MỤC LỤC BÀI VIẾT
Đề thi thử môn Văn THPT Quốc Gia số 23
TRUNG TÂM LUYỆN THI NGUYỆT QUẾ – TP BIÊN HÒA – ĐỒNG NAI
ĐỀ THI THỬ THÁNG 3 – ĐỀ SỐ 23
Giáo viên ra đề: Ths Phan Danh Hiếu
PHẦN I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:
Đất nước mình bé nhỏ vậy thôi em
Nhưng làm được những điều phi thường lắm
Bởi hai tiếng nhân văn được cất vào sâu thẳm
Bởi vẫn giữ vẹn nguyên hai tiếng đồng bào.
Em thấy không? Trong nỗi nhọc nhằn, vất vả, gian lao
Khi dịch bệnh hiểm nguy đang ngày càng lan rộng
Cả đất nước mình cùng đồng hành ra trận
Trên dưới một lòng chống dịch thoát nguy.
Với người láng giềng đang lúc lâm nguy
Đất nước mình không ngại ngần tiếp tế
Dù mình còn nghèo nhưng mình không thể
Nhắm mắt làm ngơ khi ai đó cơ hàn.
Với đồng bào mình ở vùng dịch nguy nan
Chính phủ đón về cách ly trong doanh trại
Bộ đội vào rừng chịu nắng dầm sương dãi
Để họ nghỉ ngơi nơi đầy đủ chiếu giường.
Với chuyến du thuyền đang khóc giữa đại dương
Mình mở cửa đón họ vào bến cảng
Chẳng phải bởi vì mình không lo dịch nạn
Mà chỉ là vì mình không thể thờ ơ.
Thủ tướng phát lệnh rồi, em đã nghe rõ chưa
“Trong cuộc chiến này sẽ không có một ai bị để lại”
Chẳng có điều gì làm cho mình sợ hãi
Khi trong mỗi người nhân ái được gọi tên.
Từ mái trường này em sẽ lớn lên
Sẽ khắc trong tim bóng hình đất nước
Cô sẽ nối những nhịp cầu mơ ước
Để em vẽ hình Tổ quốc ở trong tim.
Nhớ nghe em, ta chẳng phải đi tìm
Một đất nước ở đâu xa để yêu hết cả
Đảng đã cho ta trái tim hồng rạng tỏa
Vang vọng trong lòng hai tiếng gọi Việt Nam!
(Đất nước ở trong tim, bài thơ của cô giáo Chu Ngọc Thanh, Gia Lai)
Trả lời các câu hỏi sau:
Câu 1. Bài thơ trên nói về sự kiện gì? Cảm xúc của tác giả trong bài thơ?
Câu 2. Việc trích dẫn ý kiến của thủ tướng trong bài thơ có tác dụng gì?
Câu 3. Ý nghĩa của hai dòng thơ:
Chẳng có điều gì làm cho mình sợ hãi
Khi trong mỗi người nhân ái được gọi tên.
Câu 4. Hãy rút ra thông điệp của bài thơ? Từ thông điệp ấy, Anh/chị thấy bản thân mình cần học tập và phát huy điều gì để làm rạng danh con người Việt Nam.
PHẦN II. LÀM VĂN (7.0 điểm)
Câu 1. (2.0 điểm)
Từ nội dung phần Đọc hiểu, Anh/chị hãy viết 01 đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ) bàn về ý nghĩa của hai từ “Nhân ái”.
Câu 2. (5.0 điểm)
“Giữa cái mẹt rách có độc một lùm rau chuối thái rối, và một đĩa muối ăn với cháo, nhưng cả nhà đều ăn rất ngon lành. Bà cụ vừa ăn vừa kể chuyện làm ăn, gia cảnh với con dâu. Bà lão nói toàn chuyện vui, toàn chuyện sung sướng về sau này:
– Tràng ạ. Khi nào có tiền ta mua mua lấy đôi gà. Tao tính rằng cái chỗ đầu bếp kia làm cái chuồng gà thì tiện quá. Này ngoảnh đi ngoảnh lại chả mấy chốc mà có ngay đàn gà cho mà xem…
Tràng chỉ vâng. Tràng vâng rất ngoan ngoãn. Chưa bao giờ trong nhà này mẹ con lại đầm ấm, hòa hợp như thế. Câu chuyện trong bữa ăn đang đà vui bỗng ngừng lại. Niêu cháo lõng bõng, mỗi người được có hai lưng bát đã hết nhẵn.
Bà lão đặt đũa bát xuống, nhìn hai con vui vẻ:
– Chúng mày đợi u nhá. Tao có cái này hay lắm cơ.
Bà lão lật đật chạy xuống bếp, lễ mễ bưng ra một cái nồi khói bốc lên nghi ngút. Bà lão đặt cái nồi xuống bên cạnh mẹt cơm, cầm cái môi vừa khuấy khuấy vừa cười:
– Chè đây. – Bà lão múc ra một bát – Chè khoán đây, ngon đáo để cơ.
Người con dâu đón lấy cái bát, đưa lên mắt nhìn, hai con mắt thị tối lại. Thị điềm nhiên và vào miệng. Tràng cầm cái bát thứ hai mẹ đưa cho, người mẹ vẫn tươi cười, đon đả:
– Cám đấy mày ạ, hì. Ngon đáo để, cứ thử ăn mà xem. Xóm ta còn khối nhà chả có cám mà ăn đấy…
Tràng cầm đôi đũa, gợt một miếng bỏ vội vào miệng. Mặt hắn chun ngay lại, miếng cám đắng chát và nghẹn bứ trong cổ. Bữa com từ đấy không ai nói câu gì, họ cắm đầu ăn cho xong lần, họ tránh nhìn mặt nhau. Một nỗi tủi hờn len vào tâm trí mọi người”.
Cảm nhận của Anh/chị về vẻ đẹp của các nhân vật trong đoạn trích trên. Qua đó phát biểu giá trị nhân đạo sâu sắc của tác phẩm “Vợ nhặt”.
—HẾT—
ĐÁP ÁN
PHẦN I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)
Câu 1.
– Bài thơ trên nói về sự kiện:
+ Dịch cúm Covid-19 đang diễn ra và sự đoàn kết, đồng lòng của nhân dân Việt Nam; tấm lòng nhân ái của đất nước ta với láng giềng và công dân các nước trên du thuyền.
+ Trách nhiệm của chính phủ Việt Nam với công dân của mình ở vùng dịch.
– Cảm xúc của tác giả trong bài thơ: yêu thương, tự hào
Câu 2.
– Tác giả trích dẫn ý kiến của thủ tướng: “Trong cuộc chiến này sẽ không có một ai bị để lại”
– Tác dụng:
+ Làm bài thơ trở nên sinh động, hấp dẫn, giàu tính biểu cảm, giàu sức thuyết phục.
+ Thể hiện tinh thần, truyền thống nhân văn cao đẹp của con người Việt Nam: tinh thần tương thân tương ái của người Việt và trách nhiệm cao cả, sự quan tâm lớn lao của chính phủ với công dân của mình.
Câu 3. Ý nghĩa của hai dòng thơ:
Chẳng có điều gì làm cho mình sợ hãi
Khi trong mỗi người nhân ái được gọi tên.
– Hai câu thơ nói riêng và bài thơ nói chung đã đề cao lòng nhân ái, tình yêu thương. Khẳng định “nhân ái” chính là sức mạnh lớn nhất giúp con người vượt qua mọi nỗi sợ hãi.
– Khi trong mỗi con người ai cũng có lòng nhân ái thì sẽ tạo nên một xã hội văn minh, đoàn kết; con người sẽ không còn sợ sự cô độc, lạc lõng.
Câu 4.
– Thông điệp của bài thơ: Hãy sống yêu thương nhân ái và trách nhiệm.
– Bản thân cần học tập và phát huy: (Học sinh có thể làm theo cách hiểu khác. Các ý sau chỉ là tham khảo)
+ Rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, lối sống chuẩn mực.
+ Đem nhân ái, yêu thương đến với mọi người bằng những hành động thiết thực.
+ Sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội.
+ Luôn phát huy sức mạnh tuổi trẻ, nhiệt huyết thanh niên. Phát huy truyền thống nhân văn, nhân đạo của đất nước.
+ Yêu đất nước, Tổ quốc, sống có ước mơ hoài bão.
+ Lên án lối sống vô trách nhiệm, thờ ơ, vô cảm.
PHẦN II. LÀM VĂN (7.0 điểm)
Câu 1. (2.0 điểm) Thí sinh tham khảo một số ý sau.
– Nhân ái là một truyền thống cao đẹp của dân tộc Việt Nam. Nhân ái là biết quan tâm, giúp đỡ làm những điều tốt đẹp cho người khác. Nhân ái còn là biết vị tha, yêu thương đồng cảm.
– Lòng nhân ái sẽ giúp cho xã hội trở nên văn minh; con người sống biết quan tâm, yêu thương nhau.
– Lòng nhân ái là sức mạnh giúp con người chiến thắng mọi nỗi sợ hãi. Nhân ái sẽ giúp con người xích lại gần nhau. Khi yêu thương bác ái được lan tỏa thì đó cũng là lúc ta đánh bại được lối sống thờ ơ, vô cảm.
– Người có lòng nhân ái luôn được mọi người yêu mến, nể trọng. Bởi vậy cần phát huy lòng nhân ái, nhân văn.
Câu 2. (5.0 điểm)
- Đang cập nhật. Quay lại sau
Một comment là một tấm lòng, mỗi nút share là động lực cho người làm đề. Hãy quay lại sau một ngày sẽ có đáp án.
Tất cả có rất đầy đủ tại khóa học Offline và Online: Khóa Online học mọi lúc mọi nơi
HÃY XEM VIDEO NÀY ĐỂ
HỌC GIỎI VĂN HƠN NÀO