Tài liệu bồi dưỡng học sinh giỏi – Nghị luận xã hội
“Những ước mơ không chết chừng nào bạn còn nuôi dưỡng nó bằng niềm đam mê”.
(Nick Vujick)
Suy nghĩ của Anh/ chị về câu nói trên.
Sự đầy đủ về mặt thể chất không thể so sánh được với một tâm hồn tràn đầy nghị lực. Vậy thứ vũ khí bất bại mà tâm hồn sở hữu là gì? Theo tôi đó chính là ước mơ, hoài bão. Nick Vujick- một người khiếm khuyết về mặt cơ thể nhưng lại mang trong mình một tâm hồn toàn vẹn, để ngày hôm nay, anh đã trở thành một nhà diễn giả nổi tiếng và dám đứng trước mọi người khẳng định rằng “Những ước mơ không chết chừng nào bạn còn nuôi dưỡng nó bằng niềm đam mê”. Đúng vậy, Nick đã cho chúng ta thấy được giá trị của ước mơ đối với cuộc đời mỗi người và tầm quan trọng của việc nuôi dưỡng đam mê của chính mình.
Sự tồn tại của con người được chia làm hai dạng: tồn tại căn bản và tồn tại có giá trị. Sự tồn tại căn bản đáp ứng được những nhu cầu vật chất đảm bảo cho sự sống con người, nghĩa là chỉ cần sống, còn sống làm sao không quan trọng. Nhưng sự tồn tại có giá trị lại ở cấp độ cao hơn, tức thỏa mãn được những mong muốn của bản thân đồng thời mang lại lợi ích cho xã hội. Điển hình như sứ có giá trị hơn gốm thô vì đã qua công đoạn tráng men. Vậy chất men làm cho cuộc sống này trở nên có giá trị là gì? Đó chính là ước mơ. Ước mơ chính là những kì vọng, khát khao của bản thân bắt nguồn từ đam mê, sở thích và mong muốn được thể hiện, được cống hiến. Nếu không có ước mơ, sự xuất hiện của chúng ta chỉ được gọi là “tồn tại qua ngày”, ta chỉ “sống” thực sự khi làm được những điều mà mình hằng khao khát mà thôi. Nhìn vào Nick, sự tồn tại căn bản của anh ta không được toàn vẹn bởi một cơ thể khiếm khuyết, thế nhưng ước mơ đã trở thành đôi bàn tay giúp anh viết nên những trang sách đời mình, lòng đam mê cháy bỏng đã biến thành đôi chân để anh tiến bước đến nơi ánh sáng và nói cho cả thế giới biết rằng: “ Tôi làm được, và bạn cũng thế”. Bạn thiếu đôi bàn tay, đam mê ở cạnh bạn. Bạn thiếu đôi chân, đam mê vẫn ở cạnh bạn. Nhưng nếu thiếu ước mơ, đam mê của bạn sẽ bị bóp chết. Không cần biết bạn tồn tại ra sao, dù là trọn vẹn hay khiếm khuyết , nếu không có ước mơ, cuộc đời bạn sẽ trở nên vô nghĩa. Vậy bạn muốn trở thành gốm thô hay sứ?
Tôi tự hỏi tại sao ước mơ lại “không chết chừng nào bạn còn nuôi dưỡng nó bằng đam mê”? Có lẽ đây là mối quan hệ mật thiết giữa hai khái niệm: ước mơ và đam mê. Đam mê là sự nhiệt huyết, rèn luyện và theo đuổi đến cùng thế nên thiếu đi đam mê thì ước mơ sẽ chẳng bao giờ thực hiện được, mà nó sẽ mãi chỉ là ước mơ mà thôi. Còn nếu không có ước mơ thì đương nhiên sự đam mê sẽ chẳng bao giờ tồn tại . Bạn có thấy con diều nào bay lượn trên không trung cũng có một sợi dây neo giữ lại không? Đam mê chính là sợi dây ấy, sẽ dẫn đưa ước mơ của bạn bay cao, bay xa và không bị lầm đường lạc lối. Chính vì thế hãy điều khiển thật chắc sợi dây đam mê của mình để ước mơ đi đúng hướng. Thế mới thấy, ước mơ và đam mê là hai thứ luôn song hành và không thể tách rời nhau.
HÃY ĐĂNG KÝ KÊNH YOUTUBE CỦA THẦY ĐỂ NHẬN BÀI GIẢNG. BẤM VÀO
Một sự thật là, dù cho ước mơ của bạn có lớn, lòng đam mê của bạn có cháy bỏng đến thế nào thì trên con đường thực hiện ước mơ bạn cũng sẽ gặp phải những va vấp, khó khăn. Có những người sẽ gục ngã, cũng có những người tiếp tục đứng dậy và đi tiếp. Tôi sẽ cho các bạn nghe câu chuyện về “ cha đẻ” của những chú “chuột Mickey” và “vịt Donal” đã từng bị sa thải với lí do “thiếu trí tưởng tượng và ý tưởng tốt”. Vậy điều gì đã dẫn đưa cái trên Walt Disney lên tượng đài của ngành giải trí phim hoạt hình nổi tiếng thế giới? Đó chẳng phải là bản lĩnh dám đứng dậy sau thất bại hay sao. Đằng sau cái bản lĩnh “thép” ấy chính là một con người không ngừng đam mê. Nếu ngày ấy sự thất bại dập tắt ước mơ của ông thì liệu hôm nay chúng ta thể nhận được những cống hiến sáng tạo và độc đáo của ông không? Nếu ai đó muốn đào thải hay chà đạp ước mơ của bạn, hãy hun đúc lòng đam mê, vì có khi do đam mê của bạn chưa đủ lớn, hoặc họ đã đánh giá sai bạn.Thế mới thấy việc bạn ngã như thế nào không quan trọng, quan trọng là bạn đã đứng lên như thế nào. Bạn đứng lên, là để không phụ chính mình. Bạn đứng lên, là để chứng minh cho những người không công nhận bạn hiểu rằng họ đã sai. Và việc dám đứng dậy sau vấp ngã của bạn không chỉ vì bạn mà còn là vì những người ủng hộ bạn nữa.
Giống như việc thiếu nước cây sẽ chết, thiếu gió diều sẽ ngừng bay. Con người thiếu đi ước mơ cũng chính là đang chết dần trong tâm hồn. Một người thực dụng, chỉ sống qua ngày dựa vào những giá trị vật chất tầm thường thì chẳng khác chi một kẻ du mục lạc đường lẻ loi giữa sa mạc, một con thuyền đứt neo trôi vô định giữa đại dương mênh mang không bờ không bến, chẳng biết mình sẽ đi đâu, về đâu và ngàn đời cũng chẳng biết được ý nghĩa tồn tại của bản thân là gì. Thế nên hãy đừng như những người ấy, hiện hữu trong một cái xác khô với cái linh hồn bằng gỗ, sống không có cá tính, không được mọi người công nhận. Sự xuất hiện của những người ấy sẽ khiến cuộc đời tẻ nhạt, vô vị và ngay cả bản thân họ cũng chính là những bản thể vô giá trị.
Quan niệm của Nick Vujick làm tôi vỡ lẽ ra nhiều thứ. Triết lí của anh mang đến cho tôi nhiều giá trị sâu sắc về cuộc đời: về mục đích, bản chất và cách thức chinh phục ước mơ. Không chỉ thế tiếng nói ấy như hồi chuông thức tỉnh cho những ai đang ngủ quên trên con đường tìm kiếm đam mê của chính mình. Hiểu được điều đó, tôi tự nhủ sẽ phấn đấu nhiều hơn nữa, để được thỏa mãn khát vọng bản thân và cống hiến cho đời. Không chỉ là quan niệm trên phương diện lí thuyết, cả cách sống của anh là minh chứng của việc “dám ước mơ, dám thực hiện”. Thế nên để con đường thực hiện ước mơ nhanh nhất chính là xác định đúng đam mê, học tập tốt, rèn luyện và nuôi dưỡng đam mê lớn dần mỗi ngày, có như thế sự tồn tại cảu chúng ta mới trở nên có giá trị được.
Hãy sống cho đáng với cuộc đời, đừng bao giờ từ bỏ đam mê của bạn. Thế giới này dù cho có bằng phẳng hay gồ ghề, là thảm đỏ hoa hồng hay bàn chông lót gai thì cũng là con đường của riêng bạn: con đường chinh phục ước mơ. Và phía cuối con đường ấy chính là sự thành công và viên mãn.
Nguyễn Hằng Xuân
12A9 – trường THPT Trấn Biên
Đội tuyển HSG Văn 2018 – 2019