Hình tượng nhân vật Huấn Cao trong Chữ người tử tù – Nguyễn Tuân

0
11938

Hình tượng nhân vật Huấn Cao trong Chữ người tử tù – Nguyễn Tuân

BÀI CỦA THẦY NGUYỄN ĐỨC HÙNG – Tp Hồ Chí Minh

Chất ngọc trong truyện ngắn Chữ người tử tù cùng một thời vang bóng ; giá trị của nó ngày ấy, bây giờ và ý tứ ngòi bút Nguyễn Tuân.

Nguyễn Trãi vì gặp cảnh “Miệng thế nhọn hơn chông mác nhọn – lòng người quanh tựa nước non quanh” mà trở về Côn Sơn sống cuộc đời ẩn sĩ nằm ghế đá, ngâm thơ nhàn đã trở thành chuyện xưa cũ ; đến lớp người như Nguyễn Khuyến, muốn giữ cái tiết nghĩa của mình giữa thời loạn, đã phải chọn cảnh vui thú điền viên thì đã đến hồi kết thúc những tấm kịch chìm nổi của các nhà nho nước Nam ta.

Nhưng chuyện xưa tưởng phong kín, tưởng đã qua mà hoá vẫn còn in đậm dấu ấn về sau, nó vẫn còn dùng dằng chưa dứt, đối với cái nhìn của những người vốn không dễ thờ ơ với đời, với người. Nguyễn Tuân với cái day dứt duyên nợ của lòng mình đã viết tiếp những trang sử cuối cùng của lớp nhà nho cuối mùa – những con người của một thời vang bóng. Ta gặp lại trong văn ông cái cốt cách của những bậc hiền nhân tài hoa trong những thú vui thanh tao thả thơ, chơi lan, uống trà… Cái chuyện thời thế không còn được mang ra đàm đạo nữa, bây giờ nó là chuyện lối sống. Nghiêng mình mà chiêm ngưỡng thế giới văn chương Nguyễn Tuân, thấy cái không khí cổ kính, và như được bao bọc bằng một lớp hoa cương để giữ gìn, đó là một “lòng sông gương sáng bụi không mờ” mà con mắt phàm tục chỉ biết bất lực và bị xua đuổi. Nguyễn Tuân dường như dựng lên những đấng bậc ấy, để mà tôn thờ họ, mà thành kính cúi đầu trước vẻ đẹp xưa giữa một xã hội đương thời không đáng để ông tin. Ông tận tụy giữ gìn chất Ngọc quý báu ấy.

Trong ánh sáng toát ra từ tập Vang bóng một thời với những cụ Tú, cụ Nghè, ta gặp một điểm sáng : Huấn Cao. Huấn Cao là điểm sáng của truyện ngắn Chữ người tử tù là điểm sáng giữa chốn ngục tù, và là điểm sáng muốn soi rọi những tâm hồn muốn tìm về với thiên lương. Nguyễn Tuân đã dồn tụ tất cả những quan niệm, lí tưởng của mình về cái đẹp – chất Ngọc của lớp người xưa mà dựng nên một Huấn Cao chói sáng.

Nếu đã từng đọc tập Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân, hẳn người đọc sẽ nhận ra trong thế giới các đấng cao thượng ấy, Huấn Cao là một nhân vật đặc biệt. Cụ Tú, cụ Lan đã yên phận trở về với thế giới của mình, riêng còn lại Huấn Cao, vẫn còn lận đận đối mặt với thời cuộc nhiễu nhương. Cuộc đối mặt đã gây nên một tình thế, mâu thuẫn gay gắt giữa hai lối sống, hai quyền lực. Nguyễn Tuân có dịp đã gửi tất cả lòng mình, cái nhìn của mình đối với đương thời vào Huấn Cao – một Huấn Cao có rất nhiều thách thức, phá bỏ mọi luân lí của xã hội đã mọt ruỗng, nhưng lại lấy cái đạo sống của những người tài tử mà rọi sáng chốn ngục tù đen tối. Huấn Cao không đủ sức thay đổi cả thời cuộc, không thể giành cho mình một giang sơn vùng vẫy đầy cao ngạo, nhưng bây giờ, bao giờ Huấn Cao đã luôn luôn toả sáng bên cái tài, cái thiên lương của mình.

Khi để tâm đến nhân vật Huấn Cao, ta cũng cần để tâm đến nhân vật quản ngục và thầy thơ lại. Đọc Chữ người tử tù, chỉ thấy cái chói sáng của Huấn Cao, mà không thấy kiểu trọng tài của viên quản ngục và thầy thơ lại, e chưa nhận hết cái hay của tác phẩm. Nguyễn Tuân biết tìm đến người biết giá người mà trọng thì hợp với lẽ đời lắm thay, ấy là thước đo giá trị của Huấn Cao vậy. Nên chăng, hãy lấy cái nhìn của thầy thơ lại và viên quản ngục đối với Huấn Cao làm một chuẩn mực cho cái nhìn của Nguyễn Tuân đối với những nhân vật lí tưởng của mình ?

Huấn Cao là một tên phiến loạn, một kẻ tử tù, một người thất thế, quản ngục, thơ lại là những người của công lí cường quyền, nắm trong tay mình vận mệnh của Huấn Cao. Cái mở của câu chuyện bắt đầu từ nguồn đó. Nó bắt đầu từ một sự đảo lộn thực tế, nó không theo mạch chảy thông thường của suy tưởng, nó làm đảo lộn cả thế giới của chốn công lí này. Nguyễn Tuân đã rất táo bạo khi đặt vào giữa chốn ấy một sự đảo lộn mà trong đó người điều hành công lí lại chịu quy phục, lại chịu cúi đầu trước một tên phiến loạn. Sự thắng thế đã thuộc về người thất thế.

Nguyễn Tuân không bao giờ câu nệ vào khuôn phép của thời cuộc, Nguyễn Tuân tôn sùng vẻ đẹp xưa và dựng dậy sức sống mãnh liệt của nó. Huấn Cao là mẫu nhân vật lí tưởng của Nguyễn Tuân, tuy thất thế, nhưng những giá trị của con người Huấn Cao vẫn toả sáng, Nguyễn Tuân đã đi tìm chỗ đứng cho những giá trị đáng trọng ấy. Trong tác phẩm, bao giờ cũng vậy, dù đã trở thành thất thế, hay còn tung hoành, Huấn Cao vẫn giữ cái đẹp của thiên lương mình, mang cái đạo sống đẹp của mình mà đối đáp với mọi thế lực. Lòng tin vào mình, vào thiên lương mình của Huấn Cao rất bền vững, không đổi thay. Cái đẹp của thiên lương đã đi theo Huấn Cao trong suốt hành trình đời sống.

Sức mạnh của thiên lương và tài hoa đã tạo cho Huấn Cao một thế đứng –  thế đứng của kẻ sĩ cao ngạo giữa bùn nhơ. Huấn Cao như mang trong mình sức mạnh huyền thoại, ngang nhiên thay đổi cả bộ mặt của chốn ngục tù. Ta có cảm giác như Huấn Cao giẫm đạp dưới chân mình cả nhà ngục u tối. Thái độ lạnh lùng, khinh bạc của Huấn Cao được Nguyễn Tuân khai thác một cách triệt để. Trong tác phẩm, Huấn Cao nói rất ít, mà mỗi lời nói là một mệnh lệnh, một sự sai khiến. “Ngươi hỏi ta muốn gì ? Ta chỉ muốn có một điều ! Là nhà ngươi đừng đặt chân vào đây“. Sự cự tuyệt dữ dội và gay gắt, như gạt bỏ quanh mình tất cả những dấu vết của ngục tù, của phàm tục tiểu nhân. Ngay cả câu nói cuối cùng của Huấn Cao với quản ngục, chân tình, ân nghĩa, mà cũng đầy ắp sự điều khiển, như một lời dẫn đường, ban ơn của bề trên : “Ở đây lẫn lộn. Ta khuyên thầy Quản nên thay chốn ở đi (…). Ta nói thực đấy, thầy Quản nên tìm về nhà quê mà ở đã, thầy hãy thoát cái nghề này đi đã, rồi hãy nghĩ đến chuyện chơi chữ“. Nhưng tại sao Huấn Cao lại như thế ? Vì ông có thiên lương và cốt tử gìn giữ thiên lương. Vào ngục tù, cũng là giây phút Huấn Cao đóng sập cánh cửa tâm hồn mình, không mảy may cho bóng tối lọt vào. Nguyễn Trãi xưa chỉ mới là “Khép phòng văn” cho “Khách tục không ai bén mảng gần“, nhưng ở Huấn Cao gần như mang cả sự cự tuyệt quyết liệt, bởi có lẽ Nguyễn Trãi đã yên thân với quê nhà thanh bạch, mà Huấn Cao lại còn đối mặt, còn bị những uế khí ngục tù vây bủa xung quanh. Huấn Cao luôn phải giữ mình đến lạnh lùng đến tàn nhẫn. Phần đầu tác phẩm, hẳn người đọc còn nhớ, sau câu nói đùa của tên lính áp giải, Nguyễn Tuân đã tả Huấn Cao : “Huấn Cao lạnh lùng chúc mũi gông nặng, khom mình thúc mạnh đầu thang gông xuống thềm đá tảng đánh thuỳnh một cái“. Đến lúc viên quản ngục ngỏ lời muốn giúp đỡ thì đáp lại bằng một câu nói “tỏ ra khinh bạc đến điều“. Huấn Cao rào quanh vẻ đẹp thiên lương của mình hàng rào kẽm gai chằng chịt, thường trực bên mình tư thế của người tự vệ. Điều duy nhất, cần kíp nhất đối với Huấn Cao là không để bất cứ kẻ tiểu nhân phàm tục nào được chạm vào thế giới của riêng mình. Dẫu biết rằng “khi câu nói ấy, ông Huấn đã đợi một trận lôi đình báo thù và những thủ đoạn tàn bạo của quan ngục bị sỉ nhục“. Cái kết cục, cái giá trị còn lại của Huấn Cao là thiên hương và tài hoa đã thất thế. Tài hoa thì không có người tri kỉ, chỉ còn biết lấy thiên lương mà đấu tranh với tù ngục, mà toả sáng, mà cao ngạo với tư thế của riêng mình.

Không một tì vết của nhà tù có thể chạm vào Huấn Cao. Sự hoà trộn, sự tác động của hoàn cảnh không đủ sức leo lên tới bậc thang chói lọi là Huấn Cao. Nguyễn Tuân tách bạch, như chia ra thành tầng, thành lớp chỗ đứng của nhân vật trong tác phẩm. Nhà tù bị Huấn Cao giẫm đạp. Huấn Cao thản nhiên biến nơi này thành giang sơn do mình làm chủ. Ông “thản nhiên nhận rượu và ăn thịt, coi như đó là việc vẫn làm trong cái hứng bình sinh lúc chưa bị giam cầm“, lại sẵn sàng xua đuổi quản ngục “Người đừng đặt chân vào đây“. Điều phi lí đặt ra trong tác phẩm: một tên tù làm chủ tù ngục, nhưng lại rất hợp lí đối với sợi dây đo lòng người. Trước “công lí ” của cường quyền, Huấn Cao là tử tù, nhưng trước thiên lương, Huấn Cao trở thành một bậc thánh. Tất cả cái đạo sống, lối sống và nhân cách của mình, Huấn Cao đều bộc lộ thản nhiên giữa chốn tù ngục. Phong thái ung dung đến ngông nghênh ấy, chỉ có thể có ở một người tin vào mình, kiêu hãnh về mình. Chưa bao giờ ta bắt gặp một giây phút cúi đầu của Huấn Cao, lúc nào cũng thản nhiên, đĩnh đạc đến kiêu ngạo. Bởi vì Huấn Cao đã đủ sức gạt bỏ tất cả những bộ mặt, dáng vẻ, thế lực quanh mình, nhìn vào mình mà sống, chỉ duy nhất đáp ứng, nâng niu thiên lương và tài hoa của mình. Giữ gìn thiên lương trong chốn ngục tù là một điều khó. Thiên lương của Huấn Cao có thể toả sáng hiên ngang ở chính nơi đây thì sức mạnh đã đạt đến vị thế của một bậc thánh. Nguyễn Tuân, khi miêu tả hình ảnh nhân vật đáng kính của mình, đã khéo léo bọc quanh đó một thứ ánh sáng lung linh. Bao nhiêu giả dối, đen tối, lừa lọc thường nhật của nhà lao, cái mánh khoé đã trở thành câu cửa miệng của bọn lính coi tù. Khi nói đến chữ “để tâm” mấy tên lính có ý nhắc viên quan coi ngục còn đợi chờ gì mà không giở những mánh khoé hành hạ thường lệ ra… Những mớ hỗn tạp lộn xộn ấy, bỗng dưng khi Huấn Cao xuất hiện đều trở thành một trật tự, ngăn nắp từ trên xuống dưới. Có lẽ, lần đầu tiên ở chốn tù ngục, người ta ngạc nhiên nhìn thấy cảnh đối xử kẻ trên người dưới kính trọng đến vậy. Nguyễn Tuân đã đặt Huấn Cao lên một bệ cao, mà ở dưới, là những cái quỳ, những cử chỉ chắp tay cúi lạy, những lời nói “bẩm“, “thưa“, cách xưng hô “ngài” của thầy thơ lại, viên quản ngục liên tiếp xuất hiện. Huấn Cao là bề trên, là người điều khiển chốn tù ngục này. Huấn Cao không muốn ai chạm đến cách sống của mình, và tất cả, không ai dám quấy rầy đến ông.

Khôi phục lại vẻ đẹp xưa trong con người Huấn Cao, Nguyễn Tuân đã khẳng định giá trị của lớp nhà nho thất thế. Đọc các tác phẩm của Nguyễn Tuân, đọc riêng tác phẩm Chữ người tử tù, ta có thể tóm gọn trong một câu khẳng định : Vẻ đẹp thiên lương và tài hoa trong những con người thất thế của một thời đã thất thế không thể thất thế theo. Vì đó là vẻ đẹp của khí thiêng dân tộc đã được chung đúc mấy ngàn năm. Đọc văn Nguyễn Tuân mà quên đi chữ lớp người thất thế tức là đã phá bỏ đi một dụng công của nhà văn vậy. Thất thế nhưng những giá trị – tinh thần còn vĩnh cửu. Nguyễn Tuân đã khẳng định những vẻ đẹp đó trong con người Huấn Cao. Một vẻ đẹp rọi sáng ngục tù, nâng đỡ những tâm hồn yếu ớt, có đức nhưng không đủ mạnh, và một vẻ đẹp phá vỡ cả luận lí thông thường.

Huấn Cao hiện lên trong tác phẩm bao giờ cũng với phong thái “chọc trời khuấy nước“. Những lời nói, chỉ có sai khiến, dứt khoát, rắn rỏi : “ta chỉ muốn một điều“, “rệp cắn tôi, đỏ cả cổ lên rồi. Phải dỗ gông đi“. Trước đồng đội, ông là “tên đứng đầu bọn phản nghịch“, trước những người như thầy thơ lại, viên quản ngục ông là một vị thánh. Sức mạnh như Huấn Cao dường như trở thành một điển hình đối với cả những người “làm loạn” và những người của “công lí“. Mỗi con người, đều nhìn vào ông làm mẫu mực cho con người lí tưởng của mình. Nguyễn Tuân dường như bao giờ cũng tạo cho Huấn Cao cái thế : đứng riêng ra một cõi. Cái bầu trời đêm khi đưa Huấn Cao đến chỉ dành riêng cho Huấn Cao : “một ngôi sao hôm nhấp nháy như muốn trụt xuống phía chân trời không định“. Chỉ duy nhất một ngôi sao, loé sáng rồi vụt tắt, phải chăng là một Huấn Cao. Và mặc dù, tác phẩm xây dựng lên cả hai đối tượng của cái đẹp, nhưng Nguyễn Tuân cũng phân cấp, tách bạch giá trị. Khoảng cách giữa Huấn Cao với quản ngục, thầy thơ lại như những bậc thang cao thấp. Nhà tù không được đem ra so sánh với Huấn Cao, mà chỉ là một thứ cho Huấn Cao giẫm lên, Huấn Cao phá bỏ, ung dung nhận rượu và ăn thịt, sẵn sàng đuổi khỏi phòng giam viên quản ngục và “lạnh lùng” bỏ qua những lời vớ vẩn của tên lính canh. Nhưng Nguyễn Tuân lại đặt bên Huấn Cao là viên quản ngục và thầy thơ lại. Chỉ duy hai con người ấy được Huấn Cao nhìn xuống mà giang tay nâng đỡ, mà thốt lên một lời tiếc “thiếu chút nữa ta đi phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ“. Khi đọc tác phẩm này, ta tưởng tượng quản ngục và thầy thơ lại như bầy tôi tớ trung thành của Huấn Cao, không đủ sức cứu chủ nhưng biết phục tùng chủ. Những cử chỉ khép nép, những cái chắp tay, lời “dạ“, “bẩm“, và cả những buổi hầu cơm rượu chu tất chỉ để nhận một chút ban ơn đã là quá đủ với hai con người cần một chút thiên lương, mong được thụ hưởng một tài hoa trong khốn khổ.

Cho nên, tất cả ý nghĩa của câu chuyện, tất cả sức mạnh chói loà của Huấn Cao, chỉ thực sự được xây thành lâu đài ở đoạn cuối tác phẩm. Một giây phút cuối đời đầy bi tráng, không ầm ĩ mà vẫn vang xa, vang và sâu thăm thẳm. Tác phẩm đã tạo được không khí linh thiêng – cổ xưa trong như một tấm pha lê. Một sự kết hợp và phô bày tất cả tài hoa và thiên lương, hai nét đẹp hoà vào nhau nâng con người đến tầm cao. Thực ra cả tác phẩm, ta nói tới chữ “thiên lương” trong Huấn Cao cũng chỉ bằng lời đồn đại, bằng thái độ của bọn coi tù, bằng cái phong cách bề ngoài của Huấn Cao. Nhưng đến đoạn cuối cùng, cái giây phút cuối đời này, nó vỡ oà ra, nó hừng hực như lửa, nó là một ánh huy hoàng sáng giá cuối cùng của đời bậc anh hùng – tài tử Huấn Cao. Đó là một “Cảnh tượng xưa nay chưa từng có, đã bày ra trong một buồng tối chật hẹp, ẩm ướt, tường đầy mạng nhện, tổ rệp, đất bừa bãi phân chuột phân gián“. Viết câu văn ấy, hẳn Nguyễn Tuân đã không hề giấu giếm thái độ chủ quan của mình, cái lí tưởng về con người trong mắt Nguyễn Tuân đã lộ rõ rồi.

Dường như là một giấc mơ. Những con người ở đây đang dựng dậy một câu chuyện cổ tích chứ không phải chuyện xảy ra giữa tù ngục. Không gian như trồi lên ở một tầng khác – tầng trời thứ bảy. Cái đỏ rực của bó đuốc tẩm dầu, cái sáng loà của tấm lụa bạch nó như chạm vào nhau mà tưởng như khua lên cả một tiếng lanh canh, như dát bạc, dát vàng. Nhớ nhất là chi tiết “một người tù cổ đeo gông, chân vướng xiềng, đang tô đậm nét chữ trên tấm lụa trắng tinh” giống như cái cảnh viết dưới giá treo cổ của Phuxích. Trong cái hào khí toả ra của cảnh tượng kì lạ, nhưng Nguyễn Tuân không quên đi chi tiết đời thực – một Huấn Cao tù ngục. Nhưng chính cái lẽ đó đã tạo cho ta một liên tưởng – đó là cảnh trao ngôi, một cảnh truyền ngôi báu của một vị vua đã đến hồi kết thúc cuộc đời. Một cảnh tượng linh thiêng, như nhìn thấy cả cái nghiêm trang trong giây phút Huấn Cao tô nét chữ trên tấm lụa trắng, trong cái vẻ run run bưng chậu mực của thầy thơ lại và cái cảnh nghẹn ngào chắp tay vái của quản ngục, khẽ khàng đến thấy từng cái run nhẹ trong thớ thịt của con người. Nguyễn Tuân miêu tả từng cử động, từng xê dịch trong mỗi con người, để thấy cái tĩnh lặng như một chốn linh thiêng. Ba con người như in hình trong ánh sáng giữa chốn ngục tù đen tối. Đó là bức tượng “Cái đẹp trên ngai vàng” để dâng cho cuộc đời bề bộn và lộn xộn. Mặc dù Nguyễn Tuân không nói Huấn Cao đã viết gì lên bức lụa bạch, nhưng ông cho trí tưởng tượng của người đọc được bay bổng. Nhưng hẳn là một chiêm nghiệm lẽ sống của Huấn Cao đã được gửi vào đó. Có thể là hai chữ THIÊN LƯƠNG lấp lánh sáng chăng ? “… Chỗ này không phải là nơi treo một bức lụa trắng trẻo với những nét chữ vuông vắn tươi tắn nó nói lên những cái hoài bão tung hoành của một đời con người“. Lời gan ruột của mình đã được Huấn Cao trân trọng gửi vào tấm lụa bạch, trang trọng truyền lại cho viên quản ngục. Đời thất thế của Huấn Cao đã kịp loé sáng trước khi tàn, và hơn thế nữa, nó đã kịp được vĩnh cửu hoá ở tấm lụa bạch, ở tấm lòng của những người như quản ngục.

Tài hoa, thiên lương là những giá trị thuộc về tâm hồn, nhưng đọc ở đoạn văn này, cảm giác như có thể chạm khắc được Huấn Cao, người mang chất Ngọc này đĩnh đạc và trang nghiêm trao lại, và quản ngục thì như đang cúi xuống mà giơ đôi bàn tay run rẩy xúc động của mình để nhận lấy. Mỗi lời nói, mỗi cử chỉ của Huấn Cao dường như đều đậm đặc một chút hương của tài hoa, của thiên lương cao cả. Huấn Cao là một bức tượng tạc sừng sững giữa chốn ngục tù, mạnh mẽ, uy nghi ; Huấn Cao đã thay đổi cả tấm đời nhỏ bé của quản ngục – một con người yêu cái đẹp đến khổ hạnh, tận tụy với cái đẹp như một tôi tớ. Ba con người duy nhất của một thế giới hỗn tạp này dường như đã khắc sâu vào cái nhìn của mỗi người đọc. Xung quanh nhân vật là bóng tối, là những ẩm ướt chật hẹp nhưng họ đã toả sáng, ánh sáng ngọn lửa xoá tan đi tối tăm của nhà tù. Một thế giới đóng khung, sáng ngời bởi ngọn lửa đỏ dữ dội. Phải chăng lửa chính là hàng lính canh, ngọn lửa như bao bọc con người, không để lọt vào một bóng tối, một sự phàm tục nào. Ngọn lửa đã tạo được không khí thiêng liêng, đầy dữ dội, và như tôn lên sức mạnh của con người. Những tâm hồn mang lửa trong một nhà tù lạnh lẽo. Cái đẹp của thiên lương, tài hoa đã gạt phăng đi mọi tì vết của ngục tù, đó là cái đẹp cao cả và trong suốt. Cái đẹp chỉ dành riêng cho ba con người. Huấn Cao, ngay đêm những ngày cuối cùng của đời mình đã được tái sinh. Sự tái sinh của Huấn Cao gửi vào quản ngục, thơ lại, những tấm lòng “liên tài” ắt cái đẹp sẽ được nâng niu, chăm sóc.

Lời cuối cùng của Huấn Cao với quản ngục là sự khẳng định duy nhất chỉ có một bức tượng tạc Thiên lương và Tài hoa, cũng là lời phủ định cả thời cuộc đương thời. “Thầy quản nên tìm về nhà quê mà ở đã, thầy hãy thoát khỏi cái nghề này đi đã rồi hãy nghĩ đến chuyện chơi chữ. Ở đây, khó giữ thiên lương cho lành vững và rồi cũng đến nhem nhuốc mất cái đời lương thiện đi“. Xã hội này không có chỗ cho cái đẹp, muốn đẹp, cần phải phá bỏ công lí thời đại, muốn đẹp, cần phải xây dựng lại cho mình một lâu đài riêng để mà gìn giữ. Cái đẹp tồn tại trong một thế giới trong suốt. Cái đời của Huấn Cao, muốn giữ thiên lương, phải thành kẻ tử tù. Và quản ngục, muốn tôn thờ cái đẹp, phải ra khỏi chốn bùn nhơ do chế độ tạo lập.

Với Chữ người tử tù, Nguyễn Tuân đã lên tiếng về một thời cuộc không còn tìm thấy cái đẹp. Nguyễn Tuân làm sống lại Huấn Cao, vì tiếc nuối cho một thời xưa và vì chán chường với đương thời. Nguyễn Tuân yêu cái đẹp và tôn thờ cái đẹp, Nguyễn Tuân thường trở về thời xưa mà sống lại với cái cảnh cụ Nghè, cụ Tú ung dung với những thú vui nho nhã mà không vướng việc đời. Bởi trong tâm hồn cao cả của Nguyễn không còn chỗ cho niềm tin vào thời thế xô bồ. Huấn Cao đã lên tiếng mạnh mẽ nhất cho Nguyễn Tuân, Huấn Cao không chỉ thoát khỏi chốn phàm tục, mà phá bỏ cả công lí thời đại, và tự tạc bức tượng về vẻ đẹp của mình – của lớp người như mình – cái đẹp mang ý nghĩa sâu sắc, có khả năng cứu vớt những con người muốn trở về với thiên lương.

Huấn Cao và những bậc tài hoa của một thời vang bóng, là tất cả tình yêu của Nguyễn Tuân. Cái tình yêu này – cũng là chất Ngọc – nhà văn muốn lưu lại cho người đọc từ bấy giờ đến bây giờ – đến cả mai này nữa.


BÀI CỦA THẦY NGUYỄN ĐỨC HÙNG – Tp Hồ Chí Minh