Tài Liệu Ôn Thi Ngữ Văn THPT

Bí quyết đạt điểm cao môn Văn trong kỳ thi quốc gia

MỤC LỤC BÀI VIẾT

Bí quyết đạt điểm cao môn Văn trong kỳ thi quốc gia

PHẦN I. BÍ QUYẾT HỌC VÀ ÔN THI QUỐC GIA MÔN NGỮ VĂN

Nguồn: THẦY PHAN DANH HIẾU

I. TỰ HỌC LÀ CHÍNH

1. Tạo thói quen đọc
– Sách vừa là phương tiện giải trí vừa là trường ĐH Tổng hợp của tri thức. Đọc sách giúp ta mở mang kiến thức, mở mang trí óc, cũng là làm cho trí não luôn hoạt động để sản sinh ra Notoron thần kinh.
– Thói quen đọc sách hằng ngày không chỉ tạo cho con người tác phong mẫu mực mà còn làm giàu cho ta vốn ngôn ngữ. Sự giàu có về vốn ngôn ngữ là lợi thế của mỗi người trong giao tiếp (nhất là công việc viết văn). Sở dĩ viết văn chưa hay có lẽ cũng là do một phần của sự “nghèo” ngôn ngữ nên không diễn đạt được cho hay dù “hiểu ý”.
2. Chọn sách mà đọc
– Muốn viết được văn hay dứt khoát phải có vốn ngôn ngữ và cách dùng từ, đặt câu, cách diễn đạt trôi chảy… Những điều ấy chúng ta tìm thấy ở sách. Vì sách được người viết trau chuốt, được nhà xuất bản biên tập lại nên độ “chuẩn” rất cao về nội dung và nghệ thuật. Nên đọc sách sẽ giúp chúng ta học hỏi được nhiều điều, nhất là hành văn và học được cách sử dụng ngôn từ.
– Đọc sách gì để trau dồi vốn ngôn ngữ ?
Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại sách giúp cho việc học văn của các em được tốt hơn. Nhưng theo thầy thì các em nên tìm mua bộ sách HẠT GIỐNG TÂM HỒN. Sách do nhà xuất bản First News thực hiện. Bộ sách này đã được dịch sang tiếng Việt và hàng chục thứ tiếng trên thế giới, trở thành “The all time Best-selling Book” (Cuốn sách bán chạy nhất mọi thời đại). Đọc cuốn sách này sẽ giúp em trau dồi được vốn ngôn ngữ, đặc biệt là trau dồi được cách làm văn Nghị luận xã hội. Mặt khác em sẽ học ở đấy được nhiều điều như: Ý chí nghị lực, lòng yêu thương con người, bản chất của thành công… Tất cả những điều em học được từ cuốn sách ấy như chính tên gọi của nó sẽ tạo cho em “Hạt giống tâm hồn” – điều rất cần cho những người học văn.
Sách cần chọn mua chọn đọc nữa đó là sách Tham khảo Ngữ văn (Để học tốt, Những bài văn mẫu, Luyện thi ĐH Ngữ văn…). Nhưng không phải là sách nào cũng tốt, cũng hay. Theo kinh nghiệm của thầy, hồi còn học cấp 3, thầy hay đọc sách thầy Nguyễn Đăng Mạnh, thầy Chu Văn Sơn, thầy Đỗ Đức Quyền hoặc cuốn “Giảng văn văn học Việt Nam” (của nhiều tác giả – NXB Giáo Dục 1997). Đó là những cuốn sách rất hay, giàu cảm xúc, viết có lý luận… Hiện những cuốn sách này trên thị trường còn rất ít, chỉ trong thư viện các trường hoặc các giáo viên dạy Văn mới có (Các em nên mượn tham khảo). Tại sao phải đọc những cuốn sách này ? Vì đây là những thầy cô viết sách bằng cả tâm hồn mình, viết bằng cái đầu của mình (Chứ không đi copy hay sao chép như những tác giả sau này). Vậy nên, đọc những cuốn đó, các em sẽ thấy được chiều sâu văn chương trong từng lớp sóng ngôn từ. (Hoặc có thể đọc sách của thầy nhé!)
– Đọc báo chí giúp ta nhiều thứ rất cần
Đọc báo giúp ta nắm bắt thông tin thời sự, kinh tế, xã hội, thế giới, nhân loại… Người học văn thì cần vốn sống. Báo chí và kiến thức của nó cũng là thứ vốn sống phong phú. Văn nghị luận xã hội thì lại rất cần đến một con người am hiểu xã hội. Vậy nên, mỗi ngày nên dành thời gian khoảng 10 phút để đọc ít nhất một thông tin báo chí nhé.

3. Tạo thói quen ghi chép
Thấy đoạn văn hay, câu nói hay thì ghi chép lại vào một cuốn sổ, thỉnh thoảng lấy ra đọc. Dần dần ngôn ngữ ấy ăn sâu vào tâm hồn mình, ngày qua ngày khác, ngôn ngữ giàu lên. Đến một lúc nào đó khi viết văn ta sẽ thấy bao la ngôn từ cho mình dạt dào cảm xúc.
Tập ghi lại cảm xúc của mình. Hiện nay Facebook là nơi để lại dấu ấn nhật ký hàng ngày. Thay vì lên mạng chỉ để tán gẫu, viết những điều ngớ ngẩn (tự kỷ) hay chửi bới bạn bè, bôi nhọ người khác… thì hãy dùng Facebook để ghi lại một dấu ấn của mình bằng những dòng cảm xúc. Có thể bạn viết không hay nhưng ngày nào cũng viết thì dần dà bạn sẽ viết lên tay. Thực tế đã có nhiều nhà văn trên thế giới lúc đầu chỉ lên mạng “viết cho vui” nhưng sau đó họ trở thành “hiện tượng văn học mạng” (Ở Việt Nam, nhà văn Gào là một ví dụ điển hình)

4. Nói không với học thuộc lòng văn và chép bài mẫu

Nhiều học sinh do sức ép từ phía giáo viên mà phải học thuộc lòng môn văn. Điều này chắc đến trên 50% cả nước cũng nên. Thành ra “Chữ thầy lại trả cho thầy” mà các em thì trở thành những kẻ “đạo văn” bị ép buộc. Học văn mà như vậy thì không phải là học văn. Vì văn là tùy thuộc vào khả năng cảm thụ của mỗi người. Nhìn mây bay, có người bảo sắp mưa nhưng có người sẽ nhìn thấy bầu trời lúc ấy thật hùng vĩ, có người thích như thế, có người lại không. Vì tâm hồn mỗi con người không giống nhau. Vậy nên, văn chương là không áp đặt, quy chụp cho một cách hiểu.

II. CÁCH TIẾP CẬN TÁC PHẨM

1. Chia thành nhóm nội dung cho dễ nhớ
a. Ngữ Văn 12 gồm:
– Văn học chống Pháp 1945 – 1954: Tuyên ngôn độc lập – Hồ Chí Minh, Tây Tiến – Quang Dũng, Việt Bắc – Tố Hữu, Vợ chồng A Phủ – Tô Hoài, Vợ nhặt – Kim Lân.
– Văn học xây dựng CNXH 1955 – 1960: Người lái đò Sông Đà – Nguyễn Tuân.
– Văn học chống Mỹ 1961 – 1975: Đất Nước – Nguyễn Khoa Điềm, Rừng xà nu – Nguyễn Trung Thành, Những đứa con trong gia đình – Nguyễn Thi, Sóng – Xuân Quỳnh.
– Thơ văn sau 1975: Kịch “Hồn Trương Ba da hàng thịt” – Lưu Quang Vũ, Chiếc thuyền ngoài xa – Nguyễn Minh Châu, Ai đã đặt tên cho dòng sông – Hoàng Phủ Ngọc Tường, Đàn ghita của Lorca – Thanh Thảo (Bên bổ túc không học nên có thể chỉ học qua để có kiến thức liên hệ khi cần)

b. Ngữ Văn 11 gồm:
– Văn học Lãng mạn gồm:

* Truyện lãng mạn: Chữ người tử tù – Nguyễn Tuân, Hai đứa trẻ – Thạch Lam.

* Thơ lãng mạn có: Vội vàng – Xuân Diệu, Đây thôn Vĩ Dạ – Hàn Mặc Tử, Tràng giang – Huy Cận.
* Văn học hiện thực phê phán có: Chí Phèo – Nam Cao, Hạnh phúc của một tang gia (trích Số Đỏ – Vũ Trọng Phụng).
*  Văn học Cách mạng gồm: Chiều tối của Hồ Chí Minh; Từ ấy của Tố Hữu.K

* Kịch: Vĩnh biệt cửu trùng đài – Nguyễn Huy Tưởng.

* Thơ văn trung đại: Xuất dương lưu biệt, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc (Sẽ liên hệ Tây Tiến); Tự tình, Thương vợ (Liên hệ Sóng của Xuân Quỳnh hoặc các tác phẩm liên quan đến hình tượng nữ)

c. Văn học lớp 10 – chú trọng.

Cảnh ngày hè (Nguyễn Trãi) vì có thể liên hệ Bộ tranh tứ bình trong Việt Bắc.

Ca dao, dân ca, Truyện Kiều, Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ… Có thể liên hệ Sóng của Xuân Quỳnh.

Bình Ngô đại cáo vì có thể liên hệ Tuyên Ngôn độc lập của Hồ Chí Minh

2. Có thể học theo nhóm chủ đề Văn học.
– Tình yêu quê hương đất nước qua một số tác phẩm văn học trong chương trình phổ thông. Liên hệ với lòng yêu nước trong thời đại ngày nay.
– Chủ nghĩa nhân đạo qua một số tác phẩm văn học trước và sau năm 1945.
– Chủ nghĩa anh hùng cách mạng qua “Rừng xà nu” và “Những đứa con trong gia đình” (Hoặc chất sử thi; hoặc Tnú – Việt
– Vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam qua thơ văn. (Hoặc một “Hoa hậu” của văn học Việt Nam)
– Vẻ đẹp của hình tượng người mẹ trong văn học.
– Văn học Việt Nam từ 1945 đến 1975 là nền văn học của cảm hứng sử thi và lãng mạn. Hãy chứng minh.
– Tình yêu quê hương đất nước qua bài thơ “Việt Bắc” – Tố Hữu và “Đất Nước” – Nguyễn Khoa Điềm.
– Cảm nhận về khát vọng nghệ thuật và trách nhiệm của người nghệ sĩ trong “Đàn ghita của Lorca” – Thanh Thảo và “Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài” – Nguyễn Huy Tưởng.
– Vẻ đẹp của những dòng sông văn chương trong “Ai đã đặt tên cho dòng sông”, “Người lái đò sông Đà”, “Tràng Giang”.
– Vẻ đẹp tâm hồn người chiến sĩ cách mạng qua “Từ ấy” và “Chiều tối”.
– Bóng tối và ánh sáng trong tác phẩm “Hai đứa trẻ” – Thạch lam và “Chữ người tử tù” – Nguyễn Tuân.
– Các nhân vật phụ trong tác phẩm văn học: Thị Nở, người Vợ nhặt, viên Quản Ngục…
– Chủ đề tình yêu qua “Sóng” – Xuân Quỳnh; “Đây thôn Vĩ Dạ” – Hàn Mặc Tử; “Tương Tư” – Nguyễn Bính.
(……………………….)
3. Đọc kỹ tác phẩm, nắm được phong cách tác giả.
– Tác giả thì cần nắm được: phong cách nghệ thuật, tác phẩm đó trích từ tập nào, ra đời trong hoàn cảnh ra sao?
– Thơ thì thuộc lòng. Học và cố nhớ được những câu thơ hay. Thuộc thêm một số câu thơ ngoài tác phẩm nhưng có cùng nội dung để làm dẫn chứng minh họa thêm cho bài làm.
– Văn xuôi thì đọc kỹ, nắm nội dung, tóm tắt được câu chuyện, nắm được các chi tiết nghệ thuật.

4. Hệ thống các ý chính trong bài học theo sơ đồ tư duy.
– Thơ thì nắm nội dung từng đoạn.
– Văn xuôi nắm được đặc điểm của từng nhân vật hoặc giá trị tác phẩm.
– Thuộc lòng dẫn chứng trong tác phẩm (và dẫn chứng ngoài tác phẩm nữa)

5. Tham khảo đề thi và đáp án của Bộ Giáo Dục từ năm 2017 đến nay (đặc biệt là năm 2018 – mới nhất)
– Mục đích là tìm hiểu các dạng đề thi, cấu trúc đề thi. Đọc kỹ từng đáp án, soi từng Barem điểm, từ đó học cách lập dàn ý, cách xác lập luận điểm.
– Tham khảo thường xuyên qua các năm còn giúp ta nhận ra được hướng ra đề của Bộ để từ đó biết hướng ôn tập cho hiệu quả. Tránh lối học tràn lan, tham kiến thức.
6. Tự giải đề thi
– Tự tìm đề thi trên các trang Web uy tín hoặc xin đề thi từ các giáo viên Ngữ văn rồi tự làm bài. Làm càng nhiều thì càng lên tay. Đừng nản. Làm xong nhờ thầy cô chấm bài. Các em có thể gửi qua mail cho thầy để thầy chấm. Email thầy là: thayhieu.net@gmail.com
– Cố gắng khi viết bài đừng cố viết cho hay mà cố viết cho đúng, đủ đáp án. Sau đó tập diễn đạt cho trôi chảy. Sau khi thành công các khâu đó rồi thì tập viết lời văn cho mượt, cho bóng bẩy, trau chuốt.
– Một bài thi ĐH đạt điểm cao không hẳn là viết hay mà cần viết đúng, diễn đạt trôi chảy, có nội dung là đã điểm cao rồi. Tuy nhiên, để đạt điểm tối đa thì bài làm còn phải có sự sáng tạo riêng hợp lý, viết có lý luận, chặt chẽ.

7. Đi học thêm có cần không ?
– Đối với những học sinh có kiến thức (do tự học) nhưng thiếu kỹ năng viết, kỹ năng làm bài… thì nên tìm thầy cô uy tín để học. Nên tìm thầy cô hướng mình đến kỹ năng làm bài hơn là quá chi tiết vào văn bản. Kỹ năng ở đây là kỹ năng viết, kỹ năng cảm nhận, kỹ năng sáng tạo… chứ không phải lúc nào cũng cứ  phải theo một khuôn khổ nhất định (gọi là cấu trúc). Văn chương là sự phá vỡ cấu trúc, nghĩa là phải đột phá, phải sáng tạo. Vì “Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có”.

ĐÓN ĐỌC PHẦN TIẾP THEO “ĐỂ VIẾT ĐƯỢC MỘT BÀI VĂN ĐẠT ĐIỂM CAO TRONG KIỂM TRA VÀ TRONG KỲ THI QUỐC GIA TỪ 2019”

Thầy Phan Danh Hiếu

Lớp Văn Online và Offline chỉ có: Tại đây

Exit mobile version