Mở bài kết bài cho bài thơ Việt Bắc

0
194614

MỤC LỤC BÀI VIẾT

 Mở bài kết bài cho bài thơ Việt Bắc

Mở bài Việt Bắc 1

Tố Hữu là nhà thơ trữ tình chính trị, là lá cờ đầu của thơ ca cách mạng Việt Nam. Thơ Tố Hữu thể hiện lẽ sống lớn, tình cảm lớn của con người Cách mạng. Thơ ông đậm đà tính dân tộc trong nội dung và hình thức thể hiện. Bài thơ “Việt Bắc” là đỉnh cao của thơ Tố Hữu và cũng là đỉnh cao của thơ ca kháng chiến chống Pháp. Bài thơ qua đối đáp của hai nhân vật Mình – Ta đã trở thành một bài ca không bao giờ quên về những năm tháng kháng Pháp gian khổ, hào hùng mà nghĩa tình son sắt, thuỷ chung. Tất cả những giá trị nội dung và nghệ thuật đặc sắc của Việt Bắc đã được ngòi bút Tố Hữu tập trung thể hiện tinh tế qua đoạn thơ: (đoạn nào thì dẫn vào)

Mở bài Việt Bắc 2

Bàn về tình yêu Tổ quốc Tố Hữu đã từng tâm sự rằng: “Tôi yêu đất nước và nhân dân tôi, tôi viết về đất nước và nhân dân tôi như viết về người đàn bà tôi yêu”. Thật vậy , thấm đẫm trong mỗi trang thơ của Tố Hữu là một bản tình ca về quê hương Tổ quốc và người dân đất Việt, là những khúc hát yêu thương thấm đượm nghĩa tình. “Việt Bắc” là bài thơ thể hiện rõ nhất tình yêu bất diệt ấy của nhà thơ mà cụ thể là đoạn thơ sau: (đoạn nào thì dẫn vào nhé)

Mở bài Việt Bắc 3

Nhà thơ Chế Lan Viên đã từng triết lý: “Khi ta ở, đất chỉ là nơi ở/ Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”. Và có một mảnh đất tình người đã hóa thân thành hồn thành nỗi nhớ trong lòng người cán bộ về xuôi. Đó là mảnh đất Việt Bắc ân tình – quê hương của kháng chiến, quê hương của những  con người áo chàm nghèo khó mà “đậm đà lòng son” khiến ai đã từng đặt chân đến nơi đây cũng phải bồi hồi, xao xuyến . Mảnh đất ấy đã trở thành niềm thương, nỗi nhớ, thành cảm hứng cho thơ ca. Và có một bài thơ đã ra đời vì mảnh đất yêu thương nghĩa tình ấy – đó là bài thơ Việt Bắc của nhà thơ cách mạng Tố Hữu.

 

HÃY ĐĂNG KÝ KÊNH YOUTUBE CỦA THẦY ĐỂ NHẬN BÀI GIẢNG. BẤM VÀO

 

Mở bài Việt Bắc 4

Tố Hữu đã  từng nói : Thơ chỉ tràn ra khi trong tim ta cuộc sống đã thật đầy, chính những niềm thương, nỗi nhớ trào dâng ấy đã tạo ra những rung động mãnh liệt trong cảm xúc để rồi thơ ca đã trào ra bao nỗi nhớ thương vô vàn. Việt Bắc chính là những rung động mạnh liệt ấy của Tố Hữu. Bài thơ là kết tinh, là di sản của “mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng” giữa cán bộ cách mạng và nhân dân Việt Bắc. Tác phẩm là một khúc tình ca và cũng là khúc hùng ca về cuộc kháng chiến và con người kháng chiến. Bài thơ được viết ra như lời hát tâm tình của một mối tình thiết tha đầy lưu luyến giữa người kháng chiến và đồng bào Việt Bắc được thể hiện qua lăng kính trữ tình – chính trị, đậm tính dân tộc và ngòi bút dạt dào cảm xúc của thi nhân.

Mở bài Việt Bắc 5

Có ai đó từng nói: “Thơ ca bắt rễ từ lòng người, nở hoa nơi từ ngữ”. Thật vậy hiện thực của cuộc kháng chiến chống Pháp và trái tim chân thành của Tố Hữu dành cho mảnh đất quê hương Cách Mạng Việt Bắc đã chắp cánh cho hồn thơ ông bay lên cùng tâm hồn thời đại. Bằng tình cảm của nhà thơ trữ tình chính trị – Tố Hữu đã hái lượm những bông hoa ngôn từ trong vườn hoa từ ngữ dân tộc để sáng tác nên bài thơ Việt Bắc. Bài thơ là khúc hùng ca kháng chiến mà cũng là bản tình ca cách mạng về những năm tháng quá khứ gian lao mà nghĩa tình. Trong những vần thơ đầy cảm động của Việt Bắc, đoạn thơ sau là đoạn thơ ấn tượng hơn cả:

—–

 Sau mở bài dẫn đoạn sau vào phần đầu tiên của thân bài:

–  Việt Bắc là khu căn cứ địa kháng chiến được thành lập từ năm 1940, gồm sáu tỉnh viết tắt là “Cao – Bắc – Lạng – Thái – Tuyên – Hà”. Nơi đây, cán bộ chiến sĩ và nhân dân Việt Bắc đã có mười lăm năm gắn bó keo sơn, nghĩa tình (1940 – 1954).

–  Sau hiệp định Giơnevơ, tháng 10.1954, Trung ương Đảng và cán bộ rời Việt Bắc. Buổi chia tay lịch sử ấy đã trở thành niềm cảm hứng cho Tố Hữu sáng tác bài thơ “Việt Bắc”. Trải dài khắp bài thơ là niềm thương nỗi nhớ về những kỷ niệm kháng chiến gian khổ nhưng nghĩa tình.

 Trước khi kết bài nhớ đánh giá lại nghệ thuật

Nghệ thuật: Thể thơ lục bát truyền thống ngọt ngào sâu lắng mà cũng biến hoá linh hoạt. Sử dụng nhiều biện pháp tu từ: … Hai đại từ nhân xưng Ta – Mình quấn quýt giao hoà; ngôn ngữ giản dị, mộc mạc như lời ăn tiếng nói của nhân dân nghĩa tình…

Kết bài cho Việt Bắc

Là người, ai mà chẳng có trong tim mình một miền đất để nhớ để thương. Bởi “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở – Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn”. Có lẽ vì thế mà quê hương cách mạng Việt Bắc đã không ngần ngại chắp cánh cho hồn  thơ Tố Hữu viết nên thi phẩm cùng tên mà ngày nay chúng ta vẫn nâng niu trên tay như một hòn ngọc quý.

Thầy Phan Danh Hiếu

Xem video cách viết mở bài hay 

 

Phản hồi của bạn

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây