Phân tích đoạn trích Tình cảnh lẻ loi

0
8836

Phân tích đoạn trích Tình cảnh lẻ loi

Đề : Nghị luận về đoạn trích “Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ” (Trích Chinh Phụ Ngâm – Đặng Trần Côn)

  1. Tám câu đầu là tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ

– Hai câu đầu nhà thơ tả tâm trạng nàng chinh phụ qua hành động:

Dạo hiên vắng thầm gieo từng bước,

Ngồi rèm thưa rủ thác đòi phen.

          Hai câu thơ diễn tả hình ảnh người chinh phụ đang lặng lẽ “dạo hiên vắng”, thẫn thờ đếm bước chân mình “thầm gieo từng bước”. Nhịp thơ chậm gợi cảm giác như thời gian ngưng đọng. Giữa không gian tịch mịch, tiếng bước chân như gieo vào lòng người âm thanh lẻ loi, cô độc, sầu muộn, khắc khoải. Vào trong phòng, nàng hết buông rèm xuống rồi lại cuốn rèm lên. Những hành động lặp đi lặp lại một cách vô thức càng làm nổi bật hình ảnh con người  mang tâm trạng cô đơn, lẻ loi.

– Sáu câu tiếp theo diễn tả tình cảnh người chinh phụ:

Ngoài rèm thước chẳng mách tin

Trong rèm dường đã có đèn biết chăng?

Đèn có biết dường bằng chẳng biết?

Lòng thiếp riêng bi thiết mà thôi.

                    Buồn rầu nói chẳng nên lời,

                     Hoa đèn kia với bóng người khá thương!

          Nàng như ngóng chờ một tiếng chim thước báo tin khách phương xa về nhưng tin người vẫn biệt tăm. Nàng quay vào phòng vắng đối diện với ngọn đèn khuya mà khắc khoải. Điệp ngữ bắc cầu: “đèn biết chăng – đèn có biết” như diễn tả tâm trạng rối bời, sự cô đơn không người thấu hiểu. “Đèn biết chăng – đèn có biết” còn là lời than thở, nỗi khắc khoải đợi chờ.

Không gian im ắng, chỉ có ngọn đèn đối diện với nàng. Lúc đầu, nàng tưởng như ngọn đèn biết tâm sự của mình, nhưng rồi lại nghĩ: Đèn có biết dường bằng chẳng biết, bởi nó là vật vô tri vô giác. Nhìn ngọn đèn chong suốt năm canh, dầu đã cạn, bấc đã tàn, nàng chợt liên tưởng đến tình cảnh của mình và trong lòng rưng rưng nỗi thương thân tủi phận: Hoa đèn kia với bóng người khá thương! Đó là cảm giác lúc nào và ở đâu cũng thấy lẻ loi: ban ngày, ban đêm, ngoài phòng, trong phòng. Nỗi cô đơn tràn ngập không gian và kéo dài vô tận theo thời gian luôn đeo đẳng, ám ảnh nàng.

  1. Tám câu tiếp theo là nỗi sầu muộn của người vợ

– Thời điểm là đêm tối về sáng, chứng tỏ người chinh phụ đã thức cả đêm dài:

 Gà eo óc gáy sương năm trống

Hoè phất phơ rủ bóng bốn bên

Tác giả đã dùng cảnh vật thiên nhiên, để miêu tả tâm trạng con người, dùng khách quan để tả chủ quan. Tiếng gà “eo óc” báo hiệu canh năm, chứng tỏ người vợ trẻ xa chồng, đã thao thức suốt cả đêm. Tiếng gà gáy báo canh năm làm tăng thêm vẻ tĩnh mịch, vắng lặng. Cây hòe phất phơ rủ bóng trong ánh sáng lờ mờ của ban mai gợi cảm giác buồn bã, hoang vắng. Giữa không gian ấy, người chinh phụ cảm thấy mình nhỏ bé, cô độc biết chừng nào!

Bên cạnh đó, dòng thời gian được cảm nhận bằng tâm lý cũng cho thấy sự đợi chờ mòn mỏi của người chinh phụ:

Khắc chờ đằng đẵng như niên,

                          Mối sầu dằng dặc tựa miền biển xa.

Trong sự chờ đợi, người chinh phụ thấy một khoảng thời gian ngắn mà dài như cả năm trường, mối sầu trào dâng như biển lớn mênh mang. Những trạng từ “đằng đẵng”, “dằng dặc” tạo nên âm điệu buồn thương, ngân xa như tiếng thở dài của người thiếu phụ đăm đắm chờ chồng. Người chinh phụ cố gắng tìm mọi cách để vượt ra khỏi vòng vây của cảm giác cô đơn đáng sợ nhưng vẫn không sao thoát nổi. Rút cuộc, hình bóng người chinh phụ có xuất hiện trở lại thì trước sau vẫn là nỗi chán chường, buông xuôi, gượng gạo.

Hương gượng đốt“, “Gương gượng soi“, “Sắt cầm gượng gảy” mà không sao che đậy nổi một tâm trạng đau buồn : “hồn đà mê mải“, “lệ lại châu chan” và “Dây uyên kinh đứt, phím loan ngại chùng”. Những hành động: gảy, soi, đốt,… gắn liền với các đồ vật như đàn, hương, gương – vốn là những thú vui tao nhã, những thói quen thanh nhã của người chinh phụ giờ đây thành miễn cưỡng, gượng gạo, chán chường. Nàng đốt hương để tìm sự thanh thản mà hồn lại mê man, bấn loạn; Soi gương mà không cầm được nước mắt; dây đàn, phím đàn chỉ nhắc cảnh chia li và nỗi chia lìa ám ảnh dây đứt, phím chùng… Nhắc đến hai điển tích “dây uyên” và “phím loan”, tác giả đã tinh tế gợi đến khát khao hạnh phúc lứa đôi của người phụ nữ. Hai từ “kinh”, “sợ” xuất hiện trong một dòng thơ như một cơn sóng dữ ào lên rồi lênh láng trong lòng người chinh phụ.

  1. Tám câu cuối là nỗi nhớ thương đau đáu

– Dường như trong tâm trạng chán chường, người chinh phụ bắt gặp ngọn gió đông, trong nàng loé lên một nguồn hi vọng. Nàng van nài cả gió đông để gửi thương nhớ tới nơi chồng “Lòng này gửi gió đông có tiện/ Nghìn vàng xin gửi tới non Yên”. Câu hỏi ở đầu cùng việc sử dụng nhiều từ trang trọng: có tiện, nghìn vàng, xin thể hiện sự nhún mình, sự năn nỉ ngọn gió. Nhưng đó là mong ước phi thực tế, hi vọng loé lên rồi vụt tắt ngay. Chỉ có nỗi nhớ là hiện thực “Non Yên dù chẳng tới miền/ Nhớ chàng đằng đẵng  đường lên bằng trời”. Nỗi nhớ được cụ thể hoá bằng hình ảnh độc đáo: “đường lên bằng trời”. Tác giả còn dùng từ láy “thăm thẳm” chỉ độ sâu để miêu tả chiều sâu vô tận của nỗi nhớ. Nó cho thấy nỗi nhớ sâu sắc, kéo dài đến mức đã lặn vào tâm hồn người chinh phụ.

– Hai câu thơ cuối cùng khép lại đoạn thơ là nỗi buồn bã, lạnh lẽo bao trùm “Cảnh buồn người thiết tha lòng/Cành cây sương đượm tiếng trùng mưa phun”. Cái lạnh như ăn mòn mọi thứ. Qua biện pháp ẩn dụ cùng việc sử dụng các động từ mạnh, ta cảm thấy từ giọt sương, tiếng trùng đến mưa xuân cũng như ẩn tàng một sức mạnh ghê gớm. Ở đây, thiên nhiên và con người đã soi chiếu vào nhau, cùng mang chung nỗi sầu. Đúng như Nguyễn Du đã nói:

“Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu,

Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”

 Từ “thiết tha” được đảo lên trước từ lòng để nhấn mạnh tâm trạng người chinh phụ. Giờ đây, nỗi buồn đã chuyển thành nỗi đau trong lòng người.

Phản hồi của bạn

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây