Đề thi thử môn Văn Quốc Gia số 22

0
19966
logo A

MỤC LỤC BÀI VIẾT

Đề thi thử môn Văn Quốc Gia số 22

TRUNG TÂM LUYỆN THI NGUYỆT QUẾ – TP BIÊN HÒA – ĐỒNG NAI

ĐỀ THI THỬ THÁNG 3 – ĐỀ SỐ 22

Giáo viên ra đề: Ths Phan Danh Hiếu

PHẦN I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

          Nhu cầu về khẩu trang y tế tăng vọt, mặt hàng này trở nên khan hiếm. Rất nhiều cửa hàng dược phẩm đã tăng giá loại hàng này lên gấp nhiều lần để kiếm lời bất chính. Tình hình “căng” đến mức trong cuộc họp trực tuyến sáng ngày 1/2/2020, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã phải yêu cầu: “Từ giờ phút này trở đi, nếu người dân có bằng chứng, hình ảnh bất kỳ nhà thuốc nào tăng giá bán (khẩu trang y tế), thì không cần thanh tra xuống làm việc, Bộ Y tế rút giấy phép ngay lập tức cửa hiệu đó. Đây là vấn đề kỷ cương và đạo đức”. Kết quả là hơn 1.200 hiệu thuốc trên toàn quốc đã bị xử phạt với số tiền hàng tỷ đồng.

         Thế nhưng ngay trong những ngày bị dịch viêm phổi cấp hoành hành, đã có những việc làm mang đầy ý nghĩa của nhiều tổ chức, cá nhân trên dải đất hình chữ S: Phát khẩu trang y tế miễn phí cho người dân để phòng bệnh.

         Đó là chuỗi cửa hàng dược phẩm số 66 phố Chùa Láng (quận Đống Đa, TP Hà Nội), … Anh Dương Đại Dũng, đã phát miễn phí hàng ngàn khẩu trang y tế cho người dân.

         Đó là đơn vị chuyển phát nhanh Viettel Post, bỏ tiền ra mua hàng ngàn khẩu trang để cấp phát cho dân. Đó là ban quản lý chùa Bái Đính (xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình) cấp miễn phí hơn 1 vạn khẩu trang y tế cho du khách đến chùa dịp đầu xuân. Rồi thành phố Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và rất nhiều tỉnh, thành phố khác trên cả nước… cũng có hàng chục địa chỉ phát khẩu trang miễn phí.

         Cổ nhân có câu “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, chiếc khẩu trang y tế có giá trị chỉ vài ngàn bạc, không bằng một chén nước chè ở quán nước vỉa hè. Nhưng trong trận dịch này, những kẻ bất lương đã đội giá lên vài ba chục lần.

         Việc đội giá này không chỉ là hành vi móc túi người dân một cách trái pháp luật, vô nhân đạo, thậm chí là một tội ác, mà còn gieo rắc tâm lý hoang mang cho xã hội. Đối nghịch với cảnh đó, việc phát khẩu trang miễn phí cho người dân của những tổ chức, cá nhân nói trên là một hành động vô cùng đẹp đẽ và nhân văn, thể hiện tấm lòng “bầu ơi thương lấy bí cùng”, tấm lòng “lá lành đùm lá rách”, tấm lòng nhường cơm sẻ áo những lúc hoạn nạn, đã được cha ông ta xây dựng và dầy công vun đắp từ hàng ngàn năm qua.

         Những tấm khẩu trang tuy giá trị nhỏ nhoi, nhưng đã làm ấm lòng những người được nhận, làm giảm nguy cơ lây bệnh, nhiễm bệnh của hàng ngàn người trên cả nước.

         Những việc làm đó rất đáng được tôn vinh.

         (Theo Vũ Hữu Sự, https://nongnghiep.vn/tinh-nguoi-giua-dich-viem-phoi-cap-post257680.html)  

Câu 1: Phong cách ngôn ngữ của văn bản trên.

Câu 2: Tác giả đã phê phán hiện tượng nào và tuyên dương hiện tượng nào được nêu trong văn bản?

Câu 3: Chỉ ra và nêu tác dụng của các câu tục ngữ được nhắc đến trong văn bản?

Câu 4: Bản thân anh/chị sẽ hành động như thế nào để mọi người cùng chung tay đẩy lùi đại dịch virut Corona?

PHẦN II. LÀM VĂN (7.0 điểm)

Câu 1. (2.0 điểm)

Từ nội dung phần Đọc hiểu, Anh/chị hãy viết 01 đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ) bàn về ý nghĩa của chân lý “cho đi là còn mãi”.

Câu 2. (5.0 điểm)

Nhớ gì như nhớ người yêu

Trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương

Nhớ từng bản khói cùng sương

Sớm khuya bếp lửa người thương đi về.

Nhớ từng rừng nứa bờ tre

Ngòi Thia, sông Đáy, suối Lê vơi đầy.

Ta đi ta nhớ những ngày

Mình đây ta đó, đắng cay ngọt bùi…

Thương nhau, chia củ sắn lùi

Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng.

(Việt Bắc – Tố Hữu, SGK Tập 1, Tr. NXB Giáo Dục 2019)

Cảm nhận của Anh/chị về đoạn thơ trên. Nhận xét về phong cách Tố Hữu được thể hiện qua đoạn trích.

Vui lòng copy thì ghi rõ nguồn, vì đã in sách.

ĐÁP ÁN

PHẦN I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)

Câu 1: Phong cách ngôn ngữ báo chí.

Câu 2:

– Tác giả đã phê phán hiện tượng:

+ Nhu cầu về khẩu trang y tế tăng vọt, mặt hàng này trở nên khan hiếm. Rất nhiều cửa hàng dược phẩm đã tăng giá loại hàng này lên gấp nhiều lần để kiếm lời bất chính.

+ Việc đội giá này không chỉ là hành vi móc túi người dân một cách trái pháp luật, vô nhân đạo, thậm chí là một tội ác, mà còn gieo rắc tâm lý hoang mang cho xã hội.

– Tuyên dương hiện tượng: nhiều tổ chức, cá nhân trên dải đất hình chữ S: Phát khẩu trang y tế miễn phí cho người dân để phòng bệnh.

Câu 3: Chỉ ra và nêu tác dụng của các câu tục ngữ được nhắc đến trong văn bản:

– Các câu tục ngữ được nhắc đến trong văn bản: “một miếng khi đói bằng một gói khi no”; “bầu ơi thương lấy bí cùng”; “lá lành đùm lá rách”

– Tác dụng: Làm văn bản trở nên sinh động, hấp dẫn, tăng sức thuyết phục, lập luận chặt chẽ, có chiều sâu. Qua đó tác giả đã đề cao truyền thống cao đẹp của dân tộc, đề cao tình người và sự cao thượng trong lúc khó khăn hoạn nạn.

Câu 4: Bản thân em sẽ chung tay đẩy lùi đại dịch bằng cách:

– Tuyên truyền cho mọi người hiểu được mức độ nguy hiểm của virut Corona, mức độ lây lan, khả năng lây lan.

– Tuyên truyền mọi người tránh tụ tập nơi đông người, đeo khẩu trang đúng cách giúp bảo vệ sức khỏe của mình và của mọi người.

– Không đưa tin thất thiệt gây hoang mang dư luận. Bình tĩnh trước dịch bệnh.

– Kêu gọi mọi người chung tay vì cộng đồng, cùng sát cánh chống lại căn bệnh nguy hiểm.

– Lên án, phê phán các hành động tung tin giả nhằm gây hoang mang dư luận hoặc tăng giá các thiết bị y tế, lương thực để trục lợi.

PHẦN II. LÀM VĂN (7.0 điểm)

Câu 1. (2.0 điểm)

Có thể tham khảo các ý sau.

– “Cho” là cho đi vật chất hoặc tinh thần. “Còn mãi” là vẻ đẹp của tình người, là cái đẹp thiên lương còn lại.

– Ý nghĩa của chân lý “cho đi là còn mãi”.

+ Khi ta cho đi, ta đã làm cho người được nhận cảm thấy ấm áp, tự tin. Cuộc đời luôn có những bất hạnh, cho đi một phần mình có là san sẻ bớt một chút gánh nặng với những người kém may mắn hơn.

+ Cho đi sẽ góp phần làm con người xích lại gần nhau, tình yêu thương được lan tỏa; con người sẽ biết sống vì nhau.

+ Chính lúc cho đi là lúc ta nhận lại được nhiều nhất (nhận lại nụ cười, nhận được cảm ơn, nhận được niềm vui nơi ánh mắt của người được ta cho…)

+ Từ việc cho đi của một người, lan tỏa những hành động yêu thương đến những người khác. Điều đó sẽ tạo nên một xã hội tốt đẹp.

+ Cho đi sẽ làm nên nhân cách của mỗi con người. Người luôn biết cống hiến, hi sinh, biết cho đi luôn được mọi người yêu mến và kính trọng. Ngược lại chỉ biết sống cho riêng mình, sống ích kỷ hẹp hòi thì sớm muộn cũng bị mọi người xa lánh.

Câu 2. (5.0 điểm)

Ý

Nội dung

Điểm
1 Tác giả, tác phẩm, hoàn cảnh xuất xứ

2

Cảm nhận đoạn thơ:

– Sáu câu đầu: Nỗi nhớ tràn ngập không gian thời gian, thấm vào cảnh vật thiên nhiên:
+ Nỗi nhớ da diết: “như nhớ người yêu”> so sánh gợi cảm, gợi tả nỗi niềm day dứt, trăn trở, nhớ nhung khôn nguôi của người về.

+ Nhớ thiên nhiên Việt Bắc bình dị tươi đẹp, nỗi nhớ phủ khắp không gian từ gần đến xa: nắng chiều, trăng lên đầu núi, bản khói cùng sương, ngòi Thia, sông Đáy, suối Lê…

+ Nỗi nhớ ấy cũng choán ngợp khắp thời gian: sớm khuya, đêm, chiều…

=> Phải là con người gắn bó sâu sắc, có tình cảm nặng sâu với mảnh đất và tình người nơi đây mới có thể có những cảm nhận tinh tế đến vậy.

– Bốn câu cuối: Nhớ con người Việt Bắc nghĩa tình.

+ Con người Việt Bắc cần cù chăm chỉ, chịu thương chịu khó: sớm khuya bếp lửa người thương đi về.

+ Người Việt Bắc giàu tình nặng nghĩa đã nhường cơm sẻ áo cho cán bộ chiến sĩ. Đó là những con người đã cùng cán bộ cách mạng đi qua “đắng cay ngọt bùi”, qua bao thăng trầm, mất mát, hi sinh đến vinh quang.

3

Nhận xét: Phong cách thơ Tố Hữu qua đoạn trích:

– Phong cách thơ trữ tình chính trị: câu chuyện chia tay giữa những người cán bộ cách mạng và nhân dân Việt Bắc trở thành cảm hứng sáng tác của Tố Hữu. Với Tố Hữu, nhân dân và cách mạng là hai yếu tố không thể tách rời.

– Phong cách thơ đậm đà tính dân tộc thể hiện trong nội dung và hình thức nghệ thuật:

+ Về mặt nội dung: đoạn thơ là tấm lòng biết ơn vô hạn của nhà thơ với nhân dân nghĩa tình. Đó cũng là đạo lý truyền thống của dân tộc “Uống nước nhớ nguồn”. Đoạn thơ cũng thể hiện tình yêu thiên nhiên, cảm hứng thiên nhiên của nhà thơ.

+ Về mặt nghệ thuật: Sử dụng thể thơ truyền thống của dân tộc – Thể thơ lục bát với âm điệu ngọt ngào sâu lắng. Ngôn ngữ bình dị, gần gũi, quen thuộc. Sử dụng nhiều phép tu từ: câu hỏi tu từ, liệt kê, ẩn dụ…Các điệp từ: nhớ gì, nhớ từng, nhớ những …cùng với nghệ thuật so sánh (như nhớ người yêu), ẩn dụ (ngòi Thia, sông Đáy, suối Lê) và tiểu đối đã góp phần thể hiện thành công những cung bậc cảm xúc phong phú của nỗi nhớ quê hương cách mạng. Giọng điệu ngọt ngào như một khúc ca trữ tình sâu lắng, da diết.

 

Mỗi nút share là động lực cho người làm đề.

Tất cả có rất đầy đủ tại khóa học Offline và Online: Khóa Online học mọi lúc mọi nơi

Vi.deo về động lực cho giới trẻ.

 

 

 

logo A