Đề thi mẫu và đáp án môn Ngữ Văn

0
11058

Đề thi mẫu và đáp án môn Ngữ Văn

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
ĐỀ THI MINH HỌA
(Đề thi có 01 trang)
KỲ THI TRUNG HỌC PHỔ THÔNG QUỐC GIA NĂM 2017
Môn thi: NGỮ VĂN
Thời gian làm bài: 120 phút, không kể thời gian phát đề

 

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
 
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:
Leo lên đỉnh núi không phải để cắm cờ mà là để vượt qua thách thức, tận hưởng bầu không khí và ngắm nhìn quang cảnh rộng lớn xung quanh. Leo lên đỉnh cao là để các em có thể nhìn ngắm thế giới chứ không phải để thế giới nhận ra các em. Hãy đến Paris để tận hưởng cảm giác đắm chìm trong Paris chứ không phải lướt qua đó để ghi Paris vào danh sách các địa điểm các em đã đi qua và tự hào mình là con người từng trải. Tập luyện những suy nghĩ độc lập, sáng tạo và táo bạo không phải để mang lại sự thỏa mãn cho bản thân mà là để đem lại lợi ích cho 6,8 tỷ người trên trái đất của chúng ta. Rồi các em sẽ phát hiện ra sự thật vĩ đại và thú vị mà những kinh nghiệm trong cuộc sống mang lại, đó là lòng vị tha mới chính là điều tốt đẹp nhất mà các em có thể làm cho bản thân mình. Niềm vui lớn nhất trong cuộc đời thực ra lại đến vào lúc các em nhận ra các em chẳng có gì đặc biệt cả. Bởi tất cả mọi người đều như thế.
 
(Trích Bài phát biểu tại buổi lễ tốt nghiệp trường trung học Wellesley
của thầy Hiệu trưởng David McCullough – Theo , ngày 5/6/2012)
 
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích trên.
Câu 2. Anh/Chị hiểu thế nào về câu nói sau: “Leo lên đỉnh núi không phải để cắm cờ mà là để vượt
qua thách thức, tận hưởng bầu không khí và ngắm nhìn quang cảnh rộng lớn xung quanh.”?
Câu 3. Theo anh/chị, vì sao tác giả cho rằng: “Niềm vui lớn nhất trong cuộc đời thực ra lại đến
vào lúc các em nhận ra các em chẳng có gì đặc biệt cả.”?
 
Câu 4. Thông điệp nào của đoạn trích trên có ý nghĩa nhất đối với anh/chị?
 
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm)
Hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến được nêu trong đoạn trích ở phần Đọc hiểu: “Leo lên đỉnh cao là để các em có thể nhìn ngắm thế giới chứ không phải để thế giới nhận ra các em.”.
Câu 2 (5,0 điểm)
Phân tích vẻ đẹp hào hùng của hình tượng người lính trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng.
——–Hết——–
Thí sinh không sử dụng tài liệu. Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm.
HƯỚNG DẪN GIẢI ĐỀ THI MINH HỌA THPT QG 2017 MÔN: NGỮ VĂN
 
Phần Câu/Ý Nội dung
I Đọc hiểu
1. Phương thức biểu đạt chính: nghị luận.
2. “Leo lên đỉnh núi không phải để cắm cờ mà là để vượt qua thách thức, tận hưởng bầu không khí và ngắm nhìn quang cảnh rộng lớn xung quanh”, có thể hiểu:
– “Cắm cờ”: để khẳng định chủ quyền, để thể hiện sức mạnh, đánh dấu thành tích.
– “Bầu không khí”, “quang cảnh rộng lớn xung quanh”: là thành quả sau cuộc hành trình gian khổ.
=> Ý nghĩa: Trong mỗi hành trình, khó khăn, thử thách là để ta có cơ hội khám phá chính bản thân mình và khi vượt qua thử thách, ta cũng chiến thắng chính mình. Đồng thời, vượt qua nó để được tận hưởng những điều tốt đẹp – đó là một quan điểm sống tích cực, lành mạnh, có sức mạnh cổ vũ rất lớn với mỗi chúng ta.
3. “Niềm vui lớn nhất trong cuộc đời thực ra lại đến lúc các em nhận ra các em chẳng có gì đặc biệt cả”. Tác giả nói như vậy vì:
– Khi nhận ra mình “chẳng có gì đặc biệt cả” tức là các em hiểu rõ mình là ai, mình đang ở đâu, các em hiểu rằng thế giới ngoài
kia kì vĩ, lớn lao, thú vị vô cùng. Và khi đó, các em sẽ có ý thức, có ham muốn, có niềm vui khi học hỏi, khám phá và chinh phục
thế giới.
– Ngược lại, nếu tự mãn về bản thân, các em sẽ không tìm ra mục tiêu cho cuộc sống của mình, vì vậy, cuộc sống sẽ trở nên nhàm chán, vô vị.
4. HS trình bày suy nghĩ cá nhân, nêu rõ vì sao thông điệp đó có ý
nghĩa với em nhất? Có thể lựa chọn thông điệp về ý nghĩa của việc vượt lên thử thách hay về sự khiêm tốn,…
II. Làm văn
 
1. “Leo lên đỉnh cao là để các em có thể nhìn ngắm thế giới chứ không phải để thế giới nhận ra các em”
Yêu cầu về hình thức:
– Viết đúng 01 đoạn văn, khoảng 200 từ.
– Trình bày mạch lạc, rõ ràng, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu,…
 
Yêu cầu về nội dung:
1. Giải thích:
– Leo lên đỉnh cao: chinh phục những thử thách, chiếm lĩnh những tầm cao.
– Các em nhìn ngắm thế giới: quan sát, ngắm nhìn, phát hiện sự lớn lao cũng như tận hưởng những vẻ đẹp của thế giới, của cuộc sống xung quanh.
– Thế giới nhận ra các em: được mọi người ghi nhận.
=> Câu nói xác lập thái độ của con người khi vươn tới tầm cao, khi đạt được mục đích: không phải để ghi danh tên tuổi mà là để cảm nhận, ngắm nhìn thế giới ở tầm cao hơn, rộng hơn, khái quát hơn. Từ đó, có những thu hoạch thấm thía, ý nghĩa hơn.
2. Phân tích:
a/ Vì sao khi vươn lên đỉnh cao, các em có thể nhìn ngắm thế giới và nên coi đó là mục đích của việc chinh phục những đỉnh cao?
– Những đỉnh cao trong cuộc sống (đỉnh cao địa lí, đỉnh cao tri thức, tâm hồn, trí tuệ…) không có đỉnh cao nào là dễ dàng chinh
phục; để vượt qua nó, chúng ta phải được trang bị rất nhiều tri thức, kĩ năng và có ý chí mạnh mẽ, kiên cường, lòng quyết tâm
cao độ. Khi lên tới đỉnh cao, ta sẽ nhìn lại được khả năng của chính mình, có thêm nhiều kinh nghiệm mới.
– Mỗi hành trình đều chứa đựng nhiều bí ẩn thú vị mà đi đến tận cùng ta sẽ nhận ra nó, giúp ta mở mang thêm kiến thức. Ở tầm cao, nhìn ngắm thế giới sẽ rộng hơn, khái quát và chính xác cao hơn.
– Nhìn ngắm thế giới là công việc phải làm hàng ngày nếu muốn tiến bộ, muốn phát triển bởi cuộc sống không ngừng vận động. Vì vậy, cần coi đó là cái đích của việc chinh phục những đỉnh cao trong cuộc đời.
b/ Leo lên đỉnh cao không phải để “thế giới nhận ra các em” vì:
– Nếu coi việc được ghi nhận là cái đích tối cao, con người dễ bằng lòng, thỏa mãn với những gì mình có mà không còn ý thức
vươn lên nữa.
3. Bàn luận, mở rộng:
(Làm thế nào để “leo tới đỉnh cao”?)
– Trang bị cả về sức khỏe, kiến thức, kĩ năng.
– Tôi rèn ý chí, nghị lực, lòng kiên trì, quyết tâm cao độ.
– Khiêm tốn, không ngừng hoàn thiện bản thân.
4. Bài học và liên hệ bản thân:
– Câu nói định hướng cho chúng ta thái độ đúng đắn trong cuộc sống để sống và tận hưởng, khám phá trọn vẹn.
– Liên hệ bản thân.
 
2 Phân tích vẻ đẹp hào hùng của hình tượng người lính trong bài thơ “Tây Tiến” của Quang Dũng.
 
2.1 Giới thiệu chung:
– Quang Dũng là gương mặt tiêu biểu của thơ ca kháng chiến chống Pháp với hồn thơ hào hoa, lãng mạn, thấm đượm tình đồng bào đồng chí.
– “Tây Tiến” là một trong những bài thơ hay nhất, xuất sắc nhất, làm nên tên tuổi của Quang Dũng; đồng thời được coi là “đứa con đầu lòng tráng kiện và hào hoa của nền thơ ca kháng chiến”. Bài thơ được viết vào năm 1948 ở Phù Lưu Chanh khi ông đã xa đơn vị Tây Tiến một thời gian.
– Bài thơ đã khắc họa thành công hình tượng người lính Tây Tiến với vẻ đẹp hào hùng.
 
2.2 Phân tích:
a/ Vài nét chung về những người lính Tây Tiến:
– Xuất thân: Phần đông các chiến sĩ trong trung đoàn đều là những chàng trai Hà thành, xếp bút nghiên lên đường theo tiếng gọi của non sông.
 
– Nêu phạm vi hoạt động, nhiệm vụ của đơn vị.
b/ Vẻ đẹp hào hùng của hình tượng người lính trong bài thơ:
– Hào hùng là vẻ đẹp mang phẩm chất, cốt cách mạnh mẽ thuộc về ý chí.
– Biểu hiện trong bài thơ:
-Khí phách ngang tàng, tinh thần lạc quan trước khó khăn, gian
khổ:
+ Hoàn cảnh chiến đấu vô cùng gian khổ: sốt rét, hành quân trên địa hình hiểm trở, thiên nhiên ẩn chứa những điều nguy hiểm, cái chết luôn cận kề.
+ Trên cái phông nền đó, ta càng thấy rõ hơn vẻ đẹp hào hùng của những người lính Tây Tiến. Họ vẫn dấn thân, bất chấp hiểm nguy, vượt qua núi cao, vực sâu, thú dữ, bệnh tật, thể hiện qua cách nói
vừa táo bạo vừa tinh nghịch “súng ngửi trời”, “không mọc tóc”, “bỏ quên đời”…
-Tinh thần yêu nước, lí tưởng chiến đấu luôn chói ngời, bất chấp
cả sự sống và tuổi trẻ của bản thân mình: “Mắt trừng gửi mộng qua biên giới”, “Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh” – coi cái
chết nhẹ tựa lông hồng.
-Sự hào hùng gắn liền với bi tráng: hi sinh của những người lính
Tây Tiến.
c/ Nghệ thuật xây dựng và khắc họa hình tượng:
– Bút pháp tả thực kết hợp hài hòa với cảm hứng lãng mạn.
– Sử dụng số lượng lớn từ Hán Việt
– Cách nói giảm, nói tránh, thủ pháp đối lập
– Giọng điệu hào hùng, bi tráng
2.3 Đánh giá:
– Nhà thơ Quang Dũng đã khắc họa chân thực và sinh động vẻ đẹp hào hùng của những người lính Tây Tiến – những con
người ưu tú của đất Việt, những tấm gương sáng ngời về lòng yêu nước, tinh thần cống hiến cho lớp trẻ noi theo.
– Khẳng định tài hoa của Quang Dũng và sức sống bền bỉ của bài thơ trong lòng độc giả nhiều thế hệ.
 
HẾT
Nguồn: tuyensinh247
 
Các bài khácTây Tiến hào hoa – hào hùng
Bài tiếp theoĐoạn văn về lòng Khoan Dung
Phan Danh Hiếu
"Kiến thức nhờ nhận nhiều mà có, trái tim nhờ cho đi mà giàu". Chúng ta không thể sống chỉ biết nhận mà không biết cho. Vậy nên chia sẻ kiến thức văn chương ở đây cũng chính là cho đi. Và cho đi là còn mãi. Mỗi ngày tôi không ngừng lên mạng để đọc và viết. Đam mê gắn liền với tình yêu thương khiến bản thân luôn thấy cuộc sống này thật đẹp....

Phản hồi của bạn

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây