Đề thi thử Ngữ văn Quốc Gia số 19

0
28069
logo A

MỤC LỤC BÀI VIẾT

ĐỀ THI THỬ MÔN NGỮ VĂN QUỐC GIA SỐ 19

Giáo viên ra đề: Phan Danh Hiếu – chủ biên nhiều sách tham khảo Luyện thi ĐH môn Ngữ Văn

PHẦN I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

(1) Không thể phủ nhận trong xã hội hiện nay vẫn tồn tại kiểu người vô cảm trước nỗi đau của đồng loại, sống thiếu trách nhiệm với cộng đồng, chỉ quan tâm đến những cảm giác và cảm xúc của cá nhân… Tuy nhiên, những điều chưa tốt đó đã bị khai thác quá nhiều, khoét quá sâu nên nhiều người dễ nghĩ đó là sự phổ quát. Hơn nữa, người ta thường có xu hướng nhìn thấy những cái xấu nhiều hơn cái tốt, vì thế mọi sự liên quan đến hành vi xấu dễ bị đánh giá chủ quan.

(2) Trong khi đó, những điều giản đơn như gặp người lớn phải chào thưa, gặp người thân lễ phép, gặp người ơn phải trân quý, kính trọng… được cụ thể hóa thành những điều bình dị rất đời thường, ngay trong chính mỗi gia đình. Lớn lên trong lời ru của mẹ, trưởng thành từ chiếc nôi gia đình với những câu ca dao, tục ngữ; những bài học làm người khó quên… Tất cả là hành lang quan trọng để người ta làm người tử tế.

[…]

(3) Tuy nhiên, sự tử tế không phải là tài sản quý theo kiểu của để dành cũng không phải là món quà tự nhiên được ban tặng mà đó là hành trình làm người, hoàn thiện bản thân. Sự tử tế có được nhờ nguyên tắc của việc làm theo cái đúng dẫu là bắt chước; dựa trên quá trình rèn giũa, điều chỉnh và hoàn thiện để có những suy nghĩ, bày tỏ cảm xúc và hành vi tốt – ngay cả với nút like hay những dòng bình luận trên mạng xã hội.

(Dẫn theo https://nld.com.vn/ban-doc/de-dieu-tu-te-tro-nen-binh-thuong-su-tu-te-khong-phai-la-mon-qua-20171009222913227.htm)

Câu 1. Chỉ ra thao tác lập luận chính của văn bản?

Câu 2. Theo tác giả, không thể phủ nhận điều gì trong xã hội hiện nay?

Câu 3. Chỉ ra 01 phép tu từ trong đoạn văn (2) và nêu tác dụng của phép tu từ đó?

Câu 4. Anh/chị có đồng tình với ý kiến : “Sự tử tế có được nhờ nguyên tắc của việc làm theo cái đúng dẫu là bắt chước” ? Vì sao?

PHẦN II. LÀM VĂN (7.0 điểm)

Câu 1. (2.0 điểm)

Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, Anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về sự Tử tế

Câu 2. (5.0 điểm)

Cảm nhận của Anh/chị về vẻ đẹp của tâm hồn người phụ nữ đang yêu qua bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh (Ngữ Văn 12 – tập 1)

ĐÁP ÁN ĐỀ THI THỬ NGỮ VĂN

PHẦN I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)

Câu 1.  Thao tác lập luận chính: bình luận (0.5 điểm)

Câu 2. Theo tác giả: “Không thể phủ nhận trong xã hội hiện nay vẫn tồn tại kiểu người vô cảm trước nỗi đau của đồng loại, sống thiếu trách nhiệm với cộng đồng, chỉ quan tâm đến những cảm giác và cảm xúc của cá nhân…” (0.5 điểm)

Câu 3. Chỉ ra 01 phép tu từ trong đoạn văn 2:

  • Học sinh có thể nêu 1 trong 2 phép tu từ sau đều có điểm:

+ Điệp từ “gặp” hoặc phép Liệt kê. (0.5 điểm) (Lưu ý: Chỉ nêu tu từ mà không chỉ ra biểu hiện thì cho 0.25)

+ Tác dụng: Tùy vào việc học sinh chọn phép tu từ nào ? Từ đó nêu đúng tác dụng của phép tu từ đó (0.5 điểm)

Câu 4. Anh/chị có đồng tình với ý kiến : “Sự tử tế có được nhờ nguyên tắc của việc làm theo cái đúng dẫu là bắt chước” ? Vì sao?

  • Học sinh có thể trả lời đồng tình hoặc không đồng tình (0.25 điểm)
  • Lý giải hợp lý: (0.75)

PHẦN II. LÀM VĂN (7.0 điểm)

Câu 1. Học sinh có thể làm theo nhiều cách khác nhau miễn là làm nổi bật được ý nghĩa của Tử tế. Có thể tham khảo các ý sau:

– Tử tế là sự ứng xử có văn hóa, sống biết trước, biết sau; luôn làm những việc có ích, luôn mang lại những điều tốt đẹp cho mọi người.

– Sống tử tế sẽ mang đến sự ấm áp, tin cậy lẫn nhau; tử tế mang lại những giá trị thật

– Sự tử tế mang lại một xã hội văn minh, lịch sự; tử tế sẽ đẩy lùi sự vô cảm, vô ơn

– Người tử tế sẽ được mọi người kính trọng, tin tưởng.

– Phê phán những kẻ sống thiếu tử tế; rèn luyện cho bản thân sự tử tế, sống có văn hóa, đạo đức

Câu 2. Các ý cần đạt

– Giới thiệu vấn đề: vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật trữ tình

– Giới thiệu vài nét khái quát về Xuân Quỳnh 

 Nội dung cần đạt: 

  •  Vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ đang yêu trong bài thơ Sóng:

++ Mượn hình tượng Sóng để diễn tả nỗi lòng, người con gái khi yêu mang một tâm hồn giàu cảm xúc, giàu cung bậc trong tình yêu: khi sôi nổi nồng nàn, khi dịu dàng say đắm.

++ Cá tính, không chấp nhận sự gò bó, chật hẹp trong tình yêu; khát vọng vượt ra khỏi những giới hạn.

++ Tình yêu say đắm, hồn nhiên và vô tư trong trẻo (không cắt nghĩa được tình yêu)

++ Giàu tình cảm, giàu khát vọng: nhớ thương đến cháy bỏng, nồng nàn thủy chung trong tình yêu, tin tưởng vào sự vững vàng của tình yêu sẽ vượt qua bao sóng gió; đầy âu lo nhưng lại vượt qua bởi khát vọng bất tử hóa tình yêu.

  • Đánh giá nội dung và nghệ thuật:

Nội dung: Qua hiện tượng của đất trời, Xuân Quỳnh nhận ra sự đồng điệu của trái tim người phụ nữ đang yêu: đằm thắm, dịu dàng, nữ tính, nồng nàn say đắm, hạnh phúc trong tình yêu. Mượn hình tượng Sóng, tác giả khát khao được hòa nhập trọn vẹn tình yêu, tuổi trẻ và bản thể của mình để vượt qua sự hữu hạn mong manh của cuộc đời, để bất tử hóa tình yêu.

Nghệ thuật: Thể thơ 5 chữ giàu nhịp điệu. Sử dụng nhiều phép tu từ: nhân hóa, ẩn dụ, câu hỏi tu từ, điệp ngữ… Ngôn ngữ thơ mộc mạc, giản dị. Giọng thơ nữ tính, trực cảm, chân thành.

  •  Kết thúc vấn đề: Học sinh đánh giá nâng cao vấn đề.

Trích khóa học Ngữ văn điểm 8+

Ghi rõ nguồn từ thầy Phan Danh Hiếu nếu bạn muốn trích đăng lại. Trân trọng cảm ơn!

 

logo A