Cảm nhận đoạn thơ “Ta đi ta nhớ…đều đều suối xa”

0
131227
logo A

Cảm nhận đoạn thơ “Ta đi ta nhớ…đều đều suối xa”

Đề số 4. Cảm nhận đoạn thơ sau trong bài “Việt Bắc” – Tố Hữu:

“Ta đi ta nhớ những ngày

Chày đêm nên cối đều đều suối xa”

                              (Ngữ Văn 12, tập 1, NXB Giáo Dục)

HƯỚNG DẪN

RẤT VUI NẾU BẠN ĐĂNG KÝ KÊNH YOUTUBE SAU CỦA THẦY

 

XEM THÊM: Phân tích Bộ tranh tứ bình Việt Bắc

I. MỞ BÀI
II. THÂN BÀI
1. Khái quát

      Việt Bắc là khu căn cứ địa kháng chiến được thành lập từ năm 1940, gồm sáu tỉnh viết tắt là “Cao – Bắc – Lạng – Thái – Tuyên – Hà”. Nơi đây, cán bộ chiến sĩ và nhân dân Việt Bắc đã có mười lăm năm gắn bó keo sơn, nghĩa tình (1940 – 1954).

      Sau hiệp định Giơ-ne-vơ, tháng 10.1954, Trung ương Đảng và cán bộ rời Việt Bắc. Buổi chia tay lịch sử ấy đã trở thành niềm cảm hứng cho Tố Hữu sáng tác bài thơ “Việt Bắc”. Trải dài khắp bài thơ là niềm thương nỗi nhớ về những kỷ niệm kháng chiến gian khổ nhưng nghĩa tình.

     Đoạn thơ trích dẫn trên là lời của người cán bộ nói với nhân dân Việt Bắc. Mỗi lời thơ viết ra là lời của ruột gan, của sâu thẳm nghĩa tình. Đó là những kỷ niệm kháng chiến gợi lên những ký ức khó phai mờ về Việt Bắc về những năm tháng đã qua. Qua đó khẳng định, Việt Bắc là chiến khu an toàn, nhân dân ân tình, thủy chung, hết lòng với cách mạng và kháng chiến.

2. Nội dung
2.1. Bốn dòng thơ đầu là lời người ra đi đáp lại nghĩa tình của người ở lại. Giọng thơ tha thiết, chân thành gợi lên bao nỗi nhớ về những ngày khó khăn gian khổ của ta và mình.

“Ta đi ta nhớ những ngày
Mình đây ta đó đắng cay ngọt bùi
Thương nhau chia củ sắn lùi
Bát cơm sẻ nửa chăn sui đắp cùng”

         Nếu người ở lại hỏi “mình đi có nhớ những ngày” thì người ra đi đáp lại: “Ta đi ta nhớ những ngày”. “Những ngày” ở đây là cách nói chỉ thời gian gắn bó nhớ thương vô vàn giữa người đi kẻ ở. Đó là nỗi nhớ về “mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng” với bao ân tình cao đẹp. Mười lăm năm ta đã cùng mình gánh vác giang sơn, chịu đựng bao gian khổ, thiếu thốn; đã cùng nhau đi qua bao biến cố; mười lăm năm ấy giờ đã thành máu thịt trong nhau rồi. Bốn chữ “mình đây, ta đó” gợi lên mối quan hệ gắn bó khăng khít. Chữ “đây – đó” chỉ hai con người liền kề, gần gũi, cùng nhau chung lưng đấu cật, kề vai sát cánh.
         Thành ngữ “đắng cay ngọt bùi” giàu sức gợi. “Đắng cay ngọt bùi” là bốn tính từ chỉ bốn dư vị, bốn giai âm của cuộc sống. “Đắng cay ngọt bùi” cũng là ẩn dụ để nói đến những thăng trầm trong cuộc đời mà ta và mình đã cùng nhau trải qua. “Đắng cay” là để chỉ những gian khổ, mất mát, hi sinh; “ngọt bùi” chỉ niềm vui, hạnh phúc, vinh quang. Ý thơ thể hiện ý nghĩa sâu xa: ta đã cùng mình trải qua những thăng trầm, trải qua bao gian khó, bao buồn vui, ngọt bùi cay đắng, cùng nhau đi qua vinh nhục… nên đã thấu hiểu, đồng cảm với nhau. Từ đây ta và mình đã mãi mãi trở thành tri kỷ.
        Nghĩa tình ấy còn được Tố Hữu thể hiện thật sâu sắc qua ý thơ:

“Thương nhau chia củ sắn lùi
Bát cơm sẻ nửa chăn sui đắp cùng”

       Các hình ảnh: “chia củ sắn”, “bát cơm sẻ nửa”, “chăn sui đắp cùng” kết hợp ba động từ “chia-sẻ-đắp” đã cụ thể hoá tình đoàn kết, hữu ái giai cấp, gắn bó sâu sắc, chân thành giữa cách mạng và nhân dân. Đó cũng là những động từ bộc lộ tình cảm đồng cam cộng khổ của Việt Bắc và cách mạng. Nhớ những ngày đói kém, ta cùng mình chia bùi sẻ ngọt: đói ăn ta có củ sắn chia đôi, bát cơm sẻ nửa; nhớ mùa đông lạnh giá, ta đã cùng mình đắp chung một mảnh chăn sui. Thế mà cùng nhau đi qua bao gian khó. Đó là tình cảm thuỷ chung, gắn bó được chưng cất qua thời gian dài mà ta cùng mình chung lưng đấu cật, có phúc cùng hưởng, có hoạ cùng chia. Tình cảm ấy là muôn đời không thời gian nào có thể làm cho phai mờ.

2.2. Nỗi nhớ trải dài qua khắp núi rừng Việt Bắc rộng lớn, để rồi quy tụ về những kỷ niệm:

Trước hết là nhớ người mẹ nuôi Việt Bắc đã hết lòng vì cán bộ chiến sĩ:
“Nhớ người mẹ nắng cháy lưng
Địu con lên rẫy, bẻ từng bắp ngô”

      Hình ảnh “người mẹ nắng cháy lưng” gợi cho người đọc liên tưởng đến thiên nhiên Việt Bắc vô cùng khắc nghiệt. Nắng thì đến cháy lưng, mà rét thì như cắt da cắt thịt. Hai chữ “cháy lưng” nhói lên nỗi xót thương vô hạn của tác giả đối với những bà mẹ Việt Bắc. Các động từ “địu con”, “bẻ từng” cũng gợi lên sự tần tảo, cần cù lao động, vất vả gian khổ của bà mẹ nuôi trong kháng chiến đã đùm bọc, cưu mang chiến sĩ, cán bộ cách mạng. Người mẹ không quản ngại thời tiết khắc nghiệt, dữ dội “nắng cháy lưng” vẫn cần mẫn vừa địu con vừa lao động. Hai chữ “bẻ từng” gợi ra dáng vẻ người mẹ đang cặm cụi lao động, mẹ đang chắt chiu, dành dụm từng hạt bắp làm lương thực nuôi quân. Đó là những ân tình không thể nào quên trong ký ức của người về. Thầy Phan Danh Hiếu
2.3. Đoạn thơ sau đó sử dụng phép liệt kê và điệp ngữ “nhớ sao” để làm sống dậy những kỷ niệm, những sinh hoạt ở Việt Bắc:
      Điệp từ “nhớ” và kiểu câu bắt đầu bằng “nhớ sao” khiến cho nỗi nhớ như mênh mang, như trải dài vô tận. Đó là kỷ niệm với lớp học bình dân học vụ – nơi cán bộ dạy chữ cho nhân dân vùng cao (lớp học i tờ); nhớ những đêm liên hoan văn nghệ giữa núi rừng đầy náo nức, tưng bừng:

“Nhớ sao lớp học i tờ
Đồng khuya đuốc sáng những giờ liên hoan”

Nhớ những ngày tháng hoạt động cách mạng:

“Nhớ sao ngày tháng cơ quan
Gian nan đời vẫn ca vang núi đèo”.

       Đó là ngày tháng hoạt động cách mạng đầy gian nan, vất vả nhưng tinh thần thì luôn vui vẻ. Câu thơ “gian nan đời vẫn ca vang núi đèo” có sự tương phản giữa đời sống vật chất gian khổ và tinh thần luôn lạc quan, yêu đời. Dù có khó khăn đến đâu thì vẫn cứ “ca vang núi đèo”.
        Đến cả những âm thanh của đời thường cũng đi vào nỗi nhớ của người ra đi khiến cho mỗi chiều, mỗi đêm khuya càng thêm thao thức:

“Nhớ sao tiếng mõ rừng chiều
Chày đêm nên cối đều đều suối xa”.

           Hai câu thơ cuối gợi nhớ vẻ đẹp thanh bình của núi rừng Việt Bắc. Tiếng mõ rừng chiều gợi hình ảnh từng đàn trâu, đàn bò từ rừng núi thong thả trở về bản làng, tiếng mõ vang vọng, rộn ràng cả buổi chiều sơn cước. Mỗi đêm khuya thanh vắng, tiếng chày giã gạo từ suối xa vẫn đều đều vỗ về trong giấc ngủ.
3. Nhận xét, đánh giá nội dung và nghệ thuật.
– Nội dung: đoạn thơ vừa phân tích trên đây là đoạn thơ tiêu biểu cho nghĩa tình cao đẹp giữa cán bộ và nhân dân Việt Bắc. Đoạn thơ đã khơi dậy kỷ niệm mười lăm năm gắn bó keo sơn bền chặt với bao vất vả gian lao thiếu thốn nhưng luôn đầy lạc quan, tin yêu. Qua đó người về cũng tự nhắc nhở mình đừng quên cội quên nguồn.
– Nghệ thuật: Đoạn thơ tiêu biểu cho phong cách thơ Tố Hữu: phong cách trữ tình chính trị. Câu chuyện chính trị, chuyện chia tay lịch sử giữa nhân dân và cách mạng đã được lãng mạn hóa thành cuộc chia tay của “ta” và “mình” đang tạm xa nhau đi làm nghĩa vụ. Phong cách thơ Tố Hữu còn được thể hiện qua tính dân tộc trong nội dung và hình thức thể hiện. Về nội dung, đoạn thơ để lại vẻ đẹp của truyền thống dân tộc với đạo lý “uống nước nhớ nguồn”. Về hình thức nghệ thuật, thành công của đoạn thơ trên là nhờ vào một số yếu tố nghệ thuật đã được Tố Hữu vận dụng một cách nhuần nhuyễn và sáng tạo: thể thơ lục bát truyền thống với âm điệu ngọt ngào, sâu lắng. Cách miêu tả giàu hình ảnh. Lối hát đối đáp tạo ra giai điệu phong phú cho bài thơ. Nhiều biện pháp tu từ được tác giả vận dụng khéo léo (câu hỏi tu từ, điệp từ, điệp ngữ, liệt kê…). Ngôn ngữ trong sáng, nhuần nhị, và có nhiều nét cách tân (đặc biệt là hai đại từ Ta – Mình). Tất cả đã hòa quyện lại và chắp cánh, nâng đỡ cho ngòi bút của Tố Hữu thăng hoa cùng Việt Bắc.
III. KẾT BÀI
Tự làm

Bài làm của thầy Phan Danh Hiếu

GV trường THPT Trấn Biên, Biên Hòa, Đồng Nai.

Bài đã in thành sách nên nếu các bạn copy để đăng tải thì vui lòng ghi rõ nguồn và tag tên thầy Phan Danh Hiếu.

TOÀN BỘ TÀI LIỆU NGỮ VĂN 12TẠI ĐÂY

logo A