Nhận định hay về đoạn trích Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm

0
72750

Nhận định hay về đoạn trích Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm

1. Nguyễn Khoa Điềm nói về hoàn cảnh sáng tác Đất Nước.

“Chương V – chương Đất nước là một chương lớn. Tôi viết chương này trong những ngày mưa triền miên sau Tết. Đó là thời kỳ máy bay Mỹ đánh phá dữ dội. B52 dội bom liên tục, làm cho mọi thứ tối tăm mù mịt. Chúng tôi ngồi trong hầm và viết, cảm xúc được cộng hưởng bởi tiếng bom nổ, bởi khói bom và mưa rừng. Có khi viết xong, một trận bom làm cho bản thảo bay lung tung, lượm lại trang còn trang mất, lại ngồi viết tiếp. Tôi viết rất nhanh, như cảm xúc đã dồn tụ một cách mãnh liệt, giờ chỉ việc tuôn chảy ra thôi. Tôi viết về những điều giản dị của chính tôi, về tuổi trẻ và các bạn bè đang tranh đấu ở trong thành phố, nên nhân vật của tôi là anh và em. Đó là lời đằm thắm của một người con trai với một người con gái.

Chúng tôi, mỗi người có một số phận khác nhau, nhưng đều gắn kết trong một số phận chung là số phận Đất nước. Đất nước với các nhà thơ khác là của những huyền thoại, của những anh hùng, nhưng với tôi là của những con người vô danh, của nhân dân.

Đất nước là một giá trị lâu bền, vĩnh hằng; đất nước được tạo dựng, được bồi đắp qua nhiều thế hệ, được truyền nối từ đời này sang đời khác. Cho nên “khi ta lớn lên đất nước đã có rồi!”.

Đất nước vừa là một ý niệm thiêng liêng vừa là một hiện hữu, cụ thể, rõ ràng, thân thuộc. Tôi cố gắng thể hiện một hình ảnh Đất nước giản dị gần gũi nhất. Đó là cách để đi vào lòng người, mà không lặp lại người khác, vì trước tôi cũng như bấy giờ, có rất nhiều người đã viết rất hay về Đất nước. Tôi nghĩ mỗi cá nhân sinh ra, ý niệm về Đất nước đã được thấm đẫm qua môi trường gia đình, qua thế giới tinh thần và cả vật chất mà người đó sống” (Nguyễn Khoa Điềm trong cuốn – Nhà văn và Tác phẩm)

2.  Đất nước trong thơ Nguyễn Khoa Điềm là sự đồng hiện những  gì gần gũi nhất, thân thương nhất của mỗi con người Việt Nam trong quá khứ, hiện tại và tương lai; trong thời gian và không gian, trong lịch sử và truyền thống văn hoá… Ở Nguyễn Khoa Điềm lòng yêu nước là yêu nhân dân, yêu những con người đã viết nên lịch sử, đã sản sinh ra văn hóa, đã phát kiến địa lý mà mở rộng biên cương bảo vệ lãnh thổ. Từ đó nhà thơ đã đi đến đúc kết thành một chân lý vững vàng: Đất nước của nhân dân”, tư tưởng này đã chi phối hầu hết các sáng tác của Nguyễn Khoa Điềm. Vì vậy tiếng thơ Nguyễn Khoa Điềm không chỉ nói lên những suy nghĩ cảm nhận của tuổi trẻ trong chiến tranh, mà còn là lời kêu gọi thiết tha: hãy yêu đất nước – vì “Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình”. (Vũ Quần Phương)

Nhận định hay về Sóng của Xuân Quỳnh

3. “Nguyễn Khoa Điềm viết nên những câu thơ này bằng tất cả sự trải nghiệm của một người lăn lộn trong phong trào tranh đấu của thanh niên đô thị miền Nam. Nhà thơ đã thay mặt thế hệ mình để phát biểu tâm tư với tinh thần công dân, với nhiệt tình tuổi trẻ. Đó cũng là lời đáp cho câu hỏi mang tính chính luận về sự trường tồn của Đất Nước. Đất Nước bất tử chính nhờ ở tinh thần của những con người sẵn sàng dâng bầu máu của tuổi thanh xuân, biết sống có trách nhiệm với thời đại và đầy khát vọng về tương lai trường tồn của Đất Nước.” (Lê Văn Huân)

4. “Nếu như trong thơ Nguyễn Đình Thi, hình ảnh đất nước hào hoa, kiêu hãnh, lãng mạn và tràn đầy sức sống thì trong thơ Nguyễn Khoa Điềm hình ảnh đất nước lại giàu có về văn hóa, là sức mạnh của chân lý.” (Huy Văn)

5.  “Nguyễn Khoa Điềm đặc biệt thành công trong việc sử dụng chất liệu văn hóa, văn học dân gian. Chỉ chín câu thơ, nhưng dày đặc những hình ảnh, hình tượng thơ được khơi dậy, được vun đắp bằng văn hóa dân gian. Cảm hứng thơ bắt sâu vào cội rễ văn hóa dân tộc, để đất nước trở nên thân thuộc, gần gũi với mỗi người và để câu thơ giàu sức gợi, giàu sức liên tưởng.” (Báo Giáo dục thời đại)

Xem thêm: 

Đề thi thử môn Văn số 29

Mười câu lý luận khiến bài văn trở nên sâu sắc