   3.1. Phép lặp từ ngữ

          – Là lặp lại ở câu đứng sau những từ ngữ đã được sử dụng ở câu đứng trước.

3.2. Phép đồng nghĩa, trái nghĩa và liên tưởng

          – Là sử dụng ở câu đứng sau những từ ngữ trái nghĩa, đồng nghĩa hoặc cùng trường liên tưởng với từ ngữ ở câu đứng trước.

          – Ví dụ 1: Qua một đêm mưa rào, trời bỗng đổi ra gió bấc. Cái lạnh ở đâu đến làm cho người ta tưởng như đang ở giữa mùa đông. (Phép liên tưởng).

          – Ví dụ 2: Những người yếu đuối thường hay hiền lành. Muốn ác phải là kẻ mạnh. (Phép trái nghĩa).

3.3. Phép thế

          – Là sử dụng ở câu đứng sau những từ ngữ có tác dụng thay thế từ ngữ ở câu đứng trước. (Các từ ngữ thường dùng để thay thế: đó, này, ấy, vậy).

          – Ví dụ: Học văn rõ ràng là khó. Nói như vậy để nêu ra một sự thật không phải để nhằm hù dọa, cũng không phải để làm nản lòng…

3.4. Phép nối

4. Nối chỉ trình tự

          – Thường dùng các từ sau: một là, hai là, trước hết, sau cùng…

Nối chỉ phương diện

          – Thường dùng các từ sau: một mặt, mặt khác, ở một phương diện khác…

Nối chỉ bổ sung

          – Thường dùng từ sau: thêm vào đó

Nối chỉ tổng quát, khái quát

          – Thường dùng các từ sau: tóm lại, tổng kết lại, nhìn chung lại, nói một cách tổng quát…

Nối chỉ sự đối lập, tương phản

          – Thường dùng các từ sau: trái lại, tuy vậy, thế mà, nhưng ngược lại.

 VIII. CÁC THỂ THƠ

  • Các thể thơ dân tộc: lục bát, song thất lục bát, hát nói
  • Các thể thơ Đường luật:  ngũ ngôn, thất ngôn
  • Các thể thơ hiện đại: năm tiếng, bảy tiếng, tám tiếng, hỗn hợp, tự do, thơ – văn xuôi,…

– Thể lục bát:

+ Số tiếng: mỗi cặp gồm hai dòng (một câu 6 – một câu 8 )

+ Vần: Hiệp vần ở tiếng thứ 6 hai dòng và tiếng thứ 8 dòng bát với tiếng thứ 6 dòng lục

+ Nhịp: Chẵn, dựa vào tiếng có thanh không đổi (2, 4, 6 → 2/2/2)

+ Hài thanh: Tiếng 2 (B), tiếng 4 (T), tiếng 6 (B). Đối lập âm vực trầm bổng ở tiếng 6, 8 dòng bát

– Thể song thất lục bát:

+ Số tiếng: cặp song thất (7 tiếng), và một cặp lục bát dòng( 6 – 8 tiếng)

+Vần: Cặp song thất: tiếng 7 – tiếng 5 hiệp vần (vần T); Cặp lục bát hiệp vần B; giữa cặp song thất và lục bát có vần liền

+ Nhịp: 2 câu thất 3/4 ; lục bát 2/2/2

+ Hài thanh: song thất: tiếng 3 linh hoạt B/T

– Các thể ngũ ngôn Đường luật

+ Ngũ ngôn tứ tuyệt: 5 tiếng 4 dòng

+ Ngũ ngôn bát cú: 5 tiếng, 8 dòng

+Vần: độc vận, vần cách

+ Nhịp: 2/3

+ Hài thanh: Có sự luân phiên B-T hoặc niêm B – B, T – T  ở tiếng thứ 2,4.

– Các thể thất ngôn Đường luật  

+Thất ngôn tứ tuyệt: 7 tiếng 4 dòng (Thất ngôn bát cú: 7 tiếng, 8 dòng)

+Vần: vần chân, độc vận, gieo vần cách

+Nhịp 4/3

+Hài thanh: tiếng thứ 4 đối dấu với tiếng thứ 2 và thứ 6; tiếng thứ 2 của dòng 2 và dòng 3, dòng 1 và dòng 4 phải cùng thanh.

– Các thể thơ hiện đại:

Các thể thơ hiện đại rất đa dạng và phong phú: năm tiếng, bảy tiếng, tám tiếng, hỗn hợp, tự do, thơ – văn xuôi…câu thơ dài ngắn khác nhau, cách ngắt nhịp linh hoạt, vắt dòng…Chúng vừa tiếp nối luật thơ trong thơ truyền thống, vừa có sự cách tân.

 IX. NẾU HỎI VỀ NỘI DUNG CHÍNH CỦA VĂN BẢN

– Nội dung chính của văn bản: tư tưởng tác giả gửi gắm trong văn bản hoặc thông điệp rút ra từ văn bản hoặc ý nghĩa của văn bản.

– Kĩ năng xác định nội dung, chủ đề văn bản: dựa vào:

+ Nhan đề (nếu có), hình tượng trung tâm của văn bản.

+ Xác định bố cục ý dựa vào các đoạn (các phần) của văn bản.

+ Tìm câu chủ đề của nhóm câu (nếu có).

 Thầy Phan Danh Hiếu

X . YÊU CẦU ĐẶT TÊN CHO VĂN BẢN

– Đặt được tên văn bản: thì phải dựa trên nội dung. (Nội dung đó nói về điều gì?)

– Đặt nhan đề cho văn bản phải đảm bảo các tiêu chí: đúng trọng tâm, ngắn gọn, hay, dựa vào chủ đề, hình tượng trung tâm, ý nghĩa văn bản.

– Đặt tên thì nên đặt ngắn (Không quá 5-6 chữ)

Thầy Phan Danh Hiếu

XI. HỎI VỀ CAC LOẠI CÂU (trong ngoặc đơn là để nhận biết)

Câu chia theo mục đích nói:

Câu tường thuật (câu kể – câu này thường dẫn một sự việc)

– Câu cảm thán (câu cảm có dấu!)

– Câu nghi vấn (có dấu hỏi)

– Câu khẳng định

– Câu phủ định. (Có chữ không)

Câu chia theo cấu trúc ngữ pháp:

– Câu đơn (Chỉ có 1 cụm chủ vị)

– Câu ghép/ Câu phức (2 cụm chủ vị trở lên)

– Câu đặc biệt. (Câu cực ngắn, không đủ thành phần chủ ngữ, vị ngữ)

XII. HỎI VỀ CÁC PHƯƠNG THỨC TRẦN THUẬT

          Có hai hình thức ngôn ngữ là ngôn ngữ trực tiếp và ngôn ngữ nửa trực tiếp.

+ Ngôn ngữ trực tiếp gồm: Ngôn ngữ nhân vật (ngôn ngữ đối thoại giữa các nhân vật với nhau trong truyện, hoặc chỉ là những lời độc thoại nội tâm của nhân vật); ngôn ngữ của người kể chuyện (ngôn ngữ trần thuật).

+ Ngôn ngữ nửa trực tiếp: Ngôn ngữ đan xen giữa lời của nhân vật với lời của người kể chuyện (ngôn ngữ trần thuật nửa trực tiếp).

– Nhận diện các phương thức trần thuật:

+ Trần thuật từ ngôi thứ nhất: do nhân vật tự kể chuyện;

+ Trần thuật từ ngôi thứ ba: người kể chuyện tự giấu mình;

+ Trần thuật từ ngôi thứ ba, người kể chuyện tự giấu mình nhưng điểm nhìn và lời kể theo giọng điệu của nhân vật trong tác phẩm.

 XIII. CÁC HÌNH THỨC LẬP LUẬN CỦA ĐOẠN VĂN, VĂN BẢN

– Phương pháp diễn dịch (câu chốt, câu nêu ý khái quát đạt ở đầu đoạn);

– Phương pháp quy nạp (câu chốt, câu nêu ý khái quát đạt ở cuối đoạn)

– Phương pháp song hành (không có câu chốt, câu chủ đề, tất cả các câu cùng tập trung hướng tới một chủ đề chung);

– Phương pháp móc xích;

– Phương pháp tổng – phân – hợp (có hai câu chốt nằm ở đầu và cuối đoạn nhưng hai câu này không giống nhau). (Hỏi khó thường hỏi phần này)

 

Vui lòng ghi rõ nguồn từ thầy Phan Danh Hiếu

logo A
Các bài khácKINH NGHIỆM ÔN THI PHẦN THƠ
Bài tiếp theoCấu trúc bài so sánh văn học
Phan Danh Hiếu
"Kiến thức nhờ nhận nhiều mà có, trái tim nhờ cho đi mà giàu". Chúng ta không thể sống chỉ biết nhận mà không biết cho. Vậy nên chia sẻ kiến thức văn chương ở đây cũng chính là cho đi. Và cho đi là còn mãi. Mỗi ngày tôi không ngừng lên mạng để đọc và viết. Đam mê gắn liền với tình yêu thương khiến bản thân luôn thấy cuộc sống này thật đẹp....