Bồi dưỡng học sinh giỏi môn Văn

0
40744

Bồi dưỡng học sinh giỏi môn Văn

Đề:  Nói về tài năng thơ, Ra- xun Gam-za-tốp cho rằng: “Giống như ngọn lửa bùng lên từ những cây củi khô, tài năng cũng được nuôi dưỡng bằng những tình cảm mạnh mẽ của con người”. Anh/chị hiểu như thế nào về ý kiến trên? Tự chọn phân tích một bài thơ để làm sáng tỏ.

          Bài làm của em Trần Thị Đinh Huệ, học sinh lớp 11 chuyên văn trường THPT chuyên Lương Văn Chánh, Phú Yên (Năm 2017)

BÀI LÀM

Này là gió thổi khúc tình ca khẽ lay động những bông cúc dại đang nằm ủ rủ bên vệ đường vươn mình đón cái vuốt ve ngọt ngào của gió. Này là bầu trời nhẹ nhàng lững lờ để lộ những đám mây ánh hồng trong ánh nắng hoàng hôn. Này là những giọt nước mắt thoát ra từ trang sách vào cuộc đời để gột rửa bao cằn khô sỏi đá để làm mát lòng nhân thế, để những điệu hồn khe khẽ trở mình như những bong bóng mưa len lỏi trên khắp lối về. Có phải vậy không mà hàng ngàn năm nay văn chương cuộn mình trong biết bao nguồn cảm xúc dạt dào, cuộn mình trong cái dòng nóng hổi của tình yêu, tình người nồng thắm. Bao quan niệm độc đáo về văn chương, nghệ thuật được đưa ra. Từ Biêlinxki đến Sêchxpia, VictoHuygo và giờ đây Raxun Gamzatốp đã góp thêm một tiếng nói để hoàn thành những mảnh ghép độc đáo về nghệ thuật: “Giống như ngọn lửa bùng lên từ những cành củi khô, tài năng cũng được nuôi dưỡng bằng những tình cảm mạnh mẽ của con người”

Từ khi sinh ra, văn học đã đến với con người qua giọng ru ngọt ngào tha thiết của mẹ, qua tiếng thơ êm dịu của bà. Men ngọt ngào của những vần thơ ấy đã khẽ chạm vào trái tim con người rung lên những tình cảm tha thiết. Không phải ngẫu nhiên mà Gamzatốp đã mượn hình ảnh những cây củi khô để nói về tài năng của người nghệ sĩ. “Cành củi khô” đó là chất liệu, là sự chuẩn bị sẵn sàng cho sự bùng cháy của ngọn lửa lớn, cho sự bừng sáng của những ánh háo quang. Củi khô cũng giống như trái tim của con người vậy, khi đã đủ đầy, khi đã thăng hoa như những mầm non càng đầy nhựa sống thì thất yếu nó sẽ vỡ ra và tung lên những vần thơ cháy bỏng, đắm say. Nếu gió có thể lưu chuyển những đám mây, sông chuyên chở những giọt nước đi ra biển lớn thì cảm xúc đưa trái tim người nghệ sĩ đạt đến mức cực điểm để chuyển hóa thành thơ. Tình cảm càng nồng thì tác phẩm càng hay, cảm xúc càng thăng hoa thì tác phẩm càng thành công. Phải thấu hiểu được qui luật ấy thì người nghệ sĩ mới làm nên tác phẩm xuất sắc cho đời.

Thơ ca phản ánh đời sống. Đời sống chính là chất liệu sơ khai để làm nên một tác phẩm. Nhà thơ như con ong lặn sâu vào cuộc đời để hút cho mình những giọt mật tinh túy nhất để làm đẹp cho nghệ thuật. Nhưng thơ sẽ chết nếu nhà thơ chỉ miêu tả cuộc sống để mà miêu tả, người nghệ sĩ phải gửi vào đó tiếng lòng, tiếng nói tha thiết của mình. Nhà thơ có thể miêu tả vẻ đẹp của một đám mây, một dòng sông, một bức tranh nhưng điều mà nghệ thuật quan tâm là đằng sau ấy người ta tìm thấy tiếng nói, cảm xúc, nỗi lòng của tác giả. Sẽ ra sao khi tác phẩm ấy chỉ là những con chữ nằm thẳng đỏ trên trang giấy? Sẽ ra sao khi văn học chỉ là sự copy cuộc sống một cách máy móc? Khi ấy liệu người đọc có còn thích thú ngâm lên những vần thơ nữa hay không.

Đặc biệt, bản chất của thơ ca là thể hiện đời sống nội tâm của con người. Không phải ngẫu nhiên mà nhà thơ Tố Hữu từng viết rằng: “Thơ là điệu hồn đi tìm những tâm hồn đồng điệu”. Tiếng thơ là tiếng lòng, là tiếng nói của lương tri và tình cảm của con người.Bởi vậy tình cảm trong thơ phải là những tính cảm chân thành, sâu sắc, mãnh liệt nhất.Sự hời hợt, nhạt nhẽo, khiên cưỡng sẽ không thể thành thơ. Đọc thơ mà không xúc động, không day dứt, không ám ảnh thì coi như tác giả đã thất bại. Ý kiến của Gamzatốp đã nêu lên yêu cầu của việc sáng tác thơ ca là phải luôn để trái tim mình giữa cõi đời bao la rộng lớn với những rung cảm sâu xa.

Thơ ca là chiếc nôi nâng giấc của con người, là thứ thuốc càng ngày ngấm càng ngọt đưa con người vào những phút giây êm đềm. Ta giật mình trước cái da diết, khắc khoải đến đau đớn của Hàn Mặc Tử. Ta lặng lẻ trở về một buổi chiều u buồn trong trang thơ Huy Cận.Và đặc biệt ta như sống lại cái mạnh mẽ trào sôi trong “Vội vàng” của Xuân Diệu. Tác phẩm đã để thương để nhớ trong trái tim của biết bao người về những dòng cảm xúc dạt dào, bồng bột có lúc đã thực sự là một cơn lũ cảm xúc, cuốn theo bao nhiêu hình ảnh thi ca dạt dào sức sống. Nhưng hơn hết “Vội vàng” cũng là một bản tuyên ngôn bằng thơ trình bày cả một quan niệm nhân sinh về lối sống, về cái tôi thật táo bạo của nhà thơ.

Mở đầu bài thơ là một khổ thơ ngụ ngôn thể hiện ước muốn kì lạ của thi sĩ. Ấy là ước muốn đảo lộn qui luật tự nhiên:

“Tôi muốn tắt nắng đi

Cho màu đừng nhạt mất

Cho màu đừng nhạt mất

Tôi muốn buộc gió lại

Cho hương đừng bay đi”

Nói Xuân Diệu là “nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới” quả không sai! Nếu như trong thơ ca của những thi sĩ lãng mạn ngày xưa thiên đường là chốn bồng lai tiên cảnh, là nơi gió trăng mây hoa thì theo Xuân Diệu cuộc sống gió trần gian mới là nơi đẹp nhất và căng mọng nhựa sống nhất. Thơ ông luôn có một niềm say mê cảnh sắc trần gian, một niềm khát khao giao cảm với đời, một lòng ham sống mảnh liệt. Nhà thơ muốn tắt nắng, buộc gió để giữ mãi hương sắc của đất trời. Lòng ham muốn lạ lùng ấy đã hé mở cho ta một lòng yêu bồng bột nhưng mãnh liệt, đắm say đối với cái thế giới thắm sắc đượm hương này. Ước muốn đóng băng thời gian, chặn vòng quay của vũ trụ, đảo ngược qui luật tự nhiên để giữ mãi vẻ đẹp của cuộc đời.

Mở ra trong “Vội vàng” là một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp. Xuân Diệu đưa người đọc vào một chốn non nước tuyệt vời; diễn tả nó bằng một tình cảm, cảm xúc nồng nàn, mãnh liệt

“Của ong bướm này đây tuần tháng mật

Này đây hoa của đồng nội xanh rì

Này đây lá của cành tơ phơ phất

Của yến oanh này đây khúc tình si”

Cùng thời, nếu như Thế Lữ tìm lên chốn bồng lai tiên cảnh, với chị Hằng, thỏ ngọc với “tiên nga xõa tóc bên nguồn” thì Xuân Diệu chính là người đã “đốt cảnh bồng lai” xua ai nấy về hạ giới. Lòng yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống đã khiến tâm hồn thi sĩ bám chặt cuộc sống trần thế, không thoát li như các nhà thơ khác mà nói như Thế Lữ: “Lầu thơ của ông được xây dựng trêt đất của một tấm lòng trần gian”. Nhà thơ đã phát hiện cả một thiên đường trên mặt đất này, tươi đẹp đến từng centimet. Đó là bức tranh thêu mà trong mỗi đường chỉ là một sự dụng công vô cùng khéo léo tinh tế và sắc sảo. “Tuần tháng mật” của đôi vợ chồng đắm say trở thành mùa của ong bướm dập dìu. “Cành tơ” thì “phơ phất”. Từ láy “phơ phất” diễn tả được bước đi đầu xuân, mềm mại, nhẹ nhàng, trẻ trung trước gió. Và trong bức tranh đó không thể thiếu tiếng hót của chim yến oanh, tiếng hót hút hồn của biết bao con người yêu cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp. Tất cả mọi giác quan của thi sĩ như rung lên căng ra mà đón nhận tất cả, cảm nhận tất cả. Sự sống đang ngồn ngột phơi bày thiên nhiên hữu tình xinh đẹp, đáng yêu như một sự gợi mở hấp dẫn đến kì lạ, một sự mời mọc mà thiên nhiên là những món ăn có sẵn. Điệp ngữ “này đây” được sử dụng năm lần kết hợp với lối liệt kê khiến nhịp thơ trở nên tươi vui, dồn dập tựa như một tiếng réo vui ngây ngất, trầm trồ. Cảnh vật trong thơ ông trở nên cuộn trào sắc màu, cuộn trào sức sống. Thi pháp hiện đại đã chấp cánh cho những cảm giác mới mẻ của Xuân Diệu, giúp nhà thơ diễn tả trạng thái hồn nhiên, bồng bột trước cảnh đẹp mùa xuân.

Thơ xưa lấy thiên nhiên làm chuẩn mực để miêu tả cái đẹp của con người: “Phù dung như diện liễu như mi”. Xuân Diệu đưa ra một chuẩn mực khác, lấy con người giữa tuổi yêu đương để miêu tả thiên nhiên. Ấy mới là tiêu chuẩn cho mọi vẻ đẹp trên thế gian này. Con người là thước đo thẩm mĩ của vũ trụ, vẻ đẹp của con người trần thế là tác phẩm kì diệu nhất. Nói như Shakespeare: “ Con người là biểu mẫu của muôn loài”. Tư tưởng mỹ học ấy đã giúp nhà thơ sáng tạo nên một câu thơ vào loại tuyệt diệu của nền thi ca Việt Nam hiện đại “Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”.

Xem thêm:

1. Full tài liệu bồi dưỡng học sinh giỏi môn Văn

2. Khóa học Online điểm 8+ môn Văn

Đang ở đỉnh điểm của hạnh phúc, tâm hồn của nhà thơ bỗng trỗi dậy nỗi lo âu trước cái mong manh, chóng vánh của cuộc đời. Thi nhân chợt nhận ra qui luật khắc nghiệt của dòng chảy thời gian “tất cả sẽ qua đi, tất cả sẽ lụi tàn”. Hai tâm trạng trái ngược, nhưng dồn nén trong một câu thơ “Tôi sung sướng nhưng vội vàng một nửa”. Về hình thức đây là một cấu trúc đặc biệt bởi nó ngắt thành hai câu chứa đựng hai tâm trạng, hai cảm xúc hoàn toàn trái ngược sung sướng – vội vàng. Nhưng điều mà Xuân Diệu muốn diễn tả ở đây là “vội vàng một nửa”. Thường thì con người ở tuổi trung niên mới nuối tiếc tuổi xuân. Ở đây Xuân Diệu đang xuân mà đã tiếc nuối, đã vội vàng “Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân”. Vì sao vậy? Vì Xuân Diệu hiểu rằng:

“Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua

                              Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già

 Mà xuân hết nghĩa là tình tôi cũng mất

               Lòng tôi rộng nhưng lượng trời cứ chật

                                 ….

               Mùi tháng năm đều rớm vị chia phôi

               Khắp sông núi vẩn than thầm tiễn biệt

               Con gió xinh thì thào trong gió biếc

               Phải chăng hờn vì nổi phải bay đi”

Quan niệm của Xuân Diệu vừa quen vừa lạ. Quen vì người xưa đã từng nói rằng “xuất bất tài lai”.Và lạ bởi đó là tiếng nói của một cái tôi ham sống, coi mùa xuân tình yêu và tuổi trẻ là tất cả của sự sống. Biết rằng mùa xuân của đất trời vẫn tuần hoàn nhưng tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại “nên thi sĩ bâng khuâng tiếc nuối”, rồi chìm vào một nỗi cô đơn, sầu tủi, miên man.  Con người hiện đại sống với quan niệm thời gian tuyến tính, thời gian như một dòng chảy vô hình mà mỗi khoảnh khắc qua đi là mất đi vĩnh viễn. Trái tim Xuân Diệu đa cảm quá, tâm hồn nhà thơ tinh tế quá để cảm thấy xót xa trước bước đi của thời gian. Vì thế mà nhà thơ chọn cho mình quan niệm sống “Vội vàng” như một cách đối phó với thời gian.  Trong đoạn thơ tiếp theo, cái giọng điệu sôi nổi, bồng bột, đắm say của Xuân Diệu thời “Thơ thơ” được thể hiện đầy đủ nhất. Từng làn sóng ngôn từ lúc đan chéo nhau, lúc lại song song thành những đợt sóng ào ạt vỗ mãi vào tâm hồn người đọc tiếp tục bắt gặp cái “tôi” đầy táo bạo của nhà thơ hòa trong cái “ta” rộng lớn:

“Ta muốn ôm

Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn

Ta muốn siết mây đưa và gió lượn

Ta muốn say cánh bướm với tình yêu

Và non nước và cây và cỏ rạng

Cho chuếnh choáng mùi hương, cho đã đầy ánh sáng

Cho no nê thanh sắc của thời tươi

Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi”

Hình thức trình bày đoạn thơ rất đặc biệt thể hiện dụng ý nghệ thuật của tác giả. Ba chữ “ta muốn ôm” như mô phỏng hình ảnh nhân vật trữ tình đang dang rộng vòng tay ôm hết tất cả sự sống lúc xuân thì. Điệp ngữ “ta muốn” được điệp lặp lại bốn lần, một lần đi với một động từ diễn tả tình yêu càng lúc càng mãnh liệt hơn: “ôm, riết, say, thâu,hôn, cắn” đã thể hiện một khát khao tận hưởng đến cháy bỏng, nồng nàn. Câu thơ “Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi” là là đỉnh điểm của cảm xúc. Dường như đối với tác giả, mùa xuân ngon lành và quyến rũ như một trái chín ửng hồng khiến nhà thơ say mê muốn cắn vào nó. Khát khao giao cảm của nhà thơ mãnh liệt đến mức không có giới hạn.

Với bài thơ “Vội Vàng”, Xuân Diệu đã phả vào nền thi ca Việt Nam những âm điệu mới lạ bằng chính cảm xúc tha thiết, mãnh liệt. Chính cảm xúc từ trái tim đã đưa thơ Xuân Diệu đi vào trái tim người đọc. Nếu không có những cảm xúc được thăng hoa đến mức tuyệt đỉnh ấy, chắc chắn tác phẩm của Xuân Diệu sẽ không say đắm, nồng nàn đến thế.

Gamzatốp đã khẳng định tầm quan trọng của cảm xúc, tình cảm trong thơ. Khởi nguồn của thơ là tình cảm và đích đến của nó củng chính là trái tim con người. Tình cảm càng mạnh liệt thơ càng nồng nàn, tha thiết. Nói như Tagore: “Cũng như nụ cười và nước mắt thực chất của thơ là phản ánh một cái gì đó hoàn thiện từ bên trong”.

* Nhận xét của thầy Hồ Tấn Nguyên Minh

– Hiểu đề sâu sắc, kiến giải tốt vấn đề

– Lập luận chặt chẽ, logic; kiến văn sâu rộng.

– Cách viết hấp dẫn, giàu chất văn

Vui lòng ghi rõ nguồn từ thầy Phan Danh Hiếu và ghi tên học sinh làm bài này.