Tài Liệu Ôn Thi Ngữ Văn THPT

ĐỀ THI THỬ QUỐC GIA MÔN NGỮ VĂN

MỤC LỤC BÀI VIẾT

ĐỀ THI THỬ QUỐC GIA MÔN NGỮ VĂN

Trung tâm Luyện thi Quốc Gia Nguyệt Quế – Biên Hoà – Đồng Nai

Bám chắc – Điểm cao
Thầy Phan Danh Hiếu THPT Trấn Biên


PHẦN I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi từ 1-4

 […]

         (1) Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho rằng, giáo dục ĐH cũng đã quen với tự chủ và sát với đầu ra của xã hội nhất, suy cho cùng mục đích cuối cùng của nền giáo dục ĐH là cung cấp nguồn nhân lực. Nói thì đao to búa lớn, thực ra giáo dục ĐH, CĐ là đào tạo ra tiến sỹ thạc sỹ, kỹ sư, cử nhân có đáp ứng được yêu cầu công việc không. Nó thể hiện ở chỗ có xin được việc không, có việc làm ngay không… “Chúng ta phải nói là đi vào chất lượng thì rất đúng nhưng thực tế số lượng cũng chưa đủ. Nếu tính tỷ lệ lao động được đào tạo của chúng ta hiện nay chưa được 50%, trong đó tỷ lệ ĐH, CĐ chưa đến 10%. Ngay về số lượng, chúng ta chưa đạt vậy mà theo số liệu báo cáo hiện nay có khoảng 30% sinh viên tốt nghiệp ĐH, CĐ ra trường không xin được việc, điều đó có nghĩa chất lượng đào tạo của chúng ta thực sự có vấn đề” – Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

        (2) Phó Thủ tướng cũng bày tỏ: Chúng tôi mong làm sao nhiều sinh viên khi vào trường ĐH sẽ được trang bị đầy đủ hành trang. Hiện nay có cảm giác học phổ thông rất căng thẳng để vào ĐH, CĐ. Nhưng khi vào học rồi thì thấy quyết tâm nhẹ đi. Chính vì thế cần đảm sao cho các bạn sinh viên tiếp cận những thứ cần phải học, đáng để học. Chúng ta không thể giấu diếm được những điều này nên cần phải bàn thảo kỹ lưỡng kết hợp với tham gia góp ý của xã hội. Nếu chúng ta thấy đúng, có cơ sở thì công khai sau đó đặt ra tiêu chuẩn, tiêu chí để thực hiện và thực hiện một cách nghiêm túc.

        (3) “Dài hơi là như vậy nhưng ngay trước mắt là vấn đề tuyển sinh. Cần phải bàn sau đó tuyên truyền rộng. Chúng ta đổi mới nhưng không làm các thí sinh, sinh viên phải chịu thiệt thòi do đổi mới. Những người xứng đáng có cơ hội hơn phải được lựa chọn vào các cơ sở tốt” – Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chốt lại vấn đề.

(http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/pho-thu-tuong-vu-duc-dam-dao-tao-dai-hoc-dang-co-van-de-1388713110.htm)

Câu 1. Nêu nội dung và đặt nhan đề cho văn bản.

Câu 2. Thủ tướng đã chỉ ra những  hạn chế nào của giáo dục Đại Học hiện nay?

Câu 3. Đoạn văn số (1) sử dụng thao tác lập luận nào?

Câu 4. Theo Anh/chị cần có giải pháp nào cho việc nâng cao đầu vào của tuyển sinh ĐH hiện nay?

PHẦN II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1: (2.0 điểm)

Dựa vào phần Đọc hiểu, hãy viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) bàn về câu nói của thủ tướng Vũ Đức Đam: “Hiện nay có cảm giác học phổ thông rất căng thẳng để vào ĐH, CĐ. Nhưng khi vào học rồi thì thấy quyết tâm nhẹ đi.”

Câu 2: (5.0 điểm)

“Thơ Xuân Quỳnh thể hiện một trái tim phụ nữ hồn hậu, chân thành, nhiều lo âu và luôn da diết trong khát vọng hạnh phúc đời thường”.
(SGK Văn học 12, tập 1,Nxb Giáo dục, Hà Nội,2015, tr.250)
Phân tích bài thơ Sóng để làm rõ nhận định trên. Liên hệ bài thơ “Tự tình” của Hồ Xuân Hương.

———-HẾT———–

Thầy Phan Danh Hiếu

———–ĐÁP ÁN————

PHẦN I. ĐỌC HIỂU

Câu 1. Văn bản trên là phát biểu của thủ tướng Vũ Đức Đam về thực trạng giáo dục nước ta về những mặt làm được và chưa làm được.

– Nhan đề: Cần lắm sự đổi mới

Câu 2.  Phó thủ tướng đã chỉ ra những hạn chế:

– Hiện nay có cảm giác học phổ thông rất căng thẳng để vào ĐH, CĐ. Nhưng khi vào học rồi thì thấy quyết tâm nhẹ đi.- “Chúng ta phải nói là đi vào chất lượng thì rất đúng nhưng thực tế số lượng cũng chưa đủ. Nếu tính tỷ lệ lao động được đào tạo của chúng ta hiện nay chưa được 50%, trong đó tỷ lệ ĐH, CĐ chưa đến 10%. Ngay về số lượng, chúng ta chưa đạt vậy mà theo số liệu báo cáo hiện nay có khoảng 30% sinh viên tốt nghiệp ĐH, CĐ ra trường không xin được việc, điều đó có nghĩa chất lượng đào tạo của chúng ta thực sự có vấn đề”

Câu 3. Thao tác: chứng minh.

Câu 4. Để nâng cao đầu vào ĐH hiện nay, cần phải:

  • Nâng cao việc dạy và học ở cấp phổ thông.
  • Thi cử nghiêm túc để chọn những người có đủ năng lực, phẩm chất vào ĐH.
  • Giảm ĐH tư thục, giảm bớt ngành học, giảm số lượng các trường ĐH.
  • Vào ĐH hiện nay đang quá dễ dẫn đến sự thất nghiệp cao sau khi ra trường.

PHẦN II. LÀM VĂN

Câu 1: Thí sinh nên viết đoạn theo cấu trúc Tổng – Phân – Hợp để đủ ý.

Giải thích câu nói: câu nói bàn về một thực trạng của giáo dục hiện nay ở Việt Nam. Học cấp 3 thì nặng nề về kiến thức. Học sinh học tập, thi cử áp lực nhưng giàu quyết tâm vào ĐH. Tuy nhiên khi vào ĐH thì quyết tâm giảm đi vì phải đứng trước nhiều vấn đề liên quan đến ngành, nghề, việc làm, chất lượng đào tạo…

Bàn luận

a. Tại sao học phổ thông lại căng thẳng để vào ĐH – CĐ ?

  • Vì học phổ thông căng thẳng do kiến thức sách vở nặng nề. Thiên về lý thuyết. Ít thực hành. Nặng về điểm số.
  • Vì áp lực thi cử căng thẳng. Tâm lý phải vào được  ĐH của học sinh, của gia đình, thầy cô là nguyên nhân không nhỏ dẫn đến việc chạy đua.

b. Tại sao vào ĐH thì quyết tâm giảm đi?

  • Vì áp lực học tập ở ĐH không giống như ở phổ thông. Chưa kể đến việc đào tạo kém chất lượng ở một số trường ĐH.
  • Vấn đề ra trường và việc làm cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý sinh viên.

c. Bài học nhận thức và hành động:

  • Về nhận thức: Ý kiến trên là một ý kiến đúng đã đánh giá một cách đúng đắn thực trạng giáo dục.
  • Về hành động: cần chấn chỉnh ngay việc học, thi cử ở bậc phổ thông để tránh áp lực cho học sinh; mạnh dạn cải cách giáo dục cả phổ thông và Đại Học, Cao Đẳng; ….

Câu 2:

1. Giới thiệu vài nét về Xuân Quỳnh và bài thơ Sóng. – Tác giả Xuân Quỳnh; Đặc điểm thơ Xuân Quỳnh.- Bài thơ Sóng được sáng tác tại biển Diêm Điền, Thái Bình ngày 29- 12- 1967; In trong tập thơ ” Hoa dọc chiến hào” năm 1968.- Bài thơ hội tụ những nét đẹp của tâm hồn Xuân Quỳnh trong tình yêu- một trái tim phụ nữ hồn hậu, chân thành, nhiều lo âu và luôn da diết trong khát vọng hạnh phúc đời thường.

2. Giải thích ý kiến:

– Ý kiến SGK Ngữ văn 12 nêu có ý nghĩa khái quát về thơ và con người nữ sĩ Xuân Quỳnh. Đấy là những vần thơ thể hiện vẻ đẹp tâm hồn của nhà thơ: Tình yêu là cái đẹp, cái cao cả, tình yêu là sự hoàn thiện con người.

– Ý kiến còn có ý nghĩa khái quát, thơ Xuân Quỳnh tiêu biểu cho tiếng nói tâm tư, tình cảm của giới mình.

3. Phân tích bài thơ để chứng minh ý kiến.– Về nội dung:  Bài  thơ thể hiện một trái tim phụ nữ hồn hậu chân thành, nhiều lo âu và luôn da diêta trong khát vọng hạnh phúc đời thường:

+ Tâm hồn phụ nữ luôn có những rung động mãnh liệt, luôn rạo rực đầy khao khát, luôn tìm cách lí giải tâm hồn mình và đi tìm cội nguồn của tình yêu.

+ Tâm hồn phụ nữ hồn hậu, chân thành với tình yêu đắm say, trong sáng và chung thuỷ.

+ Hi vọng vào tình yêu cao cả trước thử thách nghiệt ngã của thời gian và cuộc đời sẽ hoàn thiện mình.

+ Tình yêu không vị kỉ mà đầy trách nhiệm, muốn hoà nhập vào cái chung để dâng hiến trọn vẹn.

– Về nghệ thuật:

+ Sử dụng thể thơ năm chữ, âm điệu bằng trắc của những câu thơ thay đổi đan xen nhau, nhịp điệu phù hợp với nhịp điệu vận động của sóng và phù hợp với cảm xúc của nhân vật trữ tình.

+ Sử dụng từ ngữ gợi hình, gợi cảm, diễn tả những trạng thái đối lập mà thống nhất của sóng và của tình cảm con người.

+ Hình tượng sóng trong bài thơ đã thể hiện sinh động và chính xác những cảm xúc và khát vọng trong tâm hồn người phụ nữ đang yêu.

4. Bình luận ý kiến

  • Khẳng định ý kiến đúng
  • Ý kiến đã góp phần làm sáng tỏ phong cách thơ Xuân Quỳnh, đặc biệt là làm sáng tỏ giá trị nội dung và nghệ thuật của bài thơ Sóng.
Exit mobile version