Dàn ý phân tích nhân vật Tràng

0
28881
logo A

MỤC LỤC BÀI VIẾT

Dàn ý phân tích nhân vật Tràng

Dàn ý của thầy Phan Danh Hiếu. Vui lòng ghi rõ nguồn là thầy Phan Danh Hiếu khi bạn đăng lại ở các Fanpage hoặc ở các web thương mại.

I. Mở bài

– Nêu vấn đề.

II. Thân bài

1. Khái quát

          – Kim Lân – nhà văn chuyên về truyện ngắn. Ông rất am hiểu văn hóa nông thôn và tâm lý người dân quê.

          – Ngòi bút Kim Lân thường thiên về cảm hứng ngợi ca vẻ đẹp tâm hồn con người nhân hậu, giàu nghĩa tình, biết yêu thương, đùm bọc, sẻ chia và giàu niềm tin vào tương lai.

          – Truyện ngắn “Vợ nhặt” trích từ tập “Con chó xấu xí” là một trong những truyện ngắn xuất sắc của Kim Lân. Tác phẩm là bức tranh chân thực và cảm động về nạn đói khủng khiếp năm 1945. Thông qua các nhân vật bà cụ Tứ, Tràng, cô vợ nhặt tác giả Kim Lân đã làm bừng sáng vẻ đẹp nhân văn của tác phẩm – đó là vẻ đẹp tình người trong nạn đói.

2. Phân tích nhân vật

2.1. Tràng là anh nông phu nghèo khổ, kém duyên

– Anh hiện lên với thân phận nghèo hèn: là dân ngụ cư bị khinh rẻ; nhà cửa thì “rúm ró” lụp xụp, rách nát, tuềnh toàng. Nghề nghiệp thấp kém, bấp bênh, chỉ là anh phu xe với đồng lương chẳng đáng là bao.

– Đã vậy, anh còn có một ngoại hình thô kệch, xấu xí: “đầu trọc nhẵn”, “mắt nhỏ tý lại còn gà gà”, “quai hàm bạnh”, “lưng to như lưng gấu”. Tính cách thì ngờ nghệch, vô tư, chỉ thích chơi với trẻ con.

– Nghèo khổ cộng với ngoại hình xấu xí đã khiến Tràng chẳng còn có gì để hấp dẫn.

2.2. Tràng là người đàn ông nhân hậu, tốt bụng, cởi mở, sẵn lòng cưu mang người đồng cảnh ngộ. Vẻ đẹp ấy đã ngời lên thật trọn vẹn trong tình huống truyện độc đáo – tình huống Tràng nhặt vợ. 

– Gặp lại người con gái đẩy xe bò giúp anh lần trước, Tràng không khỏi ái ngại, xót xa. Bởi trước mắt anh là hình ảnh thê thảm của người đồng cảnh ngộ: “quần áo rách như tổ đỉa, trên khuôn mặt lưỡi cày xám xịt chỉ còn thấy hai con mắt”. Cái đói cũng khiến người con gái chẳng còn biết giữ thể diện là gì, cứ thế mà trơ trẽn, nanh nọc, thô thiển, bất chấp tất cả để được ăn. Tràng động lòng thương, bởi Tràng cảm nhận được sự đói khát cùng đường ở người đàn bà ấy.

– Lòng thương đã đánh thức con người nhân hậu trong Tràng. Anh hào hiệp, cởi mở, phóng khoáng, đãi người đàn bà xa lạ đến bốn bát bánh đúc. Đó là lòng thương người đồng cảnh ngộ, là vẻ đẹp tình người trong nạn đói. Tài liệu thầy Phan Danh Hiếu

Khi lời bông đùa của Tràng trở thành cái phao cứu sinh của người đàn bà giữa biển đời mênh mông; Tràng có “chợn”, có lo lắng, có hoang mang về tương lai của mình. Nhưng lòng thương người, khát vọng được gắn bó với người đàn bà xa lạ đã khiến anh chiến thắng cả lý trí của mình, để rồi nhanh chóng trở thành chỗ dựa cho người đàn bà. Đây không phải quyết định của kẻ bồng bột mà là thái độ dũng cảm, chấp nhận hoàn cảnh, khát khao hạnh phúc, thương yêu người cùng cảnh ngộ.

2.3. Tràng là người đàn ông có khát vọng hạnh phúc, có ý thức chăm sóc, vun vén cho hạnh phúc gia đình.

– Đồng ý cưu mang người đàn bà xa lạ khiến Tràng trở nên chín chắn, biết lo lắng, quan tâm chăm sóc. Anh “bỏ tiền mua cho thị cái thúng con, trong đựng vài thứ lặt vặt”. Chăm sóc từ cái nhỏ nhặt như thế cũng chứng tỏ Tràng rất tâm lý. Mua cho thị cái thúng là để thị tự tin hơn khi về nhà chồng, vả lại ai lại để vợ mình về nhà bằng tay không bao giờ. Anh còn mua hai hào dầu thắp sáng. Hai hào dầu có thể là “hoang phí” vào lúc này, nhất là khi “chẳng có nhà nào có ánh đèn lửa”.  Nhưng nó mang lại giá trị tinh thần rất lớn, cho thấy, Tràng rất trân trọng giá trị của hạnh phúc, trân trọng người vợ. Với hai hào dầu phải chăng Tràng cũng muốn thắp sáng cả tương lai của mình. Điều đó cũng cho thấy, Tràng không còn hời hợt nông cạn nữa mà đã thực sự nghiêm túc, chu đáo trước quyết định lấy vợ.

– Trên đường “dẫn dâu về nhà chồng”: Tràng hiện lên với hình ảnh “mắt sáng lên lấp lánh”, cái mặt “phớn phở”. Tất cả đều biểu lộ niềm vui, niềm hạnh phúc lâng lâng của một con người lần đầu tiên được đón nhận tình yêu.

Xem thêm:

+ Khóa học văn Online

+ Bài văn điểm 10

+ Bài tập đọc hiểu mẫu mới

+ Đề thi văn theo mẫu mới

– Khi thưa chuyện với mẹ, Tràng tạo ra không khí gia đình ấm áp, thiêng liêng. Tràng cảm nhận được việc lập gia đình là việc hệ trọng, là chuyện cả đời. Anh khéo léo khi gọi người đàn bà xa lạ là “nhà tôi”; tránh làm vợ tổn thương bằng cách gọi mối lương duyên này là “do số”. Anh cũng khéo léo “ép” mẹ mình phải chấp nhận cuộc hôn nhân.

– Tràng không còn thô kệch, vụng về nữa mà trở thành người có ý thức xây dựng hạnh phúc gia đình. Điều đó thể hiện rõ ở tâm trạng của anh vào sáng hôm sau:

+ Tâm trạng lâng lâng hạnh phúc: “lửng lơ êm ái như vừa đi từ trong giấc mơ ra”. Chuyện lấy vợ của Tràng giống như cổ tích, giống như giấc mơ nhưng là giấc mơ có thật. Tài liệu thầy Phan Danh Hiếu

+  Quan sát xung quanh, Tràng cảm nhận được sự thay đổi mới mẻ. Nhà cửa được bàn tay đảm đang của người vợ vun vén đã trở nên gọn gàng. Người mẹ đang giẫy những búi cỏ dại, người vợ đang quét lại cái sân. Cảnh tượng sinh hoạt gia đình bình dị khiến Tràng cảm động. 

+ Tình cảm, suy nghĩ của Tràng có nhiều thay đổi. Lần đầu tiên ở người nông phu ấy thấy yêu thương gắn bó với căn nhà; thấy cần có trách nhiệm với gia đình. Đó là những suy nghĩ chín chắn của người đàn ông trưởng thành chứ không còn là một anh Tràng ngốc ngếch, khờ khạo trước đó.

+ Tràng trở nên lễ phép, ngoan ngoãn, luôn biết vâng lời trước mẹ là biểu hiện của lòng hiếu thảo. Điều này cũng đã được Kim Lân nhắc đến trong tác phẩm “chưa bao giờ mẹ con lại đầm ấm hòa hợp đến thế”.

+ Tràng có niềm tin mãnh liệt vào tương lai tươi sáng. Trong hình ảnh “đoàn người đói, lá cờ đỏ”, tác giả Kim Lân đã gián tiếp nói về nhận thức cách mạng và nhận thức về sự đổi đời của Tràng. Tác giả dự báo, Tràng sẽ xuất hiện dưới lá cờ đó, trong đoàn người đó. Bởi muốn thay đổi được cuộc sống hiện tại, không còn con đường nào khác ngoài con đường đi theo cách mạng, bởi chỉ có cách mạng mới có thể mang lại sự đổi đời cho những người nông dân.  

3. Nghệ thuật xây dựng nhân vật

  Xây dựng nhân vật bằng bút pháp miêu tả, phân tích tâm lý chân thực, tinh tế. Khắc họa nhân vật bằng ngôn ngữ đối thoại sống động, giàu cá tính. Xây dựng tình huống truyện độc đáo, bất ngờ. Ngôn ngữ kể tự nhiên, mộc mạc, gần gũi với lời ăn tiếng nói hàng ngày của người nông dân. Giọng kể hồn hậu, hóm hỉnh, giàu chất trữ tình.

III. KẾT BÀI

Dàn ý của thầy Phan Danh Hiếu

Vui lòng ghi rõ nguồn khi bạn đăng tải lại ở các Fanpage hoặc Web khác. Trân trọng cảm ơn.

logo A