Ôn tập phần thơ thế nào cho hiệu quả?

0
10534

MỤC LỤC BÀI VIẾT

Ôn tập phần thơ thế nào cho hiệu quả?

ĐỂ ÔN TẬP TỐT PHẦN THƠ TA CẦN LÀM GÌ

1. Học thuộc lòng bài thơ có nên không?

– Muốn cảm nhận được thơ thật tốt thì trước hết phải học thuộc lòng bài thơ đó và những bài thơ khác (có dẫn chứng liên quan). Thực tế khi thuộc thơ, thuộc dẫn chứng sẽ có cảm hứng để tiếp thu bài, khi làm bài thi sẽ có cảm hứng hơn và viết có chiều sâu hơn. Cũng nhờ thuộc thơ mà ta biết mở rộng vấn đề làm bài viết trở nên phong phú.
– Trong thực tế thì học sinh rất lười học thuộc lòng thơ. Tâm lý các em khi nào cũng chờ đề thi in sẵn thơ. Và may mắn là đề ra phân tích đoạn thơ thì Bộ mới trích thơ. Vậy lỡ may Bộ ra đề thi tổng hợp thì sao? Ví dụ năm 2013- đề thi Đại Học đã ra:
Nhận định về niềm khát khao tận hưởng sự sống trong bài thơ Vội Vàngcủa Xuân Diệu, từng có ý kiến cho rằng: đó là tiếng nói của cái tôi vị kỉ tiêu cực. Lại có ý kiến khẳng định: đó là tiếng nói của cái tôi cá nhân tích cực.
Từ cảm nhận của mình về niềm khát khao đó, anh/chị hãy bình luận những ý kiến trên.
Với đề thi trên, nếu không thuộc lòng bài thơ Vội Vàng của Xuân Diệu thì liệu các em có thể làm nổi đề này không nhỉ?
Vậy hãy học thuộc lòng thơ từ hôm nay nhé!

2. Phải nắm kiến thức văn học sử

– Thầy gọi là kiến thức văn học sử vì khi đặt bài thơ, tác giả thơ vào giai đoạn lịch sử đó thì chúng ta mới hiểu được vấn đề thời đại cũng như tâm tư tình cảm của tác giả, của con người thời đại ấy, vì “nhà văn (thơ) là người thư ký trung thành của thời đại” mà.
– Cùng thời đại ấy thì có những bài thơ nào liên quan hay không? Cần tìm ra ít nhất 01 bài và chọn những câu thơ liên quan nhất để học thuộc lòng. Ví dụ, học bài Tây Tiến thì tìm bài Đồng Chí (vì nó cùng ra đời một thời); lấy những câu như “Tôi với anh biết từng cơn ớn lạnh/Sốt run người vừng trán ướt mồ hôi” để minh hoạ cho hình ảnh những anh lính Tây Tiến sốt rét đến xanh da, rụng tóc.

3. Nắm kiến thức cơ bản của bài thơ

– Chia tác phẩm thơ thành từng đoạn nhỏ hoặc là các khổ thơ đã chia sẵn. Nắm được nội dung từng phần ấy.
– Mỗi đoạn thơ nên đặt cho một nội dung lớn có sức khái quát bao trùm cả đoạn thơ. Trong nội dung lớn ấy chia thành các ý nhỏ để học.
Ví dụ chia Tây Tiến thành 4 đoạn:
++ 14 câu đầu là hình ảnh Tây Bắc và con đường hành quân gian khổ trong nỗi nhớ “chơi vơi”
++ 8 câu tiếp là nhớ những kỷ niệm về đêm liên hoan văn nghệ đậm tình quân dân và cảnh vượt thác lũ.
++ 8 câu tiếp theo là nhớ hình ảnh những người chiến binh Tây Tiến hào hoa, hào hùng.
++ 4 câu cuối là lời thề là khúc vĩ thanh của nỗi nhớ.

4. Học cách phân tích thơ

– Chia khổ thơ thành các luận điểm, luận cứ.
– Khi học từng luận điểm thì nên nhớ tập phân tích từng câu thơ. Chú ý phân tích các từ khoá – vì chính các từ khoá là “nhãn tự” của câu thơ, ý thơ. Ví dụ như chữ “ngửi trời” trong “Heo hút cồn mây súng ngửi trời” (Tây Tiến). Ở đây Quang Dũng không nói là “súng chạm trời” mà nói là “súng ngửi trời”. Bởi chữ “ngửi” không chỉ nhấn mạnh độ cao tuyệt đối của đỉnh núi mà qua phép nhân hoá, chữ “ngửi” còn gợi lên hình ảnh những anh lính tinh nghịch, ngang tàng, ngạo nghễ, coi thường khó khăn gian khổ, đạp bằng mọi khó khăn mà đi tới. Câu thơ vì thế mà trẻ trung, mà tràn đầy tin yêu, lạc quan; bóng dáng người lính vì thế mà trở nên lộng lẫy trên đèo cao nắng gió:
“Rất đẹp hình anh lúc nắng chiều
Bóng dài trên đỉnh dốc cheo leo
Núi không đè nổi vai vươn tới
Lá nguỵ trang reo với gió đèo”
(Tố Hữu)

– Phân tích thơ thì đi từ nghệ thuật đến nội dung.
+ Các phép nghệ thuật thường gặp khi phân tích thơ:
++ Câu hỏi tu từ; từ láy; tương phản; đảo ngữ; ẩn dụ, nhân hoá, so sánh; cách ngắt nhịp; phép điệp nói chung…(Nhìn chung là các phép tu từ phải nhớ hết nhé)
– Phải so sánh nội văn bản, ngoại văn bản (nói chung là lấy thêm dẫn chứng ngoài). Phải lý luận chặt chẽ, sắc sảo
– Phải dẫn dắt đôi lời bình cho bài phân tích (thuộc về lý luận phê bình)

5. Tập thói quen nhớ ý chính và tự phân tích, cảm nhận.

Đừng học thuộc lòng hoặc diễn xuôi…Nên học theo sơ đồ tư duy (nhưng nhớ là tự mình vẽ theo tư duy mình cho dễ nhớ nhé)

6. Chia nhóm thơ có cùng chủ đề, nội dung để dễ ôn tập:

 

Nhóm thơ về tình yêu có Sóng – Xuân Quỳnh, Vội Vàng – Xuân Diệu, Đây thôn Vĩ Dạ – Hàn Mặc Tử; Nhóm thơ về tình yêu đất nước: Việt Bắc – Tố Hữu, Đất Nước – Nguyễn Khoa Điềm, Tràng Giang – Huy Cận. Nhóm lý tưởng: Tây Tiến – Quang Dũng, Từ ấy – Tố Hữu….
——VV..VV….

Đôi lời như trên là chưa đủ nhưng hi vọng các em có cái nhìn rộng hơn về cách học thơ.

Thầy Phan Danh Hiếu 

Các bài khácPhân tích bài thơ Tây Tiến
Bài tiếp theoPhân tích ý kiến bàn về Tây Tiến
Phan Danh Hiếu
"Kiến thức nhờ nhận nhiều mà có, trái tim nhờ cho đi mà giàu". Chúng ta không thể sống chỉ biết nhận mà không biết cho. Vậy nên chia sẻ kiến thức văn chương ở đây cũng chính là cho đi. Và cho đi là còn mãi. Mỗi ngày tôi không ngừng lên mạng để đọc và viết. Đam mê gắn liền với tình yêu thương khiến bản thân luôn thấy cuộc sống này thật đẹp....

Phản hồi của bạn

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây