Cảm nhận nhân vật Mị qua đoạn văn “Trên đầu núi các nương ngô nương lúa gặt xong… Mị nín khóc Mị lại bồi hồi”

0
49079

Cảm nhận nhân vật Mị qua đoạn văn “Trên đầu núi các nương ngô nương lúa gặt xong… Mị nín khóc Mị lại bồi hồi”

Trích “Những bài văn mẫu 12” – Lưu Đức Hạnh (Chủ biên). Các em mua ủng hộ tại các nhà sách

BÀI LÀM

Bài đã được thầy Phan Danh Hiếu chỉnh sửa một số lỗi chính tả, thêm số câu từ cho phù hợp. Có một số chỗ bị sai cũng đã sửa.

     “Vợ chồng A Phủ” là một truyện ngắn tiêu biểu cho phong cách Tô Hoài sau cách mạng tháng Tám. Tác phẩm có hai giá trị lớn là giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo. Bằng tất cả sự cảm thông, thương cảm của mình, Tô Hoài đã thể hiện cuộc sống tủi cực của người dân miền núi dưới ách thống trị của giai cấp chủ nô miền núi và lũ Tây đồn. Nhưng ngòi bút của nhà văn không chỉ hướng vào hiện thực khổ đau của con người nơi đây mà còn thiết tha hướng tới  sự sống và ánh sáng. Nhà văn đã tìm vào tận đáy sâu tận cùng của ý thức của nhân vật để cho người đọc thưởng lãm ánh sáng và hơi ấm của niềm ham sống, khát vọng hạnh phúc vẫn le lói như than hồng ủ kín, chỉ chờ một ngọn gió là bùng lên mãnh liệt. Điều đó thể hiện rất rõ trong đoạn văn “Trên đầu núi… Mị lại thấy bồi hồi”. Có thể nói đây là những trang văn hay nhất của tác phẩm “Vợ chồng A Phủ”. Đoạn văn đã thể hiện được vẻ đẹp chất thơ của thiên nhiên và tâm hồn người, đặc biệt thể hiện thành công diễn biến tâm trạng của Mị hướng về sự sống và khát vọng tự do. Điều đó đã góp phần làm nên giá trị nhân đạo lớn lao của tác phẩm.

     Trong đoạn văn trên tác giả đã dõi theo từng bước diễn biến tâm lý của tâm hồn Mị. Diễn biến tâm lý ấy được đặt vào hoàn cảnh khá điển hình là mùa xuân về trên đỉnh núi cao. Mùa xuân đã mang sức sống, sự hồi sinh cho thiên nhiên và con người. Người Mèo ăn tết khi ngô lúa đã gặt xong. Niềm vui xuân về có thêm niềm vui thu hoạch  mùa màng. Cái tết năm ấy đến giữa lúc “gió và rét dữ dội”, nhưng vẫn không ngăn được sắc màu của hoa cỏ mùa xuân. Màu “cỏ gianh vàng ửng” gợi ra một thiên nhiên Tây Bắc nên thơ. Sắc màu còn trở nên tươi tắn, đẹp đẽ hơn nữa qua hình ảnh “những chiếc váy hoa đã đem phơi trên các mõm đá xoè ra như những con bướm sặc sỡ”. Hòa vào sắc màu là những âm thanh rộn rã báo hiệu mùa xuân “đám trẻ đợi tết chơi quay cười ầm trên sân chơi trước nhà”, “trai gái, trẻ con tụ tập đánh pao, chơi quay, thổi sáo, thổi khèn”. Sức sống của tạo vật và con người bừng tỉnh. Miền đất Tây Bắc vắng lặng bỗng trào nên sức sống. Có thể nói trong đoạn văn này ngòi bút Tô Hoài, có dịp bộc lộ vẻ đẹp chất thơ, cái mảng trời tươi sáng của thiên nhiên và con người Tây Bắc.

     Thời khắc để ngọn lửa ham sống, khao khát hạnh phúc ở Mị bùng lên, đó là một “đêm tình mùa xuân”. “Ngày tết, Mị cũng uống rượu. Mị lén lấy hũ rượu, cứ uống ừng ực từng bát. Rồi say, Mị lịm mặt ngồi đấy nhìn mọi người nhảy đồng, người hát, nhưng lòng Mị thì đang sống về ngày trước”. Vẫn là một câu văn trong văn trần thuật miêu tả, nhưng có một cái gì đó rất lạ trong tư thế dáng dấp và cái cách uống rượu của Mị – “uống ừng ực từng bát” uống mà cứ như cho hả tức, hả giận, đồng thời cứ như uống hận nuốt hận vào lòng. Cái cách uống rượu ấy là một sự phản ứng, một sự trỗi dậy của khát vọng “lòng Mị đang sống về ngày trước” bắt đầu từ ấy dòng văn trôi theo dòng chảy nội tâm của nhân vật. Đó là một tâm trạng hỗn độn phức tạp: vui sướng. Ham sống và tủi nhục muốn chết. Mị vừa như một chiếc bóng câm lặng vật vờ trong bóng đêm đồng thời trong tâm hồn Mị sức sống đang trỗi dậy đang tuôn trào mãnh liệt. Một người con gái tràn đầy sức sống yêu đời khát khao hạnh phúc bị đè nén đày đoạ trong đau khổ tủi nhục đến thành câm lặng tê liệt. Giờ đây sức sống bừng bừng trỗi dậy mọi cảm xúc khát vọng lại bùng lên chính vì vậy mà càng đau thương, bi kịch càng sâu đậm. Nếu tâm hồn Mị khô cạn chết hẳn thì Mị sẽ bớt đi được nhiều đau khổ, nhưng bi kịch bắt đầu nổi lên khi ý thức Mị bắt đầu hoạt động thực sự. Bi kịch đau đớn bởi quá khứ thì đẹp đẽ, khát vọng thì lớn lao mà hiện thực thì tàn nhẫn bởi cô đang bị cầm tù, bị chà đạp về mọi mặt. “Tiếng sáo gọi bạn” tác động vào tâm hồn Mị càng bùng lên khát vọng hạnh phúc “tai Mị văng vẳng tiếng sáo gọi bạn đầu làng”. Kỷ niệm hiện về gắn với tiếng sáo, tiếng sáo là biểu tượng của tự do, là tiếng gọi của mùa xuân của tuổi trẻ của tình yêu “tiếng sáo văng vẳng” như lay động mời gọi, nó khiến tâm hồn Mị trở về với những “đêm xuân ngày trước” Mị thổi sáo giỏi, mùa xuân này, Mị uống rượu bên bếp và thổi sáo. Mị uốn chiếc lá trên môi, thổi lá cũng hay như thổi sáo. Có biết bao nhiêu người mê, ngày đêm đã thổi sáo đi theo Mị. Kỷ niệm gợi dậy một cô Mị trẻ đẹp tài hoa, kỷ niệm ấy khiến Mị bồi hồi. Kỷ niệm hiện về lung linh hạnh phúc, kỷ niệm gọi dậy cả tuổi trẻ tình yêu và khát vọng. Chính vì sống với kỷ niệm rất đẹp trong quá khứ mà Mị quên đi hiện tại “rượu đã tan từ lúc nào, người về kẻ đi chơi đã vãn cả, Mị không biết”. Nhưng khi đứng dậy Mị không bước ra đường chơi mà “từ từ bước vào buồng”, hành động như một thói quen vô thức của một con người bị đè nén quá lâu sức sống, khát vọng hạnh phúc vừa trở dậy lại bị trì níu. Tô Hoài đã thể hiện được sự chân thực của tâm trạng. Ở đây nó vừa là sự nhập thân, hoá thân vào nhân vật vừa là sự tinh tế nhạy cảm hiểu biết trong quá trình diễn biến nội tâm của nhân vật. Chính vì thế đoạn văn có sức thuyết phục đối với người đọc.

      Nhưng tiếng gọi của tuổi xuân của khát vọng hạnh phúc vẫn mạnh hơn “Mị thấy phơi phới trở lại, lòng đột nhiên vui sướng như những đêm tết ngày trước”. Có một sức sống mới, một luồng sinh khí mới đang hồi sinh đang trỗi dậy trong tâm hồn Mị, trong cơ thể Mị. Sức sống lâu nay bị đè nén bỗng trào lên không thể dập tắt được nữa. Mị nhận thức được tuổi trẻ của mình “Mị trẻ lắm, Mị vẫn còn trẻ, Mị muốn đi chơi”. Chính vì nhận thức được tuổi trẻ mà Mị cay đắng với thực tại, “nếu có nắm lá ngón trong tay lúc này, Mị sẽ ăn cho chết ngay, chứ không buồn nhớ lại nữa. Nhớ lại chỉ thấy ứa nước mắt ra”. Quá khứ hiện tại giằng xé trong tâm hồn tạo ra nỗi đau. Hiện tại tăm tối ngột ngạt “mà tiếng sáo gọi bạn yêu vẫn lửng lơ bay ngoài đường”. Câu văn miêu tả tiếng sáo có chữ “” đứng ở đầu câu. Chữ “” diễn tả một sức mạnh không cưỡng được của tiếng gọi tự do, tiếng gọi tình yêu. Chữ “” diễn đạt tự do tình yêu như một điều tất yếu nó thiết tha lay tỉnh thức dậy quá khứ đẹp đẽ náo nức, trong lòng Mị thức dậy tuổi xuân, thức dậy khát khao hạnh phúc tất cả để bừng dậy sức sống nội tâm mãnh liệt nồng nàn trong tâm hồn Mị. Từ đây Mị không còn sống với hiện tại nữa tâm hồn Mị bay theo tiếng sáo, nên A Sử bước vào Mị cũng không biết, A Sử hỏi Mị cũng không trả lời, A Sử trói Mị cũng không phản ứng. Ẩn chứa bên trong cô Mị im lìm ấy là một cô Mị đang náo nức say sưa với kỷ niệm của tình yêu, với tiếng gọi của tự do của tuổi trẻ: “Mị đến góc nhà, lấy ống mỡ, xắn một miếng bỏ thêm vào dĩa cho đèn sáng. Dường như Mị muốn thắp sáng lên cuộc đời tăm tối của mình, hành động này thúc đẩy hành động tiếp “Mị quấn lại tóc, Mị với tay lấy cái váy hoa ở phía trong vách. A Sử đang sắp bước ra, bỗng quay lại lấy làm lạ. Nó nhìn quanh, thấy Mị rút thêm cái áo”. Mị hành động như một con người tự do, hành động theo tiếng gọi của lòng mình, Mị thực sự sửa soạn đi chơi. Đúng lúc lòng ham sống khát vọng hạnh phúc trở dậy mạnh mẽ  nhất cũng là lúc bị dập xuống phũ phàng nhất. Mị bị A Sử  trói đứng vào cột.

     Suốt cái đêm bị trói đứng vào cột ấy Mị đã sống trong sự giằng xé mãnh liệt giữa khát vọng hạnh phúc cháy bỏng và thực tại tàn bạo. Lúc mới bị trói Mị vẫn sống trong tâm trạng say mê với tiếng sáo “tiếng sáo đưa Mị đi theo những cuộc chơi, những đám chơi”. Trong giây phút niềm khao khát hạnh phúc mãnh liệt, tự do vẫy gọi Mị đã “vùng bước đi”, nhưng những vòng dây trói đã đưa Mị trở về với thực tại “Mị thổn thức nghĩ mình không bằng con ngựa”. Ước mơ khát vọng và thực tại nghiệt ngã hiện ra trong hai âm thanh trái ngược nhau: tiếng sáo gọi bạn tình và tiếng chân ngựa đập vào vách khô khan. Khi nghe tiếng chân ngựa đạp vào vách cũng chính là lúc Mị không còn nghe tiếng sáo nữa. Mị lại trở về với thực tại với kiếp sống trâu ngựa.

     Nhưng kết thúc đoạn trích ta lại thấy con người bên trong của Mị xuất hiện “Mị nín khóc, Mị lại bồi hồi”. Cái “bồi hồi” ấy chính là sự thổn thức, là ước mơ, là khát vọng, là lúc Mị quên đi thực tại và sống với kỷ niệm. Có thể thấy rõ thực tại và kỷ niệm cứ đan xen giằng xé tâm hồn Mị. Càng nhớ tới kỷ niệm Mị càng xót xa đau khổ với thực tại phũ phàng. Đoạn văn cho ta thấy trong con người lầm lũi khổ đau vẫn tiềm tàng một sức sống âm thầm nhưng mãnh liệt.

     Đoạn văn được trần thuật bằng chất giọng có vẻ khách quan, nhưng người đọc vẫn nhận ra thái độ đồng cảm xót thương của Tô Hoài đối với nhân vật Mị, không thấu hiểu và thông cảm với những con người bị chà đạp như Mị nhà văn không thể hoá thân và diễn tả thành công đời sống nội tâm  phong phú phức tạp của Mị trong cái “đêm tình mùa xuân” ấy. Không chỉ có thế Tô Hoài còn tỏ ra am hiểu phong tục của người dân miền núi “tiếng sáo gọi bạn” trong những đêm tình mùa xuân mang đặc trưng của phong tục. Gợi ra vẻ đẹp chất thơ trong đời sống tâm hồn của người dân miền núi. Chính đặc trưng phong phú đã gợi dậy lòng yêu đời ham sống vẫn âm ỉ tiềm tàng trong tâm hồn Mị.

     Cái tài của nhà văn trong đoạn văn trên là đã tìm ra được những chi tiết có ý nghĩa và khéo léo tổ chức chúng để làm rõ đặc điểm của cảnh vật của tâm trạng con người. Chi tiết đặc biệt có ý nghĩa đó là “tiếng sáo gọi bạn”. “Tiếng sáo” là biểu tượng của tự do, là tiếng gọi của tình yêu, của hạnh phúc. Tác giả miêu tả tiếng sáo như một thủ pháp nghệ thuật lay tỉnh tâm hồn Mị. Lúc đầu tiếng sáo còn “lấp ló”, “lửng lơ, dần dần tiếng sáo như mời gọi thiết tha  “tiếng sáo văng vẳng” và cuối cùng nó chiếm trọn tâm hồn Mị  “trong đầu Mị rập rờn tiếng sáo” tâm hồn Mị đã bay theo “tiếng sáo” gọi bạn. Tiếng sáo dìu Mị đi đến những cuộc chơi đám chơi. Có thể nói “tiếng sáo gọi bạn” đã theo sát diễn biến tâm trạng Mị, thổi lên ở Mị lòng yêu đời ham sống khát khao hạnh phúc. Khi miêu tả tiếng sáo tác giả đặc biệt sử dụng một loạt từ láy: lấp ló, lửng lơ, văng vẳng, rập rờn khiến người đọc cảm nhận được tiếng sáo như hư như thực. Nó vừa là “tiếng sáo” của hiện tại vừa gợi dậy “tiếng sáo” trong quá khứ, trong kỷ niệm của tâm hồn Mị đó là chất thơ của cuộc sống và tâm hồn con người Tây Bắc.

     Trong toàn bộ đoạn văn tác giả đã đặt nhân vật của mình vào một hoàn cảnh thật căng thẳng làm bộc lộ những động lực tiềm ẩn sâu xa trong đời sống nội tâm nhân vật. Diễn biến tâm trạng được dẫn dắt hợp quy luật. Đây là một đoạn trích miêu tả tâm lý khá sâu sắc và tinh tế . Có thể nói tác giả đã đạt đến “phép biện chứng của tâm hồn nhân vật” (Lep Ton Xtôi). Sự thể hiện niềm tin sự trân trọng đối với khát vọng sống của những con người bị đày đoạ đau khổ. Sức sống tiềm tàng đó chính là bước đường giác ngộ cách mạng của họ ở phần sau tác phẩm.

Trích “Những bài văn mẫu 12” – Lưu Đức Hạnh (Chủ biên). Các em mua ủng hộ tại các nhà sách