Phân tích nhân vật Việt và Chiến

0
5719
logo A

Phân tích nhân vật Việt và Chiến

NHỮNG ĐỨA CON TRONG GIA ĐÌNH

I. KHÁI QUÁT CHUNG

1. Tác giả:

Nguyễn Thi là nhà văn được mệnh danh là “Nhà văn của người nông dân Nam Bộ”. Tên tuổi của anh đã gắn liền với những tác phẩm như: “Người mẹ cầm súng”, “Những đứa con trong gia đình”… Nhân vật của Nguyễn Thi là những con người yêu nước mãnh liệt, có lòng căm thù giặc sâu sắc, vô cùng gan góc và có tinh thần chiến đấu rất cao – con người dường như sinh ra để đánh giặc.

2. Tác phẩm

 Truyện “Những đứa con trong gia đình” được tác giả viết năm 1966 khi ông đang công tác tại tạp chí Văn Nghệ quân giải phóng. Truyện kể về nhân vật Việt, trong một trận chiến ác liệt tại một cánh rừng cao su. Việt bị thương nặng và lạc mất đồng đội. Giữa những lần ngất đi tỉnh lại , dòng hồi ức đã đưa Việt về với những kỷ niệm gia đình. Dựa trên tình huống truyện độc đáo ấy vẻ đẹp của từng nhân vật được hiện lên.

II. NỘI DUNG

1.Nhân vật Việt

Việt là một thanh niên mới lớn với những phẩm chất hồn nhiên. Hồi còn ở nhà, cái gì Việt cũng giành với chị. Từ việc giành với chị chuyện bắt ếch nhiều ít, chuyện bắn cháy tàu giặc trên sông Định Thủy, chuyện giành nhau đi tòng quân… Đến tuổi trưởng thành, đi đánh giặc nhưng lúc nào Việt cũng quàng cây ná thun vào cổ. Khi bị thương nặng trong đêm tối, không sợ chết mà sợ bóng đêm và sợ ma. Nghĩ đến chuyện “bóng ma cụt đầu trên cây xoài mồ côi; chuyện thằng Chỏng thụt lưỡi” – Việt nằm thở dốc. Là con trai, lại là em quen được chiều chuộng nên mọi việc Việt đều “ỷ lại cho chị”, phó mặc tất cả cho chị. Nghe chị bàn việc gia đình một cách nghiêm túc, Việt vẫn vô tư “lăn kềnh ra ván cười khì khì” và cứ ậm ờ cho qua chuyện, vừa nghe vừa “chụp một con đom đóm úp trong lòng bàn tay” rồi “ngủ quên lúc nào không biết”.

Tuy đôi lúc vô tư, hồn nhiên nhưng Việt lại có tình cảm với gia đình rất sâu sắc: Khi tỉnh dậy lần thứ nhất, Việt nhớ và thương má: “Ước gì bây giờ lại được gặp má… má sẽ ghé lại xoa đầu Việt, đánh thức Việt dậy rồi lấy xoong cơm đi làm đồng để dưới xuồng lên cho Việt ăn”. Việt thương chị Chiến, Việt nhớ lại cái đêm trước ngày đi tòng quân, nhớ từng lời đối thoại, nhớ cả cái cảnh hai chị em khiêng bàn thờ má qua nhà chú Năm. Thương nhất là lúc “nghe tiếng chân chị bịch bịch phía sau, Việt thấy thương chị lạ”. Việt thương chú Năm, nhớ giọng hò “đục và tức như gà gáy” nhưng lại “cất lên như một hiệu lệnh dưới ánh nắng chói chang… cuối cùng ngắt lại như một lời thề dữ dội”.

Việt mang trong mình phẩm chất người anh hùng, tinh thần chiến đấu gan dạ, kiên cường. Lúc còn nhỏ, Việt đã cùng chị Chiến phối hợp với du kích địa phương bắn cháy tàu giặc trên sông Định Thủy được chú Năm ghi chiến công vào cuốn sổ gia đình. Chứng kiến cảnh cha bị giặc chặt đầu, Việt lao vào đá vào chân thằng giặc cầm đầu ba. Nỗi đau thương và sự mất mát của của gia đình đã luôn thôi thúc Việt chiến đấu. chưa đủ tuổi đi bộ đội nhưng đã xin tòng quân đi đánh giặc (thậm chí giành nhau với chị Chiến để được đi). Đó là tính cách gan dạ và khát vọng cao cả được trả nợ nước thù nhà.

Vào trận mạc, Việt chiến đấu rất dũng cảm. Trong trận đánh tại rừng cao su, Việt diệt được xe bọc thép của giặc. Tuy bị thương nặng, lại lạc mất đồng đội, hai mắt không nhìn thấy gì. Cả “hai tay, vai, đầu, chân đang đau điếng và rỏ máu”, người sắp lả đi vì đói khát. Việt vẫn trong tư thế đường hoàng chững chạc của người chiến sĩ kiên cường, sẵn sàng tiêu diệt giặc: “Tao sẽ chờ mày… Cả khu rừng này còn có mình tao. Mày có bắn tao thì  tao cũng bắn được mày… Mày chỉ giỏi giết gia đình tao, còn đối với tao thì mày là thằng chạy”. Dù bị thương, dù tỉnh dù mê, dù kiệt sức vẫn sẵn sàng chiến đấu. Nghe tiếng súng nổ, Việt phân biệt được đâu là súng ta, đâu là súng giặc. Việt bò về phía có tiếng súng vì theo Việt “phía đó là sự sống”. Tay việt chỉ còn một ngón cử động được, lúc nào Việt cũng bỏ vào cò súng sẵn sàng nhả đạn về phía kẻ thù.

Nghệ thuật xây dựng nhân vật: xây dựng tình huống truyện độc đáo, chuyện được kể qua dòng hồi ức đứt nối chập chờn nhưng lại rất chân thật, cảm động. Bút pháp sử thi hào hùng, ngôn ngữ trần thuật hấp dẫn đậm sắc thái Nam Bộ…

Tóm lại,  Việt mang trong mình vẻ đẹp của tuổi trẻ Việt Nam thời chống Mỹ: trẻ trung, gan dạ, đáng yêu, rất mực anh hùng dũng cảm. Việt đã tiếp nối và làm rạng rỡ truyền thống đánh giặc cứu nước của gia đình và đó cũng là truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, của nhân dân miền Nam nói riêng. Nguyễn Thi đã rất thành công trong việc xây dựng hình tượng nhân vật anh hùng trong thời đại đánh Mỹ.

 

2.Nhân vật Chiến

a. Chiến là cô gái đảm đang, tháo vát:

– Chiến mang vóc dáng của má: “hai bắp tay tròn vo sạm đỏ màu cháy nắng… thân người to và chắc nịch”. Đó là vẻ đẹp của con người sinh ra để gánh vác, để chống chọi, để chịu đựng và để chiến thắng. Tuy vậy, chị cũng rất ư là nữ tính. Đi đánh giặc còn mang theo gương lược, giữa mỗi trận đánh lại đem ra soi mình.

Chiến hơn Việt chừng một tuổi nhưng Chiến người lớn hơn hẳn: Chiến có thể bỏ ăn để đánh vần cuốn sổ gia đình suốt từ sáng đến xế chiều. Tính cách “người lớn” ở Chiến còn thể hiện ở sự nhường nhịn. Tuy có lúc giành nhau với em tranh công bắt ếch, bắn cháy tàu giặc, giành đi tòng quân… nhưng cuối cùng bao giờ chị cũng nhường em hết trừ việc đi tòng quân (vì chị thương em, muốn giành sự hi sinh về mình).

Chiến đặc biệt giống má ở cái đêm sắp xa nhà đi bộ đội: Chiến biết lo liệu, toan tính việc nhà y hệt má. Chính Việt nhận ra chị “nói nghe in như má vậy”. Hình ảnh người mẹ như bao bọc lấy Chiến, từ cái lối nằm với thằng út em trên giường ở trong buồng nói với ra, đến lối hứ một cái “cóc” rồi trở mình. Đến nỗi chỉ trong một khoảng thời gian ngắn ngủi trong đêm, Việt đã không dưới ba lần thấy chị giống in má, có khác chỉ là ở chỗ chị “không bẻ tay rồi đập vào bắp vế than mỏi” mà thôi. Chính Chiến cũng thấy mình trong đêm ấy đang hòa vào trong mẹ: “Tao cũng đã lựa ý nếu má còn sống chắc má tính vậy, nên tao cũng tính vậy”. Mà đúng thật, chị Chiến sắp đặt việc nhà đâu ra đó. Từ việc giao lại ruộng đất cho chi bộ, việc gửi cái nhà cho lớp học, việc làm đám giỗ cho ba má, việc gửi bàn thờ ba má qua nhà chú Năm… chị Chiến đều tính toán, sắp đặt ổn thỏa. Đúng như lời chú Năm nhận xét “Khôn! Việc nhà nó thu được gọn thì việc nước nó mở được rộng. Gọn bề gia thế đặng bề nước non”.

Chiến có tinh thần gan dạ, dũng cảm lập được nhiều chiến công: Ngay khi còn nhỏ, chị Chiến đã cùng Việt lập công lớn khi bắn cháy tàu giặc trên sông Định Thủy, được chú Năm ghi vào cuốn sổ gia đình.

Lớn lên, nguyện vọng của Chiến là: “được cầm súng đánh giặc để trả thù cho ba má”. Vì vậy, đêm ghi danh tòng quân, Chiến đã giành nhau với em để được đi bộ đội. Sau khi được ghi tên tòng quân, tối về, cả hai chị em đều chung nhau quyết tâm đánh giặc. Đều quyết tâm “Đi xa nhà thì ráng học chúng bạn… thù ba má chưa trả” thì không được bỏ về. Chị Chiến thì thề thốt dữ dội hơn “Nếu giặc còn thì tao mất”.

@Nghệ thuật xây dựng các nhân vật: xây dựng tình huống truyện độc đáo, chuyện được kể qua dòng hồi ức đứt nối chập chờn nhưng lại rất chân thật, cảm động. Bút pháp sử thi hào hùng, ngôn ngữ trần thuật hấp dẫn đậm sắc thái Nam Bộ…

@Nói tóm lại, Chiến là cô gái tiêu biểu cho người phụ nữ miền Nam rắn rỏi, đảm đang, anh hùng. Chị cũng giống như những con người miền Nam quả cảm: chị Sứ, chị Út Tịch, chị Trần Thị Lý…

 

III. NGHỆ THUẬT

– Tình huống truyện: Việt – một chiến sĩ Quân giải phóng -bị thương phải nằm lại chiến trường. Truyện  kể theo  dòng nội tâm của Việt khi liền mạch (lúc tỉnh), khi gián đoạn (lúc ngất) của “người trong cuộc” làm câu truyện trở nên chân thật hơn; có thể thay đổi đối tượng, không gian, thời gian, đan xen tự sự và trữ tình.

 – Chi tiết được chọn lọc vừa cụ thể vừa giàu ý nghĩa, gây ấn tượng mạnh. Ngôn ngữ bình dị, phong phú, giàu giá trị tạo hình và đậm sắc thái Nam Bộ.

– Giọng văn chân thật, tự nhiên, nhiều đoạn gây xúc động mạnh….

IV. Ý NGHĨA TÁC PHẨM

Truyện kể về những đứa con trong một gia đình nông dân Nam Bộ có truyền thống yêu nước, căm thù giặc và khao khát chiến đấu, son sắt với cách mạng. Tác giả khẳng định: Sự hòa quyện giữa tình cảm gia đình với tình yêu nước, giữa truyền thống gia đình với truyền thống dân tộc đã làm nên sức mạnh tinh thần to lớn của con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước.

Xem thêm:

1. So sánh Việt Chiến hoàn chỉnh

2. Phân tích đoạn kết “Những đứa con trong gia đình”

 

logo A