Đề thi chính thức môn Ngữ văn 2019 và bài làm mẫu

0
17671

Đề thi chính thức môn Ngữ văn 2019 và bài làm mẫu

KỲ THI TRUNG HỌC PHỔ THÔNG QUỐC GIA NĂM 2019

Bài thi: NGỮ VĂN

         Thời gian làm bài: 120 phút, không kể thời gian phát đề

I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)

         Đọc đoạn trích:

Biết nói gì trước biển em ơi

Trước cái xa xanh thanh khiết không lời 

Cái hào hiệp ngang tàng của gió 

Cái kiên nhẫn nghìn đời sóng vỗ 

Cái nghiêm trang của đá đứng chen trời 

Cái giản đơn sâu sắc như đời 

Chân trời kia biển mãi gọi người đi 

Bao khát vọng nửa chừng tan giữa sóng

Vầng trán mặn giọt mồ hôi cay đắng

Bao kiếp vùi trong đáy lạnh mù tăm

Nhưng muôn đời vẫn những cánh buồm căng

Bay trên biển như bồ câu trên đất

Biển dư sức và người không biết mệt

Mũi thuyền lao mặt sóng lại cày bừa

Những chân trời ta vẫn mãi tìm đi

          (Trước biển – Vũ Quần Phương, Thơ Việt Nam 1945-1985, NXB Văn học, 1985, tr.391)

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1. Đoạn trích trên được viết theo thể thơ nào?

Câu 2: Anh/ Chị hiểu nội dung các dòng thơ sau như thế nào?

Vầng trán mặn giọt mồ hôi cay đắng

Bao kiếp vùi trong đáy lạnh mù tăm

Câu 3. Hãy cho biết hiệu quả của phép điệp trong các dòng thơ sau:

Cái hào hiệp ngang tàng của gió 

Cái kiên nhẫn nghìn đời sóng vỗ 

Cái nghiêm trang của đá đứng chen trời 

Cái giản đơn sâu sắc như đời 

Câu 4. Hành trình theo đuổi khát vọng của con người được thể hiện trong đoạn trích gợi cho anh/chị suy nghĩ gì?

II. LÀM VĂN (7.0 điểm)

 Câu 1. (2,0 điểm)

         Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/ chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) về sức mạnh ý chí của con người trong cuộc sống.

Câu 2. (5,0 điểm)

         “Trong những dòng sông đẹp ở các nư­ớc mà tôi thư­ờng nghe nói đến, hình như­ chỉ sông Hương là thuộc về một thành phố duy nhất. Trư­ớc khi về đến vùng châu thổ êm đềm, nó đã là một bản tr­ường ca của rừng già, rầm rộ giữa bóng cây đại ngàn, mãnh liệt qua những ghềnh thác, cuộn xoáy như­ cơn lốc vào những đáy vực bí ẩn, và cũng có lúc nó trở nên dịu dàng và say đắm giữa những dặm dài chói lọi màu đỏ của hoa đỗ quyên rừng. Giữa lòng Trường Sơn, sông Hư­ơng đã sống một nửa cuộc đời của mình như­ một cô gái Di-gan phóng khoáng và man dại. Rừng già đã hun đúc cho nó một bản lĩnh gan dạ, một tâm hồn tự do và trong sáng. Như­ng chính rừng già nơi đây, với cấu trúc đặc biệt có thể lí giải đ­ược về mặt khoa học, đã chế ngự sức mạnh bản năng ở ng­ười con gái của mình để khi ra khỏi rừng, sông Hư­ơng nhanh chóng mang một sắc đẹp dịu dàng và trí tuệ, trở thành ng­ười mẹ phù sa của một vùng văn hoá xứ sở. Nếu chỉ mải mê nhìn ngắm khuôn mặt kinh thành của nó, tôi nghĩ rằng người ta sẽ không hiểu một cách đầy đủ bản chất của sông H­ương với cuộc hành trình gian truân mà nó đã vư­ợt qua, không hiểu thấu phần tâm hồn sâu thẳm của nó mà dòng sông hình như­ không muốn bộc lộ, đã đóng kín lại ở cửa rừng và ném chìa khoá trong những hang đá d­ưới chân núi Kim Phụng.

         (Ai đã đặt tên cho dòng sông? – Hoàng Phủ Ngọc Tường, Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2018, tr.198)

         Cảm nhận của anh/ chị về hình tượng sông Hương trong đoạn trích trên. Từ đó, nhận xét cách nhìn mang tính phát hiện về dòng sông của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường.

BÀI LÀM MẪU

I.  ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)

 

Câu 1. Đoạn trích trên được viết theo thể thơ: Tự do

Câu 2. Nội dung hai câu thơ:

Vầng trán mặn giọt mồ hôi cay đắng

Bao kiếp vùi trong đáy lạnh mù tăm

– Bằng cách sử dụng các từ ngữ như: “mồ hôi cay đắng”; “vùi”, “đáy lạnh mù tăm”…Nhà thơ Vũ Quần Phương đã nói lên những vất vả, gian khổ, hi sinh của con người vùng biển.

– Qua những vất vả, hi sinh ấy nhà thơ đã bộc lộ niềm cảm thông, sự xót xa thương cảm đối với bao kiếp người bám biển mưu sinh.

Câu 3. Hiệu quả của phép điệp trong các dòng thơ:

Cái hào hiệp ngang tàng của gió 

Cái kiên nhẫn nghìn đời sóng vỗ 

Cái nghiêm trang của đá đứng chen trời 

Cái giản đơn sâu sắc như đời

– Phép điệp trong bốn dòng thơ trên tạo nên nhịp điệu thơ dồn dập, làm đoạn thơ giàu tính nhạc, tạo giọng điệu hào hứng, say mê.

– Ngoài ra phép điệp trong bốn dòng thơ còn tạo sự xuất hiện liên tiếp các hình ảnh: “hào hiệp ngang tàng” của “gió”; “kiên nhẫn” của “sóng”; “nghiêm trang” của “đá”…, mở ra bức tranh biển cả phong phú, đẹp đẽ, sống động, hùng vĩ, tráng lệ.

Câu 4.

         – Hành trình theo đuổi khát vọng được thể hiện trong đoạn trích là hành trình gian khó, nhiều thách thức, thể hiện ý chí mạnh mẽ của con người được tiếp nối qua nhiều thế hệ.

         – Hành trình ấy gợi cho em suy nghĩ: để đạt được thành công trong cuộc đời, con người phải biết:

         +  Kiên nhẫn, chịu thương chịu khó.

         + Có ý chí mạnh mẽ khi đương đầu với khó khăn thử thách cũng như biết vượt qua những chông gai, trở ngại.

         + Phải đề ra mục đích, theo đuổi khát vọng và luôn can đảm, dũng cảm bước tiếp nếu vấp ngã, thất bại.

         + Phải sống lạc quan, yêu đời.

 

II. LÀM VĂN (7.0 điểm)

 

Câu 1.

       

           Ý chí nghị lực là một trong những phẩm chất cao quý của con người. Có ý chí, nghị lực ta luôn vững vàng trước thử thách phong ba. Khó khăn cho ta kinh nghiệm; nghịch cảnh cho ta môi trường để rèn luyện bản lĩnh. Và qua khó khăn đó, ý chí nghị lực được hình thành, tôi luyện và trở thành bộ giáp vững chắc để ta hiên ngang giữa cuộc đời. Người có ý chí là người luôn dám đương đầu với mọi thử thách, luôn bền gan vững chí trước mọi sóng lớn gió to. Họ sống mạnh mẽ, cứng cỏi, kiên cường; thất bại không nản, thành công không tự mãn. Nguyễn Ngọc Ký thiếu đi đôi tay nhưng không ngừng nỗ lực để trở thành một người thầy đáng kính, Nick Vujick sinh ra với tứ chi khiếm khuyết nhưng chưa một lần chịu thua số phận… Họ chính là những tấm gương sáng, đem đến cho ta bài học quý báu về giá trị của ý chí, nghị lực và sự quyết tâm. Người có ý chí, nghị lực biết khắc phục hạn chế của bản thân, tìm ra đường đi từ ngõ cụt, biết xuyên thủng màn đêm của khó khăn để bước ra ánh sáng. Họ biết dùng ý chí để thôi thúc, nuôi dưỡng khát vọng, nỗ lực hành động. Bởi thế ý chí nghị lực là sức mạnh vô hạn tận giúp người sở hữu nó chiến thắng tất cả để bước tới thành công.

          Câu 2.

           Ai đó đã từng viết “Đất nước có nhiều dòng sông nhưng chỉ có một dòng sông để thương và để nhớ như đời người có nhiều cuộc tình nhưng chỉ có một cuộc tình để mãi mãi mang theo”. Vâng! ai rồi cũng có một dòng sông “để thương và để nhớ” nhưng nỗi nhớ mang theo ở mỗi người lại một vẻ. Quang Dũng nào quên “khúc độc hành” của dòng sông Mã, Tế Hanh nhớ “con sông xanh biếc”, Hoài Vũ mênh mang phù sa Vàm Cỏ, …Và với Hoàng Phủ Ngọc Tường dòng sông mang theo chính là nàng Hương của xứ Huế mộng mơ qua bút ký “Ai đã đặt tên cho dòng sông”. Bút ký này như một trường ca viết về dòng Hương giang với bao tiết tấu, bao trường đoạn, lúc sôi nổi mãnh liệt, khi dịu dàng đằm thắm…Đặc biệt là đoạn sông Hương ở thượng nguồn:

         “Trong những dòng sông đẹp ở các nư­ớc mà tôi thư­ờng nghe nói đến,[…] đã đóng kín lại ở cửa rừng và ném chìa khoá trong những hang đá d­ưới chân núi Kim Phụng.”

         Hoàng Phủ Ngọc Tường là nhà văn có phong cách độc đáo. Những trang viết của ông là sự kết hợp giữa văn phong khoa học với chất trí tuệ và tính trữ tình, giữa nghị luận sắc bén với suy tư đa chiều; giữa địa lý và lịch sử; giữa văn hóa và văn học. Ông có sở trường về bút ký và tùy bút.

               Là nhà văn gốc Quảng Trị nhưng trưởng thành ở Huế, gắn bó với Huế và đã hơn nửa cuộc đời sống bên cạnh dòng sông Hương trước khi viết tuỳ bút này. Nên hơn ai hết, Hoàng Phủ Ngọc Tường rất am hiểu Hương giang. Sông Hương với ông cũng như một người tình mà suốt cả cuộc đời ông trăn trở đi tìm và lý giải cội nguồn tên gọi. Tuỳ bút này được nhà văn viết tại Huế năm 1981, in trong tập cùng tên. Đoạn trích trên là đoạn nằm ở phần đầu của văn bản – đoạn tả sông Hương ở thượng nguồn 

         Cả bài kí dường như là cuộc hành trình tìm kiếm cho câu trả lời đầy khắc khoải “Ai đã đặt tên cho dòng sông?”. Và cuộc tìm kiếm, lí giải tên gọi của dòng sông ấy đã trở thành cuộc tìm kiếm đầy hào hứng và say mê không chỉ của vẻ đẹp diện mạo hình hài mà còn là nét đẹp tâm hồn sâu lắng. Thủy trình của dòng sông được nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường quan sát đa chiều, nhiều góc độ. Có khi là góc độ địa lý, khi ở góc nhìn hội họa, cổ tích. Mỗi góc nhìn khác nhau mang đến những vẻ đẹp riêng, lộng lẫy, kiêu sa. Tất cả hiện dần lên dưới ngòi bút đa tài của nhà văn họ Hoàng.

         Đoạn văn mở đầu bằng một nhận xét: “trong những dòng sông đẹp ở các nước mà tôi thường nghe nói đến, hình như chỉ Sông Hương là thuộc về một thành phố duy nhất”. Trong lời mở đầu nồng nàn ấy, tác giả đã đặt vị trí của sông Hương ngang bằng với những “dòng sông đẹp” của thế giới – nhưng trên hết tác giả khẳng định rằng “chỉ Sông Hương là thuộc về một thành phố duy nhất”. Lời khẳng định ấy dù mang tính chủ quan, thiên vị nhưng đã phần nào thể hiện được niềm tự hào mãnh liệt của tác giả về dòng sông quê hương – dòng sông thi ca đất mẹ.

          Đằng sau lời nhận xét đầy chất văn chương ấy, tác giả đã nhân cách hóa, sử dụng bút pháp miêu tả kết hợp nhiều động từ mạnh làm nổi bật vẻ đẹp phong phú của sông Hương ở đại ngàn.

         Sông Hương ở thượng nguồn có mối quan hệ sâu sắc với dãy Trường Sơn. Bằng vốn am hiểu địa lý, cấu trúc lãnh thổ cũng như am hiểu địa hình hiểm trở, tác giả đã làm hiện lên thật sống động hình ảnh của sông Hương ở rừng già. Ít ai biết được rằng, “trước khi về với vùng châu thổ êm đềm”, sông Hương đã phải trải qua một cuộc hành trình đầy gian lao nhọc nhằn với bao dốc thẳm, vực sâu, qua bao ghềnh thác. Dòng chảy ấy được tác giả so sánh ví von như “bản trường ca” của rừng già. “Bản trường ca” là một liên tưởng độc đáo. Trường ca là một áng văn chương có dung lượng lớn thường viết với cảm hứng ngợi ca. Bản trường ca thường nhiều trường đoạn, nhiều tiết tấu, lúc bổng lúc trầm; lúc tha thiết bi ai, khi sử thi hùng tráng. Liên tưởng như vậy kết hợp với so sánh “như một cơn lốc” – nhà văn đã mang đến cho người đọc vẻ đẹp của một con sông với dòng chảy hùng vĩ, tráng lệ. Trong cái nhìn của nhà văn, Sông Hương hiện lên như một “cô gái Di Gan phóng khoáng và man dại”. Hai tính từ “phóng khoáng” và “man dại” gợi liên tưởng thú vị, độc đáo về cuộc sống tự do của cô thiếu nữ Bô-hê-miêng xinh đẹp – những cô gái Di-gan thích sống lang thang, yêu tự do và yêu ca hát, nhảy múa có vẻ đẹp quyến rũ toát ra từ thân hình bốc lửa, tràn trề nhựa sống. Sự liên tưởng ấy gợi ra dòng chảy hung hãn, mãnh liệt, dạt dào sức sống. Thầy Phan Danh Hiếu

         Bởi vậy, dòng chảy ấy cũng giống như điệu múa của cô gái Di Gan, một vũ khúc giữa rừng già: một bản tr­ường ca của rừng già, rầm rộ giữa bóng cây đại ngàn, mãnh liệt qua những ghềnh thác, cuộn xoáy như­ cơn lốc vào những đáy vực bí ẩn, và cũng có lúc nó trở nên dịu dàng và say đắm giữa những dặm dài chói lọi màu đỏ của hoa đỗ quyên rừng”. Sông Hương qua câu văn ấy thật đẹp. Chỉ mấy lời văn mà tác giả đã huy động một loạt tính từ, động từ, phép so sánh, nhân cách hóa, phép điệp cấu trúc…“bản trường ca”, “rầm rộ”, “mãnh liệt”, “cuộn xoáy”, “bí ẩn” làm dòng sông trở nên sinh động, có hồn cốt. Câu văn kéo dài được ngăn cách bởi những dấu phẩy tạo thành kiểu câu phức trùng điệp. Nhịp điệu câu văn dồn dập, tiết tấu mạnh mẽ tạo nên dòng chảy cuồn cuộn, bạo liệt. Ta có thể hình dung âm thanh cuồng nộ, tiếng nước thác gào thét, hung hãn, băng băng, “rầm rộ” giữa rừng già Trường Sơn. Đến địa hình dốc cao, vực thẳm, sông Hương trở nên “mãnh liệt”, mạnh mẽ băng qua bao thác ghềnh. Có lúc nó dữ dội, xoáy trào, ào ạt, cuộn xoáy như lốc dữ vào những đáy vực bí ẩn. Đó là vẻ đẹp hùng vĩ, tráng lệ của dòng chảy thượng nguồn – nơi con sông sinh ra và lớn lên được người mẹ rừng già vun đắp và trao ban cho sức sống thiên nhiên hoang dại, tràn trề nhựa sống.

         Qua phép tương phản đối lập, ta thấy đằng sau nét dữ dội hùng vĩ ấy chính là một sông Hương thơ mộng trữ tình. Khi chảy qua khu vực đồi núi thấp, sông Hương lại trở nên: “dịu dàng và say đắm giữa những dặm dài chói lọi màu đỏ của hoa đỗ quyên rừng”. Tính từ “dịu dàng” gợi ra vẻ đẹp hiền dịu, nữ tính, thùy mị. Động từ “say đắm” lại gợi ra dòng chảy êm đềm, nhẹ nhàng, mê hoặc. Hai bên bờ sông, hoa đỗ quyên rừng nở ra màu đỏ “chói lọi” soi bóng xuống dòng Hương làm cho con sông ấy thêm phần quyến rũ gợi bao nhớ thương, quyến luyến. Đó là tính cách hiền hòa, trong sáng, mà cũng kiêu sa lộng lẫy của dòng sông khi chảy giữa bao la rừng già. 

          Có thể nói, hai nét tính cách hùng vĩ và thơ mộng đã đan cài và dệt nên chất thơ, chất hùng của dòng sông mang tên một người con gái. Nhưng sông Hương không chỉ có ngoại hình “phóng khoáng và man dại” mà nó còn hiện lên với vẻ đẹp tâm hồn và trí tuệ. Sông Hương là đứa con của rừng già Trường Sơn. Chính vì có nửa đời gắn bó với Trường Sơn mà sông Hương đã được đại ngàn ban cho “một bản lĩnh gan dạ, một tâm hồn tự do và trong sáng”. Sự nhân cách hóa này làm dòng sông hiện lên không chỉ có nét hoang dại đầy cá tính mà còn hiện lên như một sinh thể sống động có chiều sâu tâm hồn, có nhân cách và trí tuệ. Thầy Phan Danh Hiếu

         Bằng tình yêu tự do, bằng bản lĩnh gan dạ, sông Hương đã vượt qua hành trình gian truân để ra khỏi rừng già Trường Sơn và hóa thân thành “người mẹ phù sa của một vùng văn hóa xứ sở”.

         Tiếp tục nhân cách hóa, sử dụng bút pháp miêu tả và kết hợp liên tưởng thú vị, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã mang đến một cách nhìn mới mẻ. Ông nhận ra sức mạnh của rừng già đã chế ngự bản năng của người con gái để khi ra khỏi rừng già Trường Sơn, sông Hương nhanh chóng mang một: “sắc đẹp dịu dàng và trí tuệ, trở thành người mẹ phù sa của một vùng văn hoá xứ sở”. Ngòi bút giàu chất thơ lai láng của Hoàng Phủ Ngọc Tường quả có sức ru lòng người. Nếu trước đó sông Hương hiện lên với những từ ngữ góc cạnh, dữ dội “cuộn xoáy, mãnh liệt, rầm rộ” làm toát lên nét linh thiêng, hùng vĩ của dòng chảy thượng nguồn, thì ở đây nhiều tính từ mĩ miều đã xuất hiện để tôn vinh vẻ đẹp trời phú của Hương giang: “dịu dàng”, “trí tuệ”, “người mẹ phù sa”…Những mỹ từ ấy cũng đã góp phần tô đậm thêm nét nữ tính, yêu kiều của nàng Hương đắm say và bí ẩn. Có thể hình dung, người con gái ấy sau bao ghềnh thác dữ dội đã tìm được cho mình nét “dịu dàng”, sau những trải nghiệm gian truân đã làm cho tâm hồn mình giàu “trí tuệ”. Người mẹ đại ngàn bao la đã bồi đắp cho cho đứa con gái mình yêu tất cả những nét đẹp bản năng lẫn tinh thần cao đẹp để từ đây, sông Hương đã hóa thân mình mà hiến tặng cho Huế, mà bồi đắp cho mảnh đất này thành “phù sa văn hóa”. Bởi vậy, khi ra khỏi rừng già, sông Hương đã hóa thân thành “người gái đẹp ngủ mơ màng giữa cánh đồng Châu Hóa đầy hoa dại”; khi chảy qua lăng tẩm đền đài, nàng mang nét đẹp “trầm mặc như triết lý, như cổ thi”; khi về Huế nàng hóa thân thành “tiếng vâng không nói ra của tình yêu”; thành “người tài nữ đánh đàn lúc đêm khuya” để sản sinh ra nền âm nhạc cổ điển Huế; là “nàng Kiều trong đêm chí tình trở lại tìm Kim Trọng”. Sông Hương đã ban tặng cho Huế dòng sông thơ, dòng sông của chứng nhân lịch sử và dòng sông như cô gái đẹp hiến dâng cho Huế thành miền đất mộng mơ.

         Cuối đoạn trích, nhà văn thêm vào lời nhận xét: “nếu chỉ mải mê ngắm nhìn khuôn mặt kinh thành, tôi nghĩ rằng người ta sẽ không hiểu một cách đầy đủ bản chất của sông Hương với cuộc hành trình gian truân mà nó đã vượt qua”. Lời trữ tình ấy như thể là một lời nhắn nhủ, một lời giãi bày cho hành trình đầy gian khổ của sông Hương. Vì sao nhà văn phải giãi bày? Vì ở mỗi trường đoạn, cô gái ấy lại thay đổi mình. Khi ra khỏi Trường Sơn, dòng sông đã “đóng kín lại ở cửa rừng và ném chìa khoá trong những hang đá dưới chân núi Kim Phụng”. Từ đây nàng khoá chặt tâm hồn thẳm sâu của mình “không muốn bộc lộ” và tiếp tục cuộc hải trình đi tìm “người tình mong đợi”. Nàng đã giấu đi quá khứ oanh liệt của mình, đã vĩnh viễn ở lại cánh rừng đại ngàn kia. Đó là vẻ đẹp kín đáo, thâm trầm mà sâu sắc, là chiều sâu vẻ đẹp tâm hồn sông Hương.

          Đoạn văn vừa phân tích trên đây đã cho thấy cái nhìn mới mẻ, đầy yêu thương và cũng là những khám phá đầy tính nghệ thuật của ngòi bút tài hoa – Hoàng Phủ Ngọc Tường. Nhà văn nhìn sông Hương không chỉ như một dòng chảy tự nhiên “phóng khoáng”, “man dại” với sức sống tràn trề, năng lượng dạt dào, dòng chảy dũng mãnh rầm rộ như bản trường ca cuộn xoáy; nhưng cũng có lúc “dịu dàng say đắm”. Mà còn nhìn sông Hương như một con người với vẻ đẹp tâm hồn sâu thẳm, giàu trí tuệ, nữ tính. Không chỉ nhìn hành trình gian truân mà nó vượt qua mà còn cảm nhận được vai trò của dòng sông này trong việc sinh thành nên văn hóa Huế. Qua đó bộc lộ tình yêu quê hương da diết, đắm say của tác giả.

         Bút ký “Ai đã đặt tên cho dòng sông” còn để lại dấu ấn phong cách nghệ thuật của Hoàng Phủ Ngọc Tường: trước hết là chất trí tuệ của một cái tôi uyên bác: viết về sông Hương, Hoàng Phủ Ngọc Tường thể hiện một sự hiểu biết sâu rộng về mọi mặt: văn hóa, lịch sử, địa lí, văn học nghệ thuật… Nhà văn đã cung cấp cho người đọc một lượng thông tin đa dạng để hiểu sâu hơn về dòng sông Hương và thiên nhiên, con người Huế. Tác phẩm cũng mang phong cách ký đậm chất trí tuệ, giàu chất thơ, chất trữ tình của nhà văn.

         Để mang đến vẻ đẹp đa dạng của sông Hương, nhà văn đã sử dụng bút pháp miêu tả, nhân cách hoá, so sánh, liên tưởng độc đáo. Ngôn ngữ vừa trí tuệ vừa giàu chất thơ, chất họa. Giọng văn mượt mà, truyền cảm. Bài ký rất tiêu biểu cho phong cách của Hoàng Phủ Ngọc Tường: kết hợp nhuần nhuyễn giữa chất trí tuệ và tính trữ tình, giữa nghị luận sắc bén và suy tư đa chiều, lối hành văn hướng nội, súc tích, mê đắm và tài hoa…Tất cả đã hòa quyện lại dưới ngòi bút của Hoàng Phủ Ngọc Tường và chắp cánh, nâng đỡ cho tâm hồn nhà văn thăng hoa cùng tác phẩm.

          Pau-top-xki đã từng nói: “Niềm vui của nhà văn chân chính là niềm vui của người mở đường đến với xứ sở của cái đẹp”. Phải chăng bằng ngòi bút tài hoa và tấm lòng người nghệ sĩ luôn nặng lòng với quê hương xứ sở – Hoàng Phủ Ngọc Tường đã tìm thấy được niềm vui ấy khi mở đường dẫn lối cho người đọc đến với sông Hương và xứ Huế mộng mơ.

Thầy giáo Phan Danh Hiếu

Giáo viên trường THPT Trấn Biên, Biên Hòa, Đồng Nai

Admin các trang Web và Fanpage, Youtube

1.   Youtube: Văn học Online

2.   Fanpage:  Thầy Phan Danh Hiếu

3.   Fanpage: Đề Thi Quốc Gia Môn Văn

4.   Webside:

– Học Online: https://vanhocthpt.ccom

– Thông tin điểm chuẩn và tư vấn ngành nghề: https://kenhmuong14.com  

Xem thêm: Đề thi thử môn Văn