Tài liệu bồi dưỡng học sinh giỏi Văn 12 – Nghị luận xã hội

0
42243

Tài liệu bồi dưỡng học sinh giỏi Văn 12 – Nghị luận xã hội

Đây là bài làm của học sinh trong đội tuyển học sinh giỏi của thầy. Và cũng là nguồn tài liệu bồi dưỡng học sinh giỏi cho học sinh khắp cả nước. Nguồn tài liệu bồi dưỡng học sinh giỏi rất ít ỏi nhưng hi vọng sẽ có ích cho cả nhà – nhất là khi kỳ thi HSG đang cận kề.

Đề ra:

 “Hãy sống đi, hãy hái tự bây giờ
Bông hồng thắm của cuộc đời đang sống”
( Sonnet gửi Helen- Pierre de Ronsard, Thái Bá Tân dịch)
“ Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ”
( Mưa hồng- Trịnh Công Sơn)
Anh/ chị hãy chia sẻ quan niệm của mình từ hai ý kiến trên về cuộc sống.

BÀI LÀM

HÃY ĐĂNG KÝ KÊNH YOUTUBE CỦA THẦY ĐỂ NHẬN BÀI GIẢNG. BẤM VÀO

 

Nói đến quan niệm nhân sinh về cuộc đời, nhiều người cho rằng: “Đời là bể khổ”. Tuy nhiên, liệu cuộc sống có thực sự cực đoan như họ nghĩ ? Tôi chắc chắn là không, bởi có lẽ họ là những người sống bi quan, hoặc đang lẩn quẩn ở một nơi nào đó trên con đường tìm ra chân lí đích thực của sự sống. Tiếp cận với văn học, tôi dường như có cái nhìn thấu đáo hơn về cuộc đời, Pierre de Ronsard- nhà thơ nổi tiếng của nước Pháp thời kì Phục hưng đã từng viết rằng:
“ Hãy sống đi, hãy hái tự bây giờ
Bông hồng thắm của cuộc đời đang sống”.
( Sonnet gửi Helen)
Và đâu đó trên cuộc rong ruổi tìm kiếm vẻ đẹp của cuộc đời, Trịnh Công Sơn đã vô tình bắt gặp Pierre de Ronsard, trong nhạc phẩm “Mưa hồng”, cố nhạc sĩ đã viết :
“ Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ”.
Ở luận đề thứ nhất, Ronsard đã đưa hình ảnh “bông hồng” cùng sự bổ trợ của tính từ “thắm”- trạng thái quyến rũ nhất của hoa khi nở để ẩn dụ cho những điều tươi đẹp trong cuộc sống. Những giá trị tươi đẹp ấy luôn hiện hữu quanh ta, có thể là cha mẹ, anh em, bằng hữu hay đơn giản chỉ là nhành hoa, chiếc lá, cành cây hay ngọn cỏ,..chỉ cần ta biết khám phá vẻ đẹp của cuộc đời thì những điều dẫu có giản đơn thế nào cũng sẽ trở thành điều quý giá. Vẻ đẹp xung quanh cuộc sống không chỉ tồn tại ở dạng thể chất mà còn được thể hiện ở những khía cạnh khác như tình yêu, tuổi trẻ, niềm vui và sự hạnh phúc. Thế nhưng sự luân chuyển và vận hành của vũ trụ là liên tục và vô hạn, nhưng cuộc đời con người chỉ là hữu hạn. Vậy nên ta mới cần phải hái bông hồng thắm ấy ngay “ bây giờ”, vì cuộc đời như một bông hoa, chóng nở cũng sẽ chóng tàn, nếu không tận dụng ngắm nhìn vẻ đẹp của nó thì vĩnh viễn ta sẽ mất đi cơ hội đó. Hãy nhìn nhà thơ Thanh Hải, ông luôn biết cách tận hưởng cuộc sống. Đến lúc sắp từ giã cuộc đời, không rỉ rên buồn bã, ông vẫn nhìn đời bằng đôi mắt lạc quan và con tim khao khát được giao cảm với cuộc đời:

“ Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hòa ca
Một nốt trầm xao xuyến”…
(Mùa xuân nho nhỏ)
Một người đang nằm trên giường bệnh, đứng trước cái ranh giới mong manh giữa sự sống- cái chết mà vẫn cố gắng tận hưởng cuộc đời, thì các bạn- những người còn trẻ, còn nhiều thời gian hãy trân trọng từng phút giây mình có.Từ đây tôi phần nào hiểu ra được triết lí sâu sắc về cuộc đời mà Ronsard muốn gửi gắm: bông hồng tươi thắm, đẹp đẽ nhưng cũng có gai, nhưng nếu vì những cái gai ấy mà để lỡ mất lúc hoa nở đẹp nhất thì thật là uổng phí. Mỗi lúc bình minh bắt đầu, cuộc đời luôn trao tặng bạn một bông hoa, còn việc chọn bị gai làm cho rỉ máu hay tận hưởng hương thơm và vẻ đẹp của nó nằm ở quyết định của bạn. Riêng tôi, chẳng biết ngày mai ra sao, ngày hôm nay, tôi nhất định phải chọn cho mình một bông hoa mang tên “Hạnh phúc”.
Đến với triết lí của Trịnh Công Sơn, dường như khát khao giao cảm và níu kéo thời gian của sự sống có phần suy tư hơn. Cách sống “hững hờ”- một thái độ lãnh đạm, thờ ơ và có phần thụ động trong việc tìm kiếm lẽ sống được cố nhạc sĩ xem như một kẻ tội đồ đáng bị “treo cổ xử tử”, bởi sống hờ hững, lạnh nhạt và vô cảm thì có khác chi cái xác khô hiện hữu để mãn vọng những tầm thường của trần gian đâu ? “Cuộc đời đó có bao lâu” đã thể hiện rõ nét sự đồng tư duy về quan niệm hữu hạn của đời người của nhạc sĩ họ Trịnh với thế nhân, xưa nay vẫn xem đời là “cõi tạm”, con người như những vị lữ khách rong ruổi từ miền đất này đến miền đất khác, sự khám phá và tận hưởng trọn vẹn cuộc đời chính là đích đến cuối cùng của họ. Trong nhạc phẩm “Cát bụi”, ông đã viết nên những câu hát day dứt về những “kiếp phù dung” giữa chốn nhân gian:
“Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi
Để một mai vươn hình hài lớn dậy
Ôi cát bụi tuyệt vời
Mặt trời soi một kiếp rong chơi”…

Facebook Xuan Hang Nguyen

Sức sống luôn tiềm tàng một cách mãnh liệt và ẩn náu sâu thẳm trong tâm thức của người nhạc sĩ ấy, thế nhưng ông luôn đau đáu nỗi lo về phận đời, về kiếp người mong manh, nó chóng vánh như những “đóa phù dung” sớm nở chóng tàn. Tuy vậy, sự kết thúc của cuộc đời đối với ông không phải là thứ đáng sợ nhất, mà đáng sợ nhất chính là sự “hững hờ”. Thế nên, dẫu chỉ là một cành hoa, một hạt cát thì cũng phải “vươn hình hài lớn dậy” và tỏa sáng giữa “ánh mặt trời”. Cho dù có ở nơi chốn nào thì ở đó cũng có ánh sáng, ánh sáng ấy sẽ soi chiếu kiếp đời của chúng ta hướng đến nơi chân lí và thoát li khỏi sự lầm thường của sự sống. Thế nên hãy sống và cống hiến hết mình, để một mai dẫu có chết đi, thì những cống hiến trong cuộc đời của chúng ta vẫn còn ghi dấu trên miền đất ấy, trong tim của mọi người.
Xưa đến nay, nền văn hóa phương Đông và Tây ít nhiều có những mặt đối lập, thế nhưng giữa Pierre de Ronsard và Trịnh Công Sơn dường như trở thành hai con người tri âm về mặt tư tưởng, cảm xúc. Họ đã thực sự bắt gặp nhau, truyền lửa cho của những người trẻ, thắp sáng niềm tin cho những tâm hồn cằn cỗi và thức tỉnh những người đang sống hờ hững với cuộc đời. Mặt khác, hai triết lí trên cũng phê phán thái độ sống thờ ơ, hững hờ đối với mọi người, với cuộc đời. Nếu giữ cho mình lối sống lạnh nhạt ấy thì đến một lúc nào đó khi nhìn lại, thứ bạn nhìn thấy sau lưng chỉ là dấu chân của riêng mình, không có ai cùng đồng hành, cũng sẽ chẳng thể thấy được cầu vồng của cuộc đời đẹp đến nhường nào. Đến lúc ấy sự ân hận cũng sẽ trở nên muộn màng, vì vốn dĩ cuộc đời là một chuyến xe, chỉ cần lỡ một giây thôi thì đồng nghĩa với việc bạn đã để lỡ cả một cuộc hành trình.
Để có được những suy tư sâu sắc, thấu đời như thế có lẽ hai vị cố nghệ sĩ ấy đã bước qua và nếm trải đủ những hương vị của cuộc đời. Chính vì thế, từ những bài học họ đem đến, chúng ta hãy đọc và chiêm nghiệm để sự sống này luôn tồn tại một cách ý nghĩa. Hãy đừng hững hờ và sống hết mình, tràn đầy tình yêu thương, để một mai khi sự sống không còn nữa, thì tình người vẫn còn mãi với thời gian…

Nguyễn Hằng Xuân

Đội tuyển HSG văn trường THPT Trấn Biên, Đồng Nai

Xem thêm bài khác của Nguyễn Hằng Xuân tại đây