Nghị luận – Bản thân cái đẹp chính là đạo đức

0
19573

Nghị luận – Bản thân cái đẹp chính là đạo đức

Anh (chị) suy nghĩ gì về quan niệm sau của Nguyễn Minh Châu: “Bản thân cái đẹp là đạo đức”.

BÀI LÀM

Nên xem:

  • Đoạn văn 200 chữ – vị tha
  • Đoạn văn 200 chữ – có ích
  • Đoạn văn 200 chữ – lòng dũng cảm
  • Đoạn văn 200 chữ – trung thực

Cuộc sống của mỗi người luôn có hai mặt là tốt và xấu. Mỗi mặt đều có một giá trị riêng. Giá trị của mặt xấu là nâng tầm cái tốt và giá trị của mặt tốt chính là tôn vinh lên vẻ đẹp. Nhà văn Nguyễn Minh Châu  đã quan niệm: “Bản thân cái đẹp là đạo đức”.

Vậy bản thân là gì? Cái đẹp là sao? Đạo đức là như thế nào? Bản thân có nghĩa là thân thể, là cái chính yếu, cái đẹp tức là những gì tốt, vừa ý. Và đạo lí và đức hạnh con người được gọi là đạo đức. Phần chính yếu, phần quan trọng nhất của cái tốt, cái đẹp chính là đạo lí và đức hạnh của mỗi người.

Đạo đức là phần luôn đi bên cạnh mỗi con người song song với quá trình phát triển của cơ thể. Một người được xem là tốt, là đẹp khi đạo đức của họ tốt. Để nhận biết được cái nào là tốt, ta không phải chỉ nhìn vẻ bề ngoài mà phải có một cái nhìn đa điện, nhiều chiều. Khi nhìn nhận một người, ta không thể chỉ nhìn bên ngoài thấy họ đẹp thì cho là họ tốt đẹp tất cả hay thấy một người xấu xí thì cho là họ xấu mà ta phải tiếp xúc, xem phẩm giá, đạo đức của họ như thế nào. Một người có đạo đức tốt thì cuộc sống của họ tốt đẹp. “Cái đẹp” ở đây phải bao gồm cả “chân”, “thiện” và “mĩ”. Chân là chân thực, thiện là hiền lành và mỹ là đẹp. Tất cả mọi thứ không phải chỉ đẹp ở bên ngoài là đủ mà còn phải đẹp ở cả bên trong, và cái đẹp bên trong của con người chính là đạo đức. Ông bà ta ngày xưa có câu: “Người có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó, nhưng người có tài mà không có đức là người bỏ đi”. Thà ta làm người có đức mà không có tài còn hơn là người có tài mà không có đức. Người không có đức thì không thể gọi là người tốt, và không thuộc vào phần cái đẹp. Bác Hồ là một ví dụ điển hình cho “tài” và “đức”, cho một nếp sống đẹp, một nhân cách cao quý, một đạo đức tốt. Tuy Bác là Chủ tịch nước nhưng cuộc sống của Bác rất giản dị như bao người dân Việt Nam khác. Với Bác, khi đất nước đang lâm nguy, thiếu thốn đủ mọi thứ, người dân đang đói khổ thì khi Bác không thể ăn ngon, mặc đẹp được. Bác không hề suy nghĩ, toan tính bất cứ điều gì cho riêng bản thân mình mà luôn nghĩ đến người khác, đến đồng bào mình đang gặp khó khăn. Bác chia sẻ, vận động người dân “nhường cơm sẻ áo” giúp cho đồng bào vượt qua nạn đói, thiếu thốn lương thực. Bác không muốn dân ta không biết chữ nên đã kêu gọi, tổ chức những lớp học xóa nạn mù chữ cho người dân. Điều mà Bác nhận được chính là tình yêu thương, sự kính trọng của toàn thể nhân dân Việt Nam dành cho Bác. Một người có phẩm chất cao đẹp, có đạo đức tốt thì sẽ luôn được những người khác yêu thương, quý trọng.

Ngoài ra, để nhìn nhận về đạo đức của một người, ta còn có thể nhìn vào cách mà người đó vượt qua những khó khăn, vượt qua những cái xấu. Nếu người ấy vượt qua được những cám dỗ, những khó khăn, trở ngại của cuộc sống bằng chính bản thân mình, không chịu cúi đầu trước giông tố, sóng gió, không bị khuất phục trước uy quyền thì người đó là một người tốt.

Trong xã hội bên cạnh những người tốt cũng có những người đạo đức đã bị suy thoái, không còn tình người, như những kẻ giết người cướp của, những đứa con bất hiếu với ông bà, cha mẹ. Họ sai phạm nhưng không chịu nhận lỗi sai mà lại đổ lỗi cho số phận, cho hoàn cảnh. Nếu như họ có đạo đức tốt, có ý chí quyết tâm thì họ đã không bị sa ngã, phải trở thành những kẻ tù tội. Để có thể trở thành người tốt điều quan trọng nhất chính là bản thân, là suy nghĩ, ý chí của mình. Một người nếu đạo đức đã bị suy thoái thì cuộc sống sẽ không tốt đẹp. Hiện nay, trên các bài báo có rất nhiều chuyện cha, mẹ ngược đãi con cái hay con cái bất hiếu với cha mẹ: Một người mẹ có thể nhẫn tâm dùng vật dụng làm bếp đánh vào người con mình khiến con bị thương chỉ vì nó nghịch ngợm, không biết nghe lời. Hay chuyện một người con có thể tàn nhẫn đuổi mẹ của mình ra khỏi nhà, khiến cho bà phải lang thang, ngủ ở nơi đầu đường, xó chợ, không có lối về, không chỗ dung thân. Người xưa có câu: “Cha mẹ thương con như biển hồ lai láng”, vậy tại sao họ có thể đối xử với cha mẹ mình như vậy? Tội gì tha thứ được chứ tội bất hiếu là đáng bị lên án, đáng bị trừng trị. Đây không phải chỉ là vấn đề tình cảm gia đình, mà nó còn liên quan đến vấn đề đạo đức. Xã hội sẽ không thể nào phát triển nếu như có nhiều người đạo đức suy đồi. Và xã hội sẽ phát triển tốt hơn nếu có những người làm sai, biết nhận ra lỗi sai và cố gắng sửa chữa lỗi lầm của mình, biết vươn lên để làm lại từ đầu. “Quay đầu là bờ”. Những người biết nhận sai và sửa sai thì đạo đức của họ sẽ được cải thiện và họ sẽ ngày càng trở nên tốt hơn, giúp ích được cho xã hội.

Không ai hoàn hảo, ai cũng có mặt tốt và mặt xấu, để trở thành người tốt hay người xấu là do suy nghĩ của bản thân ta. Tốt xấu không chỉ nhờ vào chính vẻ bề ngoài mà nhờ vào vẻ đẹp bên trong tâm hồn, nhờ vào đức hạnh. Đạo đức giúp hình thành nên cái đẹp. Vì vậy, “bản thân cái đẹp là đạo đức”.

Trích cuốn sách : Chuyên đề Ngữ văn – tác giả Nguyễn Đức Hùng, sách có mặt khắp hiệu sách cả nước.

Phản hồi của bạn

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây