Cảm nhận đoạn thơ: “Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa”

0
17540
logo A

Cảm nhận đoạn thơ: “Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa”

“Doanh trại bừng lên hội đuốc, hoa

Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa”

 (Tây Tiến – Quang Dũng)

GỢI Ý PHÂN TÍCH

1. Bốn câu đầu là dấu ấn đêm liên hoan văn nghệ đậm tình quân dân:

“Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa

Kìa em xiêm áo tự bao giờ

Khèn lên man điệu nàng e ấp

Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ”

a. Câu thơ đầu tả không khí chung của đêm hội:

“Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa”

 “Doanh trại” là cách nói lãng mạn hoá để tạo cho không gian, không khí lễ hội trở nên hoành tráng. “Bừng” – động từ – chỉ sự tưng bừng náo nhiệt của đêm hội. “Bừng” chỉ ánh sáng của “đuốc hoa”, của lửa trại, của không khí náo nhiệt, cũng còn có nghĩa là sự bừng lên của tiếng khèn, tiếng hát, tiếng cười nói tưng bừng rộn rã. Từ “đuốc hoa” trong nghĩa Hán Việt còn gọi là hoa chúc – chỉ ngọn nến trong phòng cưới của những cặp tình nhân, biểu tượng cho hạnh phúc của uyên ương. Ở đây, Quang Dũng dùng chữ “đuốc hoa” với  ý nghĩa lãng mạn – chỉ niềm vui, niềm hạnh phúc trong lòng các chiến sĩ trẻ.

b.Hai câu tiếp theo tả chi tiết đêm hội và cảm xúc của người lính:

– “Kìa em” – từ cảm thán thể hiện sự ngạc nhiên, ngỡ ngàng của người lính Hà Thành trước vẻ đẹp của cô gái vùng cao. “Em”, “nàng” là hạt nhân của đêm hội, là những bông hoa ngát hương của núi rừng, là vẻ đẹp rực rỡ nhất đêm nay. Trong trang phục “xiêm áo” lộng lẫy cùng dáng vẻ “e ấp” rất thiếu nữ, những cô gái trẻ đã làm bao anh lính si tình say đắm, ngất ngây. Cụm từ “tự bao giờ” bộc lộ cảm xúc ngẩn ngơ ngỡ ngàng, đắm say của những chàng lính trẻ.

– Cùng lúc đó là tiếng “khèn lên” réo rắt càng làm bốc men say ở những chàng lính trẻ. Họ cười, họ nói, họ hòa vào vũ khúc “man điệu” cùng bao niềm vui, hạnh phúc. Lúc này chân cứ thế mà nhịp bước, tay cứ cầm tay mà đi vào đêm vũ hội.

c. Câu thơ cuối với sáu thanh bằng liên tiếp tạo nên độ phiêu du, phiêu lãng chắp cánh cho tâm hồn những người lính trẻ càng thêm thăng hoa:

“Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ”

 Sáu thanh bằng “về Viên Chăn xây hồn thơ” làm mọi cảm giác mỏi mệt, vất vả đều tan biến, những mất mát, gian khổ như bị đẩy lùi. Thêm vào đó là lòng yêu đời, yêu miền đất lạ. Tiếng nhạc, điệu khèn, vũ khúc man điệu cũng như đang “xây hồn thơ”, xây ký ức đẹp đẽ về miền Tây trong tâm hồn người lính trẻ. Chính vì thế, niềm lạc quan yêu đời đã nâng bước họ mạnh mẽ hơn trên con đường hành quân phía trước về “Viên Chăn” xây mộng hòa bình.

2. Bốn câu sau là khung cảnh chia tay trên nền sông nước Tây Bắc. Đoạn thơ không còn mang âm điệu tươi vui nữa mà trở nên đượm buồn:

“Ngư­ời đi Châu Mộc chiều s­ương ấy

Có thấy hồn lau nẻo bến bờ

Có nhớ dáng ng­ười trên độc mộc

Trôi dòng n­ước lũ hoa đong đưa.”

a. Câu thơ thứ nhất tạo điểm nhấn cảm xúc:

                          “Ngư­ời đi Châu Mộc chiều s­ương ấy”

Hai chữ “người đi” gợi hoàn cảnh chia ly. “Chiều sương ấy” – thời gian không xác định cụ thể nên gợi nỗi buồn bâng khuâng. Chữ “ấy”- đại từ, đặt sau từ chỉ thời gian “chiều sương” gợi về ký ức chưa xa. Không gian nhuốm lên màu sương khói của cảnh vật mà cũng là màn khói sương của kỷ niệm.

b. Hai câu tiếp theo là hai hình ảnh đáng nhớ của Tây Bắc:

“Có thấy hồn lau nẻo bến bờ

Có nhớ dáng ng­ười trên độc mộc”

Câu hỏi tu từ “Có thấy hồn lau nẻo bến bờ” làm xao xuyến lòng người. Phép nhân hoá  “hồn lau” kết hợp cụm từ “nẻo bến bờ” gợi cảm giác mênh mông hoang vắng, tĩnh lặng, giàu chất thơ. Buổi chia tay trong “chiều sương ấy” làm tâm trạng người đi như nhuốm lên cảnh vật, tâm trạng buồn, lưu luyến, bịn rịn, tiếc nuối như phả vào “hồn lau”. Và nay phải “xa rồi” nên nỗi nhớ càng trở nên xao xác, bâng khuâng. Phải là một hồn thơ nhạy cảm, tinh tế, tài hoa và lãng mạn mới cảm nhận được vẻ đẹp nên thơ ấy.

Không gian nên thơ ấy làm nền cho ngư­ời thơ xuất hiện: “Có nhớ dáng người trên độc mộc’’. Điệp ngữ “có thấy – có nhớ” luyến láy như khắc chạm vào lòng người một nỗi nhớ da diết, cháy bỏng khôn nguôi. “Dáng người trên độc mộc” ở đây có thể hiểu là dáng hoa, dáng hình mềm mại, uyển chuyển của những cô gái vùng cao đang đưa các chiến sĩ vượt sông. Cũng có thể hiểu là dáng hình kiêu dũng của các chiến sĩ Tây Tiến đang chèo chống con thuyền vượt sông, vượt thác dữ tiến về phía trước.

c. Câu thơ cuối sử dụng nghệ thuật tương phản: “Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa”. Đó là sự tương phản giữa cái dữ dội của thiên nhiên “Trôi dòng nước lũ” với cái mềm mại, dễ thương “hoa đong đưa” đã làm cho thiên nhiên hòa hợp cùng với xúc cảm của con người. Từ láy “đong đưa” được sử dụng rất gợi. Không phải là “đung đưa” mà là “đong đưa”. Ý thơ vừa tả hình ảnh thực sau chiều mưa, hoa sà xuống thấp gần dòng nước, nước lũ chảy nhanh tạo cảm giác như hoa đang “trôi”, đang đong đưa làm dáng bên sông. Theo GS. Nguyễn Đăng Mạnh thì: chữ “đong đưa” tả cử động của mắt, phải chăng đó chính là hình ảnh đôi mắt đong đưa, tình tứ, cái nhìn trìu mến, yêu thương của những cô gái, những “dáng hoa” trên dòng sông đã làm đắm say bao tâm hồn lính trẻ. Và Bông hoa “đong đưa” tình tứ ấy hoà hợp với “dáng người trên độc mộc” làm nên một bức tiểu họa thật lãng mạn mà cũng thật hào hùng về Tây Bắc.

3. Tổng kết nghệ thuật: phép nhân hóa giàu sức gợi, phép điệp làm cho câu thơ luyến láy, giàu tính nhạc. Ngôn ngữ thơ mộc mạc, giản dị, hồn thơ mang đậm chất lãng mạn, hào hoa. Tám câu thơ của khổ hai đã vẽ nên khung cảnh thiên nhiên, con người miền Tây với vẻ đẹp mĩ lệ, thơ mộng, trữ tình. Chất nhạc, chất hoạ, chất mơ mộng hoà quyện chặt chẽ với nhau trong đoạn thơ tạo nên một thế giới của cái đẹp. Từng nét vẽ của Quang Dũng đều mềm mại, tinh tế, uyển chuyển. Đây là đoạn thơ bộc lộ rõ nhất sự tài hoa, lãng mạn của Quang Dũng trong tổng thể bài thơ.

Thầy Phan Danh Hiếu

GV trường THPT Trấn Biên, Biên Hòa, Đồng Nai.

RẤT VUI NẾU BẠN ĐĂNG KÝ KÊNH YOUTUBE SAU CỦA THẦY

 

HÃY ĐĂNG KÝ KÊNH YOUTUBE CỦA THẦY ĐỂ NHẬN BÀI GIẢNG. BẤM VÀO NGAY!

 

 

 

logo A