Đề thi thử ngữ văn quốc gia

2
10039

Đề thi thử ngữ văn Quốc gia

TRUNG TÂM LUYỆN THI NGUYỆT QUẾ
Thầy PHAN DANH HIẾU – Bám sát – Điểm cao.
 
ĐỀ THI THỬ QUỐC GIA MÔN NGỮ VĂN 
————————————————————-

PHẦN I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi từ 5-8
“Truyền thuyết kể
Gióng đánh giặc khi mới lên ba
Có dân tộc nào nhọc nhằn hơn thế?
Có nơi đâu
Lịch sử ngập chìm dâu bể
3.000 năm chưa hết giặc trước hiên nhà?
Định mệnh thét gào lịch sử bão giông
Ta giữ nước nhiều gấp bội phần
Thời gian dựng nước
Cho mãi đến hôm nay vẫn chưa thể nào có được
Bởi hạnh phúc
Cũng trông chừng sau, trước
“Nửa cái hôn phải tỉnh thức ngó quân thù” !
Lịch sử nhắc hoài câu chuyện Mẹ Âu Cơ
Sao ta phải lên rừng, xuống biển?
Kẻ cướp trên núi cao, dưới sóng ngầm hung hiểm
Bao năm thâm độc rình mò…
Chúng muốn ta quỳ – mỏi gối xin, cho
Để Hoàng Sa, Trường Sa máu cuộn cùng nước mắt
Để nỗi đau hóa lặng câm giữa hai hàm răng nghiến chặt
Để xa xót tủi hờn nhức mãi tâm can…
Không!
Lịch sử nói rằng sóng nước Bạch Đằng Giang
Rừng Chi Lăng, cửa Chương Dương, Hàm Tử…
Xác giặc chất chồng, bạo tàn mục rữa
Việt Nam ơi, không nhát sợ bao giờ!
Chúng nói rằng có cốt khư (!) người Trung Quốc ở Hoàng Sa
Sao không đến gò Đống Đa để bới thêm, nhiều lắm?
Thanh Triều ư? Bụi ác tàn ngàn dặm
Bão Tây Sơn quét sạch, một tuần!”
(…)
(Trích – Định Mệnh – Hà Văn Thịnh)
 
Câu 1. Đoạn thơ trên được viết theo thể thơ nào?
Câu 2. Chỉ ra phép tu từ trong hai câu thơ sau và nêu tác dụng của nó:
Lịch sử nói rằng sóng nước Bạch Đằng Giang
Rừng Chi Lăng, cửa Chương Dương, Hàm Tử…
Câu 3. Sự khó khăn và tinh thần, khí phách của dân tộc được tác giả thể hiện qua những từ ngữ, câu thơ nào?
Câu 4. Anh/chị có đồng tình với ý thơ:
Ta giữ nước nhiều gấp bội phần
Thời gian dựng nước
Vì sao?
PHẦN II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1: (2.0 điểm)
Dựa trên phần đọc hiểu, viết đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ ) bàn về ý thức trách nhiệm gì của tuổi trẻ đối với Tổ quốc.
Câu 2: (5,0 điểm)
Cảm nhận của anh/chị về tình huống truyện trong đoạn trích sau:
“Ít lâu nay hắn xe thóc Liên đoàn lên tỉnh. Mỗi bận qua cửa nhà kho lại thấy mấy chị con gái ngồi vêu ra ở đây. Hắn đoán họ ngồi đấy nhặt hạt rơi vãi, hay ai có công việc gì gọi đến thì làm. Một lần hắn đang gò lưng kéo cái xe bò thóc vào dốc tỉnh, hắn hò một câu chơi cho đỡ nhọc. Hắn hò rằng:
“Muốn ăn cơm trắng mấy giò này!
Lại đây mà đẩy xe bò với anh, nì!”
Chủ tâm hắn cũng chẳng có ý chòng ghẹo cô nào, nhưng mấy cô gái lại cứ đẩy vai cô ả này ra với hắn, cười như nắc nẻ:
– Kìa anh ấy gọi! Có muốn ăn cơm trắng mấy giò thì ra đẩy xe bò với anh ấy!
Thị cong cớn:
– Có khối cơm trắng mấy giò đấy! Này, nhà tôi ơi, nói thật hay nói khoác đấy?
Tràng ngoái cổ lại vuốt mồ hôi trên mặt cười:
– Thật đấy, có đẩy thì ra mau lên!
Thị vùng đứng dậy, ton ton chạy lại đẩy xe cho Tràng.
– Đã thật thì đẩy chứ sợ gì, đằng ấy nhỉ ! – Thị liếc mắt, cười tít.
Tràng thích lắm. Từ cha sinh mẹ đẻ đến giờ, chưa có người con gái nào cười với hắn tình tứ như thế.
Lần thứ hai, Tràng vừa trả hàng xong, ngồi uống nước ở ngoài cổng chợ tỉnh thì thị ở đâu sầm sập chạy đến. Thị đứng trước mặt hắn sưng sỉa nói:
– Điêu ! Người thế mà điêu !
Hắn giương mắt nhìn thị, không hiểu. Thật ra lúc ấy hắn cũng chưa nhận ra thị là ai. Hôm nay thị rách quá, áo quần tả tơi như tổ đỉa, thị gầy sọp hẳn đi, trên cái khuôn mặt lưỡi cày xám xịt chỉ còn thấy hai con mắt.
– Hôm ấy leo lẻo cái mồm hẹn xuống, thế mà mất mặt.
À, hắn nhớ ra rồi, hắn toét miệng cười:
– Chả hôm ấy thì hôm nay vậy. Này hẵng ngồi xuống ăn miếng giầu đã.
– Có ăn gì thì ăn, chả ăn giầu.
Thị vẫn đứng cong cớn trước mặt hắn.
– Đây, muốn ăn gì thì ăn.
Hắn vỗ vỗ vào túi:
– Rích bố cu, hở!
Hai con mắt trũng hoáy của thị tức thì sáng lên, thị đon đả:
– Ăn thật nhá! ừ ăn thì ăn sợ gì.
Thế là thị ngồi sà xuống ăn thật. Thị cắm đầu ăn một chặp bốn bát bánh đúc liền chẳng chuyện trò gì. ăn xong thị cầm dọc đôi đũa quệt ngang miệng, thở:
– Hà, ngon! Về chị ấy thấy hụt tiền thì bỏ bố.
Hắn cười:
– Làm đếch gì có vợ. Này nói đùa chứ có về với tớ thì ra khuân hàng lên xe rồi cùng về.
Nói thế Tràng cũng tưởng là nói đùa, ai ngờ thị về thật. Mới đầu anh chàng cũng chợn, nghĩ: thóc gạo này đến cái thân mình cũng chả biết có nuôi nổi không, lại còn đèo bòng. Sau không biết nghĩ thế nào hắn chặc lưỡi một cái:
– Chặc, kệ!
Hôm ấy hắn đưa thị vào chợ tỉnh bỏ tiền ra mua cho thị cái thúng con đựng vài thứ lặt vặt và ra hàng cơm đánh một bữa thật no nê rồi cùng đẩy xe bò về…”
(Trích Vợ nhặt – Kim Lân)
Liên hệ bát cháo hành và tình yêu của Thị Nở dành cho Chí Phèo trong Chí Phèo – Nam Cao. Chỉ ra điểm gặp gỡ của hai nhà văn Kim Lân và Nam Cao.
 
—-HẾT —-
 

ĐÁP ÁN CỦA ĐỀ THI

 

TRUNG TÂM LUYỆN THI NGUYỆT QUẾ
Thầy PHAN DANH HIẾU – Bám sát – Điểm cao.
———————–

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Câu 1. Đoạn thơ trên được viết theo thể thơ tự do
Câu 2. Chỉ ra phép tu từ trong hai câu thơ:
Lịch sử nói rằng sóng nước Bạch Đằng Giang
Rừng Chi Lăng, cửa Chương Dương, Hàm Tử…
Hai câu thơ sử dụng phép tu từ liệt kê. Tác giả liệt kê các địa danh: Bạch Đằng, Chi Lăng, Chương Dương, Hàm Tử…
Tác dụng: nhằm nhấn mạnh niềm tự hào của tác giả, của nhân dân Việt Nam về những chiến thắng lẫy lừng của quân và dân ta trong lịch sử chống giặc phương Bắc. Qua đó tác giả cũng nhằm cảnh báo với kẻ thù hung bạo về độc lập chủ quyền và sức mạnh Việt Nam.
Câu 3. Sự khó khăn và tinh thần, khí phách của dân tộc được tác giả thể hiện qua những từ ngữ, câu thơ:
Khó khăn: tác giả sử dụng những từ ngữ chỉ sự khó khăn của đất nước trước hoạ xâm lăng của ngoại bang: “nhọc nhằn”, “dâu bể”, “bão giông”, “chưa hết giặc trước hiên nhà”, “lên rừng xuống biển”, “Kẻ cướp trên núi cao, dưới sóng ngầm hung hiểm/ Bao năm thâm độc rình mò…”
Khí phách dân tộc được thể hiện: Việt Nam ơi không nhát sợ bao giờ.

Câu 4. – Đồng tình. Vì: chúng ta có hơn 10 thế kỷ chống giặc phương Bắc, 1 thế kỷ chống giặc phương Tây và tay sai bán nước. Đó là thời gian dài nhiều mất mát, hi sinh gian khổ.

PHẦN II. LÀM VĂN (7,0 ĐIỂM)
Câu 1: (2.0 điểm)

Đoạn thơ gợi cho em ý thức trách nhiệm đối với tổ quốc:
– Yêu nước, quyết tâm bảo vệ tổ quốc.
– Ra sức học tập phục vụ đất nước.

– Sẵn sàng lên đường khi tổ quốc kêu gọi.

Câu 2: (5.0 điểm)
1. Tác giả/tác phẩm/vị trí đoạn trích  
2. Cảm nhận tình huống
2.1. Khái niệm tình huống và biểu hiện tình huống: 
– Tình huống truyện là sự kiện đặc biệt của đời sống được nhà văn sáng tạo theo lối lạ hóa. Đó là môi trường, hoàn cảnh để nhân vật xuất hiện, tính cách phát triển và dụng ý của nhà văn được bộc lộ sắc nét. Nhà văn Nguyễn Minh Châu từng cho rằng: “Tình huống truyện là lát cắt, là khúc cua đời sống, nhưng qua đó, ta hiểu được trăm năm của đời thảo mộc”.
– Biểu hiện tình huống: Tràng nghèo khổ xấu xí, ế vợ. Giữa lúc nạn đói đang diễn ra, chỉ một câu hò. Bốn bát bánh đúc cứu đói. Thế mà có người đàn bà đã chấp nhận cho không đời mình để về làm vợ Tràng. Đây là tình huống vừa bi lại vừa hài.
2.2. Tình huống truyện tạo nên vẻ đẹp tâm hồn ở các nhân vật:  
2.2.1. Người vợ nhặt và khát vọng sống mãnh liệt
– Người vợ nhặt xuất hiện với cuộc sống bấp bênh, trôi nổi, không biết đến ngày mai là gì. Ngoại hình rách rưới thảm hại; tính cách sỗ sàng, trơ trẽn, nanh nọc chua ngoa. Thị sẵn sang bán danh dự, đổi nhân cách lấy bốn bán bánh đúc. Thị chấp nhận “Miếng ăn là miếng nhục” để được sống.
– Cái đói đẩy người đàn bà đến sự cùng đường liều lĩnh: Tràng nói đùa – thị tưởng thật. Thị chấp nhận cho không, biếu không bản thân mình cho người đàn ông xa lạ.
– Dù cận kề cái chết nhưng thị luôn bám lấy sự sống bằng mọi giá. Đó là vẻ đẹp của lòng khát sống, dám sống đến mãnh liệt.
2.2.2. Tràng – người đàn ông tốt bụng.
– Người đàn ông xấu xí, nghèo khổ nhưng hào hiệp và tốt bụng, cởi mở. Anh thương một người đói khát hơn mình. Sẵn sàng cứu đói cho người đàn bà xa lạ.
– Tràng sẵn lòng cưu mang người đồng cảnh ngộ. Chấp nhận đưa thị về là một quyết định mạo hiểm nhưng Tràng vẫn chấp nhận.
– Tràng nhanh chóng trưởng thành, biết quan tâm lo lắng cho vợ. Anh mua hai hào dầu, mua cho thị cái thúng con, đánh một bữa cơm no nê… Tất cả những biểu hiện ấy là vẻ đẹp của tấm lòng nhân hậu và sự trân trọng hạnh phúc.
2.2.3. Tình huống truyện đem đến kết thúc có hậu.
– Tràng đưa vợ về nhà. Bà cụ Tứ chấp nhận cho cuộc hôn nhân. Cuộc sống mới bắt đầu. Hạnh phúc được nhen lên, được đón nhận.
– Tính cách, tâm trạng ở các nhân vật thay đổi tích cực. Bà cụ Tứ tươi cười, cái mặt bủng beo u ám bỗng dưng rạng rỡ hẳn lên. Người vợ nhặt không còn vẻ chao chát, chỏng lỏn mà hiền hậu, biết lo toan. Tràng trưởng thành hơn trong suy nghĩ và hành động.
2.3. Giá trị của tình huống truyện.
Tình huống truyện thể hiện thái độ của nhà văn đối với con người và thực trạng xã hội đương thời.
* Nhà văn lên án tội ác của bọn phát xít Nhật, thực dân Pháp và phong kiến tay sai đã gây ra nạn đói khủng khiếp năm 1945 (giá trị hiện thực)
* Thái độ cuả nhà văn đối với con người:
– Kim Lân trân trọng, tôn vinh những phẩm chất tốt đẹp của người dân nghèo: Dù đối mặt với hoàn cảnh sống ngặt nghèo, tăm tối, người dân nghèo vẫn luôn thương yêu, đùm bọc, cưu mang nhau. Thật đúng với tinh thần”Thương người như thể thương thân”, “Lá lành đùm lá rách” của dân tộc Việt Nam. (giá trị nhân đạo)
3. Nghệ thuật: Xây dựng tình huống truyện độc đáo, bất ngờ. Ngôn ngữ mộc mạc giản dị. Trần thuật hấp dẫn.

2 COMMENTS

  1. thầy Hiếu ơi ! Em cảm ơn thầy vì đã chia sẻ cho chúng em rất nhiều bài tập bổ ích . mặc dù mới học lớp 11 , chưa hiểu hết nhiều chỗ thầy viết nhưng em thấy văn của thầy rất hay . nếu có gì khó , em mong thầy giúp đỡ ạ. .

Phản hồi của bạn

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây