Giải đề thi minh họa môn Văn 2022

0
27338

Giải đề thi minh họa môn Văn 2022

Ghi rõ nguồn khi copy từ thầy Phan Danh Hiếu

Trích khoá học Văn điểm 9+ Tại đây

ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)

            Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi:

một con sông chảy qua thời gian

chảy qua lịch sử

chảy qua triệu triệu cuộc đời

chảy qua mỗi trái tim người

khi êm đềm khi hung dữ

một con sông rì rào sóng vỗ

trong muôn vàn trang thơ

làm nên xóm thôn, hoa trái, những ngôi nhà

tạo sắc áo, màu cây, và tiếng Việt

[…]

máu ta mang sắc đỏ sông Hồng

nỗi khổ và niềm vui bất tận

luôn luôn mới đến, luôn luôn ra đi

luôn già nhất và luôn trẻ nhất

sông để lại trước khi về với biển

không phải máu đen độc ác của quân thù

không phải gươm đao ngàn năm chiến trận

không phải nghẹn ngào tiếng nấc

sau sụp lở hưng vong sau thù hận sóng trào

là bãi mới của sông xanh ngát

là đất đai lấn dần ra biển

là tâm hồn đằm thắm phù sa

dâng yêu thương đỏ rực đôi bờ

(Trích Sông Hồng, Lưu Quang Vũ, Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi, NXB Hội Nhà văn, 2018, tr286-288)

Trả lời các câu hỏi sau:

Câu 1: Đoạn trích được viết theo thể thơ nào?

Câu 2: Theo đoạn trích, sông Hồng đã để lại những gì trước khi về với biển?

Câu 3: Những dòng thơ sau giúp anh/chị hiểu gì về vai trò của sông Hồng đối với đời sống con người Việt Nam?

một con sông rì rào sóng vỗ

trong muôn vàn trang thơ

 làm nên xóm thôn, hoa trái, những ngôi nhà

tạo sắc áo, màu cây, và tiếng Việt

Câu 4: Nội dung hai dòng thơ sau có ý nghĩa gì với anh/chị?

máu ta mang sắc đỏ sông Hồng

nỗi khổ và niềm vui bất tận

II. LÀM VĂN (7.0 điểm)

Câu 1. (2.0 điểm)

            Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, em hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về sự cần thiết phải trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Câu 2. (5.0 điểm)

            Bà lão cúi đầu nín lặng. Bà lão hiểu rồi. Lòng người mẹ nghèo khổ ấy còn hiểu ra biết bao nhiêu cơ sự, vừa ai oán vừa xót thương cho số kiếp đứa con mình. Chao ôi, người ta dựng vợ gả chồng cho con là lúc trong nhà ăn nên làm nổi, những mong sinh con đẻ cái mở mặt sau này. Còn mình thì… Trong kẽ mắt kèm nhèm của bà rỉ xuống hai dòng nước mắt… Biết rằng chúng nó có nuôi nổi nhau sống qua được cơn đói khát này không.

            Bà lão khẽ thở dài ngửng lên, đăm đăm nhìn người đàn bà. Thị cúi mặt xuống, tay vân vê tà áo đã rách bợt. Bà lão nhìn thị và bà nghĩ: Người ta có gặp bước khó khăn, đói khổ này, người ta mới lấy đến con mình. Mà con mình mới có vợ được… Thôi thì bổn phận bà làm mẹ, bà đã chẳng lo được cho con…May ra mà qua khỏi được cái tao đoạn này thì thằng con bà cũng có vợ, nó yên bề nó, chẳng may ra ông giời bắt chết cũng phải chịu chứ biết thế nào mà lo cho hết được?

            Bà lão khẽ dặng hắng một tiếng, nhẹ nhàng nói với “nàng dâu mới”:

            – Ừ, thôi thì các con đã phải duyên phải kiếp với nhau, u cũng mừng lòng…

            Tràng thở đánh phào một cái, ngực nhẹ hẳn đi. Hắn ho khẽ một tiếng, bước từng bước dài ra sân. Bà cụ Tứ vẫn từ tốn tiếp lời:

            – Nhà ta thì nghèo con ạ. Vợ chồng chúng mày liệu mà bảo nhau làm ăn. Rồi ra may mà ông giời cho khá… Biết thế nào hở con, ai giàu ba họ, ai khó ba đời? Có ra thì rồi con cái chúng mày về sau.

            (Trích Vợ nhặt, Kim Lân, Ngữ văn 12, tập 2, NXB Giáo Dục Việt Nam, 2020, tr.28-29)

Phân tích tâm trạng bà cụ Tứ trong đoạn trích trên; từ đó, nhận xét tư tưởng nhân đạo của nhà văn Kim Lân được thể hiện trong đoạn trích.

                                                      —HẾT—

HƯỚNG DẪN

 I. ĐỌC HIỂU

Câu 1:

            – Đoạn trích được viết theo thể thơ: Tự do.

Câu 2:

            – Theo đoạn trích, trước khi về với biển thì sông Hồng đã để lại: thiên nhiên tươi đẹp, thơ mộng, là sự tốt tươi, trù phú; qua phép nhân hóa, dòng sông ấy còn để lại cả tâm hồn đằm thắm, đem phù sa mà dâng hiến, bồi đắp cho đôi bờ.

là bãi mới của sông xanh ngát

là đất đai lấn dần ra biển

là tâm hồn đằm thắm phù sa

dâng yêu thương đỏ rực đôi bờ

Câu 3:

“một con sông rì rào sóng vỗ

trong muôn vàn trang thơ

            làm nên xóm thôn, hoa trái, những ngôi nhà

            tạo sắc áo, màu cây, và tiếng Việt”

            – Những câu thơ trên cho thấy vai trò của sông Hồng đối với đời sống con người Việt Nam:

            + Trong đời sống tinh thần: Sông Hồng là dòng sông đẹp, là nguồn cảm hứng bất tận của thơ ca Việt Nam, góp mặt “trong muôn vàn trang thơ”, tạo nên sự phong phú, đa dạng cho thi ca nước nhà. Dòng sông ấy còn gắn liền với một nền văn minh lớn – văn minh sông Hồng, là nơi đã tạo nên sự phong phú của văn hóa Việt “tạo sắc áo, màu cây, và tiếng Việt”. Dòng sông ấy cũng là dòng sông của lịch sử hào hùng với bao chiến công oanh liệt bảo vệ đất nước, bảo vệ tiếng Việt qua các thời kỳ lịch sử.

            + Trong đời sống vật chất, sông Hồng là dòng sông đã bồi đắp phù sa, làm đất đai màu mỡ, dòng sông đã dâng hiến cả đời mình mà làm nên xóm thôn, tạo nên làng mạc, làm hoa trái tốt tươi.        

Câu 4: Trích khoá học Văn điểm 9+ Tại đây

        – Nội dung hai dòng thơ:

“máu ta mang sắc đỏ sông Hồng

nỗi khổ và niềm vui bất tận”

            + Thể hiện tình cảm yêu quý, trân trọng, tự hào trước dòng sông quê hương. Ý thơ “máu ta mang sắc đỏ sông Hồng” gợi ra ý nghĩa thiêng liêng, trang trọng: sắc đỏ sông Hồng cũng là màu đỏ của máu đã chảy trong huyết quản của con người, là sự gắn bó máu thịt, là tình yêu thiên nhiên tha thiết của con người Việt Nam với sông Hồng.

            + Sông Hồng như một chứng nhân lịch sử đã chứng kiến bao thăng trầm, bao biến động lịch sử cùng con người Việt Nam. Dòng sông ấy cũng như con người Việt Nam đã trải qua những niềm vui bất tận, nỗi buồn, và cả những đau thương, mất mát. Và từ những “nỗi khổ và niềm vui bất tận ấy”, con người Việt Nam trưởng thành, vươn lên, sống hiên ngang, vững chãi.

– Với bản thân em, hai dòng thơ giúp em thêm yêu quý, tự hào về những truyền thống tốt đẹp của đất nước. Luôn nhắc nhở mình sống có ích, biết cống hiến, dựng xây đất nước, trân trọng quá khứ, yêu hòa bình, yêu thiên nhiên; phải biết giữ gìn, bảo vệ và phát huy những truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, đấu tranh với các thế lực thù địch để bảo vệ thành quả cách mạng của cha ông.

PHẦN II. LÀM VĂN

Câu 1. Trích khoá học Văn điểm 9+ Tại đây

Hs có thể làm theo nhiều cách khác nhau nhưng phải đảm bảo được những nội dung sau:

Trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc giúp ta hiểu rõ hơn về nguồn cội, quê hương, những giá trị tinh thần tốt đẹp (lòng nhân ái, đồng cảm sẻ chia, tinh thần đoàn kết…); từ đó giúp chúng ta hình thành nhân cách, phát triển bản sắc, sống nhân văn, ứng xử có văn hóa; mỗi cá nhân cần biết tiếp thu cái mới nhưng cũng cần phải biết đấu tranh với những lai căng, pha tạp văn hóa để giữ được bản sắc văn hóa dân tộc – vì văn hóa là đặc trưng của một đất nước.  

Câu 2. Trích khoá học Văn điểm 9+ Tại đây

Hs đạt các ý sau:

– Xác định đúng vấn đề: tâm trạng bà cụ Tứ trong đoạn trích trên; từ đó, nhận xét tư tưởng nhân đạo của nhà văn Kim Lân được thể hiện trong đoạn trích.

Vài nét về tác giả, hoàn cảnh sáng tác, xuất xứ tác phẩm, xuất xứ đoạn trích.

  • Nội dung nghị luận.

– Tâm trạng xót xa tủi thân tủi phận, thương con của người mẹ nông dân nghèo khổ trong hoàn cảnh éo le; những lo lắng cho tương lai của đôi vợ chồng son trước sự bủa vây của nạn đói. Đây chính là vẻ đẹp của tấm lòng nhân hậu của người mẹ Việt Nam bao đời.

– Tâm trạng mừng lòng, đồng ý cho cuộc hôn nhân; bà động viên con với thái độ lạc quan, khát vọng sống hướng tới tương lai. Đây chính là vẻ đẹp của tình người trong nạn đói, sự đùm bọc, cưu mang của con người Việt Nam trong hoàn cảnh khốn cùng.

  • Đánh giá:

– Giá trị nhân đạo: Đồng cảm với số phận bi thảm của nhân dân ta trong nạn đói. Gián tiếp lên án tố cáo tội ác của thực dân, phong kiến, phát xít đã đẩy dân tộc ta vào hoàn cảnh khốn cùng. Phát hiện trân trọng, ngợi ca vẻ đẹp tình người trong nạn đói, nâng niu khát vọng sống của con người. Nhà văn qua đó cũng tin tưởng vào sức vươn dậy của các nhân vật, đây cũng chính là điểm tựa mang đến kết thúc đầy lạc quan của tác phẩm.

– Nghệ thuật: trần thuật khách quan, hấp dẫn. Biệt tài miêu tả tâm lý nhân vật sắc sảo. Tình huống truyện độc đáo, tự nhiên. Ngôn ngữ mộc mạc, giản dị mang đậm dấu ấn vùng quê Bắc Bộ. Giọng văn ấm áp, yêu thương, thâm trầm, sâu sắc…  

—HẾT—

Đề nghị ghi rõ nguồn khi copy tại trang này với dòng chữ: Bài giải của thầy Phan Danh Hiếu

Trích khoá học Văn điểm 9+ Tại đây

Phản hồi của bạn

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây