Phân tích bức tranh tứ bình Việt Bắc
Đề 5. Cảm nhận vẻ đẹp bộ tranh tứ bình Việt Bắc qua đoạn thơ: “Ta về mình có nhớ ta…ân tình thuỷ chung” (Việt Bắc-Tố Hữu). Nhận xét về tính dân tộc được thể hiện trong đoạn thơ. |
DÀN Ý CHI TIẾT
Các Fanpage copy lại thì đề nghị các em ghi rõ nguồn từ thầy Phan Danh Hiếu
I. MỞ BÀI
II. THÂN BÀI
1. Khái quát
Tương tự như các đề trước.
2. Nội dung cảm nhận
2.1. Hai câu thơ mở đầu mang đến cảm xúc chủ đạo của toàn đoạn thơ. Đó là cảm xúc nhớ nhung không nguôi về Việt Bắc:
“Ta về mình có nhớ ta
Ta về ta nhớ những hoa cùng người”
Mở đầu đoạn thơ là một câu hỏi tu từ bâng khuâng, thấm vào hồn người và cảnh vật – “ta về mình có nhớ ta”. Đây là câu hỏi ngọt ngào phảng phất hương vị của tình yêu. Hỏi đấy nhưng là hỏi để bộc lộ cảm xúc, hỏi để rồi lại bồi hồi xao xuyến phút chia xa. Vẫn là cách xưng hô “mình – ta” ngọt ngào gợi nhiều cảm xúc. “Ta” chỉ người đi, “mình” chỉ người ở lại. “Ta – mình” còn gợi bao lời nồng nàn của ca dao tình yêu lứa đôi: “Mình về ta chẳng cho về – Ta nắm vạt áo ta đề bài thơ” hay “Mình về mình nhớ ta chăng – Ta về ta nhớ hàm răng mình cười”. Ths Phan Danh Hiếu. Nét đặc sắc của Tố Hữu là ở chỗ, viết về sự kiện lịch sử, về chuyện chính trị nhưng không hề khô khan, cứng nhắc. Đó là nhờ nhà thơ đã vận dụng sáng tạo hai đại từ nhân xưng “mình – ta” cũng như sử dụng thể thơ lục bát nhuần nhuyễn. Chuyện chia tay của nhân dân và cách mạng đã được lãng mạn hóa thành cuộc chia tay của “ta” và “mình” đang tạm xa nhau vì nghĩa vụ cách mạng. Lời thơ vì thế trở nên dạt dào hương vị trữ tình.
Câu thơ thứ hai như một lời khẳng định:
“Ta về ta nhớ những hoa cùng người”
Hai câu thơ đầy ắp những “ta”, “mình”, những “mình nhớ”, “ta nhớ” kết hợp điệp từ “ta” với âm “a” (âm mở) khiến cho nỗi nhớ như vang vọng, mênh mang, sâu lắng hơn. Người về mang theo nỗi nhớ “những hoa cùng người”. “Hoa” là ẩn dụ cho vẻ đẹp của thiên nhiên Việt Bắc. “Hoa” cũng là cách nói hoán dụ cho ta cảm nhận: trong tâm hồn người ra đi thì ký ức còn lại là những ký ức rất đẹp. Còn “Người” là vẻ đẹp của con người lao động nơi đây. Chữ “cùng” trong “nhớ những hoa cùng người” rất sáng tạo. Nó gợi lên nỗi nhớ lắng sâu da diết. Nỗi nhớ cùng lúc đồng hiện hoa và người. Nhớ hoa thì trong hoa lấp lánh bóng người, mà nhớ người thì trên khuôn mặt người lấp lánh bóng hoa. Có lẽ vì vậy mà bốn cặp lục bát tiếp theo, câu lục nhắc đến hoa thì câu bát lại nói đến người. Hoa và người đan cài vào nhau dệt nên bộ tứ bình lộng lẫy.
2.2. Mở đầu bộ tứ bình là bức tranh mùa đông dạt dào sức sống:
“Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng”
Thế giới mùa đông thường gặp trong thơ ca kim cổ là thế giới của sự lạnh lẽo, u ám, buồn tẻ. Nhà thơ Việt Phương ghi lại những cảm nhận của mình thật tinh tế về mùa đông ấy như thế này:
“Mùa đông lạnh gió lùa qua khe cửa
Phía trời xa mây cũng ủ ê buồn
Cây trụi lá đứng tần ngần ngõ nhỏ
Có ai về tôi gửi áo len cho”
(Nhớ mùa đông Hà Nội)
Nhưng thế giới mùa đông trong thơ Tố Hữu thì lại khác. Việt Bắc mùa đông lại vô cùng sống động, tốt tươi. Hai sắc màu “xanh – đỏ” tương phản, đối lập mà lại rất đỗi hài hòa. Hai chữ “rừng xanh” truyền thẳng đến người đọc hình ảnh màu xanh bạt ngàn mà trầm tĩnh của đại ngàn. Cánh rừng ấy vẫn xanh màu xanh của sự sống chứ không phải là cánh rừng trơ cành, trụi lá, ảm đạm rét mướt thường thấy trong thơ ca viết về mùa đông. Điểm xuyết trên nền xanh bát ngát, bao la của cánh rừng là màu “hoa chuối đỏ tươi” đang nở rộ lung linh dưới ánh nắng mặt trời. Trong nghệ thuật hội họa, xanh là gam màu lạnh; đỏ là gam màu nóng. Ở đây màu đỏ, lại là “đỏ tươi” khiến bức tranh thiên nhiên Việt Bắc trở nên tươi sáng, ấm áp, dạt dào sức sống, xua đi cái hoang sơ lạnh giá, hiu hắt vốn có của núi rừng. Có nhà phê bình đã không tiếc lời ngợi ca: Tố Hữu giống như một nhà hội họa vậy, ông đã mang đến cho câu thơ một bức tranh sống động, hài hòa. Màu đỏ của hoa chuối giống như nét chấm phá trên thảm xanh của núi rừng. Từ xa nhìn tới, hoa chuối giống như những bó đuốc đỏ rực đang thắp sáng cả cánh rừng già làm bừng sáng cả mùa đông Việt Bắc.
Giữa bao la nắng gió, giữa vô cùng thiên địa, con người lao động vùng chiến khu xuất hiện với vẻ đẹp lộng lẫy:
“Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng”
Ấy là con người lên núi làm nương, phát rẫy, sản xuất lương thực cung cấp cho kháng chiến. Ở đây nhà thơ không khắc họa gương mặt, dáng hình, mà chớp lấy một khoảnh khắc rực sáng nhất. Đó là ánh mặt trời chớp lóe trên lưỡi dao rừng gài ở thắt lưng làm con người hiện lên như một điểm hội tụ của ánh sáng. Con người ấy cũng đã xuất hiện ở một vị trí, một tư thế đẹp nhất – “đèo cao”. Tư thế ấy là tư thế của con người làm chủ: làm chủ tự do, làm chủ lao động, làm chủ tình thế. Có thể nói, giữa hoang sơ tráng lệ, giữa trời cao bao la và rừng xanh mênh mang, con người ấy đã trở thành linh hồn của bức tranh mùa đông Việt Bắc.
2.3. Chưa hết ngỡ ngàng bởi bức tranh mùa Đông thơ mộng, người đọc lại đắm mình trong bức tranh xuân đang bừng sáng sức sống hoang dại, mãnh liệt của hoa mơ:
“Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang”
Mùa xuân là mùa của những loài hoa khoe sắc. Nếu người miền Nam đón xuân với sắc mai vàng rực rỡ, người Hà Nội rạo rực với sắc đỏ của hoa đào; thì Việt Bắc tự hào với sắc trắng của hoa mơ. Hoa mơ là linh hồn của mùa xuân nơi đây. Trong bài thơ “Theo chân bác”, Tố Hữu cũng đã từng viết về loài hoa ấy:
“Ôi sáng xuân nay xuân 41
Trắng rừng biên giới nở hoa mơ
Bác về im lặng con chim hót
Thánh thót bờ lau vui ngẩn ngơ”
Và hôm nay, Việt Bắc lại vào xuân với “mơ nở trắng rừng”. Phép đảo ngữ “trắng rừng”, từ “trắng” là tính từ nhưng được dùng như động từ nên tạo ra cảm giác: cánh rừng như bừng sáng, nở rộ một màu trắng tinh khiết. Động từ “nở” nằm ở giữa câu, trước nó là sự định vị thời gian – “ngày xuân”; sau nó là định vị không gian – “trắng rừng”. Động từ “nở” và tính từ “trắng” kết hợp với nhau làm sức sống mùa xuân lan tỏa và tràn trề nhựa sống. Hoa mơ như đang xòe ra, bung ra, mở ra – nở trắng cả thời gian “ngày xuân”, nở trắng cả không gian “trắng rừng”. Ths Phan Danh Hiếu. Bao trùm lên cảnh vật mùa xuân là màu trắng dịu dàng, tinh khiết của hoa mơ. Màu trắng dường như lấn át tất cả mọi màu xanh của lá, làm bừng sáng cả khu rừng tạo nên bức tranh thơ lãng mạn mang đến cảm giác mơ màng, bâng khuâng.
Thấp thoáng dưới cánh rừng xuân thơm mát bởi sắc trắng dịu mát tinh khiết của hoa mơ là hình ảnh con người lao động với hoạt động “chuốt từng sợi giang”. Người Việt Bắc đẹp tự nhiên trong những công việc hằng ngày, đó là công việc đan nón thủ công – một nghề truyền thống của Việt Bắc. Từ “chuốt” và hình ảnh thơ đã nói lên được bàn tay và phẩm chất của con người lao động: cần mẫn, cẩn thận, tỉ mỉ, khéo léo, tài hoa, nhanh nhẹn, chăm chút, trau chuốt… đó cũng chính là phẩm chất tần tảo của con người Việt Bắc tạo nên nét đáng yêu của con người làm chủ nơi đây. Màu nón trắng trên đôi tay tài hoa của người lao động hòa vào sắc trắng trong trẻo của hoa mơ dệt nên bức tranh xuân tràn trề nhựa sống. Ths Phan Danh Hiếu
2.4. Bức tranh mùa hạ Việt Bắc óng vàng tựa như một bức tranh sơn mài vừa đậm chất cổ điển vừa mang những đường nét hiện đại:
“Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình”
Câu thơ thứ nhất là bức tranh thiên nhiên tươi đẹp của mùa hè với hai ấn tượng: tiếng ve và phách đổ vàng. Tiếng ve là đặc trưng của mùa hạ; còn phách đổ vàng là đặc trưng của mùa hè Việt Bắc. Chữ “đổ” được dùng thật chính xác, tinh tế. Nó làm hiện lên đồng thời cùng lúc hai hoạt động. Hoạt động của âm thanh và hoạt động của sắc màu. Dường như khi tiếng ve vừa đổ xuống thì cũng là lúc cả cánh rừng phách đồng loạt chuyển sang màu vàng. Tài liệu thầy Phan Danh Hiếu. Tiếng ve lan đến đâu, sắc vàng dậy lên đến đó. Ý thơ gợi nhớ một câu thơ của Khương Hữu Dụng: “một tiếng chim kêu sáng cả rừng”. Đó là nghệ thuật dùng âm thanh để gọi dậy màu sắc, dùng không gian để miêu tả thời gian. Bởi vậy, cảnh thực mà vô cùng huyền ảo. Nghệ thuật ấy vừa gợi sự biến chuyển mau lẹ của sắc màu, vừa diễn tả tài tình và chính xác khoảnh khắc hè sang. Bức tranh mùa hè vì thế mà hiện lên tươi tắn, thơ mộng, dịu mát chứ không hề chói chang như trong thơ ca cổ kim.
Hiện lên giữa nền thiên nhiên óng vàng và rộn rã ấy, là hình ảnh cô gái áo chàm cần mẫn đi hái búp măng rừng: “Nhớ cô em gái hái măng một mình”. Hai chữ “một mình” giàu sức gợi. Nó vừa gợi lên dáng vẻ con người lao động cặm cụi, siêng năng, chịu thương chịu khó; vừa gợi nhớ ca dao: “trúc xinh trúc mọc đầu đình – em xinh em đứng một mình cũng xinh”. Ý thơ ẩn chứa nỗi nhớ, niềm yêu, sự trân trọng của nhà thơ dành cho người em gái thương yêu. Phép điệp phụ âm “m” trong ba chữ “măng – một – mình” đi liền nhau tạo nên nhạc tính làm giọng thơ trở nên da diết bâng khuâng. Phan Danh Hiếu
2.5. Khép lại bộ tranh tứ bình Việt Bắc là bức tranh mùa thu cùng tiếng hát chia tay giã bạn để lại âm vang nghĩa tình kháng chiến:
“Rừng thu trăng rọi hòa bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung”
Động từ “rọi” rất gợi. Mùa thu có ánh trăng tràn ngập cả không gian bao la. Đó là ánh trăng của tự do, của hòa bình rọi sáng niềm vui lên từng cánh rừng, từng bản làng Việt Bắc. Giữa bao la ánh trăng vàng dịu mát ấy lại vang lên tiếng hát. Đó là tiếng hát trong trẻo của đồng bào dân tộc, là tiếng hát nhắc nhở thủy chung ân tình: mình về Hà Nội rồi, sống trong cuộc sống hòa bình đừng quên những năm tháng chiến tranh, ăn một miếng ngon đừng quên những tháng ngày khốn khó; sống ở miền xuôi đừng quên miền ngược. Hãy luôn nhớ về cội nguồn kháng chiến – nơi núi rừng Việt Bắc mà ta đã cùng nhau đi qua bao cay đắng ngọt bùi. Có thể nói, bức tranh mùa thu Việt Bắc đã làm hoàn chỉnh bức tranh tuyệt mỹ của núi rừng và khép lại đoạn thơ bằng tiếng hát “ân tình thủy chung” gợi cho người về và cả người đọc những rung động sâu xa của tình yêu quê hương đất nước.
3. Đánh giá nhận xét:
– Về nội dung: đoạn thơ là bộ tranh tứ bình tuyệt đẹp về thiên nhiên và con người Việt Bắc. Bức tranh thơ lãng mạn hài hòa, giàu sức sống. Mỗi bộ tranh là một thế giới sắc màu đẹp đẽ. Đoạn thơ mở đầu bằng mùa đông và kết thúc bằng mùa thu. Mùa đông là ẩn dụ cho buổi đầu của cách mạng với bao khó khăn, thử thách; mùa thu là mùa quả chín ngọt ngào gợi những âm vang chiến thắng của Cách mạng tháng Tám và của trận Điện Biên – “lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu”.
– Tính dân tộc trong đoạn thơ: Đoạn thơ tiêu biểu cho phong cách thơ Tố Hữu: phong cách trữ tình chính trị. Câu chuyện chính trị, chuyện chia tay lịch sử giữa nhân dân và cách mạng đã được lãng mạn hóa thành cuộc chia tay của “ta” và “mình” đang tạm xa nhau đi làm nghĩa vụ. Phong cách thơ Tố Hữu được thể hiện qua tính dân tộc trong nội dung và hình thức thể hiện. Về nội dung, đoạn thơ để lại vẻ đẹp của truyền thống dân tộc với đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, lòng biết ơn vô hạn của cách mạng dành cho nhân dân. Về hình thức nghệ thuật, thành công của đoạn thơ trên là nhờ vào một số yếu tố nghệ thuật đã được Tố Hữu vận dụng một cách nhuần nhuyễn và sáng tạo: thể thơ lục bát truyền thống với âm điệu ngọt ngào, sâu lắng. Cách miêu tả giàu hình ảnh. Sử dụng nhiều động từ giàu sức gợi. Điệp từ “nhớ” biến hóa linh hoạt để lại trong lòng bao dư vị khó quên. Lối hát đối đáp tạo ra giai điệu phong phú cho bài thơ. Nhiều biện pháp tu từ được tác giả vận dụng khéo léo (câu hỏi tu từ, liệt kê, ẩn dụ…). Ngôn ngữ trong sáng, nhuần nhị, và có nhiều nét cách tân (đặc biệt là hai đại từ Ta – Mình). Tất cả đã làm nên một đoạn thơ giàu tính tạo hình về thiên nhiên và con người Việt Bắc, mở rộng hơn nữa, đó là tình yêu quê hương đất nước sâu nặng trong tâm hồn của nhà thơ cách mạng – Tố Hữu.
III. KẾT BÀI
(Tự làm)
Các Fanpage copy lại thì đề nghị các em ghi rõ nguồn từ thầy Phan Danh Hiếu
Thầy Phan Danh Hiếu
Luyện thi Ngữ Văn Quốc Gia
Xem thêm: Phân tích Việt Bắc