Đề thi môn Ngữ văn số 27 theo mẫu mới

0
64661

MỤC LỤC BÀI VIẾT

Đề thi môn Ngữ văn số 27 theo mẫu mới

TRUNG TÂM LUYỆN THI NGUYỆT QUẾ  ĐỀ THI THỬ TỐT NGHIỆP THPT

NĂM HỌC 2019 – 2020

MÔN NGỮ VĂN

 

 I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)

          Đọc đoạn trích sau:

          “Đố kị nghĩa là bực tức, khó chịu trước những may mắn và thành công của người khác. Trong khi người thành công luôn nhìn thấy và học hỏi những đức tính tốt đẹp của người khác thì kẻ thất bại lại không làm được điều đó. Họ không muốn nhắc đến thành công của người khác, đồng thời luôn tìm cách chê bai, hạ thấp họ. Họ để mặc cho lòng tỵ hiềm, thói ganh tỵ, cảm giác tự ti gặm nhấm tâm trí ngày qua ngày.

          Đố kị không những khiến con người cảm thấy mệt mỏi mà còn hạn chế sự phát triển của mỗi người. Thói đố kị khiến chúng ta lãng phí thời gian và không thể tận dụng hết năng lực để đạt được điều mình mong muốn. Ganh tị với sự thành công của người khác sẽ khiến chúng ta đánh mất cơ hội thành công của chính mình.

          Tạo hóa tạo ra con người trong sự khác biệt và bình đẳng. Bạn cần phải ý thức được rằng, bạn là duy nhất và không bao giờ có người nào hoàn toàn giống bạn, cả về diện mạo lẫn tính cách. Vì thế, thay vì ganh tị với thành công và may mắn của người khác, bạn hãy tập trung toàn bộ tâm trí vào những ước mơ, dự định, đồng thời cố gắng hoàn thành chúng một cách triệt để. Hãy tự hào về sự khác biệt của bản thân bạn và vui mừng trước sự may mắn, thành công của những người xung quanh. Niềm vui ấy sẽ chắp cánh cho hạnh phúc của bạn và sớm muộn gì, bạn cũng sẽ đạt được thành công như họ”.

          (Trích “Không gì là không thể” – George Matthew Adams – Thu Hằng dịch, Tr.117, NXB Tổng hợp Tp Hồ Chí Minh, 2019)

 

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1. Phương thức biểu đạt chính của văn bản.

Câu 2. Theo đoạn trích, kẻ đố kị phải gánh chịu những hậu quả như thế nào?

Câu 3. Dựa vào đoạn trích, anh/chị hãy cho biết thế nào là: “khác biệt và bình đẳng”

Câu 4. Lời khuyên “Hãy tự hào về sự khác biệt của bản thân bạn và vui mừng trước sự may mắn, thành công của những người xung quanh” trong đoạn trích có ý nghĩa gì với anh/chị?

II. PHẦN LÀM VĂN (7.0 điểm)

Câu 1 (2.0 điểm)

          Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh / chị hãy viết 01 đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ) bàn về việc dứt khoát phải từ bỏ thói đố kị.

Câu 2 (5.0 điểm)

Cảm nhận vẻ đẹp hình tượng Đất Nước qua đoạn thơ:

Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi
Đất Nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa…” mẹ thường hay kể
Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn
Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc
Tóc mẹ thì bới sau đầu
Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn
Cái kèo, cái cột thành tên
Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng
Đất Nước có từ ngày đó…

          (Đất Nước, trích “Mặt đường khát vọng” – Nguyễn Khoa Điềm, SGK Ngữ Văn 12, tập 1, Tr.118, NXB Giáo Dục Việt Nam 2018)

 —HẾT—

ĐÁP ÁN

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1.

          – Phương thức biểu đạt chính của văn bản: Nghị luận

Câu 2.

          – Theo đoạn trích, kẻ đố kị phải gánh chịu những hậu quả:

          “Đố kị không những khiến con người cảm thấy mệt mỏi mà còn hạn chế sự phát triển của mỗi người. Thói đố kị khiến chúng ta lãng phí thời gian và không thể tận dụng hết năng lực để đạt được điều mình mong muốn. Ganh tị với sự thành công của người khác sẽ khiến chúng ta đánh mất cơ hội thành công của chính mình.”

Câu 3.

          Thế nào là: “khác biệt và bình đẳng”

          – “Khác biệt” có nghĩa là: Tạo hóa tạo ra mỗi con người trong sự duy nhất và không bao giờ có người nào hoàn toàn giống ta, cả về diện mạo lẫn tính cách. Vì vậy không ai giống ai. Mỗi cá nhân đều độc lập.

          – “Bình đẳng” có nghĩa là: ai cũng có các quyền và nghĩa vụ ngang nhau. Chúng ta được học tập, được tự do, được lựa chọn, được ước mơ…Nghĩa là ai cũng có cơ hội để phát triển bản thân. Và không ai cản trở chúng ta trong các quyền ấy.

          * Hai khái niệm trên cũng là một thông điệp: Ai cũng có cơ hội để phát triển bản thân, vậy nên hãy luôn phấn đấu hết khả năng để đạt được thành công, đừng nên so sánh, đừng ghen tị, đố kị với người khác.

Câu 4.

          Lời khuyên “Hãy tự hào về sự khác biệt của bản thân bạn và vui mừng trước sự may mắn, thành công của những người xung quanh” trong đoạn trích có ý nghĩa:

           – Hãy tự hào về sự khác biệt của bản thân:

          + Vì chúng ta được sinh ra, được lớn lên, được hưởng đủ mọi quyền thì đó đã là một hạnh phúc, một vinh dự.

          + Hãy biết phát huy bản thân, tìm ra khả năng, năng khiếu của mình để phát triển nó. Hãy biết nuôi dưỡng ước mơ và khát vọng và nỗ lực không mệt mỏi để thành công.

          + Mỗi một người đều có những sở trường, sở đoản, mặt mạnh, mặt yếu khác nhau. Có thể họ tài giỏi ở một lĩnh vực nào đó và ta cũng vậy.

          – Chúng ta hãy “vui mừng trước sự may mắn, thành công của những người xung quanh”. Bởi điều đó giúp ta chiến thắng được đố kị, ganh ghét. Vui với thành công của mọi người giúp chúng ta tìm thấy được cảm hứng sống, cảm hứng học tập, làm việc. Vui với thành công của người khác còn giúp ta luôn phấn đấu, nỗ lực và sống giàu ước mơ vươn tới.

II. PHẦN LÀM VĂN  

Câu 1 

          Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh / chị hãy viết 01 đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ) bàn về việc dứt khoát phải từ bỏ thói đố kị.

           Tham khảo các ý sau: mẫu đoạn tổng – phân – hợp

Mở đoạn: Muốn phát triển được bản thân hãy từ bỏ ngay thói đố kỵ.

Thân đoạn: Sử dụng các thao tác lập luận như: giải thích, chứng minh, phân tích, bình luận.

          – Giải thích: Đố kị nghĩa là bực tức, khó chịu trước những may mắn và thành công của người khác. Đố kị là sự ghen ghét, không công nhận, thậm chí có suy nghĩ, hành động bài trừ đối với những thành tựu của người khác.

          – Phân tích tác hại của đố kị:

          + Làm nảy sinh nhiều trạng thái tâm lý tiêu cực, khiến cho bản thân người có lòng đố kị luôn căng thẳng, bức bối, không thoải mái, thậm chí là đau đớn. Bởi kẻ đố kị không chấp nhận thực tế người khác hơn mình.

          + Động cơ kích thích phấn đấu giảm sút, mà ý muốn hạ thấp, hãm hại người khác để thỏa lòng ích kỷ tăng lên. Kẻ đố kị luôn chán nản, bỏ cuộc dẫn đến liên tục thất bại.

          + Thói ghen ghét, đố kị làm cho con người trở nên ti tiện, nhỏ nhen, tầm thường, ích kỷ, tự hạ thấp giá trị bản thân mình.

          – Bình luận: đố kị là một thói xấu bạn cần phải loại bỏ ra khỏi bản thân để con người trở nên cao thượng. Phải biết thi đua, phấn đấu và luôn biết kích thích tinh thần của mình để đạt được thành công như người khác.

Kết đoạn: Từ bỏ thói đố kị, thành công nhất định sẽ tìm đến với bạn.

Câu 2.

Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng phải đạt các ý sau:

– Giới thiệu vài nét về tác giả Nguyễn Khoa Điềm và đoạn trích Đất Nước.

  • Cảm nhận đoạn thơ và làm rõ các nội dung:

– Đoạn thơ là sự khẳng định về sự tồn tại và phát triển lâu đời của đất nước. Đất nước hiện hữu trong bầu văn hóa, phong tục, truyền thống, tươi đẹp; đất nước hiện hữu trong chiều sâu văn hóa, lịch sử, địa lý.
– Nhà thơ lý giải thật lãng mạn về nguồn gốc đất nước. Đó là đất nước sống động trong truyện cổ, trong phong tục ăn trầu, trong truyền thống đánh giặc giữ nước.

 – Đất nước hiện lên với vẻ đẹp thuần phong mỹ tục với những đặc sắc văn hóa: nét đẹp hồn hậu, giản dị qua hình ảnh bối tóc sau đầu của mẹ; là nếp sống ân tình, ân nghĩa thủy chung của mẹ của cha, tục đặt tên con bằng tên gọi mộc mạc, dễ thương; đất nước là quá trình dựng xây nhà cửa, vất vả gian lao trong lao động.

– Nhận xét nội dung và nghệ thuật:
+ Về nội dung:

Từ những suy ngẫm về hình tượng Đất Nước, tác giả giúp người đọc cảm nhận rõ ràng, sâu sắc rằng: Đất nước không phải là khái niệm cao siêu, xa vời mà Đất Nước vô cùng gần gũi, Đất Nước hiện diện trong đời sống vật chất cũng như tinh thần của mỗi cá nhân. Đóng góp riêng của Nguyễn Khoa Điềm đó là sự nhấn mạnh tư tưởng “Đất nước của nhân dân” bằng hình thức biểu đạt giàu suy tư, qua giọng thơ trữ tình chính luận sâu lắng, thiết tha.

+ Nghệ thuật:

Sử dụng thể thơ tự do phóng khoáng. Luôn viết hoa hai từ Đất Nước tạo sự thành kính, thiêng liêng. Sử dụng nhiều chất liệu văn học, văn hóa dân gian; các phép tu từ: liệt kê, ẩn dụ, điệp ngữ…mang lại sự phong phú cho đoạn thơ. Ngôn ngữ mộc mạc bình dị.

=== Mọi người ơi, nếu có copy đăng lại đâu đó xin để lại nguồn là thầy Phan Danh Hiếu nhé ===

Xem đề thi và đáp án đề số 26: ở đây