Đề thi học kỳ môn ngữ văn

0
10753

MỤC LỤC BÀI VIẾT

Đề thi học kỳ môn ngữ văn

HƯỚNG DẪN GIẢI ĐỀ THI HỌC KỲ II – SỞ GD – ĐT ĐỒNG NAI

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

      Mùa hè năm nọ, bão vào Hà Nội gào rú một đêm, sáng ra mở cửa nhìn sang đền Ngọc Sơn mà hãi. Cây si cổ thụ đổ nghiêng tán cây đè lên hậu cung, một phần bộ rễ bật gốc chỏng ngược lên trời. Lập tức cô nghĩ ngay tới sự khác thường, sự dời đổi, điềm xấu, là sự ra đi của một thời […] Mấy ngày sau, cô kể tiếp, thành phố cho máy cẩu tới đặt bên kia bờ, quàng dây tời vào thân cây si rồi kéo dần lên, mỗi ngày một tí. Sau một tháng, cây si lại sống, lại trổ ra lá non, vẫn là cây si của nhiều thế hệ Hà Nội, nghĩ cứ lạ, tưởng là chết đứt bổ ra làm củi, mà lại sống. Cô nói thêm : “Thiên địa tuần hoàn, cái vào ra của tạo vật không thể lường trước được”. Cô muốn mở rộng sự tính toán vốn dĩ đã rất khôn ngoan của mình lên thêm một tầng nữa chăng, cái tầng vô hình, không thể biết, nhưng phải biết là trên đời này còn có nhiều lý sự không thể biết để khỏi bị bó vào những cái có thể biết. Bà già vẫn giỏi quá, bà khiêm tốn và rộng lượng quá. Một người như cô phải chết đi thật tiếc, lại một hạt bụi vàng của Hà Nội rơi xuống chìm sâu vào lớp đất cổ. Những hạt bụi vàng lấp lánh đâu đó ở mỗi góc phố Hà Nội hãy mượn gió mà bay lên cho đất kinh kỳ chói sáng những ánh vàng.

                                    (Trích Một người Hà Nội – Nguyễn Khải, Ngữ văn 12, tập 2, Ban Cơ Bản , NXB Giáo Dục 2015)

  1. Đoạn trích đã sử dụng những phương thức biểu đạt nào?
  2. Nhân vật chính được nhắc đến trong đoạn trích là ai?
  3. Hãy nêu ý nghĩa hình ảnh ẩn dụ cây si cổ thụ ở đến Ngọc Sơn.
  4. Xác định và nêu hiệu quả nghệ thuật của phép tu từ được sử dụng trong câu văn: “Những hạt bụi vàng lấp lánh đâu đó ở mỗi góc phố Hà Nội hãy mượn gió mà bay lên cho đất kinh kỳ chói sáng những ánh vàng”.
  5. Nêu những phẩm chất của nhân vật được thể hiện trong đoạn trích.
  6. Anh/chị sẽ làm gì để bản thân cũng trở thành một “hạt bụi vàng” trong cuộc sống (trình bày từ 5-7 dòng)

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1: (3,0 điểm)

           Tính đến nay, đã có 12 tỉnh công bố tình trạng thiên tai hạn hán, xâm nhập mặn, trong đó có mười tỉnh thuộc nam Trung Bộ và đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là Bình Thuận, Ninh Thuận, Tiền Giang, Bến Tre, Kiên Giang, Sóc Trăng, Long An, Cà Mau, Vĩnh Long, Trà Vinh và hai tỉnh Tây Nguyên là Gia Lai và Kon Tum. Dự báo, thiên tai sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp, nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp, hàng trăm nghìn hộ dân có thể sẽ bị đói do mất nguồn lương thực.    (Theo báo Nhân dân điện tử ngày 25.3.2016)

    Từ thông tin trên, anh/chị hãy viết một bài luận khoảng 400 từ trình bày suy nghĩ của mình về hiện tượng biến đổi khí hậu nghiêm trọng đang diễn ra ở nước ta hiện nay”.

Câu 2: (4,0 điểm)

        Phân tích vai trò của tiếng sáo trong việc khắc hoạ diễn biến tâm lý của nhân vật Mị (Trích Vợ chồng A Phủ – Tô Hoài, Ngữ văn 12, tập 2, Ban Cơ Bản, NXB Giáo dục 2015)

HƯỚNG DẪN

 PHẦN I. ĐỌC HIỂU 

1. Đoạn văn sử dụng các phương thức biểu đạt: tự sự, miêu tả, biểu cảm.
2. Nhân vật chính được nhắc đến là bà Hiền – một con người tiêu biểu cho giá trị văn hoá của Hà Nội.
3. Suy nghiệm triết học: Hình ảnh cây si bị bão đánh bật rễ rồi lại hồi sinh
+ Cây si: biểu tượng của văn hóa, nét cổ kính, linh thiêng của đất kinh kì ngàn năm văn hiến.

+ Đổ nghiêng tán cây đè lên hậu cung, một phần bộ rễ bật đất chổng ngược lên trời => sự biến thiên của lịch sử, qui luật nghiệt ngã của tự nhiên.

+ Hồi sinh: lại sống, lại trổ ra lá non => niềm tin, lạc quan vào sự phục hồi những giá trị tinh thần của Hà Nội.

– Khẳng định nét đẹp văn hóa Hà Nội Là trường tồn mãi mãi, dù có bị thử thách của thời gian, sự thay đổi của cuộc sống thì nét đẹp Hà Nội vẫn sẽ sống mãi, kiên cường và tồn tại vĩnh hằng.

– Chuyện cây si cổ thụ ở đền Ngọc Sơn đã biểu hiện một nét phong cách quen thuộc của Nguyễn Khải : khắc họa hình ảnh không phải chỉ để miêu tả sự vật, kể lại sự việc mà chủ yếu là để triết luận về hiện thực.

– Nếu ban đầu nghi ngại về cô Hiền thì ở cuối tác phẩm, tác giả phải thốt lên ca ngợi , cảm phục, so sánh cô với ”hạt bụi vàng”. Hạt bụi nhỏ bé, nhưng quý hiếm, những hạt bụi ấy góp phần làm đẹp cho Hà Nội.

4. Phép tu từ được diễn đạt trong câu văn là phép ẩn dụ. Tác giả dùng hình ảnh “hạt bụi vàng” để ca ngợi vẻ đẹp của bà Hiền.
Tác dụng: tăng sức gợi hình, tăng chiều sâu vẻ đẹp tâm hồn nhân vật và để lại ý nghĩa:
– Nói đến hạt bụi, người ta nghĩ đến vật nhỏ bé, tầm thường. Có điều là hạt bụi vàng thì dù nhỏ bé nhưng có giá trị quý báu.
– Cô Hiền là một người Hà Nội bình thường nhưng cô thấm sâu vào những cái tinh hoa trong bản chất người Hà Nội. Bao nhiêu hạt bụi vàng, bao nhiêu người như cô Hiến sẽ hợp lại thành những “ánh vàng” chói sáng. Ánh vàng ấy là phẩm giá người Hà Nội, là cái truyền thống cốt cách người Hà Nội.

5. Phẩm chất của nhân vật cô được thể hiện qua đoạn trích:
– Sự lạc quan, tin tưởng vào sự bất diệt của những giá trị cổ truyền.
– Là người hiểu biết, có vốn sống
– “Bà già vẫn giỏi quá, vẫn khiêm tốn và độ lượng” > lời nhân vật tôi.
6. Cần làm gì để trở thành “hạt bụi vàng”?
– Rèn luyện nhân cách, phẩm giá, đạo đức
– Luôn có ý thức gìn giữ và phát huy những tinh hoa văn hoá của dân tộc.
– Tích cực học tập và cống hiến.

PHẦN II. LÀM VĂN

Câu 1:
Mở bài: dẫn dắt vấn đề
II. Thân bài
1. Giải thích
– Ý 1: tóm tắt bản tin
– Ý 2: giải thích thế nào là biến đổi khí hậu?
Biến đổi khí hậu là sự thay đổi của khí hậu diễn ra trong một khoảng thời gian dài, tác động đến môi trường sống của nhiều sinh vật trên Trái Đất. Nó có thể là sự nóng lên của trái đất, sự dâng cao mực nước biển do tan băng, sự thay đổi cường độ hoạt động của quá trình hoàn lưu khí quyển, chu trình tuần hoàn nước trong tự nhiên …
2. Bàn luận
a. Tác hại
– Gây tình trạng hạn hán kéo dài ảnh hưởng tới vấn đề cây trồng vật nuôi. Dẫn chứng (nêu như đề bài)
– Biến đổi khí hậu còn gây nên tình trạng lũ lụt, thiên tai…
– Ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, thiếu nước sinh hoạt hoặc ô nhiễm nguồn nước
– Kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
b. Nguyên nhân
– Do sự tác động của con người.
– Do sự biến đổi của tự nhiên
c. Giải pháp
– Cần chủ động nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.
– Kêu gọi sự chung tay góp sức của cộng đồng quốc tế
III. Kết bài

Câu 2:
I. Mở bài: dẫn dắt vấn đề chi tiết tiếng sáo
II. Thân bài
1. Khái quát tác giả, tác phẩm (nếu mở bài nói rồi thì thôi)
2. Cảm nhận nội dung
2.1. Ý nghĩa của chi tiết tiếng sáo
– Tiếng sáo là hiện thân của ký ức tươi đẹp. Là tín hiệu của đêm tình.
– Là ẩn dụ để chỉ tuổi trẻ của Mị.
– Là biểu tượng cho khát vọng tự do.
2.2. Tác động đến Mị làm bừng lên sức sống tiềm tàng mãnh liệt.
– Nghe tiếng sáo vọng lại nơi đầu núi, Mị thấy “thiết tha bổi hổi” – trái tim Mị được thức dậy những cảm xúc của tuổi trẻ.
– Tiếng sáo thức dậy cả tài năng âm nhạc: Mị ngồi nhẩm thầm lời người đang thổi sáo.
– Tiếng sáo làm Mị “nổi loạn” – uống rượu. Say và tỉnh. Mị đi về giữa hai thế giới: quá khứ và hiện tại; niềm vui và nỗi buồn.
– Như chất men say đánh thức tuổi trẻ, tiếng sáo làm Mị khao khát tự do, khao khát vượt ngục, Mị thấy mình trẻ, muốn được đi chơi.
– Tiếng sáo rập rờn trong đầu Mị như sự thôi thúc, réo gọi làm Mị hành động gấp gáp, mãnh liệt: cuốn lại tóc, với tay lấy váy hoa… Mị không còn biết sự hiện diện của A Sử. A Sử hỏi Mị không trả lời. A Sử trói, Mị không biết. Vì tâm hồn Mị đang cùng tiếng sáo lửng lơ bay ngoài đường.
– Lúc bị trói, Mị không biết mình bị trói. Tiếng sáo diệu kỳ làm tinh thần Mị như quên đi hiện tại, tạm quên đi nỗi đau thể xác.
– Nhưng cũng chính tiếng sáo làm tăng thêm bi kịch của Mị. Quay về hiện tại, chỉ còn nghe tiếng chân ngựa đạp vào vách.

SO SÁNH THÊM ÂM THANH CUỘC SỐNG TRONG TP CHÍ PHÈO.
3. Nghệ thuật
– Xây dựng chi tiết đặc sắc
– Miêu tả tâm lý nhân vật sắc sảo
– Dẫn truyện tự nhiên, sinh động
– Ngôn ngữ mộc mạc, bình dị, giàu chất thơ
III. Kết bài
——–
THẦY PHAN DANH HIẾU – GIÁO VIÊN TRƯỜNG THPT TRẤN BIÊN
DẠY TẠI TRUNG TÂM LUYỆN THI QUỐC GIA NGUYỆT QUẾ, ĐỒNG KHỞI, BIÊN HÒA.

Phản hồi của bạn

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây