Những yếu tố mới mẻ qua thi phẩm “Vội vàng” – Xuân Diệu

0
48595
logo A

NHỮNG YẾU TỐ MỚI MẺ QUA THI PHẨM “VỘI VÀNG” CỦA NHÀ THƠ XUÂN DIỆU!

Viết về Xuân Diệu, Hoài Thanh trong “Thi nhân Việt Nam” đã từng nói: “Bây giờ khó mà nói được cái ngạc nhiên của làng thơ Việt Nam hồi Xuân Diệu đến. Người đã tới giữa chúng ta với một y phục tối tân và chúng ta đã rụt rè không muốn làm thân với con người có hình thức phương xa ấy. Nhưng rồi ta cũng quen dần, vì ta thấy người cùng ta tình đồng hương vẫn nặng”. Những câu văn đầy xúc cảm và tài hoa của con người tự nguyện suốt một đời được lấy chính hồn tôi để hiểu hồn người, để được đi kiếm tìm những tâm hồn đồng điệu ấy đã hé mở trong ta nhiều điều về sự cách tân mới mẻ, táo bạo của nhà thơ Xuân Diệu trong hành trình sáng tạo. Nhưng dẫu có tân kì và tối tân đến đâu đi chăng nữa, Xuân Diệu vẫn mang trong mình hồn cốt, bản sắc của một nhà thơ nước Việt. Bởi vậy, có thể nói, cái hồn cốt văn hóa là cái níu giữ tâm hồn thi sĩ thì cái cách tân, đổi mới lại là yếu tố đưa ông hòa nhập vào với hơi thở chung của thơ ca đương đại. Trên hành trình sáng tạo ấy, bài thơ “Vội vàng” là một trong những bông hoa ngát hương khoe sắc thắm đầu mùa. Đứng vững chắc trên nền tảng sự hiểu biết về hồn cốt vốn văn hóa dân tộc, Xuân Diệu đã thổi hơi thở của sự cách tân và sáng tạo để làm nên “Vội vàng”, một thi phẩm  của sự tân kì, mới mẻ và để hiểu hơn về lời nhận định của nhà phê bình Hoài Thanh, “Xuân Diệu là nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới”!

1) Đổi mới trong quan niệm nghệ thuật về cuộc đời và con người:

 

HÃY ĐĂNG KÝ KÊNH YOUTUBE CỦA THẦY ĐỂ NHẬN BÀI GIẢNG. BẤM VÀO NGAY!

 

Nếu xem phong trào Thơ mới là một bản đàn thì âm hưởng bao trùm lên cung giao hưởng ấy là vẫn là một nỗi sầu muộn, một nỗi u buồn lớn. Có thể đâu đó ngoài kia, mùa xuân của đất trời, vạn vật đã trở về nhưng trong này, cảm xúc bao trùm tấm lòng các nhà thơ mới vẫn không có gì khác ngoài nỗi buồn, nỗi khổ đau:

Tôi có chờ đâu, có đợi đâu

Mang chi xuân lại gợi thêm sầu

Với tôi tất cả như vô nghĩa

Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau

                                (Chế Lan Viên)

Bản nhạc hòa tấu lên giữa cuộc đời, với Huy Cận cũng đâu có gì khác ngoài một bản nhạc sầu thê lương, ảm đạm:

Ai chết đó? Nhạc buồn chi lắm thế

Chiều mồ côi đời rét mướt ngoài đường

Phố đìu hiu màu đá cũ lên sương

Sương hay chính bụi phai tàn lả tả

Thế nhưng Xuân Diệu đã đến cùng bài thơ “Vội vàng” để thổi vào Thơ mới một giai điệu vui tươi, náo nức. Ta chợt thấy hiển hiện trước mắt ta một thiên đường trần gian vẫy gọi mọi người:

Của ong bướm này đây tuần tháng mật

Này đây hoa của đồng nội xanh rì

Này đây lá của cành tơ phơ phất

Của yến anh này đây khúc tình si

Và này đây ánh sáng chớp hàng mi

Mỗi buổi sớm thần vui hằng gõ cửa

Bằng cặp mắt trẻ trung, Xuân Diệu đã nhìn cuộc đời này bằng xúc cảm của tình yêu đôi lứa. Với ông, cuộc đời trần thế thực sự là một bữa tiệc của sắc màu, âm thanh, ánh sáng và hương vị. Đó là hương vị ngọt ngào của tuần tháng mật, là sức sống của hoa đồng nội xanh rì, là sự mềm mại của cành tơ phơ phất cùng hòa trong thanh âm của khúc tình si đầy mê đắm của vạn vật và lòng người. Bởi thế, cái ước muốn dị thường mở đầu bài thơ: muốn tắt nắng, muốn buộc gió thực chất là khát vọng níu giữ tất cả mọi vẻ đẹp của cuộc sống nơi trần thế để con người tận hưởng và hưởng thụ. Tất cả điều đó đều được xuất phát từ chính tình yêu thiết tha của nhà thơ Xuân Diệu dành cho một thiên đường trần gian nơi mặt đất. Nét mới mẻ trong quan niệm về cuộc sống ấy là dấu ấn quan trọng để lí giải lí do vì sao vừa mới xuất hiện trên thi đàn, người ta đã định danh Xuân Diệu là nhà thơ của mùa xuân, tình yêu và tuổi trẻ!

Trong suốt cả mười thế kỉ của thơ ca trung đại, bởi sự chi phối của những quan niệm thẩm mĩ riêng, con người cá nhân xuất hiện một cách nhạt nhòa, chìm lấp sau những mô típ sáo mòn đã trở thành công thức. Họ quan niệm thiên nhiên, đất trời, vũ trụ là cái to lớn, vĩnh hằng, hoàn mĩ, không có gì có thể sánh bằng. Bởi thế, con người dẫu có xuất hiện thì cũng ẩn chìm đằng sau vẻ đẹp của tạo vật:

Thu ăn măng trúc, đông ăn giá

Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao

                              (Nguyễn Bỉnh Khiêm)

Vẻ đẹp con người được làm nổi bật trong sự soi chiếu với vẻ đẹp của thiên nhiên, vũ trụ:
                                                             Làn thu thủy nét xuân sơn

Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh

                                                           (Nguyễn Du)

Nhưng đến “Vội vàng”, Xuân Diệu đã đưa ra trước mắt chúng ta một quan niệm hoàn toàn mới mẻ về con người. Với ông, trên trần thế này, không có gì đẹp hơn con người. Con người chính là vẻ đẹp hoàn mĩ của tạo vật và là chủ nhân của cuộc sống tươi đẹp này. Bởi thế, ông đã sáng tạo nên một trong những hình ảnh so sánh độc đáo nhất trong văn học Việt Nam hiện đại:

Tháng giêng ngon như một cặp môi gần

Bằng lăng kính soi chiếu của tình yêu, Xuân Diệu đã dùng cái hữu hình (cặp môi gần) để so sánh và làm nổi bật cái vô hình (vị ngon của tháng giêng). Tất cả góp phần khắc họa sự ngọt ngào của mùa xuân, mùa của tình yêu và tuổi trẻ. Việc lấy con người làm chuẩn mực cho vẻ đẹp của thiên nhiên và tạo vật không chỉ là một nét đổi mới đầy sáng tạo mà nó còn góp phần khẳng định, tôn vinh giá trị con người – một phương diện của tinh thần nhân văn cao cả qua bài thơ “Vội vàng”!

2) Đổi mới trong quan niệm về thời gian:

 Thơ xưa coi con người là một vũ trụ nhỏ trong cái đại vũ trụ rộng lớn của đất trời. Cái tiểu vũ trụ ấy không biến mất đi trong cái đại vũ trụ mênh mông này. Mà thời gian của vũ trụ là vô cùng, vô tận nên con người cũng không có nhiều cảm giác lo âu về sự trôi chảy của thời gian. Họ đón nhận nó bằng một thái độ an nhiên, bình thản:

Xuân qua trăm hoa rụng

Xuân tới trăm hoa tươi

                         (Mãn Giác thiền sư)

Nhưng đến với Thơ mới, trào lưu thơ của sự thức tỉnh ý thức cá nhân, con người có khát vọng được khẳng định giá trị, khẳng định ý nghĩa đích thực của sự tồn tại. Ở “Vội vàng”, dùng chính tuổi trẻ làm thước đo cho thời gian, Xuân Diệu đã hối thúc, giục giã con người nhận ra một thực tế nhuốm màu bi kịch: Thời gian của vũ trụ là vô hạn nhưng tuổi trẻ con người thì hữu hạn và quá ngắn ngủi trước đất trời. Bằng cảm thức tinh nhạy và mới mẻ ấy, nhà thơ đã hối thúc con người hãy tăng cường độ sống để tận hưởng khi tuổi xuân, tuổi trẻ vẫn còn. Có lẽ Xuân Diệu là nhà thơ đầu tiên nhìn thấy cái xuân đi trong xuân đến, cái xuân qua khi xuân thì:

Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua

Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già

bởi đơn giản, với ông, cuộc đời sẽ không còn nhiều ý nghĩa khi tuổi xuân đã mất, tuổi trẻ chẳng còn. Xuân Diệu kêu gọi, thức tỉnh những con người đang tự ru ngủ mình trong quỹ thời gian bốn mùa không thay đổi. Dưới con mắt xanh non của ông, mọi sự vật cũng đang nằm trong quỹ đạo của sự cuống quýt, vội vàng:

Cơn gió xinh thì thào trong lá biếc

Phải chăng hờn vì nỗi phải bay đi

Chim thì thầm bỗng dứt tiếng reo thi

Phải chăng sợ độ phai tàn sắp sửa

Cơn gió, cánh chim dường như cũng đang vội vàng, hối hả vì nỗi dự cảm lo âu về sự tồn tại ngắn ngủi của đời mình. Tạo vật còn thế huống chi là con người. Bởi thế, qua nỗi niềm lo lắng ấy, Xuân Diệu muốn nhắn nhủ tới người đọc một thông điệp giàu ý nghĩa: Hãy trân trọng thời gian và tuổi trẻ của đời người; hãy tăng cường độ sống lên khi “mùa chưa ngả chiều hôm”!

3) Đổi mới trong hình thức thể hiện:

“Vội vàng” cuốn người đọc đi trong một nguồn cảm xúc dồi dào, mãnh liệt. Xúc cảm ấy bắt nguồn từ một thể thơ tự do hết sức linh hoạt. Từ những câu thơ năm chữ mở đầu như giãi bày tâm trạng:

Tôi muốn tắt nắng đi

Cho màu đừng nhạt mất

Tôi muốn buộc gió lại

Cho hương đừng bay đi

nhịp thơ bất chợt hối hả lao đi để phô bày trước mắt người đọc một bàn tiệc trần gian vẫy gọi mọi người. Hình ảnh tân kì, mới mẻ, cuộc sống sống động, tươi xanh, hấp dẫn khác xa với một thế giới cũ kĩ, già nua trong thơ ca trung đại. Điều đặc biệt hơn, khi cảm nhận được vẻ đẹp non tơ của cuộc sống trần gian, Xuân Diệu đã kết hợp trong thơ trữ tình một giọng điệu tranh luận sôi nổi, hăng hái, mãnh liệt, hùng hồn:

Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn

Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại

Còn trời đất nhưng chẳng còn tôi mãi

Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời …

Tất cả đều hướng tới mục đích lay động những con người lâu nay vẫn đang an nhiên, tự tại trước thời gian trôi chảy, từ đó thúc giục mọi người hãy sống gấp gáp, vội vã khi mùa xuân và tuổi trẻ vẫn còn. Bởi thế, đoạn ba của bài thơ bất chợt ngắn lại như một lời khẳng định:

                                          Ta muốn ôm

Tiếp đó, hệ thống các động từ mạnh xuất hiện một cách liên tiếp, dồn dập: riết – say – thâu – hôn – cắn … thể hiện một tâm trạng vồ vập, náo nức, say mê trước vẻ đẹp của cuộc sống. Hình ảnh “Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi” thực sự là một sự sáng tạo lạ kì, thể hiện một tâm thế mãnh liệt muốn vơ vào mình tất cả vẻ thanh tơ của cuộc sống. Đằng sau sự mới mẻ, tân kì về mặt hình thức trong ngôn từ, hình ảnh ấy, người đọc cảm nhận được một thông điệp đáng quý, đáng trân trọng: Cuộc đời, mùa xuân và tuổi trẻ chính là vốn quý nhất của đời người. Hãy biết giữ gìn, nâng niu để dâng hiến, để tận hưởng và hưởng thụ bởi còn gì đẹp hơn là thiên đường của cuộc sống trần gian đang hiện hữu trước mắt mọi người. Có lẽ với nhà thơ Xuân Diệu, cuộc sống này chỉ gói gọn trong chữ cường độ:

Mau với chứ, vội vàng lên với chứ!

Em ơi em, tình non sắp già rồi

và sự dâng hiến:

Thơ tôi đó, gió lùa đem tỏa khắp

Và lòng tôi, mời mọc bạn chia nhau

Cả một đời bền bĩ lao động, sáng tạo và dâng hiến trên hành trình chạy đua với thời gian để được sống và được yêu, nhưng cũng thật kì lạ, suốt một đời, Xuân Diệu lại sống trong cảnh cô đơn, khắc khoải, đợi chờ. Tạo hóa thật khéo trêu ngươi khi để cho nhà thơ của mùa xuân, tình yêu và tuổi trẻ lại luôn phải bồn chồn kiếm tìm một tình yêu trong nỗi đợi chờ khắc khoải. Có lẽ đời ông cũng như thân tằm dâng hiến cả đời mình để đứt ruột thành tơ. Thuở sinh thời, Xuân Diệu khao khát được lao động, được sáng tạo, được dâng hiến hết tất cả sinh lực và bầu máu nóng của mình để đến khi thần chết có đến gõ cửa thì mình chỉ còn lại là cái xác khô. Và ông đã làm đúng như điều ông tâm niệm. Đã mấy thập kỉ trôi qua kể từ ngày nhà thơ Xuân Diệu từ giã cõi đời bụi bặm, biết bao người trẻ, người đang yêu vẫn say mê tìm và đọc để cùng được tâm sự với những vần thơ ông viết. Với họ, Xuân Diệu mãi mãi là nhà thơ của tình yêu và đích thực là nhà thơ của một mùa xuân huyền diệu!

Thái Văn Phú

GV trường THPT Quỳnh Lưu 2

Xã Quỳnh Văn – huyện Quỳnh Lưu – tỉnh Nghệ An

Số điện thoại: 0963.730.739

logo A