Phân tích sông Hương đoạn chảy qua thành phố Huế

0
70548

Phân tích sông Hương đoạn chảy qua thành phố Huế

Đề số 2: Cảm nhận đoạn văn sau trong tác phẩm “Ai đã đặt tên cho dòng sông” – HP Ngọc Tường: “Từ đây như tìm đúng đường về, sông  Hương vui tươi hẳn lên […] một nỗi lòng”

HƯỚNG DẪN

 

Xem thêm: phân tích đoạn sông Hương ra khỏi thành phố Huế

I. MỞ BÀI

II. THÂN BÀI

1. Khái quát

Ở đoạn trích trước đó, qua góc nhìn cổ tích, địa lý, hội hoạ – Hoàng Phủ Ngọc Tường đã làm hiện lên vẻ đẹp của sông Hương đầy sức sống “như cô gái Di gan phóng khoáng và man dại” bởi những tiết tấu hùng tráng, dữ dội nhưng cũng có lúc trữ tình say đắm. Có lúc sông Hương lại đẹp trinh nguyên giữa cánh đồng Châu Hoá đầy hoa dại. Đoạn trích tiếp theo tác giả mang đến hình tượng con sông Hương với mối tình đắm say, chung tình với kinh thành Huế.

HÃY ĐĂNG KÝ KÊNH YOUTUBE CỦA THẦY ĐỂ NHẬN BÀI GIẢNG. BẤM VÀO

 
2.Nội dung

 

2.1. Không còn vẻ trầm mặc cổ thi, không còn những tiết tấu hùng tráng, không còn những đường cong gợi cảm, sông Hương ở quãng này được tác giả cảm nhận với sắc màu hội họa, sắc màu văn hoá gắn bó với kinh thành Huế.

Bằng ngòi bút hoa mỹ của một cái tôi tài hoa, tác giả đã cảm nhận Sông Hương dưới góc nhìn hội hoạ với sự thay đổi của dòng chảy và tâm trạng của cô gái Hương Giang giàu xúc cảm. Chính tiếng chuông chùa Thiên Mụ đánh thức dòng chảy đưa dòng sông từ dáng vẻ trầm mặc đột khởi thành niềm vui. Bởi thế mở đầu đoạn trích là hình ảnh ngọc nữ Hương giang với tâm trạng “vui tươi hẳn lên”. Nàng đã nhìn thấy “chiếc cầu trắng in ngấn lên nền trời nhỏ nhắn như những vành trăng non”, và chợt nhận ra đó chính là tín hiệu của người tình nhân mong đợi. Trước mắt người đọc bỗng hiện ra bức tranh phong cảnh kinh thành Huế với sắc màu tươi tắn mà thanh thoát, nhẹ nhàng. Phải chăng chính cuộc tình đẹp đã làm cho  khung cảnh gặp gỡ của lứa đôi cũng thật nên thơ.  Bởi thế dòng chảy của nàng Hương cũng  trở nên “thẳng thực yên tâm” chảy nhanh hơn để gặp người tình. Con sông vì thế mà như bỗng có hồn, có tâm trạng, con sông mang cái náo nức, rạo rực, nôn nao, khao khát của một cô gái chuẩn bị gặp người mình yêu. Và thế là “nàng công chúa ngủ trong rừng” đã sắp được gặp chàng hoàng tử ngàn năm mong chờ thật rồi. Thấy mình đã “tìm đúng đường về” thật rồi – sông  Hương như “vui tươi hẳn lên giữa những biền bãi xanh biếc của vùng ngoại ô Kim Long”. Phép nhân hoá kết hợp với miêu tả trong những câu văn của Hoàng Phủ Ngọc Tường làm dòng sông hiện lên thật sống động và gợi cảm biết bao.

2.2. Đoạn văn tiếp theo, tác giả mang đến ấn tượng thật sâu đậm về hình ảnh của Hương giang đoạn chảy qua thành phố Huế.

 Nếu như trước đó, dòng sông chảy thật nhanh, chạy thật mau trong nỗi niềm háo hức được ôm chầm lấy người mình yêu thì ở đoạn này sông Hương lại mang một tâm trạng khác, một nét tâm lý khác: “Giáp thành phố ở cồn Giã Viên, sông Hương uốn một cánh cung rất nhẹ sang đến cồn Hến; đường cong ấy làm dòng sông như mềm hẳn đi như một tiếng “Vâng” không nói ra của tình yêu”. Phép so sánh mới lạ, độc đáo; cái hữu hình so sánh với tâm trạng nên lột tả được cái e thẹn, ngượng ngùng, xấu hổ của người con gái Hương Giang. Ngòi bút của Hoàng Phủ Ngọc Tường thật lãng mạn, tài hoa biết bao trong những câu văn đậm chất hội hoạ và am hiểu tâm lý như thế. Qua ngòi bút tài hoa, tinh tế ấy của nhà văn, sông Hương hiện lên như một thiếu nữ Huế. Trong niềm vui hân hoan của hội ngộ mà phải đến “hàng thế kỷ qua đi” nàng mới được gặp người mình yêu, nhưng nàng vẫn không đánh mất vẻ dịu dàng, e lệ, tình tứ vốn có của mình.

Bằng phép so sánh và cái nhìn hướng ngoại, nhà văn đã mở rộng tầm nhìn  tới những dòng sông đẹp của thế giới. Đó là những dòng sông nổi tiếng đã đi vào thi ca, nhạc hoạ như sông Xen của Pari, sông Đa-nuýp của Pu-đa-pét hay dòng sông Nê va hùng vĩ của nước Nga. Tiếp đến, là cái nhìn hướng nội, tác giả lại quay về với Sông Hương, quay về với dòng sông “nằm ngay giữa lòng thành phố yêu quý của mình” và chợt nhận ra nàng Hương đoạn qua thành phố Huế mang vẻ đẹp không chỉ ngoại hình mà còn đẹp ở tâm hồn thuỷ chung, chung tình với Huế. Thầy Phan Danh Hiếu. Nhà văn Nga Lê-ô-nit Lê-ô-nốp từng nói: “Mỗi tác phẩm phải là một phát minh về hình thức và một khám phá về nội dung” . Quả đúng vậy, nếu nhà văn họ Hoàng sử dụng hình thức truyện ngắn hay tiểu thuyết để viết về sông Hương thì chắc chắn sẽ không bao giờ lột tả hết được sức gợi của nó. Thể tuỳ bút đầy ngẫu hứng có lúc không thể kiềm chế được cảm xúc của nhà văn nhưng chính nó đã mang lại vẻ đẹp lộng lẫy của sông Hương. Chính nhờ thể tuỳ bút mà nhà văn đã “khám phá” được gần như đầy đủ nhất tâm hồn sâu thẳm của Hương giang. Với cái nhìn hoài cổ kết hợp với cảm nhận tình yêu, nhà văn đã thấu cảm được phần hồn sâu lắng của con sông xinh đẹp. Từ góc nhìn tình yêu, nhà văn nhìn thấy giữa lòng thành phố, sông Hương tỏa thành nhiều nhánh sông Đào như những cánh tay mềm mại, ôm ấp lấy người tình thủy chung. Ở góc nhìn hoài cổ, nhà văn lại thấy sông Hương mang nét đẹp cổ thi đầy lãng mạn với hình ảnh: “sông Hương toả đi khắp phố thị, với những cây đa cây cừa cổ thụ toả vầng lá u sầm xuống những xóm thuyền xúm xít; từ những nơi ấy, vẫn lập loè trong đêm sương những ánh lửa thuyền chài của một linh hồn mô tê xưa cũ”. Những hình ảnh ấy làm sông Hương vừa gần gũi đời thường, vừa lại như xa xăm như trong cõi mênh mang của cổ thi. Hình ảnh “xóm thuyền xúm xít”, “ánh lửa…lập loè”, “đêm sương” lại gợi nhớ “trăng tà chiếc quạ kêu sương”, “giang phong ngư hoả đối sầu miên” trong bài thơ Đường nổi tiếng của Trương Kế – Phong Kiều dạ bạc. Nhưng sông Hương qua thành phố Huế không chỉ mang những nét hội hoạ cổ thi như thế mà còn là một bản nhạc, một “điệu slow tình cảm dành riêng cho Huế”.

Gặp gỡ người tình thủy chung, có lẽ ai cũng muốn thời gian trôi chậm lại, ngừng lại. Sông Hương cũng vậy, phải trải qua một hành trình gian lao mới gặp được người tình mong đợi nên dòng sông dùng dằng không chảy, lặng lẽ như chờ đợi. Vì thế qua Huế, dòng chảy chùng hẳn xuống như “vấn vương của một nỗi lòng”. Chính đảo cồn Hến đã làm giảm lưu tốc của dòng sông và tạo cho khuôn mặt dòng sông cơ hồ chỉ là một mặt hồ yên tĩnh. Nhà văn đã quan sát tinh tế, bắt đúng thần thái, không khí, linh hồn cố đô: sâu lắng, kín đáo, suy tư. Thầy Phan Danh Hiếu. Trong sự liên tưởng tới dòng chảy hùng vĩ của sông Nê Va với hình ảnh giàu chất thơ: “sông Nê va cuốn trôi những đám băng lô xô, nhấp nháy trăm màu dưới ánh sáng của mặt trời mùa xuân” hay sự liên tưởng tới nhà triết học Hê –ra-clít đã khóc suốt đời vì những dòng sông trôi qua quá nhanh. Nhà văn họ Hoàng lại đưa ta trở lại sông Hương trong nỗi nhớ da diết, chảy bỏng: “tôi lại nhớ con sông Hương của tôi”. Rõ ràng, dù có đi trăm phương nghìn hướng thì cũng không nơi nào đẹp bằng quê hương, và cũng chẳng có dòng sông nào lại có thể đẹp bằng dòng sông của quê nhà. Qua cái nhìn hướng ngoại, lại hướng nội, nhà văn càng thấy điệu slow của sông Hương thật trữ tình. Điệu slow ấy gắn với văn hoá tâm linh của Huế: “có thể cảm nhận bằng thị giác qua trăm nghìn ánh hoa đăng bồng bềnh từ những đêm hội rằm tháng bảy từ điện Hòn Chén trôi về, qua Huế bỗng ngập ngừng như muốn đi muốn ở, chao nhẹ trên mặt nước như những vấn vương của một nỗi lòng”. Ngôn ngữ mượt mà, bóng bẩy, những tính từ, động từ mỹ miều kết hợp phép so sánh trong câu văn trên như tả hết được nét đẹp lãng mạn mà giàu chất thơ, chất hoạ của sông Hương làm cho điệu slow tình cảm ấy lại trở nên có linh hồn. Dòng chảy này không chỉ xuất hiện trong cái nhìn của Hoàng Phủ Ngọc Tường mà trong cái nhìn của nhà thơ mới Hàn Mặc Tử, sông Hương cũng trở nên vương vấn:

Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay

Thuyền ai đậu bến sông trăng đó

Có chở trăng về kịp tối nay

(Đây thôn Vĩ Dạ)

Hay trong cái nhìn của một nhà thơ kháng chiến:

Con sông dùng dằng con sông không chảy

Nên chảy vào lòng với Huế rất sâu

(Tạm biệt Huế – Thu Bồn)

          Chính điệu slow trữ tình như bản tình ca dành riêng cho Huế đã làm cho tấm chung tình của sông Hương với Huế trở nên da diết, đắm say. Tình yêu với Huế của sông Hương cũng vì thế mà trở nên rất đỗi sâu nặng.

Đoạn văn tiếp theo, sông Hương hiện lên trong cảm nhận của một nhà sáng tác âm nhạc, một người thẩm âm nghệ thuật và tâm trạng sông Hương khi rời xa thành phố Huế để về với biển cả của tổ quốc. Phần sau đó tác giả cũng nói về sông Hương với mối quan hệ văn hoá, lịch sử và lý giải bằng huyền thoại về dòng sông Hương thơ mộng.

3.Đánh giá nghệ thuật:

Đoạn trích sử dụng bút pháp miêu tả, nhân cách hoá, so sánh, liên tưởng độc đáo. Ngôn ngữ vừa trí tuệ vừa giàu chất thơ, chất hoạ. Giọng văn mượt mà, truyền cảm. Bài ký rất tiêu biểu cho phong cách của Hoàng Phủ Ngọc Tường: kết hợp nhuần nhuyễn giữa chất trí tuệ và tính trữ tình, giữa nghị luận sắc bén và suy tư đa chiều, lối hành văn hướng nội, súc tích, mê đắm và tài hoa…

III. KẾT BÀI

(Tự kết bài)

 Ths Phan Danh Hiếu

Phản hồi của bạn

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây