Cấu trúc bài so sánh văn học

0
8218

CẤU TRÚC DẠNG ĐỀ SO SÁNH

Khái niệm so sánh văn học cần phải được hiểu theo ba lớp nghĩa khác nhau.

Thứ nhất, so sánh văn học là “một biện pháp tu từ để tạo hình ảnh cho câu văn”(1) . Thứ hai, nó được xem như một thao tác lập luận cạnh các thao tác lập luận như: phân tích, bác bỏ, bình luận đã được đưa vào sách giáo khoa Ngữ văn 11. Thứ ba, nó được xem như “một phương pháp, một cách thức trình bày khi viết bài nghị luận”(2), tức là như một kiểu bài nghị luận cạnh các kiểu bài nghị luận về một đoạn trích, tác phẩm thơ; nghị luận về một đoạn trích, tác phẩm văn xuôi… ở sách giáo khoa Ngữ văn 12. Tuy nhiên, so sánh văn học như một kiểu bài nghị luận văn học lại chưa được cụ thể bằng một bài học độc lập. Vì vậy, từ việc xác lập nội hàm khái niệm kiểu bài, mục đích, yêu cầu, đến cách thức làm bài cho kiểu bài này thực sự rất cần thiết.

Kiểu bài so sánh văn học yêu cầu thực hiện cách thức so sánh trên nhiều bình diện: đề tài, nhân vật, tình huống, cốt truyện, cái tôi trữ tình, chi tiết nghệ thuật, nghệ thuật trần thuật… Quá trình so sánh có thể chỉ diễn ra ở các tác phẩm của cùng một tác giả, nhưng cũng có thể diễn ra ở những tác phẩm của các tác giả cùng hoặc không cùng một thời đại, giữa các tác phẩm của những trào lưu, trường phái khác nhau của một nền văn học. Mục đích cuối cùng của kiểu bài này là yêu cầu học sinh chỉ ra được chỗ giống và khác nhau giữa hai tác phẩm, hai tác giả, từ đó thấy được những mặt kế thừa, những điểm cách tân của từng tác giả, từng tác phẩm; thấy được vẻ đẹp riêng của từng tác phẩm; sự đa dạng muôn màu của phong cách nhà văn. Không dừng lại ở đó, kiểu bài này còn góp phần hình thành kĩ năng lí giải nguyên nhân của sự khác nhau giữa các hiện tượng văn học – một năng lực rất cần thiết góp phần tránh đi khuynh hướng “bình tán”, khuôn sáo trong các bài văn của học sinh hiện nay. Lẽ hiển nhiên, đối với đối tượng học sinh trung học phổ thông, các yêu cầu về năng lực lí giải cần phải hợp lí, vừa sức. Nghĩa là các tiêu chí so sánh cần có mức độ khó vừa phải, khả năng lí giải sự giống và khác nhau cũng cần phải tính toán hợp lí với năng lực của các em. Chuẩn kiến thức, chuẩn kĩ năng trong từng bài, từng cấp học sẽ là căn cứ để kiểm định những vấn đề này.

Vì là một bài nghị luận nên bố cục một bài văn so sánh văn học cũng có 3 phần: mở bài, thân bài và kết bài. Tuy nhiên chức năng cụ thể của từng phần lại có những điểm khác biệt so với kiểu bài nghị luận về một tác phẩm, đoạn trích thơ hay nghị luận về một đoạn trích, tác phẩm văn xuôi. Dàn ý khái quát của kiểu bài này như sau:

* THEO ĐÁP ÁN CỦA BỘ GD & ĐT

Cấu trúc Nội dung Điểm
I. MỞ BÀI Nêu vấn đề (thường tìm điểm chung nhất).  
II. THÂN BÀI 1. Nêu tác giả/tác phẩm/xuất xứ: (cả 2 tác giả) 0,5
2. Làm rõ từng đối tượng.

a. Cảm nhận về đối tượng thứ nhất.

– Nội dung.

– Nghệ thuật.

 

 

2.0

b. Cảm nhận về đối tượng thứ hai.

– Nội dung.

– Nghệ thuật.

 

2.0

3. So sánh sự tương đồng và khác biệt.

– Sự tương đồng.

– Sự khác biệt.

0,5
III. KẾTBÀI  Đánh giá chung về nội dung và nghệ thuật.  

—————–

Thầy Phan Danh Hiếu

Phản hồi của bạn

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây