GIẢI MÃ PHONG CÁCH NGHỆ THUẬT CỦA NGUYỄN TUÂN

0
2294
logo A

GIẢI MÃ PHONG CÁCH NGHỆ THUẬT CỦA NGUYỄN TUÂN

                   Nguyễn Tuân là nhà văn có phong cách nghệ thuật độc đáo. Môi trường, hoàn cảnh sống và cá tính của Nguyễn tuân thời kỳ trước Cách mạng đương nhiên đưa ông đến con đường nghệ thuật lãng mạn chủ nghĩa.

                   Thuở nhỏ, Nguyễn Tuân được nuôi dưỡng trong nền văn hóa cổ truyền của dân tộc với những phong tục đẹp, những nề nếp, cách ứng xử giữa người với người đầy nghi lễ và có văn hóa, với cách ăn ở vui chơi từ một thời xa xưa đang tàn dần do thời thế đổi thay. Chính điều đó đã để lại dấu ấn sâu đậm trong tâm hồn Nguyễn tuân và đến khi ông cầm bút đã góp phần tạo nên cái nhìn độc đáo của ông đối với con người và cuộc sống. Nguyễn Tuân là một nghệ sĩ suốt đời đi tìm cái đẹp. Nguyễn Đình Thi gọi ông là “người đi tìm cái đẹp, cái thật”. “Trong những trang viết của Nguyễn Tuân, ở dưới sâu của những cái về nổi gai góc hoặc phiêu lãng, ở đằng sau những sự ngoa ngoắt và cả khinh bạc của một thời ngột ngạt, quẩn quanh, tù túng, bế tắc, ở dưới sâu tất cả những cái ấy là sự đi tìm cái đẹp và đi tìm cái thật, là nỗi khao khát cái thật, là lòng yêu cái đẹp và yêu cái thật với sức mạnh muốn phá hết mọi ràng buộc, khuôn sáo có sẵn, sáng suốt, lạnh lùng, tàn nhẫn với cả chính mình và coi thường cả những lẽ phải trái, những cột mốc đạo đức của đương thời xung quanh. Nguyễn Tuân là một tâm hồn nghệ sĩ tha thiết yêu thiên nhiên, có những phát hiện tinh tế và độc đáo về cảnh sắc thiên nhiên, về núi sông cây cỏ trên đất nước Việt Nam mình. Thiên nhiên qua ngòi bút ông hiện ra như một công trình mỹ thuật tuyệt vời của tạo hóa.

                   Nguyễn Tuân chủ yếu khám phá thiên nhiên và sự vật ở phương diện văn hóa thẩm mĩ; khám phá con người ở phương diện tài hoa nghệ sĩ. Đó chính là cái nhìn mới mẻ, độc đáo, có tính chất phát hiện về con người và cuộc sống của Nguyễn Tuân, là bản chất của phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân. Trước cách mạng, vì bất hòa với thực tại, không tìm thấy cái đẹp trong thực tại, ông quay về tìm kiếm vẻ đẹp của một thời đã qua nay chỉ còn “vang bóng” như những bông hoa lạc lõng cuối mùa còn vương sót lại. Sau Cách mạng, Nguyễn Tuân không đối lập xưa với nay mà tìm thấy sự gắn bó giữa quá khứ với hiện tại và tương lai; “ông thấy cái có thật bây giờ đẹp, và cái đẹp bây giờ có thật trong cuộc đời” (Nguyễn Đình Thi). Tầm mắt của ông mở rộng hơn: cái đẹp không chỉ có trong quá khứ mà còn có thật trong cuộc sống hiện tại; còn chất tài hoa nghệ sĩ cũng không chỉ có trong lớp người đặc tuyển của thời xưa cũ mà còn có thể tìm thấy trong đại chúng nhân dân, ở những con người bình thường nhất như ông lái đò, anh bộ đội, chị dân quân… Cái đập mạnh vào giác quan nghệ sĩ, đối với ông, giờ đây là những thành tích của nhân dân trong chiến đấu và sản xuất.

                   Nguyễn Tuân là người có cá tính mạnh mẽ, có lối sống tự do và phóng túng. Ông không thích những gì yên ổn, bằng phẳng và nhợt nhạt. Một con người luôn luôn thèm khát những cảm giác mới lạ nên rất thích xê dịch; thường có cảm hứng mãnh liệt và dào dạt trước những cảnh tượng hoặc đặc biệt dữ dội tuyệt mỹ đập mạnh vào giác quan nghệ sĩ của ông. Ngòi bút của Nguyễn Tuân cũng thường có thói quen tô đậm những cái phi thường, xuất chúng, gây cảm giác mãnh liệt; tất cả đều có xu hướng vươn tới cái tuyệt vời, tuyệt đích. “Ông là nhà văn của những tính cách độc đáo, của những tình cảm, cảm giác mãnh liệt, của những phong cảnh tuyệt mĩ, của gió bão, của núi cao, rừng thiêng, của thác ghềnh dữ dội (Nguyễn Đăng Mạnh).

          Nguyễn Tuân là một cây bút tài hoa và uyên bác: Tài hoa trong việc dựng người, dựng cảnh, tài hoa trong việc sử dụng ngôn ngữ nghệ thuật, trong những so sánh, liên tưởng táo bạo, bất ngờ với những hình ảnh đẹp đầy gợi cảm; uyên bác trong việc vận dụng những kiến thức thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau để làm phong phú và giàu có thêm khả năng diễn tả của nghệ thuật văn chương. Ông luôn có ý thức vận dụng tri thức của các ngành như hội họa, điêu khắc, điện ảnh, địa lí, lịch sử… để miêu tả hiện thực, sáng tạo hình tượng. Văn Nguyễn Tuân thường pha chất khảo cứu, không chỉ giàu chất thẩm mỹ mà nội dung thông tin cũng phong phú, đa dạng.

        Cá tính mạnh mẽ, lối sống tự do phóng túng và sự ý thức sâu sắc về “cái tôi” cá nhân đã khiến Nguyễn Tuân tìm đến thể tùy bút như một điều tất yếu. Tùy bút là sở trường của Nguyễn Tuân, tài năng của ông được phát huy cao độ ở thể văn này và chính ông đã có công lao to lớn trong việc thúc đẩy thể tùy bút đạt tới một trình độ nghệ thuật cao.

       Nguyễn Tuân là một trong những bậc thầy của ngôn ngữ văn xuôi hiện đại. Ông có một kho từ vựng phong phú, có khả năng tổ chức câu văn xuôi giàu giá trị tạo hình, có nhạc điệu và biết “co duỗi nhịp nhàng”. Văn Nguyễn Tuân vừa trang nhã, cổ kính, vừa sắc sảo, hiện đại.

       Văn Nguyễn Tuân là một kiểu văn kén người đọc, không phải ai cũng ưa thích văn ông. Một số nét đặc sắc của phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân có lúc bị đẩy tới mức cực đoan khiến văn Nguyễn Tuân có khi trở thành cầu kì; giọng văn khinh bạc; mạc văn quá phóng túng theo lối tùy hứng rất khó theo dõi; nhiều đoạn tham phô bày kiến thức và tư liệu gây cảm giác nặng nề đối với người đọc.

      Với gần năm mươi năm hoạt động văn học liên tục, bằng ngòi bút đầy tài năng của mình, Nguyễn Tuân đã có những đóng góp to lớn, có một vị trí quan trọng trong lịch sử văn học Việt Nam: thúc đẩy thể tuỳ bút, bút kí văn học đạt tới trình độ nghệ thuật cao; làm phong phú thêm ngôn ngữ văn học dân tộc; đem đến cho nền văn xuôi hiện đại Việt Nam một phong cách tài hoa và độc đáo. Đối với Nguyễn Tuân, văn chương trước hết là phải là văn chương, nghệ thuật trước hết phải là nghệ thuật, và ông luôn có ý thức giữ gìn, phát huy bản sắc độc đáo của ngòi bút mình. Nhưng từ trong bản chất, Nguyễn Tuân không phải là người theo chủ nghĩa hình thức. Hạt nhân cơ bản làm nên chân giá trị sáng tác của Nguyễn Tuân là tinh thần dân tộc thiết tha, nhất là với giá trị văn hoá cổ truyền quán xuyến trong toàn bộ cuộc đời cầm bút của ông. Con đường nghệ thuật của Nguyễn Tuân cũng có ý nghĩa điển hình cho một lớp văn nghệ sĩ vốn nổi tiếng từ trước Cách mạng đã chuyển mình trở thành nhà văn nghệ sĩ cách mạng dùng ngòi bút phục vụ Tổ quốc và nhân dân, tiếp tục phát huy bản sắc độc đáo của mình.

Trần Đăng Suyền

logo A